LTS: Những ngày gần đây, dư luận xã hội dậy sóng về những thông tin tài chính liên quan đến chuỗi Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders (thuộc Công ty CP đầu tư Apax Holdings (IBC)- công ty con của Tập đoàn Giáo dục Egroup và ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy)- Chủ tịch của Tập đoàn.
Rất nhiều phụ huynh và nhà đầu tư tham gia góp vốn ở chuỗi giáo dục này lo lắng, bất an trước các tin đồn như thua lỗ, bị cưỡng chế thuế hay thậm chí là lời đồn ông chủ trốn nợ ra nước ngoài…
Để cung cấp thông tin một cách khách quan và làm rõ những nội dung trên, báo VietNamNet mời người trong cuộc, nhân vật chính của câu chuyên trên: ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch tập đoàn Egroup tham gia chương trình Đối thoại trực tuyến.
Xem toàn bộ chương trình Đối thoại tại video sau:
Nội dung chi tiết chương trình:
TÔI CHƯA TỪNG CÓ Ý NGHĨ TRỐN RA NƯỚC NGOÀI
Nhà báo Phạm Huyền: Câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin được bắt đầu bằng mối lo lắng, bất an nhất hiện nay của các phụ huynh. Rất nhiều thông tin trên mạng xã hội lan truyền và đồn thổi, ông đang có kế hoạch đi ra nước ngoài. Những lời đồn đoán đó có cơ sở hay không thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy: Thời gian qua có nhiều tin đồn sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội nói rằng tôi bỏ trốn, tôi ra nước ngoài. Thực sự, như anh chị biết, tôi đang ngồi ở đây.
Để xảy ra tin đồn như vậy là có lỗi của tôi. Trong giai đoạn xảy ra tin đồn, ngày nào tôi cũng lên văn phòng làm việc, gặp mọi người. Tuy nhiên, tôi lại không tham gia mạng xã hội. Tôi cũng biết sức mạnh của mạng xã hội rất ghê gớm và đây là một bài học kinh nghiệm cho tôi.
Một vấn đề không đúng nhưng được nói đi nói lại rất nhiều lần và được lan truyền trên cộng đồng mạng có thể trở thành vấn đề khiến mọi người đặt ra nhiều nghi vấn.
Về cá nhân tôi, tôi khẳng định đó là những thông tin hoàn toàn không có cơ sở. Tôi khẳng định không bao giờ có ý nghĩ ấy.
Đây là lỗi của tôi và tôi gửi lời xin lỗi đến tất cả cổ đông, cán bộ nhân viên, đặc biệt các quý phụ huynh, khách hàng vì tôi đã không lường được sức ảnh hưởng của mạng xã hội lại có tác động tiêu cực lớn như vậy.
Nhà báo Phạm Huyền: Tất nhiên, tại thời điểm này, ông đang ở Việt Nam. Vậy trên giấy tờ, ông có thực sự đã làm hồ sơ để ra nước ngoài không? Hoặc tới đây ông có kế hoạch ra nước ngoài không?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy: Tôi xin khẳng định là không! Tôi chưa từng làm bất kỳ hồ sơ nào có yếu tố ra nước ngoài và tôi cũng không có bất kỳ một ý định nào như vậy cả.
TỔN THẤT 1.000 TỶ ĐỒNG TRONG 6 THÁNG
Nhà báo Phạm Huyền: Quay trở lại nội dung chính của chương trình là thực hư tình hình hoạt động kinh doanh của Tập đoàn giáo dục Egroup và chuỗi Trung tâm Anh ngữ Apax Leader của công ty Apax Holding. Xin ông cho biết, trước và sau khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, hoạt động của chuỗi giáo dục này như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy: Trước khi nói về tình hình kinh doanh, tôi xin chia sẻ triết lý giáo dục xuyên suốt ở tất cả sản phẩm của chúng tôi.
Đó là, chúng tôi mong muốn mang đến những sản phẩm giáo dục giúp cho học viên có sự hứng thú, yêu thích khi học tập.
