Lời Tòa soạn

---

Xuất hiện tại Việt Nam từ cách đây hàng trăm năm, phở được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành món ăn quen thuộc. Giờ đây, theo chân người Việt, phở ngao du khắp nơi, có tên tuổi trên bản đồ ẩm thực thế giới. 

Hãy cùng VietNamNet khám phá 'hành trình phở Việt vươn dài, len lỏi khắp hành tinh' trong series 'Phở xuất ngoại'.

---

Bài 2:Gia đình Nam Định bán phở bò ở Slovakia, doanh thu 'khủng' đến 6 triệu USD/năm

Bài 3:Quán phở Việt bán 200 tô mỗi ngày ở xứ kim chi, khách Hàn Quốc tấm tắc khen ngon

8 năm qua, Phở Hà Nội của vợ chồng chị Helen Nguyễn và Harry Nguyễn đã trở thành thương hiệu quen thuộc của thực khách tại Thung lũng Silicon, thường xuyên phủ sóng trên báo chí Mỹ. 

“Helen Nguyễn và Harry Nguyễn đang hướng tới điều chưa ai làm được trước đây: Xây dựng chuỗi nhà hàng phở Việt trên toàn California”, tờ Silicon Valley Business Journal viết.

Trong khi đó, tờ Newsbreak nhận định rằng món phở Hà Nội ở thành phố San Jose, California mang trong mình “ký ức Việt Nam”: “Sự kỳ diệu của phở và các món ăn Việt Nam khác tại nhà hàng Phở Hà Nội ở San Jose bắt đầu từ thứ nước dùng được đun nấu bằng xương bò trong một chiếc nồi hầm khổng lồ, mang tâm huyết của vợ chồng Helen Nguyễn và Harry Nguyễn. 

Hơn 500 xương ống được ninh kỹ trong 24 giờ mang lại hương vị nước dùng vừa thanh nhã vừa béo ngậy. Tô phở bò đặc biệt là sự kết hợp của nhiều loại thịt bò, bao gồm sườn, ức, gân, ba chỉ và thịt viên. Các loại thịt được nấu chín khác nhau làm cho món ăn đa dạng về hương vị và kết cấu”.

Vợ chồng chị Helen Nguyễn và anh Harry Nguyễn - chủ thương hiệu Phở Hà Nội tại California

Vài năm qua, Phở Hà Nội là thương hiệu xuất hiện trên nhiều tờ báo, tạp chí có tiếng của California nói riêng và Hoa Kỳ nói chung. Hiện chuỗi nhà hàng có 4 cơ sở  tại San Jose, Cupertino, Milpitas, Palo Alto và chuẩn bị khai trương cơ sở thứ 5 tại Fremont.

Mỗi ngày trong tuần, chuỗi nhà hàng đón khoảng 2.000 thực khách và tăng lên 5.000 vào cuối tuần. Trong đó, ngày cao điểm nhất, chuỗi nhà hàng bán gần 3.000 tô phở. Thực khách phải xếp hàng dài, chờ 1 giờ để thưởng thức tô phở Việt Nam. Doanh thu có những tháng đạt đến 1,4 triệu USD (gần 35 tỷ đồng).

“Nhà hàng của gia đình tôi bán nhiều món ăn Việt Nam khác nhau như cơm gà, gỏi cuốn, bún chả Hà Nội, bún bò Huế, hủ tiếu Nam Vang… nhưng chiếm hơn 50% doanh số là phở Hà Nội”, chị Huyền Nguyễn (Helen Nguyễn), 54 tuổi, chủ nhà hàng chia sẻ.

Vợ chồng chị Huyền và anh Harry Nguyễn sang Mỹ học tập, làm việc đã hơn 30 năm. Anh Harry từng làm kỹ sư công nghệ trong doanh nghiệp Mỹ trước khi hai vợ chồng khởi nghiệp với lĩnh vực xuất nhập khẩu, giao hàng.

Năm 2012, ba gia đình người thân của anh chị di cư sang Mỹ. Chứng kiến người thân phải chịu cảnh chèn ép, trả lương thấp và thậm chí là bị nợ lương khi đi làm tại Mỹ, chị Huyền quyết định tìm hướng đi mới để tạo công việc cho cả gia đình.

Trước đó, anh Harry và con gái vốn mê phở vị Bắc nên nhiều lần gợi ý chị Huyền mở nhà hàng phở Việt. Nhà hàng này cũng có thể đáp ứng nhu cầu công việc cho người thân. Sau nhiều lần từ chối do thiếu kinh nghiệm kinh doanh ẩm thực, chị Huyền quyết định thử sức ở tuổi U50.

Vợ chồng chị Huyền dùng 500.000USD để tìm mua nhà hàng và công thức nấu phở. Chị “quay cuồng” với những thủ tục pháp lý nghiêm ngặt về kinh doanh ẩm thực tại Mỹ. Hàng tháng, hai vợ chồng phải đón tiếp 4-5 đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng địa phương. 

