icon icon

Chinh phục sống lưng khủng long Tà Xùa

28 Tết Quý Mão (tức 19/1), sau ba ngày lái xe, gia đình 7 thành viên - 3 thế hệ của anh Dương Đình Thịnh (TP.HCM) đến Tà Xùa - một xã vùng cao thuộc huyện Bắc Yên, nơi giáp ranh của hai huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và Bắc Yên (Sơn La). Trái với khung cảnh tấp nập ngày cận Tết tại các tỉnh, thành dọc Nam - Bắc mà gia đình đi qua, khu vực Tà Xùa vắng vẻ, hàng quán đóng cửa, nhiều homestay cũng không đón khách dịp cận Tết. 

"Trong Nam, khi trời xuống 17-18 độ C, gia đình mình đã cảm thấy sợ. Ở đây, trời lạnh buốt, nhiệt độ chừng 6-7 độ C, sương mù giăng kín, không khí hiu quạnh, buồn thiu. Khi dừng xe, nhìn quang cảnh xung quanh, vợ và các con mình có phần thất vọng. Cả nhà sợ rằng, thời tiết thế này thì khó "gặt hái" được cảnh đẹp nào", anh Thịnh kể.

Lang thang trong vùng, gia đình anh Thịnh bất ngờ gặp một người đàn ông bản địa. Người này chia sẻ, với thời tiết như hiện tại, sáng mai nhất định có biển mây. Điều này như tiếp thêm động lực cho gia đình anh Thịnh. Người đàn ông cũng tận tình giới thiệu gia đình anh về homestay của mình về ăn, nghỉ một đêm.

"Bố vợ tôi năm nay tròn 80 tuổi. Bố xem địa điểm sống lưng khủng long Tà Xùa trên Youtube. Bố mê lắm, rất muốn chinh phục. Nhưng thực sự, tôi hơi lo. Đến tận đêm đó, tôi vẫn nóng ruột không biết có nên đưa bố chinh phục điểm đến mạo hiểm này hay không", anh Thịnh trăn trở.

Trái với sự lo lắng của các con, ông Vân vô cùng hào hứng. Ông dậy rất sớm, chuẩn bị đồ ấm.

Để đến khu vực Sống lưng khủng long, cả gia đình thuê người bản địa, chở bằng xe ôm. Đúng như người chủ homestay dự đoán, sáng ngày 29 Tết, biển mây trắng bồng bềnh xuất hiện, ôm trọn không gian. Từng ngắm biển mây ở Đà Lạt nhưng vợ chồng anh Thịnh vẫn choáng ngợp. Bố mẹ và các con của anh liên tục "Oà" lên phấn khích, quên hết giá lạnh.

Từ xa, "sống lưng khủng long" - con đường mòn trên đỉnh Tà Xùa dài chừng 1,5km uốn lượn trên đỉnh núi, ẩn hiện trong làn mây bồng bềnh, cuồn cuộn trắng muốt đầy mê hoặc.

Đến đoạn đường bắt đầu vào sống lưng khủng long, bà Nhung và các cháu ngoại dừng tại đây nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Vợ chồng anh Thịnh và ông Vân tiếp tục hành trình. "Mẹ mình tuổi cao, hơi yếu trong khi các con nhỏ tuổi, hiếu động nên mình sợ đi xe máy tới sống lưng khủng long không an toàn", anh Thịnh cho biết.

Gia đình 3 thế hệ hạnh phúc chụp ảnh kỷ niệm bên nhau

Từng đi xuyên Việt, đi Campuchia và nhiều nơi bằng xe máy nhưng cung đường sống lưng khủng long vẫn là "thách thức" với vợ chồng anh Thịnh. Những đoạn đường bám vách núi toàn sỏi đá, gồ ghề, không rào chắn, thỉnh thoảng lại xuất hiện rãnh sâu do mưa xói mòn. Nhiều đoạn, đường siêu hẹp, chưa rộng tới 1m. Nếu lái xe không quen đường, không nhiều kinh nghiệm thì khó dám đi qua. Đoạn đường cũng đầy rẫy ổ gà, lúc lên dốc, lúc xuống dốc, người ngồi sau có khi nhắm chặt mắt, tim đập thình thịch. Chênh lệch độ cao cũng khiến 3 thành viên trong gia đình anh Thịnh phải hít thở thật sâu, tìm cách thích nghi dần.

Cuối cùng, gia đình nhỏ cũng vượt qua khoảng 1,5km đờng chinh phục sống lưng khủng long. Ông Vân đứng chiêm ngưỡng thiên nhiên bao la, lòng hân hoan đến tột cùng. Vợ chồng anh Thịnh nhìn bố, mỉm cười hạnh phúc.

"Bố đã 80 tuổi nhưng tinh thần lạc quan, sự bền bỉ, tình yêu du lịch khiến vợ chồng mình quá đỗi ngưỡng mộ", anh Thịnh nói.

Chuyến đi của đại gia đình anh Thịnh bắt đầu từ tối 26 Tết, kéo dài tổng cộng 14 ngày. Từ TP.HCM, vợ chồng anh cùng 3 con (14 tuổi, 11 tuổi, 9 tuổi) về quê vợ - Sa Đéc (Đồng Tháp) để đón bố mẹ.

"Bố mẹ mình yêu thích du lịch từ ngày xưa. Nhất là bố. Bố từng đi gần như toàn bộ các tỉnh, thành Việt Nam nhưng còn một số điểm đến, ông tiếc nuối khi chưa tận mắt chứng kiến. Hiểu mong mỏi của ông, các anh chị em trong nhà đã ấp ủ kế hoạch đưa bố du lịch", anh Thịnh kể.

