Nhiều dự án blockchain tại Hà Lan đã và đang được nghiên cứu, triển khai bởi Zestif, startup do Crys Nguyễn (sinh năm 1992) làm nhà sáng lập.
Khoảng bảy năm về trước, tại Hà Lan cũng như trên thế giới, thị trường blockchain còn khá sơ khai.
Chính phủ Hà Lan đã có một quyết định khá táo bạo vào năm 2016: Chỉ định một tiểu ban chuyên trách để thiết lập chương trình nghiên cứu và thí điểm công nghệ blockchain.
Ít lâu sau, Chính phủ Hà Lan tổ chức cuộc thi về ứng dụng blockchain phục vụ các cơ quan chính phủ. Các bộ, cục nêu đơn đặt hàng và các công ty khởi nghiệp (startup) tham gia cuộc thi sẽ phải tìm lời giải cho những thách thức trong các đơn đặt hàng này.
Và rồi đã có 35 dự án thí điểm sử dụng công nghệ blockchain do các doanh nghiệp, startup nghiên cứu và phát triển thành công. Trong đó có Dự án Ứng dụng công nghệ blockchain vào việc quản lý thông tin hồ sơ bệnh án trong bệnh viện do Zestif và các đối tác phối hợp triển khai cùng Bộ Y tế Hà Lan.
Dự án này năm 2017 được vinh danh “Dự án Ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực y tế tốt nhất của năm”. Đây cũng là dự án blockchain đầu tiên được Chính phủ Hà Lan chứng nhận hợp pháp.
Cần lưu ý, thời điểm 2016 – 2017, nhắc tới blockchain thì mọi người hay liên tưởng đến tiền ảo, những trò lừa đảo, những dự án “lùa gà”.
Tuy nhiên, Crys Nguyễn cùng các cộng sự đã vượt qua định kiến với cách tư duy văn minh: “Công nghệ chỉ là công cụ mà thôi, còn cách mình sử dụng mới quan trọng. Giống như một con dao, khi vào tay một đầu bếp khác với khi vào tay một tên cướp”.
Rất may là Chính phủ Hà Lan đã sớm đồng hành với những dự án ứng dụng công nghệ blockchain của các startup như Zestif, không chỉ tạo đơn đặt hàng mà còn có những khoản tài chính, tài trợ nhất định cho các công ty khởi nghiệp để khuyến khích họ nghiên cứu công nghệ mới này, đồng thời tuyên truyền phổ biến để cho tất cả doanh nghiệp tại Hà Lan bắt đầu tìm hiểu và tin tưởng vào blockchain.
“Chính phủ đã đầu tư cho startup chúng tôi như kiểu gieo mầm và tưới nước cho cây non, sau này cây khỏe sẽ tự lớn. Startup có tiền và môi trường sandbox với những khách hàng, đơn hàng thật, không sợ sai, không sợ lỗi. Cách thức ứng xử này vô cùng quan trọng đối với công nghệ mới”, nhà sáng lập Zestif nhớ lại.
Dự án của Zestif sau khi thí điểm thành công đã được nhân rộng trong một giải pháp lớn hơn của cơ quan nhà nước, đó là Nền tảng Blockchain lưu trữ dữ liệu y bạ, giúp mỗi bệnh nhân tự quản lý được hồ sơ y bạ của mình, đồng thời, có thể chia sẻ dữ liệu với các bệnh viện một cách bảo mật tuyệt đối, bảo vệ quyền riêng tư, tránh rủi ro lộ thông tin cá nhân.
Zestif đã làm việc với các cơ quan hữu quan để tích hợp giải pháp công nghệ của mình vào hệ thống của bệnh viện và cơ sở dữ liệu của chính phủ điện tử; triển khai theo từng khu vực, từng bệnh viện. Ở Hà Lan, cách thức triển khai ứng dụng công nghệ thường được tiến hành “từ trên xuống”. Các doanh nghiệp, bệnh viện lớn sẽ dùng trước, thấy ổn rồi mới cho các bệnh viện khác dùng.
“Khi ứng dụng công nghệ blockchain, người dân sẽ làm chủ được thông tin bệnh án của mình, biết ngay người nào hoặc bệnh viện nào truy cập vào ngày/giờ nào, để làm gì, truy cập bao lâu…”, Crys Nguyễn cho biết.
Thời điểm năm 2017, chưa có nhiều người biết tới Zestif và Crys Nguyễn, 9x người Việt đã có một thời gian dài học tập tại Hà Lan, với chuyên ngành chính ở Đại học Amsterdam là Nghệ thuật và Công nghệ, cùng chuyên ngành phụ là Khởi nghiệp.
Chàng trai sinh năm 1992 có sự đam mê đặc biệt với việc tìm tòi những công nghệ mới. Từ trào lưu làm app mobile (ứng dụng trên điện thoại) năm 2012, tới xu hướng nở rộ thương mại điện tử năm 2014, rồi tiếp đó là blockchain (công nghệ chuỗi khối), AI (trí tuệ nhân tạo)…, công nghệ mới nào anh cũng đều mày mò thử sức.
“Mối duyên” với blockchain bắt đầu khi anh làm ứng dụng fintech (công nghệ tài chính) cho một công ty ở Hà Lan. Nickname “Crypto Crys” được bạn bè đặt khi chàng thanh niên này từng dốc hết tiền vào tiền số (Bitcoin) để trải nghiệm thực tiễn, trau dồi kỹ năng, đồng thời có thêm nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu blockchain.
