icon icon

Dù ngộp thở giữa 'rừng' bê tông nhưng nhiều người ở Hà Nội lại có tâm lý ngại vào công viên do cách quản lý mỗi nơi một phách. Công viên ở Thủ đô vẫn các kiểu, chỗ kín cổng cao tường để thu phí, nơi mở toang thì nhếch nhác.

LTS: Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa nêu quyết tâm, trong năm 2023 thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận. Báo VietNamNet ghi nhận thực trạng hệ thống công viên, chỉ rõ bất cập, chung tay góp giải pháp hồi sinh các công viên. Thực tế cho thấy, nhiều dự án công viên mới vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’, công viên cũ vẫn cảnh bị “xẻ thịt”, lấn chiếm. Thực trạng này đòi hỏi, muốn xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, cần thực hiện nghiêm quy hoạch mạng lưới công viên, vườn hoa đã có từ năm 2014 với chủ trương dành quỹ đất phù hợp sau di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh và ưu tiên đầu tư xứng tầm. Bên cạnh đó, cần quyết liệt giải tỏa, di dời các công trình sử dụng sai mục đích trong công viên, trả lại mảng xanh công cộng. 
 

Công viên Thống Nhất có diện tích khoảng 50ha, nhưng bán vé qua cửa

Công viên 50ha 'ế' khách vì kín cổng cao tường, dựng rào thu phí

Công viên Thống Nhất có diện tích khoảng 50ha, được khởi công xây dựng từ năm 1958. Đây không chỉ là ‘lá phổi xanh’ rộng nhất trong nội thành hiện nay, mà nó còn có giá trị lịch sử - mang biểu tượng khát vọng thống nhất khi hai miền Nam - Bắc của đất nước còn chia cắt.

Theo nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm, mỗi công trình, kiến trúc được xây dựng trong Công viên Thống Nhất đều là kết quả của những cuộc thi và được đánh giá là phù hợp với yêu cầu của cảnh quan. Công viên Thống Nhất còn thể hiện những giá trị về quy hoạch và kiến trúc.

Người dân vào tập thể dục hay đi dạo trong Công viên Thống Nhất vẫn phải mua vé

Xét về khía cạnh lịch sử và cảnh quan, Công viên Thống Nhất đều rất có giá trị với người dân Thủ đô. Đặc biệt, với 2 quận Hai Bà Trưng và Đống Đa có dân số khoảng 730.000 người, Công viên Thống Nhất lại vô cùng quan trọng. Thế nhưng, nhiều năm qua, dù là trong tuần hay cuối tuần, Công viên này luôn ‘ế khách’.

Ông Nguyễn Văn Thanh (nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu) cho biết, thường chỉ những người dân sống gần Công viên Thống Nhất vào đây tập thể dục.

“Có lẽ do được xây kín cổng cao tường nên nhân dân địa bàn khác có tâm lý ngại vào Công viên Thống Nhất”, ông Thanh nói.

Còn theo chị Phạm Thị Hạnh, người vào Công viên Thống Nhất phải mua vé, dù giá vé rất rẻ nhưng đây cũng là rào cản tâm lý với nhiều người dân.

Ghi nhận của phóng viên VietNamNet vào một ngày đầu tháng 10/2022, ngoài mất vé gửi xe 5.000 đồng/lượt, du khách còn phải mua vé “vào cổng Công viên Thống Nhất”. Tất cả các cổng công viên này đều có nhân viên bán vé. Theo quy định, người lớn mất 4.000 đồng mỗi lần vào Công viên, còn trẻ nhỏ là 2.000 đồng.

Trong buổi sáng cùng ngày, nhiều người dân lần đầu đến Công viên Thống Nhất tỏ ra băn khoăn với việc phải mất tiền vào chơi trong công viên. Trước băn khoăn này, một nhân viên bán vé ở cổng nằm trên đường Lê Duẩn giải thích, việc bán vé qua cổng là quy định lâu nay, hiện TP mới chỉ có kế hoạch chứ chưa có quyết định chính thức miễn phí cho khách nên việc bán vé vẫn được thực hiện.

Tương tự như Công viên Thống Nhất, khách vào tham quan Công viên Thủ Lệ hiện nay cũng phải mua vé. Cụ thể, đối với người lớn là 30.000 đồng/vé, còn trẻ nhỏ là 20.000 đồng. Vào trong công viên, ngoài xem thú, đi dạo, khách chơi thêm trò gì tính tiền trò đó.

Vé vào Công viên Thủ Lệ từ 20.000 đến 30.000 đồng

Vào dịp cuối tuần, anh Nguyễn Quốc Hưng (nhà ở Thanh Xuân) thỉnh thoảng cho con vào Công viên Thủ Lệ xem thú, dạo chơi. Tuy nhiên, những đứa trẻ nhà anh Hưng thường chỉ hào hứng được vài phút đầu khi vào công viên. “Lúc nói cho đi xem vườn thú đứa nào cũng hào hứng. Nhưng sau lần nào vào công viên chúng nó đều kêu chán!”, anh Hưng nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khu vực kinh doanh dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách trong Công viên Thủ Lệ chưa được đầu tư xứng đáng, chưa tạo được tiện nghi đồng bộ về hình ảnh cũng như công năng sử dụng. Chính vì xuống cấp về cảnh quan, nghèo nàn về dịch vụ, đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tiếp cận, thu hút khách thăm quan đến địa điểm này.