Chúng tôi đầu tư vào những chuỗi liên quan giáo dục trong các lĩnh vực như giáo dục mầm non, tiếng Anh, Toán tư duy và phát triển trường liên cấp. Đó là câu chuyện trước dịch Covid-19, trước giai đoạn năm 2020.
Khi đó, chúng tôi đã gặt hái được nhiều thành công. Trong đó, điển hình nhất là thương hiệu Apax English được ra đời từ năm 2015. Apax English đã nhanh chóng trở thành thương hiệu đào tạo tiếng Anh lớn nhất cả nước với hơn 120 trung tâm tại 30 tỉnh thành và có khoảng gần 70.000 nghìn học viên.
Trong giai đoạn 4 năm đầu, tôi phải thừa nhận rằng, giai đoạn đó chúng tôi phát triển nóng. Giữa 2019, chúng tôi bắt đầu triển khai kế hoạch cơ cấu lại tài chính với mục đích giảm chi phí vay. Thay vì dựa vào vốn vay, chúng tôi chuyển sang cấu trúc tài chính gọi vốn. Khi đó, chúng tôi dự kiến năm 2020, sẽ làm việc với các Quỹ đầu tư và gọi vốn. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng nổ và kế hoạch đó đã bị thay đổi.
Thực sự chúng tôi không lường được Covid-19 lại tác động mạnh đến như vậy. Việc đóng cửa các trường học, các trung tâm dạy tiếng Anh làm chúng tôi rất khó khăn.
Khi chúng tôi tăng trưởng nóng, chúng tôi trên đà chiến thắng, thành công nên đã đi khá nhanh cộng với tâm lý chủ quan, hậu quả là chúng tôi gặp cú vấp khá lớn.
Các trung tâm tiếng Anh được mở ra nhiều nhất là vào năm 2019. Sau đó, vì dịch Covid-19 xảy ra, các trung tâm này phải đóng cửa. Thời gian hoạt động rất ngắn nên các chỉ số bị ảnh hưởng nhiều.
Trong khi đó, chúng tôi chưa kịp gọi vốn từ Quỹ đầu tư như kế hoạch năm 2020. Kết quả, chúng tôi tổn thất rất lớn.
Trung tâm tiếng Anh có tính chất học không bắt buộc, khác với việc học phổ thông. Lúc đó, nhiều trung tâm của chúng tôi lựa chọn học online và thu phí. Tuy nhiên, nhiều nơi gặp phải sự phản đối của phụ huynh. Phụ huynh nói rằng, họ đóng tiền để học offline (trực tiếp), sao bắt học viên phải học online thu phí?
Vì thế, chúng tôi đã miễn phí học online trong hơn 6 tháng.
Trong 6 tháng đó, chúng tôi tổn thất rất nhiều. Trước đó, mỗi tháng chi phí hoạt động của chuỗi là khoảng hơn 100 tỷ đồng. Trong 6 tháng, chúng tôi tổn thất gần 1000 tỷ đồng.
Dù vậy, giai đoạn dịch bệnh, chúng tôi giữ được lượng học viên lớn và hiện nay vẫn có hơn 50.000 học viên đang tham gia theo học.
Thời điểm này, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính. Tôi cũng không lường hết được những khó khăn như vậy khi hệ thống giáo dục của mình mất gần 3 năm đóng cửa.
Nói thật là, các khoản tiền chúng tôi tích lũy, dành dụm bao lâu nay đã phải đầu tư trong giai đoạn gần 3 năm đóng cửa học offline của các trung tâm. Trong khi đó, chúng tôi còn phải gánh chi phí lãi vay, chi phí tài chính. Tất cả những điều này làm chúng tôi vô cùng vất vả.
Nhà báo Phạm Huyền: Khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh chuỗi giáo dục Apax Leader vào năm 2015, ông có lường được những rủi ro như đang gặp phải?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy: Đánh giá một hoạt động kinh doanh, chúng tôi luôn có dự phòng rủi ro. Nhưng Covid-19 là điều chúng tôi không lường trước được. Thực sự, chúng tôi không thể tính toán được sẽ có một đại dịch xảy ra khiến chúng tôi phải dừng hoạt động như vậy. Yếu tố này nằm ngoài dự liệu của chúng tôi.