Đặc điểm nhận diện riêng của những người làm ngành blockchain được Crys Nguyễn đúc rút từ nhiều năm kinh nghiệm bản thân, đó là “những người không ngại rủi ro, luôn thích những cái mới, luôn nhìn nhận công nghệ mới với góc nhìn tích cực, luôn nhìn thấy cơ hội trong công nghệ mới và sẵn sàng đi tiên phong; khi làm những thứ lặp đi lặp lại thì không còn thú vị nữa”.
“Nghiên cứu phát triển công nghệ mới dĩ nhiên vất vả hơn nhiều so với công nghệ đã có sẵn. Không phải dự án nào cũng thành công. Cứ phải thử thôi. Nhất là những dự án đầu. Nhiều khi các lập trình viên của chúng tôi phải ngồi tra Google mà không tìm kiếm được thông tin như ý vì chưa có ai làm trước đó. Bản thân tôi cũng có nhiều dự án thất bại lắm (cười). Nhưng mình luôn nhìn về phía trước thôi. Tôi luôn tin tưởng rằng có nhiều cơ hội mới trong tương lai. Dân công nghệ chúng tôi khi nhìn các công nghệ mới như AI, ChatGPT… đều nhìn theo hướng tích cực, cứ làm thử trước rồi xem sau, chứ không nghĩ đến rủi ro để rồi chùn bước”, Crys Nguyễn chia sẻ.
Ở Hà Lan, mọi ngành, lĩnh vực như bảo hiểm, y tế… đều đã được số hóa, tích hợp dữ liệu vào chính phủ điện tử. Các dự án thí điểm công nghệ mới được triển khai độc lập trên môi trường sandbox. Sau khi thí điểm thành công, chuyển sang giai đoạn nhân rộng thì mới tích hợp vào cơ sở dữ liệu và các hệ thống sẵn có của chính phủ với những tiêu chuẩn cụ thể khá nghiêm ngặt.
Bên cạnh Dự án Ứng dụng công nghệ blockchain vào việc quản lý thông tin hồ sơ bệnh án trong bệnh viện như nêu ở phần đầu của bài viết, Zestif còn tham gia một số dự án ứng dụng blockchain khác nữa cho Chính phủ cũng như các tổ chức, doanh nghiệp Hà Lan.
Có thể kể tới Dự án Ứng dụng công nghệ blockchain vào việc quản lý thông tin cá nhân của từng công dân, phối hợp triển khai cùng Cục Tư pháp Hà Lan, chính quyền Amsterdam. Dự án này tương tự với VNeID tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở châu Âu có quy định GDPR về bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo hướng chính phủ chỉ là người cấp thông tin cá nhân, còn người dân mới là chủ tuyệt đối của thông tin đấy. Khi sử dụng dịch vụ công hay các công việc cần tới thông tin cá nhân, người dân có thể cho các cơ quan hữu quan quyền truy cập vào thông tin của mình trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó tắt quyền truy cập, tránh bị rò rì, đánh cắp dữ liệu cá nhân.
Hoặc ứng dụng blockchain hỗ trợ truy xuất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn dầu cọ, qua nhiều công đoạn xử lý từ người nông dân, thương lái, nhà máy… rồi mới tới tay người tiêu dùng dưới đa dạng sản phẩm (thực phẩm, mỹ phẩm…). Các công đoạn có thể được xử lý ở nhiều quốc gia khác nhau. Ứng dụng công nghệ blockchain sẽ giúp người tiêu dùng chỉ cần quét mã vạch sản phẩm sẽ biết rõ nguyên liệu, xuất xứ của sản phẩm, có đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững hay không.
Hoặc ứng dụng blockchain quản lý chuỗi cung ứng. Nền tảng blockchain cho phép các bên tham gia chuỗi cung ứng đều nhập và theo dõi được thông tin, dữ liệu liên quan tới các hộp nhựa, thùng, giá đựng hàng… những vật dụng dễ bị thất lạc. Từ đó giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, đồng thời chung tay bảo vệ môi trường.
Hoặc ứng dụng blockchain để tạo “hộ chiếu công trình”, lưu giữ đầy đủ thông tin về thành phần, vật liệu của công trình như từng lõi thép tòa nhà, từng đường dây điện hoặc bất cứ thiết bị, linh kiện nào trong tòa nhà. Mỗi thành phần, thiết bị đều có mã số, mã vạch, thể hiện rõ ngày sản xuất, nơi sản xuất…, qua đó có thể biết chính xác thời gian cần thay thế, bảo trì, nâng cao tuổi thọ của công trình.
Mới đây, năm 2022, Zestif phối hợp với một công ty chứng khoán tại Hà Lan cho ra đời nền tảng giúp các doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu dưới dạng token trên blockchain, mang lại sự minh bạch và niềm tin cho các nhà đầu tư vì dữ liệu trên blockchain được xác thực 100% và không thể giả mạo.
(Bài 2: Ước mơ tái hiện “thành công Hà Lan” ở Việt Nam của startup blockchain)
Bài: Bình Minh
Thiết kế: Vũ Minh Hòa