PV: Thưa bà, qua công tác nghiên cứu và khảo sát thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ, bà có nhận định gì về khoảng cách giữa chính sách của Nhà nước và thực tế tiếp cận của các DN?
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy: Công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh là nền tảng vững chắc để phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong những năm gần đây, chính phủ đã ban hành nhiều chính phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Đã có nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chính sách này, bao gồm các chính sách ưu đãi và các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sản xuất và quản trị, kết nối cung cầu.
Ưu đãi đầu tư dành cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là mức ưu đãi lớn nhất, tương đương với các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Sau khi Nghị định 111 được ban hành năm 2015, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã xây dựng và ban hành các biện pháp hỗ trợ cụ thể nhằm giải quyết các khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, như Thông tư 01 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước về cho vay phát triển CNHT, Thông tư 21 năm 2016 của Bộ Tài chính về khai thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quyết định 68 năm 2017 của TTCP là chương trình đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước để triển khai các hoạt động hỗ trợ cụ thể nhằm nâng cao năng lực quản lý, sản xuất và thúc đẩy liên kết doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, vẫn còn tồn tại khoảng cách khá lớn giữa chính sách ưu đãi hỗ trợ của nhà nước và thực tế tiếp cận của doanh nghiệp. Khoảng cách này chưa được thu hẹp chủ yếu do nguồn lực nhà nước có hạn, trong khi nhu cầu của doanh nghiệp rất lớn, một số biện pháp được ban hành nhưng khó có thể triển khai trên thực tế.
Hơn nữa, các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ chỉ triển khai ở cấp trung ương mà chưa được triển khai ở cấp địa phương, khiến cho quy mô và mức độ bao phủ của các biện pháp hỗ trợ không đến được số đông doanh nghiệp như mong đợi.
PV: Trong gần 5000 DN CNHT, Cục Công nghiệp cho biết hiện mới có khoảng 160 DN được cấp giấy chứng nhận ưu đãi sản phẩm, dự án CNHT và đa phần là DN FDI. Bà đánh giá ra sao về kết quả này?
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy: Con số 5.000 doanh nghiệp là thống kê toàn bộ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho tất cả các ngành kinh tế.
Tuy nhiên, chính sách ưu đãi không áp dụng cho mọi lĩnh vực hay cho mọi sản phẩm, dự án công nghiệp hỗ trợ mà hỗ trợ có chọn lọc, ưu tiên.
Chỉ những sản phẩm, dự án nào thuộc 6 ngành ưu tiên, gồm ô tô, điện tử, dệt may, da giày, cơ khí, và công nghệ cao đáp ứng các tiêu chí đưa ra tại Nghị định 111 và được liệt kê tại danh mục các sản phẩm ưu đãi thì mới đủ điều kiện được cấp xác nhận là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và hưởng ưu đãi.
Trong khi đó, không có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ô tô, điện tử, công nghệ cao, cũng không có nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT ngành dệt may, da giày, hơn nữa, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là doanh nghiệp FDI.
Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí khá lớn, nhưng sản phẩm ưu tiên trong danh mục của ngành cơ khí lại quá ít so với các ngành còn lại, do đó, các doanh nghiệp cơ khí nếu không sản xuất phụ tùng linh kiện ô tô, điện tử thì khó có thể tiếp cận chương trình ưu đãi này.
Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả nêu trên. Trong thời gian tới, khi cập nhật, điều chỉnh danh sách sản phẩm ưu tiên, các cơ quan và hiệp hội ngành hàng (đặc biệt là hiệp hội CNHT và hiệp hội cơ khí) cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, nghiên cứu, đánh giá và đề xuất danh sách phù hợp.
PV: Bà đã từng gặp nhiều DN CNHT. Bà nhận thấy điều DN tâm tư nhất là gì?
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy: Bất kể nền kinh tế nào muốn phát triển bền vững đều phải dựa vào năng lực tự thân, và năng lực cạnh tranh của một quốc gia phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô toàn cầu của quốc gia đó.
Thực tế là đầu tư vào hoạt động sản xuất nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng chịu nhiều rủi ro, đòi hỏi nguồn lực dài hạn hơn nhiều so với đầu tư vào các ngành, lĩnh vực khác, do đó, doanh nghiệp rất cần có sự đồng hành và hỗ trợ từ phía chính phủ nhằm đảm bảo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh lành mạnh, và dễ dàng tiếp cận các nguồn lực phục vụ sản xuất.