Ngay cả khi xảy ra Covid-19, việc dự báo dịch sẽ kéo dài bao lâu, các trung tâm tiếng Anh phải đóng cửa bao lâu, đó là những ẩn số mà chúng tôi không thể lường hết được.
Tình thế rất khó.
Thứ nhất, ngay trước dịch, năm 2019, chúng tôi đã tăng trưởng nóng, đầu tư rất nhiều tiền để mở mới trung tâm và rồi, chỉ được vài tháng đã xảy ra Covid-19 và đóng cửa.
Thứ hai, lĩnh vực giáo dục khác biệt với các lĩnh vực khác. Ví dụ, chúng tôi có đầu tư chuỗi dịch vụ đồ uống Soya Garden. Chuỗi này cũng theo theo tiêu chí, cứ một cơ sở đạt hiệu suất và các chỉ số cơ bản thì chúng tôi sẽ mở thêm cơ sở thứ hai. Khi dịch xảy ra, chúng tôi cắt chuỗi nhanh, chấp nhận thua lỗ. Việc đó không ảnh hưởng đến khách hàng.
Với chuỗi giáo dục tiếng Anh Apax Leader thì câu chuyện lại khác. Lúc đó, tôi nghĩ rằng, việc học cần được đảm bảo liên tục cho học viên. Dịch vụ giáo dục không như hàng ăn, có thể không ăn ở đây thì chuyển sang chỗ khác được. Giáo dục là bài toán dài hạn. Phụ huynh đã đăng ký học thì thường đăng ký trong nhiều năm nên chúng tôi vẫn phải duy trì hệ thống.
Nếu chúng tôi biết Covid-19 kéo dài nhiều năm, nếu là một ngành nghề khác, chúng tôi đã có thể cắt bớt để giảm gánh nặng tài chính. Nếu vậy, chúng tôi đã không gặp khủng hoảng, khó khăn như hiện nay.
ĐỀ XUẤT CHUYỂN HỌC PHÍ THÀNH HỢP ĐỒNG VAY
Nhà báo Phạm Huyền: Trên mạng xã hội và báo chí đã phản ánh, nhiều phụ huynh lo lắng đã đóng tiền nhưng không được cung cấp dịch vụ như cam kết. Rất nhiều phụ huynh đang lên tiếng đòi lại học phí. Điều gì đang xảy ra và ông sẽ ứng xử như thế nào về việc này?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy: Khi được mở cửa trở lại, trung tâm tiếng Anh Apax Leader hoạt động khá tốt. Các tháng trước, chúng tôi bắt đầu có các khoản thu học phí đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, chúng tôi tồn đọng nhiều công nợ từ giai đoạn Covid-19 nên bị ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của các trung tâm. Đó là các công nợ với các chủ cho thuê mặt bằng, chúng tôi chưa đàm phán được. Các trung tâm có chi phí mặt bằng quá lớn nên chúng tôi phải chuyển sang mặt bằng có chi phí thấp hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng trải nghiệm như vậy.
Cùng đó, sau dịch Covid-19, chúng tôi cũng bị thiếu giáo viên, đặc biệt là ở các trung tâm ở tỉnh thành. Đa phần, giáo viên muốn sống ở các thành phố lớn, ví dụ như Hà Nội hay TP.HCM. Do đó, việc điều phối giáo viên đi các tỉnh cũng khó khăn.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều cơ sở giáo dục ở Việt Nam, đơn vị nào cũng bị thiếu giáo viên nhưng chuỗi trung tâm của chúng tôi thiếu nhiều.
Vì các lý do này, một số trường hợp học sinh đóng học phí nhưng chúng tôi chưa tổ chức xếp lớp được nên phải duy trì học online.
Chúng tôi thừa nhận có nhiều bức xúc của các phụ huynh về việc này. Hiện nay, một số phụ huynh yêu cầu rút lại học phí.
Chúng tôi cũng xin chia sẻ với các phụ huynh một vấn đề là, với nguồn lực tài chính hiện nay, chúng tôi muốn dồn tập trung cho việc tái cấu trúc, tái khai trương để mở lại các hoạt động của trung tâm.
