“Năm 2006, khi còn là cô sinh viên thực tập, tôi may mắn được theo chân cha vào phòng mổ. Đấy là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một ca tạo hình vi phẫu. Trên bàn mổ là một cô gái với di chứng sẹo bỏng do axit, khuôn mặt bị biến dạng hoàn toàn”.
“Ngày cùng đồng nghiệp sang nước ngoài học về vi phẫu nâng cao, một phần vì là học viên nữ duy nhất trong lớp, một phần vì vẻ bề ngoài, giáo viên khi đó nhìn tôi và nói 'các cô gái chỉ thích mơ mộng viển vông thôi'. Tới lúc học thực hành, khi tôi là người duy nhất nối mạch máu rất thành thục thì mọi người đều quay ra ngạc nhiên và tò mò về cô bác sĩ tới từ Việt Nam”.
Nữ sinh thực tập ngày ấy giờ đây là Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, công tác tại Bệnh viện E, đồng thời là giảng viên bộ môn Phẫu thuật Miệng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cùng VietNamNet bước vào câu chuyện để tìm hiểu thêm về nữ bác sĩ khiến người đối diện đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và dần khám phá điều đặc biệt về chị ẩn sau vẻ ngoài khả ái, thanh lịch.
Nhớ lại mùa hè năm 2006, khi còn là cô sinh viên năm thứ 3 lần đầu vào phòng mổ, tại sao đến giờ, đó vẫn là khoảnh khắc đặc biệt đối với chị?
- Đặc biệt vì tôi được bước vào phòng mổ cùng cha (GS.TS Nguyễn Tài Sơn, khi đó là bác sĩ Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - PV). Đấy cũng là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một ca tạo hình vi phẫu.
Có lẽ cũng là cái duyên để những đợt thực tập sau đó, tôi từ Nga về Việt Nam, đều được tham gia những ca mổ tiếp theo tạo hình lại khuôn mặt cho bệnh nhân nữ ấy.
Lần gặp gần nhất, tôi thấy một cô gái nhảy chân sáo, hát líu lo. Bạn đó viết cho tôi một bức thư dài kể về quá trình từ khi là một thiếu nữ xinh đẹp, tới lúc không muốn sống nữa và cuối cùng trở về với niềm tin và hy vọng vào cuộc sống rộng mở.
Công việc này có thể cứu sống và trả lại cuộc sống tốt đẹp cho rất nhiều người rơi xuống “vực sâu”, đó là điều thúc đẩy tôi gắn bó với ngành tạo hình Vi phẫu và phẫu thuật hàm mặt vốn không phù hợp với phụ nữ.
Trong ngành y, phẫu thuật hàm mặt và tạo hình vi phẫu được xem là công việc nặng nề, mệt mỏi nên rất hiếm nữ. Vậy mà chị vẫn quyết theo đuổi?
Nặng nề, mệt mỏi và còn đặc thù tới mức hầu hết bác sĩ đều là nam giới. Chuyên ngành vi phẫu càng khó hơn. Hiểu đơn giản, vi phẫu là phẫu thuật nối mạch máu dưới kính hiển vi, thường được dùng trong phẫu thuật nối chi thể đứt rời, hoặc vùng hàm mặt bị phá hủy, biến dạng tổ chức do tai nạn, bệnh lý.
Phẫu thuật và tạo hình hàm mặt nặng nề do vừa phải đáp ứng yêu cầu về chức năng của cơ quan vùng hàm mặt, vừa phải đảm bảo về thẩm mỹ, trả lại cuộc sống bình thường cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật vừa kéo dài có khi tới hàng chục tiếng đồng hồ, nếu nghỉ cũng chỉ khoảng 15-30 phút, lại đòi hỏi độ tập trung cao, tỉ mỉ, chính xác, vừa mang tính rủi ro cao, nên nhiều người "né", đặc biệt là bác sĩ trẻ.
Vi phẫu sử dụng trong phẫu thuật hàm mặt khó khăn hơn do bệnh nhân mắc bệnh lý nào đó bắt buộc phải cắt bỏ toàn bộ vùng tổ chức khuôn mặt, hoặc tai nạn làm biến dạng khuôn mặt, bác sĩ phải sử dụng bộ phận tổ chức nơi khác trong cơ thể (ví dụ dùng xương dưới chân lên để tạo hình ra khuôn mặt). Khó ở chỗ, nối xong vùng đó phải sống được, khó nữa là làm sao phục hồi tạo hình ra được cơ quan đó trên khuôn mặt dù lấy tổ chức bộ phận khác.
Nặng nề và mệt mỏi là thế nên phẫu thuật viên (cả nam và nữ) làm vi phẫu vùng hàm mặt chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà nữ thì càng siêu hiếm.
Thú thật, sau 12 năm cầm dao mổ, đến giờ, tôi vẫn không tìm được câu trả lời cho câu hỏi “cách nào để duy trì sức bền với đường chạy” này. Đơn giản là khi vào ca bệnh, đặc biệt là ca càng nặng, càng khó, tôi càng phấn khích, không mệt mỏi, không sợ hãi, điều duy nhất là muốn hoàn thành với mức độ tốt nhất.
Đến nay, ca mổ dài nhất mà chị đã trải qua kéo dài đến mức nào?
