Nằm ngay tại ga tàu Maeklong của tỉnh Samut Songkhram, Thái Lan, là một trong những khu chợ nguy hiểm nhất thế giới. Những sạp hàng của các tiểu thương được bố trí chật kín hai bên đường ray xe lửa kéo dài 100 mét, chưa kể hệ thống ô bạt che mưa nắng gần như che kín lối đi.
Dù đã tồn tại suốt gần 120 năm nay (chợ đường tàu Maeklong được thành lập từ năm 1905), nhưng đây vẫn luôn là nỗi ám ảnh với những lái tàu hoạt động qua khu vực này.
Theo ông Kunchorn Pattanapongsam, tài xế lái tàu suốt 32 năm qua khu vực chợ Maeklong, về cơ bản đa phần những người tiểu thương đã quen thuộc với giờ giấc cũng như thông báo của lái tàu nên sẽ nhanh chóng di chuyển hàng hóa, ô bạt ra khỏi khu vực đường ray.
Tuy nhiên, mối quan ngại của những người lái tàu như ông Pattanapongsam lại nằm ở khách du lịch. Vì không có hệ thống rào chắn, khác biệt về ngôn ngữ cũng như việc du khách quá mải mê chụp ảnh đã gây cản trở không ít tới việc di chuyển của tàu.
Theo giới chức địa phương, khi đi qua khu vực chợ Maeklong, tàu chỉ được chạy với vận tốc khoảng 30 km/h. Bên cạnh đó, thời gian tàu hoạt động 8 lần trong ngày cũng được in lên bảng thông báo để du khách nắm rõ.
Từng xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng "You Are The Apple Of My Eye" (Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi), Shifen (Thập Phần) cũng là một trong những khu phố đường tàu nổi tiếng hàng đầu châu Á.
Thị trấn nằm ở quận Pingxi, Đài Bắc này trước đây là một phần của tuyến đường sắt dài 12.9 km vận chuyển than đá Pingxi và được xây dựng nhằm phục vụ cho nhu cầu khai thác mỏ. Qua bao năm tháng, phố cổ Thập Phần đã chứng kiến những biến cố của cuộc chạy đua khai thác than và vàng ở Đài Loan.
Ngày nay, Shifen là một trong những phố cổ hiếm hoi còn lưu giữ lại những nét vẹn nguyên như thưở ban đầu. Từ con đường, ngõ hẻm đến kiến trúc các ngôi nhà mang nét cổ kính của thời gian sẽ như đưa bạn quay về với thời kỳ xa xưa, tạo ra một sự mê hoặc khó tả. Đây là một trong những thị trấn cổ thu hút đông đảo khách du lịch đến mỗi năm.
Nét đặc biệt nhất nơi đây là phong tục thả đèn trời cầu mong bình an và may mắn với lễ hội Pingxi Sky Lantern lớn nhất Đài Loan.
Đa phần du khách đến đây có thể tha hồ tham quan, chụp hình sống ảo, mua sắm hay thưởng thức ẩm thực địa phương. Tuy nhiên, hệ thống đường ray này ngày nay vẫn hoạt động dù với tần suất không nhiều nên một số du khách còn chủ quan. Giới chức địa phương khuyến cáo du khách nên chọn cho mình một vị trí an toàn mỗi khi tàu chạy qua, tránh đứng quá gần để xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Năm 2018, CNN từng gọi phố đường tàu ở Hà Nội là một trong những "trung tâm của trào lưu sống ảo" ở Việt Nam. Nhiều người thậm chí ám ảnh việc có được những bức hình hợp trào lưu trên mạng xã hội tới mức phải thuê cả những người thợ chụp chuyên nghiệp để thoải mái "thả dáng" ở đường ray. Trong số này, có những người còn không mảy may biết tới chuyện sắp có một chuyến tàu chuẩn bị chạy qua.
Dave Fox, một nhà văn nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam, từng đến tham quan phố đường tàu lần đầu vào những năm 2010 cho biết cảm thấy "rất buồn" trước thực trạng hiện nay của những du khách quá đà.
Fox chia sẻ thêm rằng từng nghe câu chuyện về những khách du lịch thực hiện thử thách đứng trên đường ray càng lâu càng tốt, sau đó nhảy xuống ngay khi tàu đến để quay video đăng lên mạng xã hội.
Trong khi, những người dân sống tại khu vực này phần nào chấp nhận, thậm chí là hào hứng trước sự kéo về của ngày càng nhiều du khách, thì không phải nơi nào trên thế giới cũng có thái độ như vậy.
Các điểm nóng du lịch từ Venice đến New Orleans, đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng du lịch quá mức. Và chắc chắn những bức ảnh "sống ảo" được đăng tải trên các mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc làm mất cân bằng giữa số lượng du khách và khả năng tiếp nhận của điểm đến.
Theo thời báo Financial Times, mặc dù phố đường tàu có thể là một điểm đến hút khách của Hà Nội sau những năm đại dịch nhưng việc chưa có lộ trình quản lý rõ ràng cũng như hành lang an toàn giao thông đường sắt bị vi phạm sẽ là những rào cản lớn để tuyến phố này tiếp tục duy trì trong thời gian dài.
Đóng cửa 'phố đường tàu' Hà Nội
Từ đầu năm 2018, khu vực phía Bắc ga Hà Nội (từ Km 0+595 đến Km 0+840 tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) xuất hiện loại hình du lịch khách nước ngoài đi tham quan, quay phim chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua.
Chiều 14/9, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ tạm đóng cửa các quán cà phê đường tàu và thu hồi giấy phép với các hộ kinh doanh vi phạm an toàn hành lang đường sắt.