Chúng tôi đang đề xuất với các phụ huynh là cho chúng tôi chuyển thành các hợp đồng vay, có lãi suất như ngân hàng và trả dần sau giai đoạn tái cấu trúc.
Chúng tôi phải tập trung quá nhiều cho việc trả công nợ, trong đó có cả việc rút phí. Từ đó, dẫn đến chuyện chúng tôi không thể duy trì hoạt động liên tục của các trung tâm được.
Tôi rất xin lỗi với các bậc phụ huynh về việc này. Thực sự đây là lỗi của chúng tôi.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông có thể đưa ra cam kết cụ thể và rõ ràng với các phụ huynh hiện nay?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy: Ở giai đoạn tái cấu trúc, chúng tôi đặt ra bài toán là 4 tháng, tức là chậm nhất đến hết tháng 3/2023, chúng tôi sẽ mở cửa tất cả các trung tâm và nâng cấp giải pháp học tập như trước dịch hoặc tốt hơn trước dịch.
Giải pháp là, với các trung tâm chưa được mở cửa, học sinh có thể dịch chuyển đến các trung tâm đã được mở cửa. Chúng tôi đang có hơn 120 trung tâm trên cả nước, chúng tôi sẽ chọn trung tâm phù hợp để mở cửa trước và tái cấu trúc. Học sinh nào ở gần đó có thể qua đó học.
Địa điểm ở xa hoặc ở tỉnh có 1 trung tâm thì học sinh học online. Các giáo viên định kỳ cho các con trải nghiệm ở trung tâm để các con có thể ứng dụng được khả năng nói tiếng Anh cũng như ôn tập cho các con.
Với các bậc phụ huynh muốn rút học phí, chúng tôi cũng hướng đến thanh toán dần sau giai đoạn tái cấu trúc.
Chúng tôi mong muốn biến thành các hợp đồng vay 6 tháng, 8 tháng, tốt hơn có thể là 1 năm và bắt đầu chi trả vào sau tái cấu trúc.
Chúng tôi có thể bắt đầu chi trả vào tháng 4/2023 và chia thành các kỳ chi trả. Những phần trả chậm, chúng tôi xin trả lãi như một khoản vay.
TÔI XIN NHẬN MỌI TRÁCH NHIỆM VỀ CÁC SAI LẦM
Nhà báo Phạm Huyền: Câu chuyện khủng hoảng của ông không chỉ liên quan đến sự liên tục của dịch vụ giáo dục và các phụ huynh. Các nhà đầu tư đã tham gia góp vốn vào hệ thống của ông đang bức xúc, họ không rút được tiền đầu tư vào tập đoàn và họ không biết tiền đầu tư của họ được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì. Ông nói sao với các nhà đầu tư về điều đó?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy: Trước đây, chúng tôi có kế hoạch sẽ lên sàn, sẽ niêm yết Egroup lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó do điều kiện chưa phù hợp, chúng tôi có bán cổ phần để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Chúng tôi có cam kết sẽ định giá và mua lại khoản đầu tư đó hàng năm. Trước dịch, chúng tôi đã làm rất tốt việc này và xây dựng được uy tín với các nhà đầu tư.
Trong quá trình phát triển của một tập đoàn, điều then chốt quan trọng là uy tín của tập đoàn đó. Không một tập đoàn, một công ty nào có thể phát triển nếu không có uy tín với các cổ đông, với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, khi dịch xảy ra, chúng tôi gặp phải vấn đề bị đứt gãy về dòng tiền.
Thực sự, chúng tôi rất xin lỗi các nhà đầu tư. Tôi biết, các nhà đầu tư bức xúc một phần vì không được đối thoại trực tiếp với tôi. Tôi thừa nhận, việc này tôi làm chậm.
Trước đó, tôi không bao giờ nghĩ rằng, mình không giữ được cam kết với các nhà đầu tư. Tôi rất khổ sở về điều này. Trong thời gian vừa qua, tôi tập trung đi tìm giải pháp để vực kinh doanh lên. Tôi đã dành nhiều thời gian đi đến các cơ sở kinh doanh, tiếp xúc với các Quỹ đầu tư để có lộ trình cải thiện về tài chính, từ đó có hướng đáp ứng nghĩa vụ với các nhà đầu tư.
