- Về ăn Tết đấy à? Ở nhà lâu không?
- Tớ phải ăn hết nước bỗng rồi mới đi!
Đây là những câu mà người ta thường hỏi nhau khi thấy người đi xa về quê ăn Tết. Câu trả lời ngầm nói họ sẽ ở lại chơi và nghỉ dài ngày. Nhưng “bỗng” là gì? Chắc chắn nhiều người không biết.
Tết xưa ở quê tôi đa phần các nhà đều có một cái cong (hay chum nhỏ) để làm nước bỗng vào dịp Tết Nguyên đán.
Nước bỗng xưa là để tiết kiệm những thức ăn thừa trong ngày Tết. Nhà ai làm như nào thì tôi không rõ nhưng nhà tôi, cứ cách Tết mấy ngày là mẹ lại mang cái chum ra rửa sạch sẽ cả trong lẫn ngoài rồi hong khô.
Hôm vo và ngâm gạo nếp để gói bánh chưng, nước vo gạo đầu, nước xáo, hay nước làm giò được gạn vào chum, đậy nắp lại.
Trong mấy ngày Tết các thức ăn thừa như bánh chưng, giò, đồ nấu… đều trút tất vào đó. Chum được đậy kín, không để ruồi bọ vào.
Sau Rằm tháng Giêng, kết thúc những ngày Tết ăn chơi, hội hè, mọi người bắt đầu trở lại với công việc thường niên. Đối với làng quê, là bắt đầu gieo cấy vụ lúa Chiêm xuân.
Trời vào xuân nhưng vẫn còn se lạnh. Mọi người đi làm về, trong mâm cơm, ngoài rau, mắm còn có bát nước bỗng thơm lừng.
Nước bỗng đặc hay loãng tùy theo từng nhà, từng năm. Năm nào thức ăn dư nhiều thì chum nước bỗng phong phú, có những miếng khoai tây, su hào, măng miến… thậm chí có cả miếng giò. Nhưng có năm thì chủ yếu là nước, loáng thoáng mới có chút thức ăn.
Chúng tôi, khi lấy bỗng để nấu bao giờ cũng cho cái muôi vào khuấy đều rồi mới múc sẽ được cả nước và cái. Đặt nồi nước bỗng lên bếp, nếu có thêm chút mỡ lợn, vài cọng hành tươi hay ít mùi tàu thì được một nồi nước bỗng hấp dẫn. Mùi thơm bốc lên cả xóm, ngon và quý đến mức thỉnh thoảng còn chia cho cả hàng xóm thưởng thức.
Đó là cách tận dụng thức ăn thừa ngày Tết trước kia, khi kinh tế còn khó khăn, chỉ có ngày Tết mới có nhiều món ngon để thừa.
Bây giờ mọi nhà ăn uống đầy đủ, thức ăn thừa thường cho vật nuôi, thậm chí đổ đi vì việc chăn nuôi cũng theo hình thức công nghiệp nên ít người tận dụng.
Hơn nữa, các thực phẩm thời nay thường có chất tăng trọng hay chất bảo quản nên không còn ai làm bỗng nữa.
Tuy vậy, với những ai từng trải qua thời kỳ khó khăn thiếu thốn trước đây, chắc hẳn không quên được mùi vị của bát nước bỗng năm xưa.
Nhưng có muốn tìm lại hương vị đó cũng vô cùng khó khăn vì mấy ai biết làm, và có làm cũng không dám ăn. Ai cũng sợ bệnh tật do khuyến cáo của bác sĩ về sự biến đổi chất của các thức ăn để lâu dù trong bất kỳ môi trường bảo quản nào. Vậy là bỗng - một món ăn đã thất truyền.
Minh Hải
Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn |