Đáp án tham khảo môn Toán thi lớp 10 Hà Nội năm 2024
Kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội được đánh giá là khắc nghiệt. Không ít thí sinh trượt "tấm vé" vào lớp 10 công lập, các em đã đối mặt với thất bại, cú sốc lớn trong đời.
Là một thí sinh không vượt qua được kỳ thi lớp 10 công lập năm 2023, H. (ở Hà Nội), nhớ lại: “Em đã không thể ăn, ngủ kể từ khi nhận kết quả thi. Em nghĩ rằng mình là người thất bại, sợ hãi khi nghĩ tới tương lai và nhất là chứng kiến nỗi buồn trong mắt mẹ”.
H. từng là học sinh giỏi 4 năm liền, điểm tổng kết Văn, Toán luôn 9.0 nên bản thân em rất tự tin trước kỳ thi vào lớp 10 công lập. Hôm làm hồ sơ, H. đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Phan Đình Phùng vì bạn thân của em cũng đăng ký vào đây.
Nguyện vọng 2, H. đăng ký vào THPT Phạm Hồng Thái và không đăng ký nguyện vọng 3. Sở dĩ không đăng ký thêm nguyện vọng vì nữ sinh này cho biết đã thi thử nhiều vòng, môn Văn và Toán, Anh đều ở mức 9 điểm trở lên nên em tự tin không cần nguyện vọng dự phòng.
Hôm có kết quả thi, H. được 41 điểm, trượt nguyện vọng 1 do điểm chuẩn của Trường THPT Phan Đình Phùng là 42,75. Trường THPT Phạm Hồng Thái lấy 40,75 điểm nhưng vì H. đăng ký nguyện vọng 2 nên phải cộng thêm 1 điểm, tức 41,75 điểm mới đỗ.
“Em nhốt mình trong phòng và khóc suốt đêm. Em còn có ý định bỏ nhà ra đi vì không dám đối diện với thất bại, không dám đối diện với người thân và bạn bè.
Em cho mấy bộ quần áo vào ba lô, kèm thêm điện thoại và dây sạc để sẵn sàng rời khỏi nhà. Thế nhưng, bước ra khỏi phòng thấy khay cơm mẹ để ngoài cửa cùng một tờ giấy với dòng chữ: ‘Chúng mình còn rất nhiều cánh cửa để có tương lai tươi đẹp con ạ’. Không hiểu sao lúc ấy nghĩ tới mẹ, nước mắt em chảy xuống. Em cầm khay cơm vào phòng và ăn hết một lèo".
Sau đó, H. đứng lên thay đồ và xuống tầng dưới gọi mẹ, hai mẹ con bàn bạc và quyết định chọn đăng ký học một trường tư thục cách nhà hơn 5km.
Hết học kỳ I, từ một đứa trẻ mặc cảm không đỗ trường công, em lấy lại phong độ vươn lên dẫn đầu lớp về thành tích. "Giờ đây nghĩ lại, may mà có mẹ em mới có thể vượt “cú sốc” đầu đời”.
Cùng cảnh ngộ, khi có lực học khá, N. đăng ký các nguyện vọng lần lượt vào THPT Mỹ Đình, THPT Xuân Phương, THPT Thượng Cát. N. muốn vào trường Mỹ Đình do bạn thân nhất của em cũng đặt mục tiêu vào đó. Cả hai cùng bảo nhau cố gắng, nỗ lực hết mình để có kết quả mong muốn.
"Em từng nghĩ mình chỉ có 2 con đường: Một là đỗ hai là chết. Và rồi, kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập năm ngoái em chỉ được 35,5 điểm và trượt cả 3 nguyện vọng - điều chưa bao giờ em nghĩ tới.
Thấy mình vô dụng, tệ hại, em giam mình trong nhà 2 ngày liền mặc cho bố mẹ gọi cửa. Em dùng dao lam rạch đường dài trên cánh tay như một cách ghi nhớ ngày thất bại đau đớn này. Thế nhưng, vết dao khiến em đau quá nên bỏ luôn ý định tự làm đau bản thân... Em thấy việc làm của mình thật vô nghĩa và bắt đầu lao vào mạng tìm các cơ hội học tập khi trượt lớp 10".
Hiện giờ, N. đang học chương trình 9+ tại một trường nghề và vừa học văn hóa vừa tham gia học nghề sửa chữa ô tô.
Theo cô Nguyễn Hà An Nhiên - giáo viên trường THPT Newton (Hà Nội), trượt lớp 10, học sinh phải đối mặt với rất nhiều suy nghĩ tiêu cực như thấy bản thân vô dụng, xấu hổ vì thua kém bạn bè. Các em xấu hổ với bố mẹ và những người đặt niềm tin vào mình.
“Kỳ vọng lớn và khi trượt, các em rất dễ lâm vào tình trạng bất ổn tâm lý. Hơn ai hết, trước kỳ thi bố mẹ cũng cần trao đổi với con, chuẩn bị một vài phương án trong trường hợp con trượt thì đi đâu, học gì để các con biết rằng ngoài lớp 10 công lập mình còn rất nhiều lựa chọn khác.
Điều này giúp con thoải mái tâm lý khi thi và cũng không quá sốc trong trường hợp không may trượt. Nếu con trượt, bố mẹ hãy luôn đồng hành cùng con trong các chặng đường tiếp theo để con thấy không đơn độc”, giáo viên này cho hay.