Một ngày sau, bà N. bắt đầu thấy da đầu ngứa nhiều nên cào gãi đến xước, trợt da. Ngày hôm sau, vùng trán và mắt bà sưng dần đến mức phù, mắt híp lại. Hoảng hốt, bà đến bệnh viện địa phương khám và được biết bị dị ứng thuộc nhuộm tóc. Sau khoảng một tuần điều trị, bà mới trở lại tình trạng bình thường, từ bỏ nhu cầu nhuộm tóc vì sợ.
Bệnh viện Da liễu TP.HCM cũng thông tin về trường hợp một người đàn ông nhập viện sau khi nhuộm tóc. Bệnh nhân cho biết ông có cảm giác da đầu ngứa rát sau nhuộm một ngày. Ba ngày sau, ông sốt, có mụn mủ, mụn nước, chảy dịch nhiều trên da đầu nên đi khám.
Ông có chỉ định nhập viện, xét nghiệm thấy bạch cầu tăng, diễn tiến nhiễm trùng. Các bác sĩ phải cho sử dụng kháng sinh, điều trị một tuần da đầu mới đóng mày khô và bớt các triệu chứng ngứa rát.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết dị ứng thuốc nhuộm có thể xảy ra do các thành phần hóa chất trong thuốc hoặc vấn đề da đầu của khách hàng.
Cụ thể, trong thuốc nhuộm có nhiều chất như thảo dược, phẩm màu, chất bảo quản, chất tạo mùi hương... Nếu kỹ thuật không đúng sẽ khiến thuốc bám dính trên da đầu quá nhiều, gây viêm. Thuốc nhuộm cũng là một chất lạ với cơ thể, có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Bên cạnh đó, khách hàng bị viêm da dầu, bệnh lý vảy nến hay bệnh về da đầu, sẽ xảy ra phản ứng viêm nhiều hơn khi tiếp xúc với hóa chất của thuốc nhuộm.
Với người nhuộm tóc lần đầu, biểu hiện của dị ứng có thể là rát, ngứa da đầu. Vài ngày sau, xuất hiện mụn nước, vỡ ra khiến vi trùng xâm nhập tạo thành mụn mủ. Nếu không kiểm soát tốt, người bệnh cào gãi nhiều, có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân. Triệu chứng lúc này là sốt, ớn lạnh, mệt mỏi.
Trường hợp sau nhuộm tóc, khuôn mặt bị sưng phù chứng tỏ đã diễn tiến sang nhiễm trùng toàn thân. Quanh mi mắt và môi sẽ sưng lên, nặng hơn có thể bị phù nề niêm mạc, gây khó thở.
Người bệnh cũng có thể nhập viện do nhiễm độc toàn thân. Việc nhuộm với nồng độ cao, ủ tóc trong thời gian dài sẽ khiến hóa chất được hấp thu theo đường máu, gây ra triệu chứng nhiễm độc như môi khô, lưỡi dơ, thậm chí hôn mê.
Bác sĩ Hiền khuyến cáo khi nhuộm tóc, khách hàng cần kiểm tra bằng cách nhuộm một phần tóc nhỏ, theo dõi trong 2-3 ngày. Nếu không có vấn đề gì trên da và cơ thể, việc nhuộm tóc có thể tiến hành. Thợ nhuộm phải có kỹ thuật tốt để thuốc không bám vào da quá nhiều hoặc thời gian ủ quá lâu, gây hại cho người được nhuộm tóc.
Ngoài ra, cần chọn thuốc có nguồn gốc rõ ràng, so sánh thành phần thuốc nhuộm với loại đã từng gây dị ứng, tránh nguy cơ tái dị ứng ở lần nhuộm tiếp theo.