Sáng 28/3, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo lấy ý kiến 21 tỉnh, thành phía Nam về dự thảo các nghị định, trong đó có dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất “cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung” nhưng không đạt, chỉ đạt một phần mục tiêu hoặc gặp rủi ro được xem xét miễn kỷ luật. Với nghị định này, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng rất khó thực hiện.
Cụ thể, Giám đốc Sở Nội vụ Hậu Giang Nguyễn Minh Trí cho biết, tỉnh này có ý tưởng về đổi mới cơ chế tinh giản biên chế, nhưng không dám triển khai vì không đúng luật.
Giải pháp của Hậu Giang là ban hành một bộ tiêu chí đánh giá riêng, để tính điểm mỗi cán bộ. Trong một tập thể, nếu 2 năm hoàn thành nhiệm vụ, nhưng điểm thấp hơn người khác thì vẫn bị đưa vào diện tinh giản biên chế. Ý tưởng này đã được Ban Chấp hành Tỉnh ủy thống nhất.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang báo cáo Bộ trưởng Nội vụ, được ủng hộ. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng ủng hộ, nhưng yêu cầu phải đúng quy định pháp luật.
“Chúng tôi có ý tưởng, đã dám nghĩ, dám làm rồi, mà không dám triển khai, vì không đúng quy định pháp luật, triển khai thì sẽ đụng đến những vấn đề khác”, ông Trí nói.
Góp ý thêm vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Giàu nêu ý kiến, khi cán bộ có ý tưởng đột phá thì cần có phương án để động viên họ, như vậy họ mới dám nghĩ, dám làm.
Bà Giàu đề xuất: “Cần xem xét bổ sung thêm quy định nên có cơ quan, tổ chức để có thẩm quyền thẩm định ý tưởng đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở các đề xuất, cơ quan đó thẩm định để tiến hành thực hiện".
Theo đại diện tỉnh Quảng Trị, ý tưởng đổi mới, sáng tạo thường đa phần là những nội dung mới, khó, chưa được quy định cụ thể mà xuất phát từ thực tiễn. Do đó, quá trình xem xét thông qua cần phải cân nhắc, thảo luận cụ thể. Trường hợp cần thiết phải xin ý kiến của nhiều cấp, ngành để giảm thiểu tránh sai sót.
Còn đại diện TP Cần Thơ cho biết, với Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung thì không nên bó buộc ở đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý mà có thể mở rộng với cả cán bộ không giữ chức vụ.
Đồng tình với những băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là rất mới, khó, phải xây dựng chính sách chặt chẽ, để thực hiện một cách khả thi.
“Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo với các bộ, ban, ngành, thậm chí xin ý kiến Bộ Chính trị… để có sự chặt chẽ về mặt cơ sở chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở Trung ương, rồi triển khai về địa phương”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.
Giao thẩm quyền về địa phương, Bộ chỉ hậu kiểm
Về dự thảo Nghị định tinh giản biên chế và vấn đề liên quan đến cán bộ công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách, có nhiều ý kiến băn khoăn về mức phụ cấp.
Nhiều đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ cân nhắc nâng mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai Trần Quang Tú cho biết, tỉnh có một số phường dân số khá đông, có nơi trên 135.000 dân nhưng số lượng quy định cán bộ chưa phù hợp.
Ông Tú đề xuất nên có quy định cụ thể, ví dụ trên 100.000 dân thì số lượng công chức viên chức là bao nhiêu, trên 120.000 dân là bao nhiêu, để các địa phương thực hiện phù hợp.
Đại diện tỉnh Đồng Nai cũng đề xuất cho hưởng BHYT đối với người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang Nguyễn Hoàng Thông nêu ý kiến, với cán bộ, công chức bị kỷ luật, chưa đến mức thôi việc, nhưng tự giác xin nghỉ thì dễ. Tuy nhiên, với các trường hợp không tự nguyện tinh giản biên chế thì sao?
Qua đó, ông Thông cho biết, Kiên Giang đề xuất ý tưởng: Với những trường hợp đó sẽ lấy phiếu tín nhiệm, nếu dưới 50% thì đưa vào đối tượng tinh giản biên chế.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất, Bộ Nội vụ xem xét, giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phê duyệt đề án tinh giản biên chế phù hợp với địa phương mình.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đồng tình quan điểm phân cấp, giao thẩm quyền về cho từng địa phương. Từng địa phương sẽ có thẩm quyền về số lượng cán bộ, kể cả cán bộ biên chế hay cán bộ không chuyên trách phù hợp với thực tiễn của địa phương đó.
“Bộ Nội vụ chỉ thực hiện chức trách hậu kiểm, các địa phương chịu trách nhiệm về tính chính xác, trình tự thủ tục trong triển khai, thực hiện”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.