Tuy vậy, những nỗ lực này của tôi vẫn chưa đạt được kết quả tốt như mong muốn. Các nhà đầu tư vẫn bức xúc.
Bao giờ cũng vậy, tôi hiểu rằng, một khi để xảy ra khủng hoảng thì sẽ gây ra nhiều bức xúc. Chúng tôi vẫn nói với nhau, nếu đọc các bức xúc đó trên cộng đồng mạng, chúng tôi cảm thấy mình tệ hại quá và sẽ rất stress.
Chúng tôi cam kết thực hiện trách nhiệm với các nhà đầu tư, giảm thiểu các bức xúc và mong muốn có một ngày có thể trả ơn những người đã giúp đỡ mình. Trong đó, đặc biệt là có cả các cán bộ, nhân viên của chúng tôi. Rất nhiều người dù nhiều tháng không có lương những vẫn ở lại làm việc hết mình.
Nhân tại chương trình này, tôi xin gửi lời xin lỗi với tất cả các nhà đầu tư. Cá nhân tôi xin nhận trách nhiệm về tất cả các sai lầm đã gây ra bức xúc cho các nhà đầu tư.
Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tìm các Quỹ đầu tư, các đơn vị giáo dục trong và ngoài nước để đồng hành đi cùng, hồi phục và phát triển.
Đây là cách tốt nhất để có chúng tôi có tiềm lực thực hiện trách nhiệm với các nhà đầu tư.
NỢ LƯƠNG LÀ ĐIỀU TÔI RẤT ĐAU XÓT
Nhà báo Phạm Huyền: Như ông vừa chia sẻ, tập thể nhân viên của ông cũng bị nợ lương nhiều tháng. Họ cũng đang mong chờ một câu trả lời thẳng thắn của ông về vấn đề này?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy: Đây là một điều chúng tôi không mong muốn. Với chúng tôi, tài sản lớn nhất, tài nguyên lớn nhất là con người.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng xảy ra, chúng tôi cứ bị siết dần và đến lúc chúng tôi thực sự không thể chi trả được các khoản chi phí, đặc biệt là chạm tới vấn đề tiền lương, đến cuộc sống của cán bộ công nhân viên. Đấy là điều tôi rất đau xót.
Tôi mong các cán bộ nhân viên, những người đang làm việc và đã nghỉ việc cho tôi gửi một lời xin lỗi.
Tôi mong muốn là, bây giờ, chúng ta cùng nhau đồng lòng để đưa công ty thoát sớm vượt qua khủng hoảng, khó khăn. Cá nhân tôi và ban lãnh đạo công ty sẽ hoàn trả tất cả những khoản thu nhập và lương của mọi người.
Chúng tôi dự kiến áp dụng chính sách thưởng cổ phiếu cho các cán bộ, nhân viên của tập đoàn và các công ty thành viên, coi như đó là khoản để dành và bù đắp cho giai đoạn chúng ta làm và có nhiều khó khăn.
TÔI CẦN TRAO CƠ HỘI VÀ THÊM THỜI GIAN
Nhà báo Phạm Huyền: Ông nói rất nhiều về vấn đề cần thời gian, và mong các bên cho ông một cơ hội. Vậy xin ông chia sẻ kế hoạch cụ thể để có thể vừa duy trì hệ thống hiệu quả như trước, vừa trả được các nhà đầu tư cũng như đảm bảo quyền lợi cho các phụ huynh học sinh?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy: Chúng tôi sẽ tập trung vào các mảng lõi, đó là giáo dục tiếng Anh với thương hiệu lớn nhất là Apax English. Do được mở rộng nhiều, đầu tư chi phí rất lớn nên khi dịch xảy ra, đây là thương hiệu gặp ảnh hưởng nhất.
Sau đó, theo nguyên tắc mắc bệnh ở đâu sẽ xử lý ở đấy, bệnh của chúng tôi là thiếu hụt dòng tài chính, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để bù đắp.
Như tôi đã chia sẻ ở trên, có 2 cách giải pháp. Thứ nhất, chúng tôi gọi vốn từ các Quỹ đầu tư để giảm vốn vay, tăng vốn chủ sở hữu.
