PGS.TS Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết hầu như ngày nào ông cũng tiếp nhận ca bệnh biến chứng từ nặng tới nhẹ nhất là vào dịp cuối năm khi nhu cầu làm đẹp đón Tết tăng lên. Các ca biến chứng từ phẫu thuật tới làm đẹp không xâm lấn như tiêm filler, tiêm tan mỡ...
Nhập viện sau khi tiêm filler tăng kích thước vòng 3
Nhận định về điểm chung của các trường hợp này, bác sĩ Hùng nhận định họ đều làm đẹp ở các spa, tiệm làm tóc, tiệm làm móng. Người bệnh nhập viện khi gặp biến chứng như nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí nhiều bộ phận của cơ thể tổn thương như mù mắt.
Điển hình là trường hợp của N.T.H.K. 31 tuổi, trú tại TP.HCM, phải đến bệnh viện thăm khám vì mông chảy mủ. PGS Hùng cho biết bệnh nhân này tiêm filler để tăng kích thước vòng 3 nhưng sau đó gặp biến chứng tạo thành ổ mủ.
Trường hợp khác là L.K.H. 21 tuổi, trú tại Long An, đến khám với chiếc mũi khít bất thường. Bệnh nhân cho biết chị đã mổ nâng mũi 3 lần với lời hứa nâng mũi "kiểu Tây"Hỏng mũi, hoại tử mông vì làm đẹp cấp tốc đón Tết. Kết quả, bác sĩ phải phẫu thuật lại cho trường hợp này.
PGS Hùng cho biết một số trường hợp chi tới 200 triệu đồng để làm đẹp theo gói bao gồm cắt mí, mở góc mắt, nâng mũi, nâng cung mày, tiêm cằm, tạo hình môi... Tuy nhiên, bệnh nhân lại phải tìm tới bác sĩ vì khuôn mặt hỏng toàn bộ. Mi mắt không khép, mũi thô, lỗ mũi bít lại.
Theo nhận định của vị chuyên gia này, sau dịch Covid-19, các thẩm mỹ viện lại phát triển mạnh hơn, nhu cầu làm đẹp của người dân tăng cao. Kể từ đó, ông liên tiếp phải điều trị các trường hợp gặp biến chứng khi làm đẹp. Nhiều bệnh nhân từ Long An, Cà Mau, Cần Thơ đến gặp bác sĩ để cầu cứu. Khi được hỏi về cở sở mà mình đã làm đẹp, họ đều không rõ bác sĩ mổ cho mình là ai.
Tiệm cắt tóc, làm móng cũng thành "thẩm mỹ viện"
PGS Hùng cho biết tại một số cơ sở, nhân viên thực hiện làm đẹp đều không phải bác sĩ, thậm chí chỉ là nhân viên cắt tóc, gội đầu. Một số trường hợp học khóa đào tạo ngắn hạn vẫn tự xưng “chuyên gia thẩm mỹ hàng đầu”, khách hàng đôi khi “sập bẫy” vì ham rẻ.
Khi đến bệnh viện cấp cứu, nhiều nạn nhân chia sẻ họ được tiêm filler nâng mũi với giá chỉ 2-3 triệu đồng. Với giá này, theo bác sĩ Hùng, chưa đánh giá nguy hiểm do tiêm không đúng mà chất lượng filler cũng rất đáng lo.
Trước thực trạng “loạn” thẩm mỹ viện, PGS Hùng khuyến cáo người dân có nhu cầu làm đẹp cần tới các cơ sở y tế được cấp phép của cơ quan chức năng. Dù việc tiêm filler không xâm lấn nhưng người tiêm bắt buộc là bác sĩ có chuyên ngành thẩm mỹ hoặc bác sĩ da liễu. Phòng khám hay bệnh viện thẩm mỹ thực hiện tiêm filler phải được cấp phép của Sở Y tế.
Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng này, ông Hùng cho rằng đó là do việc quảng cáo không đúng sự thật tràn lan trên mạng xã hội. Khách hàng tin vào tư vấn của nhân viên mà không phải bác sĩ. Ngoài ra, tâm lý người dân khi đi làm đẹp là muốn dịch vụ nhanh, ít thủ tục. Vì vậy, khi vào bệnh viện họ phải làm theo các quy trình chặt chẽ để đảm bảo an toàn.
Đối với các cơ sở làm đẹp quảng cáo rầm rộ, bất chấp quy định, PGS Hùng cho rằng trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giám sát, phát hiện và cảnh báo là rất quan trọng. Bởi nếu chính quyền kiểm tra thường xuyên, tình trạng này chắc chắn sẽ giảm, sức khỏe và tính mạng người dân không bị đe doạ.
Phương Thuý
Nguyên tắc giảm cân, giữ dáng đón Tết
Những cách giải rượu làm hại người say