Vợ chồng anh Thịnh làm kinh doanh studio nên thời gian chủ động, nhất là vào dịp Tết. Anh chị cũng có kinh nghiệm xuyên Việt, du lịch nhiều năm. Do đó, các anh chị em trong gia đình đóng góp kinh phí, tin tưởng giao họ "trọng trách tháp tùng Bố Già chu du một vòng Việt Nam".

Hành trình đón Tết dọc Nam Bắc

Trên chiếc xe 7 chỗ, gia đình di chuyển theo lộ trình TP.HCM - Quy Nhơn - Đà Nẵng - Quảng Bình - Hà Nội - Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn - Móng Cái - Hạ Long - Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định - Thanh Hóa - Huế - Phú Yên - Ninh Thuận - TP.HCM với tổng quãng đường trên 5.500km. 

Hành trang gia đình mang theo là đồ dùng cá nhân, quần áo ấm, máy ảnh và một số đồ nấu bếp, thức ăn nhanh, đề phòng khi không tìm được quán ăn trên đường. Để có đủ quần áo ấm cho cả nhà, chị Vy Tuyết- vợ anh Thịnh phải tìm trước một tháng, đặt mua ở nhiều nơi.

Chị Tuyết và anh Thịnh từng lái xe máy xuyên Việt vào năm 2019. "Chuyến đi đó thật sự đã thay đổi mình rất nhiều. Từ một người ít nói, ngại giao tiếp, mình mở lòng nhiều hơn, thân thiện với mọi người hơn", anh Thịnh nói. "Cũng vì đó, mình muốn các con có cơ hội trải nghiệm như mình để thêm tự tin, cởi mở", anh chia sẻ.

Gia đình đặt tiêu chí "trải nghiệm" thay vì "nghỉ dưỡng" như những chuyến đi ngắn ngày trước đây.

Đi xuyên Tết, gia đình nhỏ có cơ hội trải nghiệm không khí Tết ở nhiều vùng miền, thế nhưng, cái khó là tìm nơi nghỉ ngơi, ăn uống.

Ngày từ Mèo Vạc di chuyển qua Cao Bằng, cả quãng đường dài, các cửa hàng hay cây xăng ven đường đều đóng cửa, nghỉ bán. Đến bữa, khi đã quá đói, cả nhà đành hạ chiếc bếp, nấu mì tôm ăn tạm. 

"Bữa ăn nhanh, đơn giản nhưng cả nhà thấy rất ấm áp", anh Thịnh kể. Sau bữa ăn nhẹ, họ tiếp tục lên đường để tìm cây xăng. Đi qua thị trấn nhưng không một cây xăng nào hoạt động. Chiếc xe bắt đầu báo cạn dầu ở mức báo động. Chị Tuyết Vy, bà Nhung lo lắng không yên.

"Mẹ và vợ mình lòng nóng như lửa đốt, nhất là khi đã đi vào đoạn đường vắng nhà dân. Nhưng mình và bố khá lạc quan. Dù không may hết dầu đi chăng nữa thì cũng có thể dừng xe, chờ người đi đường để nhờ hỗ trợ", anh Thịnh nói.

Thật may, sau đó không lâu, gia đình tìm được cây xăng để tiếp nhiên liệu.

Gia đình dừng chân ở Cao Bằng

Trên hành trình, gia đình nhỏ đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác: Hà Giang hùng vĩ mà mộng mơ, Cao Bằng hoang sơ, Hà Nội nồng nàn, Hạ Long kỳ vĩ... Đây là lần đầu tiên, ba con của anh Thịnh, chị Tuyết trải nghiệm không khí Tết miền Bắc với nhiều nét khác biệt. 

"Người dân miền Bắc trong dịp Tết dường như sống chậm hơn, rất khác so với không khí Tết miền Nam. Cả nhà mình tập quen với cái lạnh, chút vắng vẻ ở nhiều vùng miền nhưng tất cả đều rất đáng yêu. Mình yêu sự yên bình, hoang sơ của những vùng đất tưởng chừng ngủ quên. Nhiều lúc mình cứ đi mà quên luôn cả ngày tháng, gạt bỏ hoàn toàn mọi tất bật cơm áo gạo tiền", anh Thịnh tâm sự.

Theo tính toán của anh Thịnh, chi phí cho việc ăn uống, xăng xe, tiêu vặt, khách sạn, phí cầu đường,... trong chuyến đi khoảng 50 triệu đồng. Trước khi khởi hành, anh mang xe đi bảo dưỡng (thay lốp, dầu nhớt, bố thắng xe, một số bộ phận cân bằng và giảm xóc,...) hết khoảng 30 triệu đồng.

Sau hơn 10 ngày rong ruổi, bố mẹ anh Thịnh ở lại miền Bắc thăm người thân còn anh chị đưa các con quay trở lại TP.HCM.

"Vợ chồng mình đang nghĩ về những chuyến đi mới, những chuyến camping giàu trải nghiệm cùng con. Bố mình đã 80 tuổi nhưng tâm hồn vẫn trẻ trung, nhiệt huyết như tuổi 20. Mình cũng muốn có cuộc đời như vậy và hy vọng các con mình cũng sẽ có cơ hội đó", anh Thịnh tâm sự.

Các con anh Thịnh, chị Tuyết hạnh phúc nô đùa tại Hà Giang

Bài viết: Linh Trang - Thiết kế: Đỗ An

Ảnh: NVCC

Linh Trang

Xem các bài viết của tác giả
Đi đến trang tuyến bài