Thứ hai là hợp tác kinh doanh với các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có thể mở trung tâm và chúng tôi tham gia vận hành. Như vậy, chúng tôi vẫn duy trì được đà tăng trưởng mà không phải dồn nguồn lực tài chính cho việc mở rộng đó.
Tựu trung lại, tập trung, tập trung và tập trung vào câu chuyện kinh doanh lõi và sớm đưa thương hiệu Apax English thực sự quay trở lại như nó từng có.
Nhà báo Phạm Huyền: Tại thời điểm này, đã có những tín hiệu nào về huy động vốn chưa?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy: Chúng tôi đang làm việc với các Quỹ đầu tư nhưng việc này không thể nhanh được. Trước mắt, chúng tôi có đạt được một số thỏa thuận là nhà đầu tư mở trung tâm, mở trường và chúng tôi tham gia vận hành. Hướng này giúp chúng tôi giảm được áp lực tài chính.
Để giữ được như ngày hôm nay là một sự nỗ lực phi thường của tất cả cán bộ, nhân viên trong công ty.
Chúng tôi thường xuyên ngồi họp với nhau và nhìn lại cuộc khủng hoảng này và thấy rằng, bản thân có điểm mạnh và điểm yếu. Là một tập thể trẻ, có nhiều hoài bão, khát vọng nhưng chính vì hoài bão, khát vọng đã làm cho chúng tôi nôn nóng tăng trưởng nóng. Dịch Covid-19 xảy ra là cú nặng nhất trong cuộc đời khởi nghiệp kinh doanh của chúng tôi. Đáng nhẽ, chúng tôi phải phản ứng tốt hơn.
Chúng tôi cũng cảm ơn Covid-19 đã cho tôi một bài học rất xương máu. Khủng hoảng xảy ra vào ngày hôm nay, đối với tôi và Tập đoàn ở độ tuổi không còn trẻ nhưng không phải là già, chúng tôi còn đang trụ được. Nếu xảy ra ở thời điểm khác, độ tuổi khác, có lẽ tôi cũng không thể chống chọi được.
Tôi nghĩ rằng, nếu tôi được trao cơ hội và cho thời gian, tôi sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề đang gặp phải.
Nhà báo Phạm Huyền: Rất chia sẻ với ông. Tuy nhiên, các nhà đầu tư họ sẽ có nhiều lý do để có thể chưa muốn tin ông. Đặc biệt, ông cũng đang có các hoạt động đầu tư khác, ví dụ như ở lĩnh vực bất động sản. Với các nhà đầu tư, đó có thể là sự đầu tư dàn trải và khiến kế hoạch tái cấu trúc lĩnh vực lõi bị ảnh hưởng?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy: Tôi xin tách bạch ra 2 việc.
Thứ nhất, đối với tập đoàn Egroup, chúng tôi không đầu tư vào bất động sản, chúng tôi chỉ tập trung vào giáo dục.
Tuy nhiên, sau quá trình hoạt động, chúng tôi nhận thấy chi phí thuê mặt bằng rất lớn, thậm chí cao hơn cả lãi vay. Do đó, chúng tôi hợp tác thành lập công ty hạ tầng giáo dục, bản chất là đầu tư bất động sản phục vụ cho giáo dục, ví dụ như trường.
Ngoài ra, chúng tôi còn có 1-2 mảng hoạt động khác hợp tác với các đối tác. Ví dụ như việc đưa câu chuyện giáo dục vào các dự án nghỉ dưỡng. Nhiều nhà đầu tư hỏi chúng tôi, anh có tài sản thật gì không. Đây cũng là phần mà tôi rất suy nghĩ.
Chúng tôi làm giáo dục thì thiên nhiều về chuỗi, về người dùng. Vì thế, chúng tôi có suy nghĩ, hay là mình tạo ra sản phẩm gì đó có tài sản thật, cân bằng được cột tài sản của công ty, tạo cho nhà đầu tư sự yên tâm hơn.
Tôi khẳng định lại, chúng tôi không tham gia vào bất động sản.
