Mới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu.
Theo đó, khu vực phía Bắc ga Hà Nội (từ Km 0+595 đến Km 0+840 tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) xuất hiện loại hình du lịch khách nước ngoài đi tham quan, quay phim chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua. Các hàng quán mọc lên hai bên đường để bán đồ uống cho khách ngay trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt. Tình trạng này đang ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Chiều 14/9, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận này sẽ tạm đóng cửa 'phố cà phê đường tàu', đồng thời thu hồi giấy phép các hộ kinh doanh vi phạm an toàn hành lang an toàn đường sắt. Quận Hoàn Kiếm sẽ giao cho lực lượng chức năng rào chắn hành lang an toàn đường sắt, đồng thời vận động người dân và du khách không đến “check- in”, gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Trước đó, hồi tháng 10/2019, UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, ngăn chặn giải tán các điểm tụ tập đông người, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, phố đường tàu hoạt động sầm uất trở lại, là điểm đến thu hút du khách quốc tế bậc nhất Thủ đô. Nơi này được nhiều tờ báo, trang du lịch nổi tiếng quốc tế bình chọn là điểm đến độc đáo, không thể bỏ qua tại Hà Nội.
Việc đóng cửa ‘phố cà phê đường tàu’ nhận ý kiến trái chiều. Trong khi các chuyên gia giao thông cho rằng cần quyết liệt dẹp bỏ hàng quán quanh khu vực này để đảm bảo an toàn đường sắt thì chuyên gia du lịch, đại diện các đơn vị lữ hành lại mong muốn tìm ra phương án phát triển sản phẩm du lịch phố đường tàu.
Khách quốc tế mê mẩn phố cà phê đường tàu
Chia sẻ với báo VietNamNet, bà Hiên Kim - Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Best Price cho biết: 100% khách quốc tế tham gia tour du lịch Hà Nội của công ty này đều yêu cầu được đưa tới “phố cà phê đường tàu”.
“Hình ảnh con phố xuất hiện nổi bật trên nhiều tạp chí, chuyên trang du lịch nổi tiếng và được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Đến Hà Nội sau dịch Covid-19, du khách quốc tế tò mò, háo hức trải nghiệm con phố”, bà Hiên Kim cho biết.
Thời điểm hiện tại, các tour đưa khách quốc tế thăm Hà Nội của đơn vị này đa phần là đến các địa điểm văn hóa như Hồ Hoàn Kiếm, Chùa Một Cột, xem Múa rối nước… Địa điểm phố cà phê đường tàu chưa được đưa vào lịch trình tour. Tuy nhiên, du khách quốc tế chủ động yêu cầu hướng dẫn viên đưa tới trải nghiệm khu phố.
Bà Bùi Băng Giang - Giám đốc công ty lữ hành Asia Exotica, đơn vị chuyên phục vụ thị trường khách nói tiếng Tây Ban Nha cho biết, dù chưa đưa phố đường tàu vào chương trình tour du lịch Hà Nội nhưng khi dẫn du khách đến tham quan ngắn hay giới thiệu về khu phố này khi đi ngang qua, họ đều có phản hồi rất tích cực.
"Đối tượng du khách của chúng tôi không phải người trẻ mà là thế hệ trung niên, cao tuổi. Thế nhưng họ vẫn yêu thích không gian phố đường tàu, thích thú trải nghiệm nhâm nhi cà phê và ngắm nhìn cuộc sống nơi đây. Điều này chứng tỏ con phố có sức hút với nhiều đối tượng du khách khác nhau”, bà Giang cho biết.
Theo vị giám đốc này, phố cà phê đường tàu không phải sản phẩm du lịch quá xuất sắc, diện tích còn khá khiêm tốn, thế nhưng nó mang tới trải nghiệm mới lạ cho du khách. "Trong bối cảnh du lịch Hà Nội hiện tại, khi các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn thì khu phố này như một sự sáng tạo nổi trội, tạo ra điểm thu hút du khách”, bà Giang nói.
Mong muốn “hiến kế” để phát triển du lịch ở phố đường tàu
Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, bất cứ mô hình/sản phẩm phát triển du lịch nào cũng đều có hai mặt tích cực và tiêu cực. Trường hợp phố đường tàu cũng vậy.
“Con phố này đã thu hút được một lượng lớn du khách quốc tế, trở thành hình ảnh độc đáo về du lịch Hà Nội trong thời gian vừa qua; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con khu vực, xóa bỏ tệ nạn từng có trước đây… Đó là điều tích cực. Tuy nhiên, hoạt động của con phố còn tồn tại mâu thuẫn mất an toàn đường sắt, nguy cơ mất an toàn cho người dân và du khách”, ông Chính phân tích.