- Ca mổ dài nhất của tôi kéo dài 18 tiếng đồng hồ. Đấy là một bệnh nhân lớn tuổi với khối u ác tính, phá hủy rất lớn vùng hàm mặt.
Vùng hàm mặt có nhiều bộ phận rất quan trọng, ngoài chức năng thẩm mỹ thì còn thêm chức năng cơ bản duy trì cuộc sống. Vì thế, một ca đại phẫu vừa phải giải quyết bệnh lý, vừa phải tạo hình đảm bảo chức năng và thẩm mỹ. Nếu không đạt được thì tốt nhất không làm, vì nếu sau mổ, cuộc sống của bệnh nhân không bình thường sẽ còn khổ sở hơn nhiều. Đó cũng chính là lý do rất ít người thiết tha với công việc này.
Có những trường hợp bệnh nhân bị nhiều bệnh viện lắc đầu từ chối vì nhiều lý do nhưng chị vẫn quyết nhận…
- Vì vẫn còn 50% cơ hội cải thiện cuộc sống cho bệnh nhân nếu được điều trị nên tôi vẫn nhận. Có bệnh nhân tới với tôi khi khối u đã xâm lấn phá hủy rất lớn, tiên lượng dè dặt (thậm chí chỉ vài tháng) nên nhiều nơi đã từ chối. Bản thân tôi cũng rất suy nghĩ. Nhưng nhìn bệnh nhân đau đớn, khổ sở với khối u, cùng với sự mong mỏi quyết tâm chiến đấu với bệnh tật của bệnh nhân và người nhà, tôi đã quyết định đồng hành cùng người bệnh điều trị căn bệnh này. Kết quả, Tết này đã là Tết thứ 4 ông nhắn tin chia sẻ niềm vui với tôi.
Bởi vậy, một câu nói tôi nhắc nhở bệnh nhân, đặc biệt với ca nặng, là nếu từ bỏ điều trị thì đồng nghĩa với việc từ bỏ mạng sống. Nếu quyết tâm hợp tác cùng bác sĩ để phẫu thuật điều trị thì bên cạnh bệnh nhân còn có bác sĩ cùng đấu tranh vì sự sống. Họ không phải chiến đấu một mình.
Sức bền cho đường chạy của bác sĩ không phải cái gì xa vời mà chính là việc được khám lại thường xuyên, định kỳ cho các bệnh nhân mình từng phẫu thuật. Bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường, đến tái khám vui vẻ chính là là “liều doping” để tôi và các đồng nghiệp “chạy tiếp”.
Ngoài lần bị giảng viên nước ngoài nghi ngờ là “cô sinh viên mới tốt nghiệp, giỏi mộng mơ”, chị có từng phải đối diện với tình huống đó thêm lần nào nữa không?
- Khi tôi có ý định theo nghề tạo hình vi phẫu và phẫu thuật hàm mặt, nhiều người hoài nghi lắm, cha tôi còn bảo: “Con gái theo nghề này làm gì?”, còn người khác nghĩ cứ “theo đi rồi sẽ bỏ cuộc thôi”. Dấu hỏi nghi ngờ cũng theo tôi nhiều năm. Đến bây giờ, vẫn có những nam đồng nghiệp nổi tiếng không tin tôi bám trụ miệt mài với nghề đến thế. Nhưng với tôi, càng bị "nghi ngờ", tôi càng phải chứng minh điều ngược lại, và cố gắng đạt kết quả tốt nhất.
Một lần, khi tham gia hội nghị về vi phẫu hàm mặt thế giới với tư cách là báo cáo viên độc lập, nhiều nam đồng nghiệp quốc tế vẫn tỏ ra nghi hoặc. Nhìn tôi trẻ quá nên họ hỏi “thầy giáo của bạn đâu?”. Khi bài báo cáo kết thúc, nhiều đồng nghiệp nước ngoài rất bất ngờ vì không nghĩ bác sĩ Việt Nam, đặc biệt là một bác sĩ nữ, lại làm được kỹ thuật đó. Lúc ấy, tôi cảm nhận rõ hơn hết cảm giác tự hào tôi là bác sĩ đến từ Việt Nam và nước chúng tôi đã làm chủ được những kỹ thuật tiên tiến ngang tầm thế giới.
Sau hơn 10 năm miết mải “cầm dao trong phòng mổ”, thời gian gần đây chị còn tham gia giảng dạy. Điều gì thôi thúc chị đảm nhận thêm vị trí mới này?
Với các thế hệ sinh viên hiện nay, khi tốt nghiệp ra trường thường thiếu định hướng công việc rõ ràng. Hầu như bạn trẻ nào cũng lựa chọn nhẹ nhàng, dễ bước, tránh chông gai. Do vậy, lĩnh vực phẫu thuật tạo hình hàm mặt, trong đó có vi phẫu hàm mặt, càng khan hiếm hơn vì “nặng nề và mệt mỏi”, nhiều năm rồi không có thêm bác sĩ mới.
Vì thế, tôi muốn làm thêm nhiệm vụ là giảng viên (tại bộ môn Phẫu thuật Miệng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội - PV) chỉ muốn truyền thêm cảm hứng cho các bạn trẻ, để các bạn hiểu ý nghĩa của công việc chúng tôi lựa chọn gắn bó thời gian qua, biết đâu thế hệ tiếp theo có suy nghĩ khác.