Đào phai được người dân xã Kim Thành trồng hàng hoá từ nhiều năm nay, nhà ít thì chục gốc, nhà nhiều lên đến cả trăm gốc đào. Đây là giống đào phai bản địa, cánh hoa dày, hồng mịn, nhiều thế đẹp, từ lâu đã được các thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến thu mua mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Ghé thăm vườn đào hơn 350 gốc của gia đình chị Nguyễn Thị Thuyết (trú xã Kim Thành), chị cho biết, cứ vào giữa tháng 11 âm lịch hàng năm, người trồng đào bắt tay vào tuốt lá, tỉa cành khô, cành vụn cho các cây đào.
Đây được xem là công đoạn “thay áo” cho các gốc đào, cũng là công đoạn cuối cùng để chuẩn bị cho đào ra hoa vào đúng vụ.
“Tuốt lá đào, tỉa bỏ cành là kinh nghiệm dân gian hàng chục năm của người dân nhằm kích thích cây ra hoa. Khi tuốt hết lá, toàn bộ chất dinh dưỡng của cây sẽ tập trung chuyển sang nuôi búp. Từ đó, cây nở hoa đúng ý của chủ vườn”, chị Thuyết tâm sự.
Công đoạn tuốt lá được người dân thực hiện rất cẩn thận và tỉ mỉ, bởi nếu không sẽ ảnh hưởng đến các mắt hoa, các chồi nụ của cây đào. Do vậy, toàn bộ công đoạn tuốt lá, tỉa cành đều thực hiện theo phương pháp thủ công.
Ông Nguyễn Văn Vân, 74 tuổi, sở hữu hơn 500 gốc đào phai, cho hay, tuỳ vào con mắt thẩm mỹ và sở thích của mỗi người mà cắt ngang hoặc đào cả gốc. Mỗi gốc đào dao động từ 350.000-500.000 đồng, với những thế đẹp lên đến vài triệu đồng. Gần Tết, thương lái đến đặt mua cả vườn hàng trăm cây đào, sau đó dùng dây buộc tán lại, vận chuyển đi khắp nơi.
“Nghề trồng đào rất bấp bênh, khó mà nói trước điều gì. Về cơ bản, việc chăm đào không quá khó khăn và vất vả. Để hoa nở như mong muốn còn phụ thuộc rất nhiều vào đất đai và thời tiết”, ông Vân nói.
Vì thế, có không ít hộ trồng đào ở Kim Thành như ngồi trên đống lửa, bởi hơn một tháng nữa mới đến Tết nhưng hoa đã nở rộ. Lý do là bởi thời tiết vừa qua nắng nóng bất thường. Chưa kể, những trận mưa trái mùa còn khiến đào ngập úng, lá rụng hết nên đã bung nụ. Ngập úng cũng khiến một số cây đào chết khô.
Để hãm đào, bà con đã phải hái bớt hoa, chỉ giữ lại nụ, hoặc dùng biện pháp chắn rễ, khoanh gốc.
Lãnh đạo UBND xã Kim Thành thông tin, toàn xã có hơn 280 hộ trồng đào với quy mô khoảng 29ha, trong đó có nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển vườn nhà ra đồng để trồng đào.
Xã Kim Thành được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề - lợi thế để địa phương phát triển ổn định, mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân.