Năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT Đồng Tháp không tổ chức thi tuyển vào lớp 10, thay vào đó là xét tuyển.
Tất cả thí sinh hoàn thành lớp 9 nộp hồ sơ xét tuyển từ ngày 1 đến 5/6, thông báo kết quả trúng tuyển trước ngày 10/7. Hội đồng xét tuyển dựa vào kết quả rèn luyện, học tập 4 năm học THCS.
Điểm xét tuyển, bao gồm điểm trung bình cả năm lớp 6 + điểm trung bình cả năm lớp 7 + điểm trung bình cả năm lớp 8 + điểm trung bình cả năm lớp 9 x 2 + điểm ưu tiên (nếu có).
Đối với điểm hạnh kiểm, Hội đồng xét tuyển sẽ cộng số điểm hạnh kiểm trong 4 năm học bậc THCS. Trong đó, hạnh kiểm tốt được tính 2,5 điểm; hạnh kiểm khá 2,0 điểm; hạnh kiểm trung bình 1,5 điểm. Nếu học sinh lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Riêng các lớp chuyên, Đồng Tháp sẽ tổ chức thi tuyển các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và môn chuyên; thời gian thi từ 8 đến 10/6.
Theo Sở GD-ĐT Đồng Tháp, tỉnh tuyển 70% số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở trong tỉnh vào học lớp 10 các trường THPT.
Đối với những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10, sẽ tham gia học nghề hoặc học chương trình giáo dục thường xuyên tại các trung tâm hoặc tại trường THPT có tổ chức dạy học theo chương trình Giáo dục thường xuyên.
Về nguyện vọng, học sinh được đăng ký hai nguyện vọng để xét tuyển vào 2 trường Trung học phổ thông trong cùng huyện, thành phố.
Về điểm xét tuyển, Hội đồng xét tuyển kết quả trúng tuyển theo nguyện vọng 1 trước (từ cao xuống thấp đến khi tuyển đủ chỉ tiêu được giao cho từng trường); chỉ thực hiện xét nguyện vọng 2 khi không trúng tuyển nguyện vọng 1.
Trường hợp xét đến chỉ tiêu cuối cùng có nhiều học sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì căn cứ vào điểm hạnh kiểm.
Trao đổi với VietNamNet, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, việc thi tuyển và xét tuyển học bạ vào lớp 10 không có sự khác biệt nhiều.
“Thi tuyển hay xét tuyển thì tỉnh đều thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Theo đó, phải thành lập hội đồng xét tuyển, công khai minh bạch tất cả các khâu xét tuyển; công khai kết quả tuyển sinh. Khi có khiếu nại, hội đồng xét tuyển sẽ thực hiện phúc thảo”, ông Đoàn Tấn Bửu nói.
Về trường lớp cho học sinh, ông Đoàn Tấn Bửu nói, qua xét tuyển này tỉnh cũng phân luồng khoảng 30% các em học sinh vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề. Vẫn theo ông Bửu, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 3 trường dạy nghề; còn mỗi huyện, thành phố đều có trung tâm giáo dục thường xuyên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, trước khi thực hiện phương thức xét tuyển học sinh vào lớp 10, ngành giáo dục đã lấy ý kiến và tư vấn cho phụ huynh biết rõ về việc này.
“Thi tuyển thì có em đậu, có em không và xét tuyển cũng vậy, tất cả tùy vào năng lực học tập của học sinh. Xét tuyển nếu em nào đạt thì vào học trường THPT; còn những em nào không đạt thì mình sẽ tư vấn hướng nghiệp, nói về năng lực, về cơ hội để cho các em và phụ huynh hiểu vào học nghề hay học giáo dục thường xuyên không phải là xấu mà theo hướng khác phù hợp hơn; các em vẫn có thể lấy được bằng tốt nghiệp cấp 3 hay bằng nghề”, ông Bửu nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định, phương thức xét tuyển vẫn đảm bảo được chất lượng, nhưng giảm tốn kém chi phí cho ngành giáo dục và xã hội.
“Một thí sinh đi thi phải ôn tập, phụ huynh phải lo đủ thứ, chứ đâu phải chỉ hội đồng tuyển sinh làm việc thôi", ông Đoàn Tấn Bửu nói.