Chương trình được đăng tải theo hai phần. Dưới đây là phần I:

Xem video:

NỘI DUNG CHI TIẾT:


Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Thượng tướng, được biết vào dịp này và nhiều dịp khác trong năm, Thượng tướng thường cùng đồng đội đi thăm các chiến trường xưa. Xin Thượng tướng chia sẻ về những chuyến đi của mình? 

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Theo thông lệ hàng năm, vào 30/4 và 27/7, tôi cùng đồng đội, các cựu chiến binh và lãnh đạo tại địa phương Quảng Trị sẽ đến để tri ân và dâng hương đồng bào, đồng chí, đồng đội tại các nghĩa trang liệt sỹ như Nghĩa trang quốc gia Đường 9, Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Triệu Phong, Nghĩa trang Hải Lăng, Nghĩa trang Gio Linh…

Riêng Quảng Trị đã có tới 72 nghĩa trang, chưa kể đến các nghĩa trang trong thành cổ, ở các bìa rừng, dòng sông. Năm nay là tròn 50 năm giải phóng Cam Lộ, tôi cũng đã cùng các đồng đội đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang huyện Cam Lộ (tháng 4/2022).

Ngày 1/5 vừa rồi, tôi cũng vừa có chuyến đi 10 ngày, tri ân gia đình các liệt sỹ. Trong đó, tôi còn sang thăm cả nghĩa trang liệt sỹ bên Lào, đặt vòng hoa để tri ân Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Nhân dân Giải phóng Lào. Từ ngày 24/7, tôi và các đồng đội vẫn tiếp tục cuộc hành quân về nguồn.

Tuần này (24-31/7), chúng tôi vào Quảng Trị dâng hương tưởng nhớ 2.500 liệt sĩ của Trung đoàn 27 đã hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 đến năm 1972 và tặng quà cho các gia đình, người thân của các anh.

Nhà báo Phạm Huyền: Miền đất lửa Quảng Trị luôn gắn liền với những trận đánh không thể nào quên trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Vậy, Thượng tướng thường nhớ tới những lát cắt như thế nào?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Tôi trực tiếp tham gia chiến trường Quảng Trị từ Tết Mậu Thân 1968 đến năm 1972. Trong cuộc chiến này, ác liệt nhất có lẽ là giai đoạn năm 1969-1970. Những năm tháng đó, Mỹ và quân Ngụy đã sử dụng hỏa lực và sức mạnh quân sự lớn nhất để đánh phá vùng giải phóng. 

Tôi còn nhớ một sự kiện vào ngày mùng 4/4/1970, lúc đó tôi là Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 mặt trận B5. Thời đó, đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư Lệnh, đồng chí Lê Quang Đạo là Chính ủy Mặt trận phát động tiêu diệt bộ binh cơ giới của Mỹ. 

Lúc đó, tôi đã đưa cả một đại đội luồn sâu vào Cam Lộ để thực hiện cách đánh phía sau đêm mùng 4 rạng mùng 5/4/1970. Chúng tôi đã tiêu diệt gọn một đại đội bộ binh cơ giới của Mỹ gồm 16 chiếc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng các đơn vị bạn đánh bại chiến thuật “Trâu rừng” của Mỹ.

Sau đó, tôi được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, chủ công của Trung đội 27. Đến năm 1971, tôi là Tiểu đoàn trưởng chỉ huy phục kích trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào, tiêu diệt 28 xe của quân Ngụy Sài Gòn và góp phần cắt đứt đường tiếp tế của quân Ngụy lên Bản Đông cũng như chiến thắng toàn Bản Đông.

Đặc biệt là, ký ức của tôi năm 1972, lúc đó tôi cũng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 chủ công của Trung đoàn 27 mặt trận B5, được giao nhiệm vụ đêm 29/3, đưa cả tiểu đoàn luồn sâu vào căn cứ 544 để thực hiện một cuộc phục kích. 

Sáng 30/3, chúng tôi đã tiêu diệt một tiểu đoàn quân Ngụy ở cao điểm 288 và 322 của khu vực Đông Nam, bắt sống Tiểu đoàn trưởng Hà Thúc Mẫn của quân Ngụy, góp phần mở màn cho chiến dịch năm 1972. Sau đó, tôi tiếp tục chỉ huy đơn vị ở cánh Đông, giải phóng 2 huyện Hải Lăng và Triệu Phong của Quảng Trị.

