- Vừa trở về từ Hội nghị COP29, theo ông những kết quả nổi bật từ COP29 có ý nghĩa gì đối với hoạt động chống biến đổi khí hậu toàn cầu? Và làm thế nào để áp dụng vào bối cảnh của Việt Nam, thưa ông?
Năm tới sẽ tròn cột mốc 5 năm các quốc gia đặt ra những mục tiêu mới về việc Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) nhiều kỳ vọng. Đồng thời, các quốc gia Nam bán cầu, trong đó có Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cũng đang kêu gọi sự hỗ trợ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi của họ.
Một trong những vấn đề quan trọng mà COP29 đề cập là làm thế nào để các cộng đồng và quốc gia sẵn sàng thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu. Trước đây, chúng ta tập trung nhiều vào việc giảm phát thải. Tuy nhiên, nhiệt độ toàn cầu đang tăng nhanh và khó kiểm soát dưới 1,5°C, việc thích nghi giờ đây trở nên cấp thiết. Các thảm họa tự nhiên như bão lụt ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và nền kinh tế.
Ngoài ra, COP29 cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một thị trường carbon hiệu quả, nơi các nước có thể giao dịch tín chỉ carbon để hỗ trợ các sáng kiến giảm phát thải. Điều này đòi hỏi các quốc gia, bao gồm Việt Nam, phải chuẩn bị kỹ lưỡng, từ cơ sở hạ tầng đến khung chính sách để tham gia vào thị trường này. Thị trường carbon không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là công cụ quan trọng để thúc đẩy các hành động khí hậu tích cực.
Cuối cùng, để đối phó với những thách thức lớn này, hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt. Tuy nhiên, sự hợp tác không chỉ dừng lại ở cam kết mà cần bắt đầu từ tư duy tích cực và xây dựng những hành động cụ thể. Hiện nay, mô hình hợp tác đã mở rộng từ đối tác công - tư sang đối tác công - tư - từ thiện, với sự hỗ trợ từ các quỹ xanh để khởi động các hoạt động ý nghĩa. Chẳng hạn, phân loại rác thải ở cấp cộng đồng có thể tạo ra tác động lớn nếu có sự tham gia của các tổ chức từ thiện. Điều quan trọng là tạo ra giá trị chung, để mọi bên liên quan đều thấy được lợi ích và sẵn lòng tham gia.
Tại Việt Nam, các sáng kiến từ COP29 được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào việc xây dựng các nghị định và các quy định pháp luật mới. Nếu Việt Nam có thể kết nối với các đối tác trong khu vực ASEAN và trên toàn cầu, tiến độ thực hiện các cam kết khí hậu sẽ được đẩy nhanh đáng kể.
- SCG đã triển khai những sáng kiến nào trong chiến lược tăng trưởng xanh toàn diện, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam?
Kinh tế tuần hoàn không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà cần bắt đầu từ nguồn nguyên liệu thô, quy trình sản xuất và sau đó là việc thu hồi toàn bộ chất thải để tái sử dụng. Mô hình này được xem là một trong những cách tiếp cận thống nhất với các nguyên tắc về ESG, công cụ hiệu quả để hướng đến mục tiêu Net Zero.
Việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về Kinh tế tuần hoàn của Việt Nam là một bước đi đầy triển vọng. Nếu kế hoạch này được phê duyệt trong năm nay, đây sẽ là cơ hội cho khu vực công cũng như khối tư nhân và đối tác trong các lĩnh vực khác nhau để có thể cùng chung tay vì sự thành công của kinh tế tuần hoàn.
Tại SCG, chúng tôi không chỉ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nội bộ mà còn mở rộng ra cộng đồng và hệ thống giáo dục. Chúng tôi nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự thay đổi trong chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng hiện tại cần được điều chỉnh để hỗ trợ mô hình kinh tế tuần hoàn, từ việc phân loại rác thải tại nguồn đến thu gom và tái chế.
- Cụ thể tại SCG như thế nào, thưa ông?
Cụ thể, trong quá trình triển khai kinh tế tuần hoàn, SCG đã áp dụng chiến lược tăng trưởng xanh toàn diện dựa trên nguyên tắc "3G": Con người xanh (Green People), Quy trình xanh (Green Process) và Sản phẩm xanh (Green Product) với các hoạt động nổi bật như sau:
Về “Con người xanh”, chúng tôi giáo dục nhân viên và cộng đồng về tư duy xanh, đặc biệt thông qua chương trình “Rác không thải” tại thị xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến tháng 11/2024, chương trình đã thu gom được 21.000 kg rác tái chế, tạo ra một môi trường xanh sạch tại khu vực.
