LỜI TÒA SOẠN  

Hà Nội dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 55,7%. 

4 năm trở lại đây, năm nay, số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỷ lệ thấp nhất. Điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh như “ngồi trên đống lửa”. 

Nguyên nhân tại sao cơ hội vào các trường THPT công lập của học sinh lại khó đến vậy cũng được dư luận đặt ra. Trong đó, không ít phụ huynh phàn nàn "chung cư Hà Nội mọc như nấm sau mưa" trong khi tốc độ xây dựng trường học không tương ứng.

Tương tự, trong nhiều năm qua, số lượng học sinh lớp 9 thi lên lớp 10 ở TP.HCM luôn tăng, tuy nhiên thành phố vẫn duy trì mức khoảng 70% học sinh dự thi có chỗ học công lập. Để đáp ứng điều này, TP.HCM đã thực hiện những giải pháp gì?

Độc giả có thể theo dõi thêm các kỳ trước của Tuyến bài Cửa hẹp vào công lập THPT ở Hà Nội trên VietNamNet:

kỳ 1:  Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập thấp kỷ lục, phụ huynh Hà Nội 'ngồi trên lửa'

kỳ 2: Phụ huynh nghèo ‘khóc ròng’ vì con trượt lớp 10 công lập

Kỳ 3: Nghịch lý thiếu trường học, quá nhiều chung cư

Kỳ 4: Doanh nghiệp vẫn xin được, tại sao đất cho giáo dục lại không?

Năm nào cũng xây trường

Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc đó đang là Bí thư Thành uỷ TP.HCM, ví vonTP.HCM như một "tổng công ty xây dựng trường học" vì năm nào cũng xây trường. Trung bình, cứ 5 năm, TP.HCM lại có thêm 1 triệu dân, nên 5 năm phải xây đủ trường cho 1 triệu người này. Cả nước quy định dành 20% ngân sách cho giáo dục, nhưng TP.HCM luôn bố trí 25% ngân sách cho giáo dục đào tạo.

TP.HCM đông dân nhưng ở thời điểm 2018, 100% trẻ 5 tuổi đều đến trường học; 95% trẻ tuổi 3-4 đi học, 72% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; 96% giáo viên tiểu học đạt chuẩn… Theo ông Nhân đây là "những con số rất đáng tự hào”.

Lúc đó, ông Nhân cũng nhấn mạnh, UBND TP sẽ có tổ công tác rà soát đảm bảo đất đai cho các trường ở thành phố, để từ đây hình thành quỹ đất và có cơ chế giải quyết vấn đề này. Đối với khu nội thành sẽ điều chỉnh trường mầm non không quá 3 tầng, trường phổ thông không quá 5 tầng.

Tăng hàng chục học sinh hàng năm là áp lực lớn của ngành giáo dục TP.HCM. Trong đó học sinh tăng nhiều nhất ở cấp tiểu học, tập trung tại những nơi tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học cao như TP Thủ Đức, Quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.

Áp lực này làm gia tăng sĩ số lớp học vượt cao so với chuẩn, đặc biệt ở cấp tiểu học. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều bị co hẹp. Chưa kể, việc tăng học sinh làm tăng cán bộ, giáo viên, nhân viên, biên chế, tăng nguồn chi ngân sách.

Tính đến tháng 9/2022, TP.HCM có 2.448 trường học, trong đó bậc mầm non là 1.438 trường, tiểu học là 519 trường, THCS là 287 trường, THPT là 204 trường. Cả thành phố có 47.623 phòng học, trong đó, bậc mầm non là 15.344 phòng, tiểu học 15.634 phòng, THCS là 10.077 phòng và THPT là 6.568 phòng.

Năm học nào, TP.HCM cũng xây thêm trường, mở thêm các phòng học để đầu năm học học sinh có đủ chỗ học. Đầu năm học 2022-2023, thành phố đưa vào sử dụng 35 dự án với 575 phòng học, trong đó, phòng học tăng thêm là 356 phòng. Số phòng này được phân bổ cho các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Trong một tổng kết đầu tháng 3/2023 cho hay, giai đoạn 2016-2020, TP.HCM cần bổ sung 14.097 phòng học ở tất cả các cấp. Trong đó, mầm non là 6.035 phòng, tiểu học là 4.412 phòng, THCS là 2.382 phòng, THPT là 1.268 phòng. Đây là tiến độ để thhực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học đến năm 2025.

Về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công kỳ trung hạn giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố có 721 dự án lĩnh vực giáo dục được thông qua chủ trương đầu tư, quy mô 13.676 phòng học. Tuy nhiên, chỉ có 415 dự án với 7.478 phòng học được hoàn thành và đưa vào sử dụng, kinh phí đầu tư hơn 25.788 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 12/2022, TP.HCM có 117 dự án giáo dục chậm thực hiện do nhiều nguyên nhân, như bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa duyệt kế hoạch, chưa bố trí vốn, chưa làm hồ sơ, chưa thu hồi đất, điều chỉnh dự án... Trong đó, nhiều nhất là cấp tiểu học với 49 dự án, tiếp đó là mầm non với 36 dự án.

Như vậy, kết quả đầu tư chỉ đạt 54,67% so với kế hoạch, bao gồm cả những dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng trước năm 2016, gồm 30 dự án với 739 phòng học. Vì vậy, số phòng học hoàn thành thực tế trong giai đoạn 2016-2020 chỉ là 6.115 phòng. 