Năm 1972, kết thúc chiến tranh ở Quảng Trị thì đến năm 1973 chúng tôi được tuyên dương. Cuối năm 1973, tôi được tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhà báo Phạm Huyền: Chiến tranh diễn ra ác liệt như vậy, xin Thượng tướng chia sẻ thêm về cuộc sống của mình cũng như đồng đội tuổi 20 vào những ngày đó?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Thời đó, tôi mới có 23 tuổi. Người lính chúng tôi lúc đó chỉ nặng 40 cân thôi, thân hình gầy gò, ốm yếu nhưng lại rất khỏe vì chúng tôi đã được trải qua rèn luyện, thử thách. 

Chúng tôi phải ăn lá rau rừng, như lá lốt, lá diếp cá, lá tàu bay, lá sắn và củ sắn… Thêm vào đó, chúng tôi đánh và lấy được thực phẩm của quân địch.

Hồi đó, đồ ăn chủ yếu là lương khô với gạo rang. Có lúc, cả đơn vị chỉ còn 6 bánh lương khô, chúng tôi để dành cho thương binh. Lúc đó, chúng tôi chỉ ăn cháo với rau rừng thôi. 

Hi sinh trong chiến trận rất nhiều, mất vì sốt rét cũng rất nhiều. Mỗi lần có một người hi sinh là cả trung đội tập hợp đưa anh em về nơi an nghỉ. 

Lúc đó, cũng chỉ có thể chôn anh em bằng những tấm vải dù. Trong rừng không có hoa, không có hương nên chúng tôi nhặt hoa rừng, trong đó có cả hoa phong lan đặt lên mộ mỗi người một nhánh nhằm tưởng nhớ đồng đội rồi lấy những thùng đạn đục tên tuổi để cắm lên đầu mộ. Có những khi, chúng tôi chôn xong là chiều bị đánh bom, anh em lại bị tung lên thì phải chôn lại. 

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt đó, không có ngòi bút nào có thể nói lên hết nỗi niềm của người lính nhưng cái đó lại biến thành căm thù, biến thành hành động để tiếp tục chiến đấu.

Nhà báo Phạm Huyền: Trong bối cảnh rất gian khổ và đồng đội liên tục ngã xuống như vậy, Thượng tướng và các đồng đội nghĩ về cái chết như thế nào?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Nếu mà nói về sợ cái chết, những người đã dày dạn kinh nghiệm chiến đấu chiến trường sẽ rất bình tĩnh. Trong gian khổ, người ta vẫn lạc quan, vẫn tin tưởng chiến thắng. Dù đồng đội mình có phải hi sinh, mình vẫn phải tiếp tục chiến đấu để đền đáp lại sự hy sinh của đồng đội. 

Trong những khoảnh khắc gian truân nhất, anh em vẫn vững niềm tin. Đó là niềm tin chiến thắng, là ý chí quyết chiến quyết thắng, không sợ gian khổ, không ngại hy sinh, sẵn sàng xả thân vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Nhà báo Phạm Huyền: Có thể nói, thế hệ sau rất ngưỡng mộ vị tướng như ông: dày dạn trận mạc, trải qua tất cả những chiến trường ác liệt nhất, cùng đồng đội lập nên các chiến công. Nhìn lại cuộc đời binh nghiệp của mình, điều gì đã hun đúc nên một con người như vậy, thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Có thể nói, đó là truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử và truyền thống gia đình đã giúp tôi có một lý tưởng. Đó là ước mơ trở thành một anh lính cụ Hồ. Lúc đó, ước nguyện của tôi là được vào miền Nam chiến đấu nên ngay từ lúc 17 tuổi, tôi đã làm đơn tình nguyện và đến 18 tuổi thì lên đường. Tôi đi lính từ năm 1965 đến bây giờ. 

Khi vào chiến trường, để trở thành một người chỉ huy thì bắt buộc phải bắt đầu từ một người lính binh nhì. Sau đó, phấn đấu lên tổ trưởng 3 người, đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng và đến trung đoàn trưởng khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh. Đó là cả một quá trình để thực hiện lý tưởng và ước mơ của mình. 

