Xem video:
Làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ là một trong những vựa cá chép đỏ lớn nhất miền Bắc, từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước. Hàng năm, cứ đến dịp 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo), ngôi làng này lại tấp nập cảnh đánh bắt, mua bán cá chép đỏ.
Theo ghi nhận của PV. VietNamNet, ngày 31/1 (tức 21 tháng Chạp), người dân làng Thủy Trầm bắt đầu kéo cá để bán cho lái buôn từ các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên… Thời tiết lạnh giá khiến người nông dân lội dưới bùn phải trang bị đầy đủ quần áo mưa, ủng để việc đánh bắt cá không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hơn 30 năm nay, năm nào cũng vậy, dù trời mùa đông rét đậm nhưng từ sáng sớm, gia đình ông Nguyễn Huy Luận đã lội xuống hồ kéo mẻ lưới, bắt cá chép đỏ mang lên bờ đưa vào bể chứa để bán cho các thương lái. “Thời tiết có lạnh nữa, chúng tôi cũng vẫn phải xuống hồ kéo cá lên để phục vụ người dân”, ông Luận cho biết.
"Sau khi bắt xong, cả người lạnh buốt, bàn tay tím tái lại vì giá lạnh", ông Luận nói.
Cũng giống như gia đình ông Luận, chị Hoàng Thị Thùy Dung (30 tuổi, người dân làng Thủy Trầm) đang tất bật với những mẻ cá ở chợ. "Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm thu hoạch cá phục vụ lễ ông Công ông Táo là thời tiết rất lạnh, để giữ ấm cơ thể mỗi người mặc đến mấy lớp áo", chị Dung chia sẻ.
Theo quan sát của PV, dù đã sát ngày ông Công ông Táo nhưng không khí tại ngôi làng này năm nay ảm đạm so với mọi năm.
Ông Luận cho biết, năm nay nhà ông nuôi cá chép đỏ trên diện tích hơn 4.000m2. Thời tiết thuận lợi nên cá chép đỏ sinh trưởng rất tốt, cho năng suất cao. Sản lượng cá thu hoạch khoảng trên 1 tấn, với giá bán tại ao là 80.000 đồng/kg.
Dự kiến, số tiền thu về khoảng 80 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, gia đình ông lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ bán được khoảng 200kg.
"Năm ngoái, chỉ cần kéo cá lên là có người đến mua, nhưng năm nay ảm đạm lắm. Tôi thấy đầu ra chậm nhất so với những năm gần đây. Một số lái buôn gọi điện cho tôi để đặt vài tạ, nhưng đến ngày rồi vẫn chưa thấy họ đến”, ông Luận than thở.
Theo ông Luận, để có được những con cá chép đẹp, khỏe mạnh, từ đầu năm, ông đã phải chọn những con cá bố, mẹ có màu sặc sỡ, mạnh khỏe. Sau khi sinh sản, cá giống được tiến hành nuôi từ tháng 6.
Người nuôi chăm sóc sao cho đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp. Người dân Thủy Trầm luôn có những phương pháp, bí quyết riêng để cá bán ra được khỏe mạnh.
“Giống như năm ngoái, năm nay việc nuôi cá gặp khó khăn khi ao hồ bị loại cá sộp tấn công. Đây là loài cá ngoại lai, nếu lọt vào ao, chúng sẽ ăn thịt cá chép, gây thiệt hại rất lớn. Năm vừa qua, chúng tôi phải rào chắn bờ cao, thường xuyên chú ý và thả mồi để bắt riêng những con cá sộp này", ông Luận cho hay.
Ông Bùi Đình Chữ, trưởng làng nghề cho biết nghề nuôi cá chép đỏ ở đây được bắt đầu từ khoảng những năm 60 của thế kỷ trước. Cá chép nơi đây được ưa chuộng bởi hình thức đẹp, màu đỏ rực rỡ, mắt xanh đen, khỏe mạnh, thân không có đốm...
Theo ông Chữ, hiện trên địa bàn có 146 hộ nuôi cá chép đỏ, sản lượng thu hoạch mỗi năm khoảng 45 tấn. Những năm trở lại đây, để nghề nuôi cá phát triển, các hộ gia đình trong làng đã tích cực dồn điền, đổi thửa, xây bờ ao, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật theo hướng công nghiệp.
“Những năm trước, bắt cá lên bờ, chúng tôi bán từ 100.000 - 120.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ được khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg. Đây chỉ là giá cá ở làng nghề chúng tôi, còn con cá đưa đi các nơi khác có thể bán giá gấp đôi, gấp 3”.
Ông Chữ cho hay, thông thường, ngày 20 tháng Chạp, các hộ dân trong làng sẽ bắt đầu bắt cá lên bờ để cho cá khỏe mạnh. Sau 1-2 ngày, các lái buôn sẽ đến mua mà không sợ cá yếu, chết dù đưa đi bất cứ nơi nào.
Mặc dù giá cá năm nay thấp, nhưng ông Chữ vẫn cùng các hộ dân cố gắng thuần hóa giống cá chép đỏ, nhân giống ra những con cá chép đúng theo yêu cầu của thị trường, qua đó nâng cao đời sống, tinh thần ở vùng quê tỉnh Phú Thọ.