Lời tòa soạn: Nói đến TP.HCM là nói đến biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong đổi mới. Những năm gần đây, đầu tàu kinh tế của cả nước có dấu hiệu chững lại. Các nhân tố ‘dám nghĩ, dám làm, dám đột phá’ vốn là đặc tính của TP năng động nhất cả nước giờ đang có biểu hiện mờ nhạt.
Loạt bài của VietNamNet góp phần tìm câu trả lời về xung lực mới giúp TP.HCM tìm lại vị thế vốn có.
Tự thân TP.HCM những năm qua đã đóng vai trò như một trung tâm kinh tế của đất nước.
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 do Bộ KH-ĐT ban hành, tính đến hết năm 2021, TP.HCM có 268.465 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 31,3% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, số doanh nghiệp hoạt động tăng 5,4% so với năm 2020.
Năm 2021, bình quân cả nước có 8,7 doanh nghiệp/1.000 dân đang hoạt động, con số này tại TP.HCM là 29,3 doanh nghiệp.
TP.HCM hiện dẫn đầu cả nước về số dự án lẫn tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Trong đó, có 11.455 dự án FDI còn hiệu lực (dự án cấp mới và điều chỉnh), chiếm 31,29% tổng số dự án của cả nước, tổng vốn đầu tư gần 56,35 tỷ USD (chiếm 12,73% tổng vốn FDI cả nước).
Những con số trên cho thấy, quy mô kinh tế của địa phương ‘đầu tàu’ này. Ngoài ra, TP.HCM đang sở hữu những tiềm năng kinh tế lớn khác như sân bay và cảng biển lớn nhất cả nước.
Cụ thể, sân bay Tân Sơn Nhất đứng đầu cả nước về tổng diện tích khai thác (hơn 1.500 ha) và công suất hàng hóa, số lượng hành khách phục vụ mỗi năm.
Cảng Sài Gòn hiện là cảng biển có diện tích và công suất lớn nhất cả nước. Cảng có tổng diện tích khoảng 570.000 m2, đồng thời là hệ thống cảng biển phục vụ cho thành phố, các vùng lân cận và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo UBND TP.HCM, thành phố đang sở hữu lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển các trung tâm tài chính quốc tế. Ngoài ra, địa phương này còn là thị trường tiêu thụ, cung ứng hàng hóa lớn nhất khu vực phía Nam.
Trong Nghị quyết 31, Bộ Chính trị khẳng định, TP.HCM tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới.
Còn mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM phấn đấu trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Dù có tiềm năng lớn và được đặt nhiều kỳ vọng, song, những năm gần đây, TP.HCM đứng trước hàng loạt thách thức. Tính chất “đầu tàu”, “tiên phong” chưa thể hiện rõ nét ở nhiều lĩnh vực, quy mô “đầu tàu” đang suy giảm như đánh giá của Trung ương.
Thực tế, không phải TP.HCM đã hết tiềm năng hay là cạn nguồn phát triển, chính một số bất cập trong cách thức tổ chức, thực hiện những kế hoạch phát triển của thành phố trong những năm qua chưa hiệu quả để địa phương vươn tầm. Chưa kể, những bất cập đã khiến một số cán bộ và lãnh đạo thành phố phải trả giá đắt, đồng thời, ghìm đà phát triển của doanh nghiệp.
Đáng lo nhất hiện nay là cán bộ trì trệ, sợ trách nhiệm, không dám làm, điều này đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá tại buổi làm việc mới đây.
Để giải quyết những thực trạng trên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, đối với tình trạng “né tránh” của một bộ phận cán bộ hiện nay, thành phố cần tìm cách khuyến khích cán bộ, khơi dậy khát vọng cống hiến, sáng tạo. Để thực hiện, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong phạm vi của mình.
Với những cơ chế vượt thẩm quyền, ông cho biết, Chính phủ và Quốc hội nên cụ thể hóa cơ chế bảo vệ cán bộ bằng các Thông tư, Nghị quyết để các địa phương, trong đó có TP.HCM triển khai cơ chế này.
Đi sâu vào những giải pháp để vực dậy nền kinh tế, tìm lại động lực tăng trưởng, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, Nghị quyết 54 mới nếu được Quốc hội thông qua trong phiên họp tới, sẽ là đòn bẩy giúp TP.HCM phát triển nhanh, bền vững hơn.
Theo ông Mãi, Nghị quyết 54 mới là cụ thể hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, cho phép TP.HCM thí điểm những cơ chế vượt trội. Đây là một trong những đòn bẩy khai phóng hết tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Góp ý về ‘đòn bẩy’ phát triển TP.HCM, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, TP cần chủ động liên kết vùng, không chỉ phát triển địa phương mà còn tạo không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam bộ, và lan tỏa ra các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông lưu ý, cần tận dụng TP Thủ Đức, đây chính là cửa ngõ phía Đông của thành phố, kết nối với 3 tỉnh có nguồn ngân sách và nguồn lực lớn là Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Nếu liên kết tốt với tứ giác 4 tỉnh/thành sẽ tạo nên nguồn lực rất mạnh, mang lại lợi thế lớn không chỉ cho riêng TP.HCM mà còn cho cả khu vực Đông Nam bộ.
