Trong 28 ngày, Đặng Thương - cô gái 9x, hiện đang làm trong lĩnh vực marketing tại Hà Nội đã lái chiếc xe tay ga vượt quãng đường 3.407km, đến 31 tỉnh thành, 2 hòn đảo (Phú Quý và Lý Sơn), hoàn thành ước mơ đi xe máy xuyên Việt được ấp ủ suốt 5 năm.
"Mình trở về Hà Nội với làn da đen sạm, rám nắng và cân nặng tăng "bất thường" do thưởng thức quá nhiều hải sản, đặc sản vùng miền. Điều quan trọng hơn, mình trở về với một kho kỉ niệm, trải nghiệm đáng nhớ và sự thay đổi trong suy nghĩ. Mình đã dám bước qua vùng an toàn của bản thân, vượt qua những nỗi sợ vô hình để biến điều mình ước mơ thành sự thật", Thương tâm sự.
Xin nghỉ việc, mang vài ba bộ quần áo lên đường xuyên Việt
Thương vốn là cô gái đam mê du lịch, thích đi trải nghiệm, khám phá từ khi còn là sinh viên. Những năm qua, Thương từng lái xe máy đến du lịch các tỉnh, thành ven Hà Nội, chinh phục các cung đường Tây Bắc như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hà Giang. Vừa làm marketing tại một công ty lớn vừa thực hiện dự án khởi nghiệp của bản thân, dù bận rộn, Thương vẫn sắp xếp thời gian chạy bộ, đạp xe để đủ thể lực tham gia trekking cung đường núi như chùa Đồng, Yên Tử (cao 10.68m) và Lảo Thẩn (cao 2.860m).
"Trước đây, chuyến đi dài nhất của mình chỉ kéo dài khoảng 5 ngày. Ấp ủ ước mơ xuyên Việt nhưng mình cứ chần chừ chưa dám thực hiện. Mình không dám nghỉ việc dài ngày, không đủ tự tin đi một mình, lo lắng về các sự cố... Rất nhiều nỗi sợ khác nhau "bao vây" mình", Thương thừa nhận.
"Nhưng rồi một ngày, mình nghĩ, nếu bây giờ mình không bước khỏi nỗi sợ, mãi mãi mình không thể thực hiện giấc mơ", cô nói.
Thương bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi trước 10 ngày và nộp đơn xin nghỉ việc trước khi khởi hành chỉ 2 ngày. Hành trang cô mang theo chỉ là một túi du lịch nhỏ chẳng sau xe và một balo đựng laptop đeo trên lưng.
"Thú thực, ban đầu mình chọn rất nhiều quần áo đẹp, váy vóc đủ kiểu dáng, lên kế hoạch tới đâu thì mặc gì để chụp ảnh cho đẹp. Nhưng việc đó làm đầu óc mình rối tung lên, mệt mỏi", Thương nói. "Rồi mình ngồi suy nghĩ lại: Mục đích chuyến đi thực sự là gì? Chụp ảnh check-in hay trải nghiệm, khám phá và cảm nhận? Kết quả, mình chọn đúng 3 bộ quần áo, thêm áo khoác, khăn và ít đồ cá nhân", Thương cho biết.
Khi đi xuyên Việt, du khách thường mang theo các loại thuốc để phòng trường hợp cảm, sốt, đau bụng... Tuy nhiên, bản thân Thương cho rằng, các loại thuốc này có thể mua dễ dàng. Nhất là khi cô lựa chọn các cung đường quốc lộ, không quá hẻo lánh để di chuyển.
"Mình nghĩ tới hai tình huống xấu nhất, nguy cấp nhất cần phải có đồ y tế ngay. Thứ nhất là say nắng, sốc nhiệt (vì mình bắt đầu hành trình vào giai đoạn nắng nóng gay gắt từ 12/6-9/7), và thứ hai là mất máu. Do đó, mình chuẩn bị bông, băng, gạc và một bình giữ nhiệt loại tốt, có thể trữ đá lạnh trong khoảng 10 tiếng", Thương cho biết.
Thật may, Thương không cần phải sử dụng đồ y tế cá nhân bất cứ lúc nào. "Chiếc áo khoác dày và mũ bảo hiểm fullface đã "cứu" mình khỏi nắng nóng cháy da miền Trung", Thương nói.