Nhưng “cú sốc” lớn với chị Huyền là khi nhận ra công thức nấu phở hoàn toàn không phù hợp với khẩu vị người Mỹ, vì sử dụng quá  nhiều bột ngọt, nước mắm. Hai vợ chồng lại tìm hiểu từ con số 0, cùng thử nghiệm, nấu đi nấu lại để tìm ra công thức tốt nhất.

“Để nước dùng có mùi thơm đặc trưng của phở Hà Nội, tôi đã nhập gia vị quế, hồi, thảo quả từ Việt Nam qua”, chị Huyền chia sẻ.

“Ở Mỹ, người dân ít đổ mồ hôi nên việc tiếp thu quá nhiều sodium (một loại muối) có trong gia vị, bột ngọt rất có hại cho sức khỏe. Do đó, vị ngọt của nước dùng món phở phải nấu từ xương bò Mỹ chất lượng, thêm sá sùng nhập từ Việt Nam”, chị chia sẻ thêm.

Hơn một năm “thai nghén”, nhà hàng Phở Hà Nội đầu tiên khai trương tại "thung lũng silicon".

Cửa hàng bắt đầu có khách thì chị Huyền lại phải đối mặt với những vấn đề trong quản lý nhân viên. “Có rất nhiều vấn đề xảy ra mà tôi không lường trước. Nhân viên tị nạnh với nhau, sẵn sàng bỏ việc vì ghét người đứng cạnh mình. Có người thì khi nắm được cách làm món ăn tốt sẽ đòi hỏi nhiều quyền lợi, dọa bỏ việc… Chưa kể đến là những quy định nghiêm ngặt về sử dụng lao động, tiền công tại Mỹ. Tôi cảm thấy quá tải, từng nghĩ tới việc bỏ cuộc”, chị Huyền tâm sự. 

Thấu hiểu những trăn trở và gánh nặng của vợ, anh Harry nảy ra ý tưởng “công nghệ hóa” quy trình làm phở để giảm bớt số lượng nhân công cũng như việc phụ thuộc vào họ, đồng thời nâng cấp chất lượng tô phở trở nên đồng đều, ổn định hơn.

Chị Huyền cho biết, hiện chuỗi nhà hàng có một bếp tổng. Đây là nơi chỉ có đầu bếp chính, gia đình chị Huyền và những nhân viên lâu năm tham gia chế biến.

Từng học 4 năm về điện tử trước khi sang Mỹ theo đuổi ngành kỹ sư phần mềm nên anh Harry có khá nhiều kiến thức về máy móc, công nghệ. Anh tìm hiểu và đặt mua các hệ thống máy móc nấu ăn tích hợp chức năng, sau đó thử nghiệm để có cách vận hành chính xác nhất với từng món.

Ví dụ, việc nấu cơm, hấp xôi, luộc gà… đều được lập trình thời gian, nhiệt độ, lượng hơi nước… cụ thể. Nhân viên chỉ cần thao tác nhấn nút để hoàn tất quá trình nấu.

Tại bếp tổng, hệ thống máy hiện đại được áp dụng để sơ chế, phân chia, lọc thịt thành các phần phù hợp, trước khi đóng gói, vận chuyển tới từng nhà hàng.

Nước dùng phở được ninh trong một nồi hầm xương lớn, cỡ 500l, có trục quay để đảm bảo đảo đều 3 tạ xương, đồng thời hỗ trợ khâu vệ sinh trở nên dễ dàng, nhanh gọn. Bên cạnh đó chiếc nồi có nhiệt độ đồng đều, tránh việc cháy, bén ở đáy. Nồi được cài đặt thời gian hoạt động nên không tốn nhân công phụ trách trông coi, yếu tố an toàn cũng cao hơn.

“Mỗi ngày, từ căn bếp tổng, chúng tôi ninh khoảng 6 tạ xương trong 2 nồi, suốt 20 tiếng. Trăm nồi đều có hương vị như một. Nước dùng được nấu cô đặc rồi vận chuyển tới các cơ sở”, chị Huyền cho biết.

Khi áp dụng áp dụng dây chuyền máy móc, vợ chồng chị Huyền tạo ra quy trình "từ 15 đến 20 giây" là xong một tô phở thơm lừng, chất lượng ổn định và đồng đều giữa các cơ sở. Để hoàn thành một tô phở chỉ cần có 3 người (đứng bếp, bốc bánh, cho thịt và chan nước dùng), vận hành nhịp nhàng, nhanh chóng.

“Tại Mỹ, giờ nghỉ trưa chỉ có 1 giờ nên việc phục vụ yêu cầu rất nhanh. Nếu chúng tôi không áp dụng máy móc và quy trình vận hành tối ưu thì không đáp ứng được nhu cầu thực khách”, chị Huyền cho biết.