“Phải xem hướng Đông là hướng chủ đạo để đột phá về chiến lược hạ tầng giao thông, đẩy nhanh các dự án Vành đai 3, Vành đai 4” ông Sơn nói và chỉ ra, ngay Nghị quyết 31 cũng trao cơ chế chủ động phân cấp, phân quyền hơn cho TP.
Địa phương cần tận dụng cơ hội này, trao thêm cơ chế chủ động, tạo điều kiện để TP Thủ Đức phát triển hơn, điều mà mô hình ‘thành phố trong thành phố’ đang chờ lâu nay, tạo động lực tăng trưởng chung cho kinh tế toàn TP.
Nói về các yếu tố cần thiết để lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế của TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Thắng, Thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam cho rằng, hạ tầng là yếu tố cần sớm cải thiện tại TP.HCM và trong khu vực.
Theo ông, đầu tư hạ tầng của khu vực TP.HCM trong suốt thời gian dài đang giậm chân tại chỗ, nếu so với các địa phương phía Bắc. Đồng bằng sông Cửu Long mới có khoảng 100km đường cao tốc, trong khi TP.HCM cũng chỉ có khoảng 60km đường cao tốc kết nối.
Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra các quyết sách, thúc đẩy đầu tư công, đầu tư vào hạ tầng, đường sá. Song, ông Thắng cho hay, tiến độ cần được đẩy nhanh hơn nữa. Hạ tầng đã và đang là một yếu tố hạn chế tăng trưởng của TP.HCM.
Ngoài ra, phát triển nhân tài cũng là vấn đề quan ngại. Hơn 20 năm qua, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có sự tiến bộ rất chậm. Từ đó, ảnh hưởng tới nhân lực phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Cành, Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP.HCM và cả nước. Nhu cầu nhân lực sẽ tăng cao trong những năm tới, do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các ngành nghề mới trong tương lai sẽ yêu cầu kỹ năng mới như chuyên gia phân tích dữ liệu, chuyên gia trí tuệ nhân tạo, người điều hành robot tự động hóa...
Thực trạng tại TP.HCM hiện nay, trên 70% lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đến từ các tỉnh/thành khác, những nhân lực này chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng cao. Mặt khác, các cơ sở đào tạo trên địa bàn mới chỉ đào tạo, đáp ứng được khoảng 15% số lao động trong khối ngành kỹ thuật. Có thể thấy, TP.HCM đang mất cân đối cung-cầu lao động, thiếu công nhân kỹ thuật, thiếu tính ổn định về nguồn nhân lực chất lượng, khiến quá trình tuyển dụng của doanh nghiệp gặp khó khăn.
GS Cành cho rằng, TP.HCM chưa có các trường đạt trình độ quốc tế do thành phố quản lý, chính quyền địa phương cần đầu tư các trường dạng này, tập trung đào tạo cho 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu. TP.HCM cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo nâng cao năng suất lao động, cũng như nhân sự cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển các ngành công nghệ cao tới đây.
Còn theo Viện Kinh tế TP.HCM, hầu như các ngành chủ lực của địa phương đã phát triển đến giới hạn nhất định, do đó, điều tiên quyết là phải tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, những hạn chế trong quản trị và điều hành của TP.HCM đã được chính lãnh đạo thành phố thừa nhận, Trung ương chỉ rõ. Chính vì vậy, chính quyền thành phố đã giao cho Hội Doanh nhân trẻ và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM triển khai, chỉ số đánh giá DDCI. Đây là bộ chỉ số về năng lực cạnh tranh của các địa phương và sở, ngành để các cấp lãnh đạo có cái nhìn đầy đủ, thấu hiểu thực trạng quản trị đang ở đâu, yếu điểm chỗ nào để khắc phục.
Theo TS.Trần Nam Quốc, Trưởng khoa Kinh doanh, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT), thành phố cần tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường cơ chế phân quyền, phân cấp trong quản lý và ra quyết định, khuyến khích đổi mới sáng tạo để tạo bước đột phá. Các quy định chính sách cần tăng tính minh bạch, được hệ thống hóa và tương tác cao, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cấp quản lý chính quyền; tránh tâm lý e ngại và chậm trễ khi ra quyết định do sợ trách nhiệm.
TP.HCM có khát vọng. Khát vọng là yếu tố cần có để vươn tới mục tiêu cao, khác biệt và đột phá. Từ đó, nhà chức trách đưa ra kế hoạch, chiến lược phát triển cụ thể để Thành phố sớm tìm lại vị thế vốn có.