Học sinh thi lớp 10 TP.HCM các năm trước (Ảnh: Thanh Tùng)

Từ nay đến năm 2025, TP.HCM cần bổ sung 8.889 phòng học ở tất cả các bậc học, từ mầm non đến THPT. Tuy nhiên, đánh giá khả năng đầu tư tăng thêm phòng học cho thấy một số địa phương tỷ lệ đáp ứng khá thấp.

Cụ thể, Quận 12 có nhu cầu thêm 1.600 phòng nhưng khả năng đầu tư giai đoạn 2023-2025 chỉ xây mới được 312 phòng; huyện Hóc Môn nhu cầu thêm 1.230 phòng học nhưng chỉ dự kiến tăng thêm được 222 phòng. Đặc biệt, giai đoạn 2023-2025 có 7 địa phương không còn sẵn đất "sạch" để đầu tư cho giáo dục là các quận, huyện: Quận 5, Quận 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Hóc Môn, Cần Giờ và TP Thủ Đức.

Đối với mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân, đến tháng 12/2022, TP.HCM đã đạt 294 phòng. Hiện đã có 12/22 quận, huyện và TP Thủ Đức đã đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi).

Các quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu là Quận 4, 8, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, 2 huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Trong đó, riêng 3 quận 4, 12 và Gò Vấp kế hoạch đến 2025 vẫn chưa đạt…

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các địa phương phối hợp với sở, ngành liên quan tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Vấn đề nào vượt quá thẩm quyền, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị trung ương. Các địa phương phải kết hợp với ngành giáo dục rà soát từng dự án xem có dành đất để xây trường không và báo cáo cụ thể. Việc xây trường học phải ra trường học, tránh việc xây trường theo hình hộp cho đủ phòng mà không có ý tưởng, bố cục.

Phân luồng sau THCS, học sinh vào lớp 10 không thiếu chỗ học

Bắt đầu từ năm 2017, TP.HCM đẩy mạnh công tác phân luồng sau THCS. Năm học này, TP.HCM có hơn 70.000 học sinh lớp 9 thi vào lớp 10, trong số này 63.000 em được vào lớp 10 ở trường THPT công lập và gần 2.000 vào lớp chuyên.

Theo định hướng phân luồng học sinh sau THCS của thành phố, bắt đầu từ năm học này, chỉ tiêu vào lớp 10 công lập mỗi năm sẽ giảm 3%. Đến năm 2020, tỷ lệ học sinh theo học THPT công lập chỉ còn 70%. Trong nhiều năm qua số lượng học sinh lớp 9 thi lên lớp 10 tăng, tuy nhiên TP.HCM vẫn duy trì mức 70% học sinh có chỗ học công lập.

Năm 2018, số học sinh tốt nghiệp lớp 9 là 105.000 em, trong đó tổng chỉ tiêu chỉ tiêu vào lớp 10 của các trường công lập chỉ khoảng 70.000 em. Năm 2019, TP.HCM có hơn 80.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh công lập là hơn 67.000.
 

Học sinh TP.HCM không thiếu chỗ học lớp 10 (Ảnh: Thanh Tùng)

Năm 2020, có 96.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng có 14.000 thí sinh không đăng ký dự thi vào lớp 10. 82.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập hơn 67.000 em.

Năm 2021, do dịch Covid-19, TP.HCM không tổ chức thi vào lớp 10, nhưng 114 trường THPT công lập tuyển tổng số 67.989 học sinh vào lớp 10, chiếm tỷ lệ 70% tổng số học sinh đang học lớp 9.

Đến năm 2022, có 93.277 thí sinh TP.HCM tham gia dự thi vào lớp 10, trong đó 114 trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn TP tuyển 72.784 học sinh vào lớp 10 công lập.

Về việc tuyển sinh vào lớp 10, nhiều năm qua TP.HCM luôn tổ chức thi tuyển bằng 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Mỗi thí sinh được đăng ký 3 nguyện vọng thứ tự ưu tiên 1, 2, 3 vào lớp 10 các trường THPT công lập phù hợp với năng lực học tập của bản thân, gần nơi cư trú để thuận lợi cho việc tiếp tục đi học khi đã trúng tuyển và giảm áp lực giao thông theo chủ trương của thành phố. Đối với thí sinh thi vào trường chuyên, lớp chuyên có 4 nguyện vọng và thi thêm môn chuyên.

Trước đây, điểm xét tuyển lớp 10 là điểm môn Toán, Văn tính hệ số 2, môn Ngoại ngữ tính hệ số 1. Tuy nhiên từ năm 2021, tất cả cả 3 môn thi toán, văn, ngoại ngữ đều tính điểm hệ số 1.

“Việc thay đổi trên nhằm khẳng định tầm quan trọng của môn ngoại ngữ. Đây cũng là môn học quan trọng, nền tảng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố”- Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nói.

Ngoài hơn 110 trường cấp 3 công lập, TP.HCM còn có hơn 100 trường tư thục, quốc tế, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp… đủ chỗ cho học sinh trượt lớp 10 công lập theo học.

Trong đó, các trường tư thục tuyển gần 30.000 thí sinh, các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, trung cấp - cao đẳng nghề cung cấp tuyển khoảng 20.000 chỉ tiêu. Việc tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, được thực hiện trong nhiều tháng liền.