"Phát triển du lịch luôn tồn tại những vấn đề tiêu cực nhưng chúng ta phải nhìn nhận sớm để có phương án hạn chế chứ chỉ cấm, dẹp bỏ thì không khó. Cơ quan quản lý nhà nước có thể cân nhắc đến việc vừa có thể phát triển bền vững, vừa có thể đảm bảo an toàn”, ông nói thêm.
Theo ông Chính, chúng ta có thể nghiên cứu một số quy định, chế tài để quản lý con phố này như: Thí điểm giờ mở cửa hoạt động; Quy định cụ thể đối với du khách khi tới tham quan; Bộ quy tắc ứng xử, quy ước, cam kết dành cho các hộ kinh doanh; Thành lập đội an ninh, kĩ thuật chuyên trách…
Phố đường tàu vốn đã tồn tại lâu nay ở Thái Lan, Singapore, Đài Loan… Nhiều năm nay, công ty lữ hành Asia Exotica vẫn tổ chức các tour đưa du khách châu Âu, châu Mỹ tới thăm chợ nổi và chợ đường tàu Maeklong tại Thái Lan. Chợ dài 500m, nằm trên đường ray đang hoạt động với hàng trăm quầy hàng bao quanh. Mỗi ngày, có 8 chuyến tàu đi qua chợ - thời điểm tiểu thương và du khách vội vã rời đồ, nép mình chờ tàu qua để chụp hình, quay phim. Trước giờ tàu qua, các tiểu thương và du khách sẽ được thông báo di chuyển để không ảnh hưởng đến an toàn của đoàn tàu.
"Tại Thái Lan, khung giờ tàu chạy được thông báo cụ thể, rộng rãi để du khách, các doanh nghiệp lữ hành nắm được. Với khung giờ cụ thể đó, chúng tôi có thể lên lịch trình tour, đảm bảo an toàn cho du khách…”, bà Bùi Băng Giang cho biết. “Hiếm vị khách nào không cảm thấy phấn khích khi trải nghiệm khu chợ đường tàu này”, bà Giang nói thêm.
Theo bà Giang, cơ quan chức năng có thể tạo cơ hội cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia du lịch đóng góp ý kiến xây dựng sản phẩm du lịch phố đường tàu; nghiên cứu các quy định an toàn về hành lang, lịch trình tàu chay… để biến đây thành sản phẩm chuyên nghiệp của Hà Nội.
"Chúng ta có thể kết hợp con phố này với những nét văn hóa đặc trưng như âm nhạc, chợ truyền thống… để tạo cảm hứng cho du khách. Thái Lan đã làm rất tốt mô hình này, chúng ta cũng có thể nghiên cứu để triển khai, áp dụng”, bà Giang cho hay.
Đại diện một vài đơn vị du lịch “hiến kế”: thiết kế rào chắn tự động ở các quán cà phê, lắp đèn cảnh báo trên phố. Khi tàu sắp đến, đèn báo hiệu, rào chắn sẽ đồng loạt đóng lại. Du khách chỉ được phép đứng ở phía sau hàng rào nhằm đảm bảo an toàn Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, các hàng quán ở đây sẽ không được phép bán đồ có cồn.
“Không đánh đổi sự an toàn với bất kể lợi ích kinh tế nào”
Chia sẻ với VietNamNet, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chuyên gia phản biện độc lập khẳng định các hoạt động tham quan, kinh doanh tại khu vực phố cà phê đường tàu đã vi phạm luật đường sắt, luật giao thông Việt Nam. Ông đồng tình với việc đóng cửa các hàng quán, cà phê hoạt động vi phạm hành lang an toàn đường sắt.
Ông Nguyễn Anh Quân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: "Quan điểm của UBND quận Hoàn Kiếm là không đánh đổi sự an toàn của người dân với bất kể lợi ích kinh tế nào. Các cửa hàng cà phê mặt hành lang an toàn giao thông đường sắt sẽ dừng hoạt động, muộn nhất đến ngày 17/9”.
Ông Quân nói thêm: "Nhu cầu mưu sinh của người dân là nhu cầu tất yếu. Công tác thu hút khách du lịch cũng là nhiệm vụ quan trọng của quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, chúng ta phải lấy luật pháp làm tôn chỉ. Những hành vi đi lại, thậm chí nằm trên đường ray không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm, mất an toàn đường sắt mà còn là hình ảnh xấu, ảnh hưởng quá trình tuyên truyền pháp luật.