Nhà hàng mở cửa 6/7 ngày trong tuần. Hàng ngày, vợ chồng chị Huyền chia nhau đến thăm 1 trong 4 nhà hàng để hướng dẫn, hỗ trợ nhân viên. Đôi khi họ đặt giao món về nhà để kiểm tra ngẫu nhiên chất lượng đồ ăn.

Nguồn: bayarea.foodies

Hiện, mỗi tô phở trong chuỗi nhà hàng của vợ chồng chị Huyền có giá từ 16-19USD (khoảng 400.000-475.000 đồng). Theo chị Huyền, mức giá này nhỉnh hơn so với nhiều nhà hàng phở Việt khác trong khu vực, tuy nhiên, hoàn toàn phù hợp với nguồn nguyên liệu mà anh chị sử dụng.

Ngoài các nguyên liệu được nhập từ Việt Nam như sá sùng, quế, hồi, thảo quả… nhà hàng chọn thịt bò từ trang trại Harris Ranch - nơi có giống bò đen Angus nổi tiếng cho thịt và sườn rất ngon. Mỗi tuần, chuỗi nhà hàng nhập về khoảng 8.000kg xương, thịt bò.

Các nhà hàng đều được đầu tư thiết kế khang trang, đẹp mắt và lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại. 145 nhân viên ở 4 chi nhánh được đào tạo để giao tiếp bằng tiếng Anh thuần thục và phục vụ chuyên nghiệp. 

Chị Huyền chia sẻ, người Việt tại Mỹ thường vận hành các nhà hàng theo kiểu "Mom-and-Pop" - nhà hàng của gia đình, doanh nghiệp nhỏ. Kiểu nhà hàng này chủ yếu lấy công làm lãi, vô tình khiến khách Mỹ đánh giá là thiếu chuyên nghiệp. Những bát phở bán ra với giá rất rẻ so với đồ ăn Nhật Bản, Trung Quốc.

“Quy trình và nguyên liệu nấu một tô phở kỳ công không kém món mỳ Nhật Bản, Trung Quốc nên vợ chồng tôi không cam lòng chứng kiến món ăn Việt bị coi là món ăn đường phố giá rẻ. Chúng tôi luôn mong muốn nâng tầm món phở, khiến nó trở nên chất lượng, ổn định, chuyên nghiệp. Mỗi tô phở Việt Nam là niềm tự hào của cả gia đình tôi nên dù vất vả, khó khăn, chúng tôi cũng không ngừng cố gắng. Tôi muốn phở Việt trở thành món ngon chinh phục mọi thực khách Mỹ khó tính nhất”, chị Huyền chia sẻ.

Đầu năm 2024, vợ chồng chị về Việt Nam để thăm các cơ sở sản xuất bánh phở sấy khô. “Hiện tại chúng tôi đang đặt phở tươi, làm theo công thức riêng tại một cơ sở lớn ở tiểu bang. Phở tươi được giao tới các nhà hàng trong ngày. Tuy nhiên, nếu mở rộng quy mô ra các ban khác thì việc vận chuyển hay tìm nơi sản xuất bánh phở rất khó. Chúng tôi đang tính tới phương án sử dụng phở khô từ Việt Nam. Tín hiệu mừng là phở khô ngày nay có chất lượng khá tốt”, chị Huyền chia sẻ.

Trong giai đoạn Covid-19, năm 2020 ở Mỹ, vợ chồng chị Huyền đã cùng nhân viên nấu và gửi hàng nghìn phần ăn miễn phí đến đội ngũ tuyến đầu chống dịch tại khu vực Bay Area (California). Những tô phở “của lòng biết ơn” đã gây tiếng vang trên truyền thông Mỹ khiến thực khách khắp nơi tìm tới ủng hộ. Thời gian đó, trong khi nhiều nhà hàng không trụ được vì dịch bệnh và kinh tế đi xuống, Phở Hà Nội vẫn đông khách nườm nượp.

Giới chức thành phố San Jose, thành phố Fremont ghi nhận sự thành công và những đóng góp của chuỗi nhà hàng Phở Hà Nội trong suốt 8 năm qua. Nhờ đó, vợ chồng chị Huyền được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô hoạt động. Họ đang đặt mục tiêu bán 1 triệu tô phở vào năm 2025.

“Tô phở Hà Nội và những món ăn Việt không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình tôi mà còn giúp chúng tôi được công nhận trên đất Mỹ. Tôi vô cùng trân trọng điều đó và chắc chắn không ngừng cố gắng để phở, bún chả, hủ tiếu… Việt Nam tiếp tục chinh phục thực khách, từ đó giới thiệu và lan tỏa hình ảnh, văn hóa Việt Nam”, bà chủ gốc Việt khẳng định.

Linh Trang - Đỗ An

Ảnh: NVCC