LỜI TÒA SOẠN 

Hà Nội dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 55,7%. 

4 năm trở lại đây, năm nay, số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỷ lệ thấp nhất. Điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh như “ngồi trên đống lửa”. 

Nguyên nhân tại sao cơ hội vào các trường THPT công lập của học sinh lại khó đến vậy cũng được dư luận đặt ra. Trong đó, không ít phụ huynh phàn nàn "chung cư Hà Nội mọc như nấm sau mưa" trong khi tốc độ xây dựng trường học không tương ứng.

Ban Giáo dục, VietNamNet thực hiện Tuyến bài Cửa hẹp vào công lập THPT ở Hà Nội với mong muốn phản ánh câu chuyện thực tế đang diễn ra tại các trường ở Thủ đô.

Độc giả có thể theo dõi:

Kỳ 1:  Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập thấp kỷ lục, phụ huynh Hà Nội 'ngồi trên lửa'

Kỳ 2: Phụ huynh nghèo ‘khóc ròng’ vì con trượt lớp 10 công lập

Kỳ 3: Nghịch lý thiếu trường học, quá nhiều chung cư

Xu hướng đến năm 2030, Hà Nội chỉ có 45-50% trường công lập

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), nhận định nguyên nhân khiến “cuộc đua” vào lớp 10 trường THPT công lập tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… trở nên khốc liệt là do hệ thống trường lớp không theo kịp tốc độ tăng của dân số.

“Khi có quá nhiều chung cư, nhà cao tầng mọc lên khiến những khu vực đông dân cư này trở nên quá tải, trong khi trường lớp không đủ đã gây ra tình trạng thiếu chỗ học cho học sinh”.

Mặt khác, tâm lý phải vào được lớp 10 công lập bằng mọi giá của phụ huynh cũng đã khiến cuộc đua này càng trở nên “nóng rẫy”.

Từng là thành viên tham gia vào việc xây dựng quy hoạch giáo dục Hà Nội giai đoạn 2010 – 2020, tầm nhìn 2030, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho rằng, phụ huynh cần phải có sự thấu hiểu và chia sẻ với ngành giáo dục.

Bởi lẽ, xu hướng xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn, trong đó, nhà nước sẽ đầu tư cho các bậc học phổ cập bao gồm tiểu học và THCS. Đối với những bậc học cao hơn cần phải có sự huy động của các nguồn lực xã hội, bao gồm sự chia sẻ của gia đình trong việc chi tiền cho con em đi học.

Theo bà Huyền, thực tế, trong quy hoạch của giáo dục Hà Nội, xu hướng đến năm 2030, sẽ chỉ có khoảng 45 – 50% trường THPT công lập. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục vẫn còn đa dạng loại hình cho người học lựa học sau bậc THCS như trường ngoài công lập, trường trung cấp nghề, hệ giáo dục thường xuyên…

"Trong trường nghề, các em vẫn có thể vừa học nghề, vừa hoàn thiện chương trình phổ thông. Đối với học sinh có lực học trung bình, điều kiện kinh tế gia đình không tốt, có thể coi đây là một con đường hiệu quả vì học phí thấp, sau đó có nhiều lựa chọn như đi làm luôn hoặc tiếp tục bậc đại học”.

Học sinh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng

Mặt khác, bà Huyền cho rằng Nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, xây thêm trường công lập tại những khu đông dân cư.

“Hiện tại, theo Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam, yêu cầu thiết kế trường trung học phổ thông là 40 học sinh/1.000 người dân. Nếu ở những khu vực đông dân, số lượng trường học không đáp ứng tiêu chuẩn, phụ huynh phải cho con em theo học trường ngoài công lập sẽ rất thiệt thòi, bởi không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện về kinh tế” - bà Huyền nói.

Giảm tỷ lệ học sinh vào công lập là không nghĩ đến người nghèo

Tuy nhiên, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), lại có cách nhìn nhận khác về vấn đề này.

"Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo" để đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Vì thế, theo tôi, những thay đổi trong tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội khiến người dân xôn xao, lo lắng như hiện nay là không ổn".

Cũng theo TS Ngọc Vinh, việc cho rằng Hà Nội đất chật người đông nên thiếu trường công lập là không đúng. Đất chật thật nhưng không phải không có, doanh nghiệp vẫn xin được đất, tại sao đất cho giáo dục lại không?

Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 như hiện nay, với sự thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng của công nghệ hiện đại, người lao động cơ bản phải có trình độ học vấn trung học phổ thông để phát triển tiềm năng và có thể học tập suốt đời.

Vậy tại sao lại để xảy ra tình trạng học sinh rất muốn học lên THPT không được học? Tại sao phải giảm tỉ lệ học sinh vào công lập để cứu trường ngoài công lập? Đây là quan điểm không đúng, không nghĩ đến người nghèo.

TS Vinh cũng không ủng hộ việc vin vào cớ “phân luồng” để phân loại học sinh sau khi học xong lớp 9, đồng thời giảm áp lực thi tuyển vào lớp 10. Ông phân tích, với cách phân luồng sau THCS như hiện nay - theo hướng chỉ cho phép những học sinh có điểm học tập, rèn luyện đạt yêu cầu tiếp tục học lên THPT, số còn lại bắt buộc phải rẽ ngang học nghề - là kiểu phân luồng cứng nhắc nhiều nước trên thế giới trước đây làm nay cũng đã bỏ.

Tư duy về phân luồng học sinh phổ thông ở mỗi giai đoạn cần có sự thay đổi, cũng như cần nhận thức lại rằng cách phân luồng cứng trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay là làm mất quyền lợi chính đáng của người học.

"Chỉ phân luồng khi học sinh không thể học được THPT mới là cách khôn ngoan nhất chứ không thể ép theo con đường hành chính. Bởi vì, nói cho cùng, công ăn việc làm của các em sau này là do các em và gia đình tự lo là chính. Theo tôi, chỉ những học sinh không thể đủ năng lực học tập tiếp lên THPT mới nên rẽ ngang sau THCS", tiến sĩ này nói.

Để giảm áp lực tuyển sinh lớp 10, cụ thể là ở Hà Nội, ông Vinh cho rằng địa phương không nên chọn các phương thức khó khăn về phía người học.

"Hà Nội nên giảm áp lực bằng các giải pháp như cấp đất mở trường công, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội mở trường tư. Trường tư càng nhiều sẽ càng cạnh tranh cả về mức học phí và sự đảm bảo chất lượng dạy học.

Còn nếu cứ để như tình trạng nay thì chỉ hơn mười năm nữa, áp lực thi tuyển sinh đầu cấp sẽ còn căng thẳng hơn rất nhiều" - ông Vinh khẳng định.

Giải thích về việc tỷ lệ vào lớp 10 công lập năm nay thấp kỷ lục, trưa 16/3, trao đổi với VietNamNet ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định Chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Năm nay thành phố đã bố trí tăng thêm 1.000 chỉ tiêu học sinh vào trường THPT công lập so với năm trước.

Hiện nay, Hà Nội cũng đang tiếp tục rà soát, bố trí để ưu tiên bổ sung thêm chỉ tiêu vào học trường THPT công lập trên cơ sở tạo điều kiện tối đa cho học sinh”.

Hoàng Thanh