Nuôi loại cá 'nhà giàu' ở nước lạnh, vợ chồng người Nùng thu tiền tỷ

Có lần gần 2.000 con cá tầm bị chết vì nước đục do lũ, mất hơn 200 triệu đồng, nhưng hai vợ chồng người Nùng ở Hà Quảng không nao núng. Với nguồn nước đầu nguồn “trời cho”, mô hình nuôi cá tầm đã giúp họ thu tiền tỷ.

Làm giàu nhờ nước suối đầu nguồn

Trên hành trình tham quan Khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia đặc biệt Pác Bó (Cao Bằng), nhiều du khách ghé thăm trại cá tầm Pác Bó ở xóm Bản Hoàng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Đây là mô hình kinh tế tiêu biểu của vợ chồng anh Nguyễn Văn Công.

Cá tầm có giá bán trên thị trường khá cao (từ 400-500 nghìn đồng/kg ở Hà Nội), được người tiêu dùng ví như cá cho nhà giàu. 

Anh Công kể về hành trình khởi nghiệp: "Nhà mình bắt đầu nuôi cá tầm từ năm 2017. Sau khi tham quan, học hỏi một số mô hình, thấy hiệu quả cao, địa phương lại có điều kiện tự nhiên phù hợp, hai vợ chồng quyết định đầu tư khoảng 200 triệu đồng từ tiền tích lũy, giúp đỡ của người thân và vay ngân hàng”.

W-dan toc thieu so 3.jpg

Cá tầm đòi hỏi môi trường nước sạch, nhiệt độ từ 18-25 độ C. Nếu nước ô nhiễm, cá dễ nhiễm bệnh và chết. Nhờ nguồn nước suối đầu nguồn từ trên núi, anh Công không lo thiếu nước sạch. Hệ thống nước chảy liên tục vào bể nuôi, đảm bảo đủ oxy cho cá phát triển.

Ban đầu, vợ chồng anh chỉ nuôi thử nghiệm vài trăm con, sau tăng lên hàng nghìn, rồi mỗi năm khoảng vạn con. Nguồn giống chủ yếu lấy từ Sa Pa (Lào Cai) và Yên Bái. Tuy nhiên, do vận chuyển xa, cá giống dễ bị ngạt.

W-dan toc thieu so 8.jpg

Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có rất ít cơ sở nuôi cá tầm, thiếu cán bộ tư vấn kỹ thuật, trong khi các trung tâm nghiên cứu hỗ trợ lại ở xa. Điều này khiến anh Công gặp không ít khó khăn trong việc phòng và điều trị bệnh cho cá.

Từ khi triển khai mô hình nuôi cá tầm, vợ chồng anh không ít lần lao đao vì rủi ro. Cá bị bệnh, không kịp chữa trị, thiệt hại cả loạt con giống. Những năm bão lũ kéo dài, nước đục cũng khiến cá chết hàng loạt.

"Lần thiệt hại nặng nhất là năm 2014, sau lũ, nước đục kéo dài khiến gần 2.000 con cá tầm chết, mình mất trắng hơn 200 triệu đồng. Dù vậy, mình vẫn kiên trì, vì xác định nuôi cá tầm không thể tránh rủi ro", anh Công chia sẻ.

W-dan toc thieu so 13.jpg
W-dan toc thieu so.jpg

Dù được đánh giá là mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhưng không phải hộ nào cũng dám đầu tư. Vốn ban đầu lên đến hàng trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống bể nuôi, lắp đặt đường ống dẫn nước, mua giống và thức ăn...

"Mới đây, nhà mình đầu tư thêm bể nuôi, tổng diện tích khoảng 1.000m2 mặt nước. Khi muốn tăng sản lượng sẽ thả thêm cá. Tính đến nay, tổng chi phí cho trại cá đã gần 700 triệu đồng", anh Công cho biết.

W-dan toc thieu so 14.jpg

Đưa cá tầm tới các thành phố lớn

Một tín hiệu tích cực đối với những hộ dân muốn nuôi cá tầm là chính quyền địa phương đã có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí. 

Anh Công cho biết: "Vợ chồng mình được nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để mua con giống, giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư". 

Theo anh, cá tầm nuôi khoảng 1-1,5 năm sẽ đạt trọng lượng từ 2-3kg. Thông thường, trại cá của anh Công bán loại cá này, nhưng vào dịp cuối năm, anh sẽ xuất bán loại cá lớn hơn, trọng lượng 4-5kg. Với sản lượng đạt khoảng 4-5 tấn mỗi năm, giá bán dao động quanh mốc 250.000 đồng/kg, vợ chồng anh thu về hàng tỷ đồng. Không chỉ thoát nghèo, nhà anh còn trở thành hộ sản xuất khá giả trong vùng.

Nhiều nhà hàng tại Cao Bằng đã trở thành khách hàng thân thiết của Trại cá tầm Pác Bó. Chỉ cần một cuộc điện thoại hoặc đặt hàng qua mạng, chủ trại sẵn sàng lựa chọn loại cá phù hợp theo yêu cầu, sơ chế sạch sẽ rồi vận chuyển nhanh chóng. 

W-dan toc thieu so 16.jpg

Hiện nay, thị trường tiêu thụ của trại cá chủ yếu là khách hàng trong tỉnh. Tuy nhiên, anh Công có kế hoạch mở rộng quy mô nếu nhu cầu thị trường tăng cao. Dự kiến, trại cá có thể cung cấp sản phẩm về Hà Nội, đồng thời tính toán phương án liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định.

"Có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp giúp người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, để nuôi cá tầm, bà con cần có kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn vốn nhất định. Mô hình này không đơn giản. Mình rất mong có thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan thủy sản về kỹ thuật chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho cá để mô hình này phát triển bền vững", anh Công chia sẻ.

Ông Lưu Trọng Hính, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho biết huyện đang tập trung phát triển khá nhiều mô hình phát triển kinh tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó mô hình chăn nuôi cá nước lạnh đang được tập trung tại khu vực Pác Bó, nhân rộng sang một số địa phương khác có nguồn nước lạnh đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn nuôi loại cá này.

Lợi nhuận từ cá tầm tương đối lớn. Toàn huyện hiện có nhiều mô hình nuôi cá tầm đang phát huy hiệu quả. Ước tính mỗi năm, người nuôi cá tầm lãi khoảng 2 tỷ đồng.

Mô hình nuôi cá tầm đã góp phần cải thiện thu nhập cho người dân và mở hướng đi mới cho ngành thủy sản tại Hà Quảng.