HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings (IBC) của chủ tịch Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) vừa công bố tờ trình đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vào ngày 16/3 với kế hoạch phát hành 83,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 1:1 với mệnh giá 10.000 đồng/cp và dự kiến sẽ thu về thêm 831 tỷ đồng, tăng vốn doanh nghiệp lên 1.663 tỷ đồng.

Số vốn hút về, Apax Holdings dự kiến để trả nợ, góp vốn hợp tác đầu tư dự án bất động sản tại khu du lịch Hồng Quang Long Hải - Vũng Tàu (diện tịch hơn 50 nghìn m2) đồng thời bổ sung vốn lưu động.

Trong 2021, Apax Holdings của Shark Thủy ghi nhận doanh thu đạt hơn 1,7 nghìn tỷ và lợi nhuận 96 tỷ đồng. Lợi nhuận đến chủ yếu từ khoản doanh thu tài chính 271 tỷ đồng từ bán quyền mua cổ phần phát hành thêm tại Anh ngữ Apax và Phát triển giáo dục Igarten.

Trong năm 2022, nhiệm vụ chính của Apax Holdings là thực hiện huy động vốn để đầu tư vào các công ty con, công ty thành viên. Doanh nghiệp của Shark Thủy duy trì và đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh truyền thống là đầu tư tài chính dài hạn, dịch vụ tư vấn tài chính và tư vấn xúc tiến thương mại.

Trong năm qua, Apax Holdings của Shark Thủy gặp rất nhiều khó khăn. Nợ tăng mạnh trong khi doanh thu, lợi nhuận giảm sâu.

{keywords}
 

Tới cuối 2021, Apax Holdings ghi nhận nợ phải trả tăng mạnh từ mức 2.228 tỷ đồng cuối  năm 2020 lên hơn 3.069 tỷ đồng vào cuối 2021, trong đó nợ dài hạn tăng mạnh từ mức 514 tỷ đồng lên gần 1.408 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ của Apax Holdings là rất lớn nếu so với quy mô vốn điều lệ hơn 830 tỷ đồng và vốn hóa thị trường khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng.

Tổng nợ vay của Apax Holdings lên tới trên 2 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với 2020. Đây là một dấu hiệu không mấy tích cực đối với doanh nghiệp này trong bối cảnh mà dòng tiền vào rất eo hẹp.

Trên thị trường, cổ phiếu IBC đang ở mức thấp nhất 1 năm qua, ở mức 20.800 đồng/cp.

Trong khoảng 2 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động với số lượng nhà đầu tư mới (F0) tham gia thị trường tăng vọt. Đây cũng là lúc nhiều doanh nghiệp trên sàn thực hiện huy động vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chứng khoán VNDirect (VND) vừa công bố 10/3 tới là ngày giao dịch không hưởng quyền chào bán cổ phiếu tăng vốn. Theo kế hoạch VNDirect sẽ tăng vốn gấp 3 lần lên gần 12,2 nghìn tỷ đồng, trở thành một trong những công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. VND sẽ chào bán 434,9 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành là 100% với giá chào bán 10.000 đồng/cp. VND cũng sẽ phát hành thêm hơn 347,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 80% (100 cổ phiếu được quyền nhận 80 cổ phiếu phát hành thêm).

CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đã thông qua việc triển khai phương án phát hành 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 95.000 đồng/cp và dự kiến huy động hơn 1.400 tỷ đồng nhằm tăng cường năng lực sản xuất tại Công ty TNHH MTV chế tác và kinh doanh trang sức PNH.

Chứng khoán SHS dự kiến chào bán hơn 325 triệu cổ phiếu cho cổ đông, tăng vốn điều lệ lên hơn 6.500 tỷ đồng ngay trong tháng 4 nhằm bổ sung vốn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường về margin, đầu tư kinnh doanh cổ phiếu, trái phiếu…

Theo FiinGroup, tiếp tục đà tăng năm 2021, các doanh nghiệp niêm yết dự kiến sẽ huy động 120 nghìn tỷ đồng vào năm 2022 thông qua các hoạt động phát hành vốn trên TTCK. Tuy nhiên, các đợt phát hành được công bố gần đây cho thấy tỷ lệ thành công rất thấp.

Thế giới khó lường, thị trường giằng co

Theo Agriseco, VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong phiên vừa qua khi rớt xuống mốc 1.490 điểm. Giao dịch giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang duy trì sự thận trọng. Lực đỡ của thị trường đến từ nhóm cổ phiếu hàng hóa tập trung chủ yếu vào các mã thuộc nhóm ngành như than, thép, dầu khí và phân bón. Các nhóm này đang được hưởng lợi từ giá thế giới khi tình hình địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dẫn đến lo ngại về gián đoạn nguồn cung.

Agriseco cho rằng, VN-Index có thể tiếp tục dao động giằng co tại quanh vùng 1.480-1.500 trước khi có những tin tức quốc tế mới.

Theo MBS, thị trường điều chỉnh nhưng vẫn nằm trong xu hướng đi ngang kéo dài từ đầu tháng 2 đến nay với dùng dao động từ 1.471 điểm đến 1.500 điểm. Dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ và các cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa.

Chốt phiên giao dịch 28/2, chỉ số VN-Index giảm 8,76 điểm xuống 1.490,13 điểm. HNX-Index tăng 0,26 điểm tăng 440,42 điểm. Upcom-Index giảm 0,46 điểm xuống 112,2 điểm. Thanh khoản đạt 27,9 nghìn tỷ đồng, trong đó có 23,6 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

V. Hà

Shark Thủy một năm vất vả, đối mặt nhiều thách thức

Shark Thủy một năm vất vả, đối mặt nhiều thách thức

Apax Holdings (IBC) của của Shark Thủy đang gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh khiến nhiều hoạt động, trong đó có dạy học đình trệ. Nợ tăng mạnh trong khi doanh thu, lợi nhuận giảm sâu.