Lời TÒA SOẠN

Hà Nội dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 55,7%. 

4 năm trở lại đây, năm nay, số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỷ lệ thấp nhất. Điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh như “ngồi trên đống lửa”. 

Nguyên nhân tại sao cơ hội vào các trường THPT công lập của học sinh lại khó đến vậy cũng được dư luận đặt ra. Trong đó, không ít phụ huynh phàn nàn "chung cư Hà Nội mọc như nấm sau mưa" trong khi tốc độ xây dựng trường học không tương ứng.

Vậy các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới, tỷ lệ học sinh vào các trường trung học công lập như thế nào? Mời độc giả tiếp tục theo dõi Tuyến bài Cửa hẹp vào công lập THPT ở Hà Nội.

Độc giả có thể xem lại các kỳ trước:

Kỳ 1:  Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập thấp kỷ lục, phụ huynh Hà Nội 'ngồi trên lửa'

Kỳ 2: Phụ huynh nghèo ‘khóc ròng’ vì con trượt lớp 10 công lập

Kỳ 3: Nghịch lý thiếu trường học, quá nhiều chung cư

Kỳ 4: Doanh nghiệp vẫn xin được, tại sao đất cho giáo dục lại không?

Kỳ 5: Học sinh tăng, TP.HCM làm gì để hạ nhiệt 'cuộc đua' vào lớp 10 công lập?

Tỷ lệ tuyển sinh vào các trường cấp 3 công lập tại một số quốc gia trên thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố - khu vực địa lý, mật độ dân số hay các giá trị giáo dục.

Phần Lan

Một khía cạnh độc đáo trong hệ thống giáo dục chất lượng cao tiên tiến bậc nhất thế giới của Phần Lan - không có kỳ thi tuyển sinh vào các trường trung học công lập.

Ảnh minh họa.

Theo đó, sau khi hoàn thành 9 năm giáo dục cơ bản bắt buộc, học sinh được chỉ định đến các trường THPT công lập dựa trên khu vực cư trú, thường là các trường gần nhà nhất.

Một số trường hợp, các em được theo học trường trung học công lập khác nếu có lý do chính đáng, như gần địa điểm làm việc của cha mẹ hay cần theo học tại cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Trên thực tế, số lượng trường tư ở Phần Lan tương đối hiếm so với trường công. Số liệu thống kê của Cục thống kê nước này cho thấy, trong số 242.467 học sinh THPT năm 2020, khoảng 88% (213.721) học tại các trường trung học công lập, 12% (28.746) còn lại theo học các trường trung học tư thục hoặc tôn giáo.

Nhật Bản

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, tỷ lệ vào các trường THPT công lập ở nước này năm 2020 khoảng 80%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi tùy thuộc vào trường học và khu vực.

Ví dụ, một số trường trung học hàng đầu ở Tokyo, như trung học Tokyo Metropolitan Hibiya và trung học Ochanomizu Women, tỷ lệ tuyển sinh thấp với 10%.

Trong khi đó, tỷ lệ nhập học vào các trường công lập ở vùng nông thôn hoặc khu vực ít dân cư cao hơn, một số trường chấp nhận tới 80%-90% số lượng ứng viên thi tuyển.

Trung Quốc

Trong những năm gần đây, sự cạnh tranh để được nhận vào các trường cấp 3 công lập ở Trung Quốc ngày càng cao do áp lực dân số và kỳ vọng học thuật. 

Ảnh minh họa.

Tuy vậy, theo báo cáo của chính phủ Trung Quốc năm 2020, tỷ lệ tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông công lập ở nước này trung bình đạt 87,9%.

Với hơn 15 triệu học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở mỗi năm, nhu cầu giáo dục trung học phổ thông ở Trung Quốc là rất lớn.

Lường trước vấn đề này, chính phủ Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách khác nhau như đầu tư vào việc xây dựng trường học mới và nâng cấp cơ sở vật chất, cũng như tăng kinh phí cho giáo dục và trợ cấp cho các gia đình có thu nhập thấp.

Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, có 28,172 trường trung học phổ thông công lập (lớp 10-12) trên toàn nước này tính đến năm 2020.  

Tuy nhiên, ở một số thành phố lớn và trường cấp 3 danh giá ở Bắc Kinh và Thượng Hải, tỷ lệ nhập học vào các trường cạnh tranh khốc liệt.

Ví dụ, các trường THPT trực thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc và Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh có tỷ lệ chấp nhận thấp tới 1-2%.

Mỹ

Tỷ lệ cạnh tranh vào trường trung học công lập ở Mỹ không quá gay gắt. 

Ảnh minh họa.

Các trường cấp 3 công lập thường nhận tất cả học sinh sống trong khu vực địa lý của trường, bất kể nền tảng học vấn hoặc thành tích của các em.

Điều này do các trường được tài trợ bởi khoản thuế địa phương và ý niệm mọi người được quyền tiếp cận giáo dục công lập.

Ở Mỹ, các trường THPT công lập thường phổ biến hơn các trường tư thục. Theo Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia Mỹ, trong năm học 2019-2020, khoảng 87% học sinh trung học theo học các trường công lập, trong khi khoảng 10% theo học các trường tư thục. 3% còn lại theo học các loại trường khác, như giáo dục tại nhà.

Số lượng học sinh đăng ký vào mỗi trường trung học công lập rất khác nhau, một số trường có vài trăm học sinh, những trường khác có vài nghìn.

Ở một số khu vực, các trường THPT công lập có tính cạnh tranh cao do chất lượng giáo dục, danh tiếng và cơ hội trường cung cấp cho học sinh.

Ví dụ, trường Trung học Khoa học và Công nghệ Thomas Jefferson ở bang Virginia là một trong những trường cấp 3 công lập cạnh tranh bậc nhất ở Mỹ, tỷ lệ chấp nhận dưới 10%.

Đức

Ở Đức, các trường trung học công lập định hướng đại học được gọi là Gymnasiums. Cạnh tranh để được nhận vào Gymnasiums khá cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Ngoài ra, có 2 loại trường trung học công lập định hướng đào tạo nghề và kỹ thuật gọi là Realschule hay Hauptschule.

Gymnasiums là lựa chọn phổ biến nhất, sau đó đến Realschule và Hauptschule. Cả 3 trường này đều được coi trọng như nhau ở Đức.

Theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, năm học 2019-2020, khoảng 47% học sinh đăng ký vào Gymnasiums. Tỷ lệ phần trăm dao động theo tiểu bang, từ 29% ở Sachsen-Anhalt đến 66% ở Hamburg.

Tử Huy