Nguyện vọng và hoài bão của mình là trở thành một người lính và người chỉ huy trong chiến tranh. Để  thực hiện được hoài bão đó, tôi phải đúc kết kinh nghiệm rất nhiều. Bản thân tôi cho tới khi được tuyên dương là Anh hùng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, tôi đã đánh đến 67 trận lớn nhỏ.

Đó là cả một quá trình chiến đấu gian khổ cùng với đồng đội, các cấp để thực hiện các nhiệm vụ trên chiến trường. Đặc biệt là chiến trường Quảng Trị, là chiến trường ác liệt nhất mà tôi có mặt trong đơn vị cơ động của mặt trận B5 và đánh cả 4 mùa.

Sau chiến dịch, chúng tôi đều phải ở lại để giữ chiến trường, luôn tạo ra tiếng súng ở trên chiến trường để bảo đảm luôn giữ vững thế trận, năm sau có thể tiếp tục mở chiến dịch mới. 

Ấn tượng sâu nhất của tôi là với nhân dân, nhờ sống trong lòng dân và có sự đùm bọc của nhân dân nên trung đoàn chúng tôi nói chung và lực lượng của tôi nói riêng đã phát triển và trưởng thành trong những năm kham khổ nhất, trở thành những người chỉ huy có bản lĩnh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trên các cương vị khác nhau. 

Nhà báo Phạm Huyền: Quay ngược trở lại thời gian, năm 17 tuổi khi ông bắt đầu gia nhập quân giải phóng, những người trong gia đình như ông bà, bố mẹ đã nói gì với ông?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Sau khi tôi làm đơn xin đi nhập ngũ, đến năm 18 tuổi, bố tôi tiễn tôi lên đường. Tôi nhớ như in lời bố tôi dặn dò lúc đó. 

Bố tôi dặn là con phải giữ và phát huy truyền thống của gia đình và của dòng họ. Ông cũng  dặn dò thêm rằng trong cuộc sống, sóng trước đổ đâu thì sóng sau đổ đó, con đối xử với người đời thế nào, người ta sẽ đối xử với con tương ứng. Và con nhớ rằng sông có khúc, người có lúc, sinh có hạn, tử bất kỳ, con hãy vững tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho con.

Tôi rất tự hào về những lời căn dặn cũng như sự bịn rịn của bố. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy bố tôi khóc và khi ra đi, tôi nguyện thực hiện đúng lời ông  căn dặn. Đó chính là hãy xứng đáng với truyền thống của gia đình, dòng tộc và quê hương.

Nhà báo Phạm Huyền: Trên phim ảnh, các nhà đạo diễn vẫn khắc hoạ hình ảnh người lính trước khi ra trận bịn rịn chia tay người yêu. Người thanh niên Nguyễn Huy Hiệu thời ấy liệu đã yêu chưa?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Ngày đó, chúng tôi chưa biết yêu. 17 tuổi là hăng hái lên đường và hứa với nhau như thế này: giải phóng miền Nam xong thì về sẽ xây dựng gia đình. Bạn bè thời đó như bạn bè cùng lứa, cùng lớp và hoạt động đoàn rất thân mật với nhau thôi. Sau này, tôi đã thực hiện được đúng cái điều đó.

Khi ra chiến trường, tôi bị thương nhiều lần, nên tôi có ơn đối với ngành y. Tôi nguyện rằng sau này, nếu còn sống, tôi sẽ lấy con gái ngành y. Vợ tôi hồi đó là con liệt sỹ chống Pháp, cô ấy học ở Odessa (thuộc Ukraine, khi đó thuộc Liên bang Xô-viết- PV), thua tôi 2 tuổi, cùng xã và khác xóm. 

Cô ấy học bác sĩ 7 năm, đến năm 1976 mới về nước. Còn tôi sau khi giải phóng miền Nam thì về Hà Nội rồi lên Lạng Sơn học văn hóa, ngoại ngữ. Lúc đó, chúng tôi mới tổ chức cưới. Chúng tôi có thuận lợi là cùng quê hương nên hai bên gia đình rất am hiểu phong tục tập quán cũng như hiểu nhau.

(Xem tiếp phần 2: Cơ đồ đất nước nằm trong tay thế hệ trẻ)

Thực hiện: Phạm Huyền; Ảnh: Phạm Hải; Thiết kế: Trọng Tạo

Quay phim: Đức Yên- Xuân Quý- Huy Phúc; Dựng hình: Đức Yên

Trợ lý chương trình: Phương Linh