Về “Quy trình xanh”, SCG đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, bao gồm sử dụng sinh khối thay cho nhiên liệu hóa thạch và lắp đặt 40 MW điện mặt trời trên mái nhà máy. Từ năm 2023, SCG đã giảm được 700.000 tấn khí thải CO2.
Về “Sản phẩm xanh”, xi măng carbon thấp của SCG giúp giảm 20% lượng phát thải CO2, tương đương lượng hấp thụ của 12 cây trưởng thành mỗi năm. Bên cạnh đó, sản phẩm hạt nhựa Polymer xanh (Green Polymer) tái chế của SCGC chất lượng cao khuyến khích sử dụng lại tài nguyên. Hay bao bì PCR do Nhựa Duy Tân sản xuất giảm đến 40% trọng lượng sản phẩm.
- Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm về thúc đẩy hoạt động ESG?
Việc thúc đẩy các hoạt động ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị minh bạch) tại Việt Nam vô cùng cần thiết để hướng tới phát triển bền vững và hòa nhập với các xu hướng toàn cầu.
Có một số giải pháp mà chính phủ và doanh nghiệp có thể cân nhắc để thu hẹp khoảng cách hiện tại. Trong đó, khung pháp lý là nền tảng quan trọng nhất để củng cố việc thực hành ESG.
Ngoài ra, việc hỗ trợ tài chính và các biện pháp khuyến khích cho các dự án ESG đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo chính thức cho doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm thu hẹp khoảng cách về kiến thức, đảm bảo ESG được triển khai hiệu quả.
Doanh nghiệp cũng cần xem xét tích hợp ESG vào chiến lược phát triển dài hạn của mình. Điều này bao gồm việc thiết lập các mục tiêu bền vững, minh bạch trong báo cáo và ưu tiên các hoạt động mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân cũng như việc tăng cường kết nối quốc tế là yếu tố then chốt để ESG trở thành hiện thực. Các nỗ lực hợp tác này sẽ giúp chia sẻ nguồn lực, thúc đẩy đổi mới và tạo ra các giải pháp có thể nhân rộng, từ đó đảm bảo việc thực hành ESG được triển khai hiệu quả và mang lại tác động thiết thực.
Những giải pháp này sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế trong việc thực hiện ESG, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển bền vững và góp phần vào các mục tiêu toàn cầu về khí hậu và xã hội.
Tôi cũng bổ sung một thông tin khá thú vị. Tại COP29, dự án Saraburi Sandbox được giới thiệu như một sáng kiến đột phá nhằm biến tỉnh Saraburi thành thành phố carbon thấp đầu tiên của Thái Lan. Thành công cốt lõi của dự án này là nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm tập đoàn SCG, các cơ quan chính phủ và cộng đồng địa phương. Dự án tập trung vào 3 mục tiêu chính: chuyển đổi sang năng lượng sạch, xây dựng công nghiệp xanh và quản lý rác thải.
- SCG đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác lâu dài tại Việt Nam trong bối cảnh ưu tiên phát triển bền vững của quốc gia?
Theo tôi, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong hợp tác dài hạn nhờ các yếu tố sau. Trước hết, chiến lược cũng như các sáng kiến của SCG đồng bộ với mục tiêu bền vững của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án hợp tác.
Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang xây dựng các chính sách ưu đãi để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, như Kế hoạch hành động quốc gia về Kinh tế tuần hoàn (NAPCE).
Bên cạnh đó, SCG đã và đang hợp tác với doanh nghiệp địa phương và cơ quan chính phủ để chia sẻ kinh nghiệm và tận dụng nguồn lực địa phương, đảm bảo hiệu quả của các dự án. Ví dụ, Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân đã thành công trong sản xuất chai PCR với 50% nhựa tái chế, giảm trọng lượng bao bì đáng kể.
SCG cam kết đồng hành với Việt Nam trong hành trình phát triển bền vững, không chỉ qua các dự án mà còn thông qua các diễn đàn và sáng kiến thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên toàn quốc.
Chiêu Quân (Thực hiện)