Đó là thông điệp chính được lan toả từ chương trình bàn tròn trực tuyến “Sứ mệnh của báo chí cách mạng với khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng” do VietNamNet tổ chức nhân dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2025- 21/6/2022).
Chương trình đã được đăng tải trước đó theo 2 phần. Mời quý vị xem lại toàn bộ chương trình tại video sau:
Bàn tròn kỳ này là một cuộc đối thoại giữa Tổng biên tập báo VietNamNet, Phạm Anh Tuấn và Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Lê Quốc Minh về nghề báo.
Hai vị Tổng biên tập cùng nhìn nhận, ngược chiều lịch sử, báo chí Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh vĩ đại của mình giúp đất nước thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến giữ nước và đi lên trong công cuộc Đổi mới.
“Có lẽ, tôi sẽ dùng từ “nhà báo chiến sĩ”, ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Theo ông, trong hai cuộc kháng chiến, họ đã gánh trên vai sứ mệnh cao cả: Không chỉ đưa những thông tin kịp thời từ tiền tuyến, từ hậu phương, mô tả diễn biến cuộc chiến mà còn truyền đi không khí hào hùng, khơi dậy tinh thần quyết tâm chiến đấu, giành lại độc lập tự do cho đất nước, cho dân tộc, cho mỗi người dân Việt Nam.
Khi cần thiết, các nhà báo cầm súng ra chiến trường. “Rất nhiều những người cha, người anh của tôi ở Thông tấn xã, ở báo Nhân dân đã ngã xuống”, ông Lê Quốc Minh nói.
“Tiếp đó, báo chí cách mạng cũng là ngọn cờ đầu trong việc thúc đẩy công cuộc Đổi mới, đưa đất nước từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, bị bao vây cấm vận trở thành nước có thu nhập trung bình, là thành viên tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, ông Phạm Anh Tuấn bổ sung.
Ông Tuấn khẳng định: “Những nhà báo bây giờ vẫn còn nguyên dòng máu “chiến sĩ”, nguyên tinh thần cách mạng đó trong huyết quản của mình.”
Bối cảnh bây giờ đã khác và không gian cho báo chí Việt Nam phát triển cũng đã rất khác. Cái dễ nhìn thấy nhất là sự xuất hiện của mạng xã hội, của các nền tảng xuyên biên giới và các thành tựu đột phá của công nghệ số. Chúng ta đã mở cửa không gian mạng và buộc phải đổi mới mình.
“Báo chí hiện nay vấp phải rất nhiều thách thức. Ngày xưa, người ta nói rằng, báo nói là đúng, đài nói là đúng. Nhưng bây giờ, càng ngày tỷ lệ người sử dụng các kênh khác báo chí để tiếp cận thông tin càng ngày càng cao”, ông Lê Quốc Minh nhìn nhận.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters đưa ra cách đây vài hôm, tỷ lệ người truy cập vào cơ quan báo chí để lấy tin chỉ có 23%, tỷ lệ sử dụng mạng xã hội để lấy tin lên tới 28%. Yếu tố lưu giữ tên thương hiệu báo chí hiện nay bị mất đi rất nhiều.
Dẫn lại vấn đề thời sự là chuyển đổi số, ông Phạm Anh Tuấn bày tỏ: “Chất cách mạng trong các cơ quan báo chí, nếu chúng ta không giữ thì sẽ mất dần. Làm sao để chúng ta cuốn được vào chuyển đổi số nhưng giữ được chất cách mạng trong báo chí?”
Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ mục tiêu vào năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Sứ mệnh của báo chí của chúng ta là khơi dậy và thúc đẩy khát vọng đất nước hùng cường, thịnh vượng thành hiện thực.
Trong khi đó, mạng xã hội bùng nổ, xu thế báo chí công nghệ trở thành chủ đạo, đời sống kinh tế báo chí trong nước lại khó khăn, các nhà báo và các tờ báo sẽ cần làm gì để thực hiện sứ mệnh đó với đất nước?
Có rất nhiều câu hỏi đầy trăn trở được ông Phạm Anh Tuấn đưa ra.
Đồng cảm với tâm tư đó, ông Lê Quốc Minh nói: “Lịch sử báo chí Việt Nam cũng như lịch sử của dân tộc Việt Nam cho thấy, mỗi khi gặp khó khăn, ý chí và tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam rất cao. Thực tiễn cho thấy, sự đoàn kết, ý chí mãnh liệt của người Việt Nam giúp chúng ta vượt qua rất nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ”.
“Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, thực tế của thời đại ngày nay không phải như thế. Chúng ta có ý chí rồi, đoàn kết rồi, có mong muốn hướng thiện, làm những điều tốt đẹp rồi nhưng nếu chúng ta không đổi mới sáng tạo, không mạnh dạn đi con đường khác biệt, khó khăn hơn thì không dễ để vươn lên”, ông chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phân tích: “Với báo chí nước ngoài nói chung, người ta đi theo quan niệm: độc giả là trên hết. Độc giả, khán giả thích gì thì chúng ta phục vụ nấy. Họ hoạt động giống như kinh doanh. Mục tiêu của họ là nhắm tới lợi nhuận”.
“Nhưng báo chí cách mạng chúng ta thì không phải như vậy. Trách nhiệm đầu tiên là chúng ta phụng sự dân tộc, phụng sự xã hội, phụng sự Đảng và Nhà nước. Trong khái niệm rộng lớn đó, có độc giả, khán thính giả, người dùng mạng. Cái gì có lợi cho Nhà nước, cho dân tộc, cho nhân dân thì chúng ta làm”, ông nói.
“Đó là thứ khiến chúng ta khác với cơ quan báo chí khác trên thế giới”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo ông, sứ mệnh của báo chí Việt Nam trong thời kỳ nào cũng là góp phần phản ánh trung thực thông tin của đời sống xã hội, cung cấp tri thức hữu ích cho người dùng, là cầu nối giữa người dân với Đảng- Nhà nước, tạo diễn đàn, sân chơi để mọi người hiểu nhau. Đảng hiểu người dân nghĩ gì, người dân hiểu đường lối chính sách của Đảng.
Trong thời đại hiện nay, trong kỷ nguyên số, muốn đạt mục tiêu cao của đất nước, hướng tới một dấu mốc năm 2045 là nước phát triển thì báo chí phải làm nhiều hơn nữa, hơn là thuần tuý chỉ phản ánh những gì đang diễn ra.
“Báo chí khơi dậy khát vọng cho cả dân tộc là nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng nếu đã nghĩ là khó thì ta sẽ không bao giờ làm được. Chính nhiệt huyết của mỗi nhà báo, tờ báo có khả năng sẽ tạo ngọn lửa lớn hơn trong xã hội, trong công chúng”, ông nhấn mạnh.
Trong 60 phút của chương trình bàn tròn, vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra nhiều dẫn chứng, bài học sinh động và gợi mở về lối đi cho các tờ báo Việt Nam đổi mới mình. Từ câu chuyện tổ chức nội dung thông tin, hiện đại hoá các sản phẩm báo chí, ứng dụng các công nghệ AI, tổ chức bộ máy, giải bài bài toán nhân sự hay mô hình đa dạng hoá nguồn thu trong các cơ quan báo chí đều được ông đề cập.
Tựu chung lại, ông nói: “Vấn đề nằm ở con người, tư duy người đứng đầu”.
“Không có không thức chung cho tất cả các tờ báo! Hãy làm đi, hãy bắt đầu làm đi và đừng chờ đợi”, hai vị Tổng biên tập cùng khẳng định.
Phạm Huyền