Đó là công ty về hạ tầng, mua các tài sản như mua các trường liên cấp, mua đất để xây dựng các tổ hợp làm trường, các khu trải nghiệm liên quan tới giáo dục. Chúng tôi mới bắt đầu thì gặp Covid-19 nên chưa thực sự làm được nhiều ở mảng này.
Còn với Egroup, chúng tôi kiên định tập trung vào công nghệ và phát triển chuỗi giáo dục.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông dự kiến cần lượng vốn như thế nào và trong vòng bao lâu đưa Apax Leader quay trở lại như xưa?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy: Đối với Apax, tôi đặt mục tiêu sau 4 tháng sẽ tái cấu trúc và vượt qua khó khăn đó trong năm 2023. Tuy nhiên, tôi phải chia sẻ thật rằng, trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, bài toán của chúng tôi là phải ứng biến.
Vì thế, rất khó để có câu trả lời chính xác nó sẽ như thế nào. Không thể định lượng được tương lai trong bối cảnh có nhiều khủng hoảng.
Tôi khẳng định giáo dục vẫn là thị trường tốt và tiềm năng ở Việt Nam. Các gia đình Việt Nam đều có truyền thống hiếu học, dù khó khăn mấy cũng không cắt giảm chi tiêu học hành của các con. Đó là khoản đầu tư được các gia đình đặt lên hàng đầu.
Do đó, chúng tôi có niềm tin vào phục hồi và tăng trưởng.
Về tài chính, chúng tôi phải hồi phục dần dần. Vì để gọi vốn từ Quỹ đầu tư thì chúng tôi cũng phải hồi phục bức tranh tài chính, người ta mới vào. Điều đó không đơn giản. Đó là một thực tế nên tôi không dám kỳ vọng điều gì xa vời.
Chúng tôi đã bị đóng cửa mất 2 năm vì Covid-19. Bây giờ, chúng tôi cần 2-3 năm để thực sự phục hồi quay lại như thời kỳ trước đại dịch.
Đó là trong trường hợp chúng tôi tự lực với nội lực đang hạn hẹp hiện nay. Còn nếu có Quỹ đầu tư lớn đi cùng thì câu chuyện của chúng tôi có thể sẽ khác.
Nhà báo Phạm Huyền: Chúng tôi mong các kế hoạch của ông sẽ đạt kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, rủi ro luôn có. Nếu trong trường hợp không được như mong muốn và kỳ vọng, ông sẽ chịu trách nhiệm thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy: Chúng tôi là một doanh nghiệp hoạt động dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Tất cả các việc chúng tôi làm, chúng tôi cam kết thì chúng tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu chúng tôi làm sai và gây ra hậu quả với khách hàng.
Nhà báo Phạm Huyền: Bên cạnh tất cả những điều ông vừa chia sẻ, ngay lúc này, ông cần thêm sự hỗ trợ gì từ cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và các phụ huynh?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy: Lúc này, mong mỏi nhất của tôi là nhận được sự bao dung, sự chia sẻ của tất cả các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng.
Chúng tôi nợ các phụ huynh một môi trường học tập như đã cam kết và vốn có trước đại dịch. Chúng tôi mong mỏi tất cả mọi người hãy giúp tôi, cho tôi cơ hội thực hiện được cam kết của mình.
Với tất cả các trường hợp bức xúc, tôi mong được đối thoại, trao đổi để tìm ra giải pháp trên phương diện hoạt động của công ty phải phục hồi. Vì chỉ khi công ty quay trở lại hoạt động bình thường, chúng tôi mới thực hiện được tất cả các các cam kết đang dang dở.
Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn, khủng hoảng mà ông và công ty đang đối mặt. Rất cảm ơn ông đã thẳng thắn trả lời trực diện về các vấn đề gây bức xúc, bất an cho nhà đầu tư và phụ huynh.
Chương trình Đối thoại của VietNamNet được thực hiện dựa trên nguyên tắc công bằng, cân bằng và không vụ lợi. Chúng tôi cũng hi vọng những lời chia sẻ và cam kết của ông Nguyễn Ngọc Thủy sẽ trở thành hiện thực trong tương lai!
VietNamNet