Công viên Linh Đàm (Hoàng Mai)

Công viên mở: Nơi hút khách, chỗ lại để nhếch nhác

Thực tế nhiều công viên trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều là công viên mở, tức mở toang cửa cho người dân ra vào đi dạo, tập thể dục thoải mái. Điển hình trong số đó là Công viên Linh Đàm. Sau nhiều năm rào chắn, đến nay, các bức tường, hàng rào sắt quanh Công viên Linh Đàm được phá bỏ để người dân dễ tiếp cận với không gian xanh.

Từ khi không còn hàng rào, Công viên Linh Đàm luôn đông kín người dân ra vào tập thể dục mỗi buổi sáng, chiều và dịp cuối tuần. Thậm chí vào buổi tối, một số điểm trong công viên được thắp điện sáng trưng nên vẫn có những nhóm tận dụng để sinh hoạt câu lạc bộ nhảy aerobic, võ, múa.

Công viên Linh Đàm cũng nằm giữa "rừng" cao ốc

“Bán đảo Linh Đàm hiện nay có khoảng 6 vạn dân, nếu không có công viên như hiện nay thì rất ngột ngạt. Công viên mở như vậy, dân cư chúng tôi cũng dễ tiếp cận, không phải đi lòng vòng tìm cổng ra vào như trước đây. Hàng ngày, đi làm về tôi đều xuống công viên chạy vài vòng cho thoải mái”, chị Phạm Thị Hảo, nhà ở HH Linh Đàm chia sẻ.

Tuy nhiên, điều mà hàng vạn dân ở bán đảo Linh Đàm còn tiếc nuối, đó là gần như tất cả các hạng mục trong công viên đã bị xuống cấp từ lâu nhưng không được sửa chữa. Điển hình là tuyến đường dạo quanh công viên bị sụt lún, bê tông gãy từng mảng gây nguy hiểm cho người dân. Còn khu vui chơi của trẻ em, có chỗ treo biển hỏng không sử dụng, nơi thì dây điện "vá víu" nhằng nhịt gây nguy hiểm.

Cũng mở toang như Công viên Linh Đàm, nhưng tại Công viên Cầu Giấy lại là một "bức tranh" khác và hấp dẫn người dân. Cụ thể, từ năm 2013, Công viên Cầu Giấy được đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng khu vui chơi miễn phí dành cho trẻ em. Toàn bộ thiết bị trong khu vui chơi rộng 6.500m2 đều được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản. Các trò chơi ở đây đều hướng đến tính năng vận động, thể thao dành cho các em nhỏ. Mặt sân chơi được lót cỏ nhân tạo nên các em nhỏ đến đây tha hồ chạy nhảy mà không lo bị trầy xước.

Gần 10 năm đưa vào khai thác, dịp cuối tuần, Công viên Cầu Giấy là điểm đến lý tưởng dành cho các gia đình có con nhỏ.

Ghi nhận của phóng viên vào ngày cuối tuần đầu tháng 10/2022, dù trời mưa nhỏ, nhưng khu vui chơi dành cho trẻ em trong công viên vẫn đông người. Nhiều trò chơi như xích đu, bập bênh, đu dây… bị quá tải, các em nhỏ phải xếp hàng mới đến lượt. Điều đặc biệt, đó là mọi người tự do qua cổng, không có cảnh xé vé thu tiền.

Công viên Cầu Giấy trở thành điểm thu hút trẻ em đến vui chơi vào dịp cuối tuần

Chị Trần Thu Hà (ở Hoài Đức) cho biết, vào dịp cuối tuần gia đình chị hay lên Công viên Cầu Giấy dạo chơi. Hai con nhỏ của chị Hà thoả thích leo trèo, khám phá các trò chơi trong công viên. Không phải trông con, vợ chồng chị Hà tranh thủ chạy quanh công viên rèn luyện sức khoẻ. “Trẻ nhỏ luôn có nhu cầu vận động để rèn luyện sức khoẻ và tư duy. Chỉ tiếc là Hà Nội có quá ít chỗ chơi dành cho trẻ em như Công viên Cầu Giấy”, chị Hà chia sẻ.

Cũng vì luôn trong tình trạng quá tải, nên sau 10 năm khai thác, nhiều hạng mục trong khu vui chơi dành cho trẻ em trong Công viên Cầu Giấy bị xuống cấp. Đặc biệt là lớp cỏ nhân tạo, dù đã được sửa chữa một phần hồi tháng 4/2022, nhưng đến nay đã bị bong tróc. Mặt sàn nhiều điểm bị trồi sụt, nếu trẻ nhỏ chạy nhảy không để ý có thể vấp phải. Nhiều trò chơi bị hỏng nhiều ngày nhưng chưa được sửa chữa kịp thời.

Kỳ tiếp: Hơn 2 năm kể từ ngày hoàn thành, một công viên có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ vẫn bị rào chắn. Tất cả lối ra vào công viên đều có bảo vệ canh gác nghiêm ngặt 24/24h. Nhiều người dân đi tập thể dục đều có mong muốn vào trong công viên, tuy nhiên, chỉ cần tiến đến gần lối vào, lực lượng bảo vệ sẽ ra ngăn cản. Mời quý độc giả đón đọc bài 6... 

Đi đến trang sự kiện