Lời tòa soạn: Nói đến TP.HCM là nói đến biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong đổi mới. Những năm gần đây, đầu tàu kinh tế của cả nước có dấu hiệu chững lại. Các nhân tố ‘dám nghĩ, dám làm, dám đột phá’ vốn là đặc tính của TP năng động nhất cả nước giờ đang có biểu hiện mờ nhạt.
Loạt bài của VietNamNet góp phần tìm câu trả lời về xung lực mới giúp TP.HCM tìm lại vị thế vốn có.
Trong buổi làm việc mới đây với TP.HCM, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong kháng chiến, thành phố rất kiên cường, dũng cảm; trong hòa bình, thành phố có nhiều sáng kiến, sáng tạo. Trong công cuộc đổi mới, đây là địa phương đi đầu.
Theo Tổng Bí thư, TP.HCM luôn là địa phương có nhiều mô hình mang tính tiên phong của cả nước, đạt hiệu quả cao trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Năm 1991, từ đề xuất của TP.HCM, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã thí điểm cấp giấy phép đầu tư cho Công ty liên danh xây dựng và kinh doanh Khu chế xuất Tân Thuận. Từ đó, Khu chế xuất Tân Thuận ra đời. Đây là khu chế xuất đầu tiên của cả nước, tiếp đến là Khu chế xuất Linh Trung ra đời năm 1992.
Ngay thời điểm đó, Thành ủy TP.HCM chủ trương thành lập Trung tâm Chứng khoán Thành phố, xây dựng thị trường vốn; đến năm 2000, Chính phủ cho phép thành lập Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM - Sở Giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam.
Cũng trong năm 2000, Khu công viên phần mềm Quang Trung được hình thành từ việc chuyển đổi mô hình hội chợ triển lãm thành công viên phần mềm trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi từ các quốc gia Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số nước tiên tiến khác. Đây là nơi tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp phần mềm, là khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước.
Trong hành trình 48 năm xây dựng và phát triển, TP.HCM luôn nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước.
Giai đoạn 10 năm (1975-1985), mức tăng GRDP của thành phố đạt bình quân 2,7%/năm nhưng tới giai đoạn 1991-2010 Thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân hai con số trong suốt 20 năm.
Từ năm 2011-2019 (trước dịch Covid-19), thành phố cũng đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người TP.HCM ước đạt 6.328 USD, gấp 2 lần bình quân cả nước.
Quy mô kinh tế, tiềm lực và sự đóng góp của TP.HCM cho cả nước ngày càng lớn. Ðến nay, Thành phố đóng góp khoảng 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp; 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 1/5 quy mô kinh tế của cả nước; 30% trong tổng thu ngân sách quốc gia.
Về vấn đề xã hội, sau 26 năm thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo, thành phố đã 8 lần điều chỉnh mức chuẩn nghèo và hiện chuẩn hộ nghèo của Thành phố cao gấp 3 lần so với chuẩn quốc gia.
Tài sản lớn nhất TP.HCM được cả nước biết đến là tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp, đảng bộ và chính quyền.
Theo doanh nhân Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba), do yếu tố trên mà 48 năm qua, TP.HCM đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Thành phố là nơi tập trung đông đảo đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nhất, chiếm tới 40% lực lượng doanh nghiệp cả nước. Sự năng động, dấn thân của doanh nghiệp, tinh thần sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách (trong từng thời điểm) là những cơn sóng đẩy chính sách chạy theo…
Nhớ lại những năm cuối thập niên 1980, nhà báo Lê Thanh Tâm (báo Tuổi Trẻ) nói TP.HCM xuất hiện nhiều người mạnh dạn “xé rào”. Lúc này, kinh tế đất nước đứng bên bờ vực thẳm, bị cấm vận, cơ chế quan liêu bao cấp vây hãm. Các doanh nghiệp Nhà nước gần như hoạt động cầm chừng do thiếu thốn tứ bề.
Trong bối cảnh đó, những người như bà Nguyễn Thị Đồng, nguyên Phó Giám đốc Công ty Dệt may Thành Công; bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), Giám đốc Công ty Lương thực; ông Nguyễn Quang Lộc, Giám đốc Nhà máy Bột giặt Viso; ông Lê Đình Thụy, Giám đốc Thuốc lá Vĩnh Hội… đã đột phá bằng phương thức kinh doanh tự vay -tự trả. Họ vay vốn để mua nguyên vật liệu sản xuất, rồi trực tiếp đưa sản phẩm ra thị trường hoặc bán cho các đơn vị xuất khẩu để thu ngoại tệ. Cách làm táo bạo này, đụng chạm nhiều ‘nguyên tắc’ ở thời điểm đó.
Những người “xé rào” phải chịu không ít áp lực của nhiều đoàn thanh tra xuống tận nơi “sờ gáy”. Nhưng, họ vô tội khi cấp có thẩm quyền không tìm thấy dấu vết tư túi, doanh nghiệp vẫn phát triển tốt, đời sống công nhân được cải thiện.
Đặc biệt, sau lưng họ có sự hỗ trợ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Bí thư Thành ủy TP.HCM thời điểm đó. Ông Kiệt tận mắt nhìn thấy thực tế đầy trăn trở, lắng nghe tất cả từ cơ sở nên đã chủ động “bật đèn xanh” cho chủ trương ba lợi ích “Lợi ích Nhà nước - Lợi ích tập thể - Lợi ích người lao động”. Ông Võ Văn Kiệt từng nói: “Để dân đói mà còn chức hay dân no mà mất chức, chọn cái nào? Đừng tham ô thôi, nếu làm mà phải đi tù thì tôi sẽ là người đưa cơm”.
Điều đáng nói, thế hệ của bà Đồng và các doanh nhân thời điểm đó chưa có Nghị quyết bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Bộ Chính trị như hiện nay. Họ không cần đến giải pháp “chữa bệnh sợ trách nhiệm”, đơn giản, họ “xé rào” vì lợi ích chung.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Phạm Phương Thảo nhận định, thời điểm đó tinh thần quyết liệt, dám nghĩ dám làm lên rất cao.
“Đội ngũ lãnh đạo có lòng tin vào sức sáng tạo của nhân dân, có sự sâu sát, lắng nghe những đề xuất từ cơ sở, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho những công trình, những địa chỉ cụ thể với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung”, bà Thảo nhìn nhận.