"Rùng mình" nhớ lại cảnh vượt đèo trong mưa, sét
Thương không độc hành hoàn toàn trong hành trình xuyên Việt. Trên nhiều cung đường, cô có bạn bè đón rồi cùng du lịch qua vài ba tỉnh, tùy theo điều kiện thời gian họ có.
Tại Huế, Hội An, Đà Nẵng, Thương đều có các bạn bè hỗ trợ, đồng hành, "chỉ điểm" những điểm ăn uống, tham quan lý tưởng
Một người bạn chung đam mê du lịch đã xin nghỉ phép 10 ngày, di chuyển từ Sài Gòn ra Pleiku (Gia Lai) để chờ Thương, cùng nhau lái xe khám phá cung Tây Nguyên, ven biển Nam Trung Bộ. Để đến đón bạn, Thương lái xe từ Quảng Ngãi tới Pleiku, trong đó phải vượt khoảng 100km đường đèo. "Mình rất yêu thích Tây Nguyên nên háo hức được khám phá cung đường này. Mình hơi tiếc khi mình tới Tây Nguyên đúng mùa mưa và điều mình không ngờ tới là thời tiết tại đây diễn biến rất thất thường, thay đổi chóng mặt theo độ cao từng khu vực. Cùng cung đường đó nhưng có nơi nắng chói chang, có nơi mưa xối xả, thậm chí mưa đá", Thương nhớ lại.
Trước khi đi, Thương có thói quen sẽ xem cung đường di chuyển trên bản đồ trực tuyến. Tới chân đèo, cô gặp một người bản địa. Người thanh niên tốt bụng khuyên Thương nên đổ đầy xăng trước khi lên đèo vì quãng đường đèo không có cây xăng, rất ít nhà dân.
"Đoạn đèo đầu tiên vô cùng đẹp, không khí trong lành, mát mẻ, thiên nhiên ấn tượng. Mình vừa đi vừa mải miết ngắm mà không nhận ra, càng đi lên đèo, đường càng vắng, gần như không có nhà dân", Thương nhớ lại. Khi tới đoạn đèo qua Măng Đen (Kon Tum), trời đột ngột tối sầm, sấm sét giăng tín như màng nhện, mưa dội xối xả. Thương vội vã tắt điện thoại đề phòng sét đánh trúng.
"Sấm sét đánh liên hồi, bủa vây xung quanh thậm chí sét đánh trúng một vật ven đường, ngay sát xe của mình. Lúc đó, mình bị hoảng. Con đường phía trước tối om, sâu hun hút. Mình vừa đi trong mưa tầm tã vừa thầm ước có một chiếc xe tải đi qua hay một nhà dân ven đường", Thương nhớ lại. "Thực sự mình đã nghĩ tới trường hợp xấu. Nhưng rồi mình cố gắng trấn an bản thân, cầu nguyện điều tốt đẹp, giữ vững tay lái. Mình biết, mình không thể quay đầu, không thể dừng lại nên phải vững vàng tiến về phía trước", Thương kể lại quãng đường "bão táp" nhất trong chuyến đi.
Khoảng 2 giờ sau, Thương vượt qua được đoạn đèo, trời ngớt mưa, dần hửng sáng. Cô thở phào nhẹ nhõm.
"Trải nghiệm điên rồ vô giá"
Trở về Hà Nội đã hơn 1 tháng, Thương thừa nhận, nhiều lúc cô vẫn tưởng tượng ra bản thân đang ngồi uống trà trên mỏm đá hướng biển, trong làn sương sớm, nghe sóng vỗ rì rào.
Trong hành trình của mình, Thương đặc biệt yêu thích cung đường ven biển Nam Trung Bộ. Cung đường này, cô và người bạn đồng hành đã có vô số những trải nghiệm "điên rồ nhưng thú vị".
Hai cô gái lái chiếc xe tay ga rong ruổi qua các tỉnh Tây Nguyên rồi men theo con đường ven biển từ Phú Yên tới Bình Thuận, chiêm ngưỡng vịnh Vũng Rô, Bãi Xép, Vĩnh Hy... Tới những đoạn bờ biển vắng người, họ mở chiếc loa cầm tay, ngêu ngao hát Tôi yêu Việt Nam. Khoảnh khắc đó, Thương như biến thành đứa trẻ vô lo vô nghĩ, thoải mãi tận hưởng thiên nhiên kì thú.
Tới Khánh Hòa, Thương lần đầu trải nghiệm chèo SUP trên biển Nha Trang... dù chẳng biết bơi. Ngày hôm đó, biển có nhiều sóng nên rất ít du khách tham gia chèo SUP. Người cho thuê dịch vụ là một huấn luyện viên kinh nghiệm. Họ chia sẻ cho hai cô gái các bước cơ bản để giữ thăng bằng, điều khiển thuyền, xử lý khi bị ngã... Sau ít phút, Thương và bạn bạn tự tin lên SUP, thong thả trèo ven đường bờ biển.
"Nói thật, mình ngã nhiều lần lắm. Nhưng cứ ngã mình lại leo lên, đi tiếp, chẳng e sợ gì. Dù không biết bơi nhưng người hướng dẫn đã trấn an từ trước. Họ nói, mình đang mặc áo phao nên không thể chìm được vì thế cứ bình tĩnh, đừng hoảng loạn", Thương kể.
Ngày hôm sau, hai cô gái lại rủ nhau mặc áo phao rồi nằm "thả trôi" trên biển hàng giờ đồng hồ, tận hưởng sự trong lành, dễ chịu. "Đây là lần đầu tiên mình có nhiều thời gian trải nghiệm hoạt động biển đến vậy. Khi ra Phú Quý, mình lại rủ bạn lặn ngắm san hô, nằm thả trôi ngắm hoàng hôn ráng đỏ", Thương kể. "Có lúc, hai đứa trôi ra xa, vượt khỏi vùng an toàn, nhân viên khu ngắm san hồ phải ra kéo về giúp", cô gái bật cười nhớ lại.
Trở về sau chuyến đi, Thương đăng kí ngay một khóa học bơi. Cô hy vọng trong các chuyến đi sắp tới, cô có thể tham gia nhiều hoạt động biển hơn nữa.
Kinh nghiệm du lịch
Nhiều người ngạc nhiên khi Thương xuyên Việt bằng chiếc xe tay ga. Thương cho biết, đây là chiếc xe cô đã quen sử dụng nên cảm thấy tự tin hơn các phương tiện khác. Trước chuyến đi, cô đưa xe đi bảo dưỡng, kiểm tra kĩ lưỡng và tìm hiểu về các cung đường sẽ đi.
"Nếu đi các cung đèo Tây Bắc, mình không thể dùng xe tay ga nhưng hành trình này mình chủ yếu đi đường quốc lộ, các tuyến đường dân sinh không quá vắng vẻ, nhiều nhà dân, dễ tìm cửa hàng sửa xe... Mình thấy đi xe ga khá thoải mái", Thương cho biết.
Thương thường kết thúc hành trình trong ngày trước 18h để có thời gian tìm nhà nghỉ, khách sạn. Cô chọn các nơi lưu trú trên ứng dụng trực tuyến, cẩn trọng đọc nhận xét của du khách. "Mình thường chọn các nhà nghỉ, khách sạn có mức giá 300.000-500.000 đồng/đêm để yên tâm về an ninh, dịch vụ, có thời gian nghỉ ngơi trọn vẹn nhất", Thương chia sẻ. Trên những cung đường có bạn bè đồng hành, chi phí thuê nhà nghỉ được chia sẻ bớt một phần. "Điều quan trọng, những người bạn đã giúp chuyến đi của mình thú vị hơn, giàu cảm xúc hơn", Thương nói.
Thương trải nghiệm chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ
Khi tới các địa phương, Thương thường hỏi người bản địa hay nhân viên khách sạn về các quán ăn lâu năm, được người bản địa ưa thích. "Các quán ăn này có thể không quá rộng đẹp, nổi tiếng nhưng đồ ăn hầu hết rất ngon, giá phải chăng", cô nói.
Thương tính toán, tổng chi phí trên chuyến đi khoảng 30 triệu đồng. "Trở về sau chuyến đi mình cảm thấy bản thân rất nhiều năng lượng. Mình lập tức trở lại guồng quay công việc với sự hào hứng. Điều mình tiếc nuối là chưa kịp trekking Tà Năng - Phan Dũng và đến rừng tràm Trà Sư, An Giang", Thương bộc bạch.