Ngay cả chính phủ các nước phát triển vẫn có các chính sách khác nhau nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo duy trì năng lực cạnh tranh.
Tại mỗi thời điểm, doanh nghiệp gặp những khó khăn thách thức khác nhau cần sự hỗ trợ từ phía chính phủ, nhưng với thời điểm hiện nay, phần lớn doanh nghiệp phản ánh rằng họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai và nguồn vốn phục vụ sản xuất.
Tiếp cận vốn với lãi suất cao là thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp trong nước khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thị trường trong nước và trên toàn cầu. Ưu đãi tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất được quy định trong Luật Đầu tư và các văn bản dưới luật, nhưng hầu như chỉ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng công nghiệp được hưởng lợi.
Đến khi tiếp cận các khu công nghiệp, thì các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI do nhu cầu sử dụng đất và tiềm năng về tài chính không lớn. Do đó, cần có khu CN dành riêng cho CNHT và SMEs với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể.
PV: Có không ít DN CNHT của Việt Nam than phiền rằng họ khó tiếp cận vì thủ tục phức tạp. Để xong thủ tục thì cơ hội cho những đơn hàng lớn cũng đã qua. Theo bà, cần làm gì để giải quyết tình trạng này?
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy: Các chương trình ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước chịu sự điều chỉnh của các luật, quy định về quản lý ngân sách nhà nước, nên việc giải ngân nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước thường mất nhiều thời gian hơn so với nguồn kinh phí khác.
Biết trước những đặc điểm này doanh nghiệp sẽ có kế hoạch huy động nguồn vốn hợp lý hơn. Từ phía cơ quan nhà nước, với những chương trình có tỷ lệ giải ngân thấp thì nên tìm hiểu, đánh giá xem nguyên nhân nằm ở đâu để có biện pháp tháo gỡ, và trước khi triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cần có hoạt động truyền thông tốt để thông tin đến được doanh nghiệp rõ ràng, cụ thể nhất.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng chương trình này, chương trình kia rất hay, nhưng đến khi biết thì chương trình đã sắp kết thúc rồi. Đối với doanh nghiệp, cần hiểu rõ đối tượng, mục tiêu của các chương trình hỗ trợ để quyết định tham gia, và có kế hoạch về huy động, sử dụng kinh phí phù hợp.
PV: Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn khi nhiều tập đoàn FDI dịch chuyển sản xuất. Bà nhận định thế nào về khả năng nắm bắt cơ hội này của DN CNHT VN?
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy: Khi các tập đoàn FDI quyết định lựa chọn Việt Nam là điểm đến trong quá trình dịch chuyển sản xuất của họ tức là họ đã thực hiện quá trình đánh giá, so sánh giữa Việt Nam với các nước khác từ trước đó cả năm trời, thậm chí là vài năm, và họ cũng đã cân nhắc, tìm kiếm nhà cung cấp từ trước đó.
Do vậy, việc các doanh nghiệp trong nước ngay lập tức có thể tham gia chuỗi cung ứng khi các tập đoàn MNEs đầu tư vào Việt Nam mà chưa có sự chuẩn bị là điều khó có thể xảy ra. Cơ hội đến từ việc MNEs có nhà máy đặt tại Việt Nam là hiển nhiên vì có lợi thế để thực hiện JIT, giảm thiểu rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng.
Nhưng tham gia chuỗi cung ứng là phải chấp nhận cạnh tranh toàn cầu, cạnh tranh với chính các doanh nghiệp đang nằm trong chuỗi cung ứng, mà các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có thông tin về kế hoạch dịch chuyển của các tập đoàn này, cũng không có kinh nghiệm cạnh tranh quốc tế, thiếu thông tin, hiểu biết về các yêu cầu khi tham gia chuỗi cung ứng nên không có sự chuẩn bị trước.
Các hiệp hội, cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nên chủ động hơn nữa trong vai trò là cầu nối để giúp kết nối các nhà đầu tư tiềm năng với các doanh nghiệp trong nước. Muốn vậy, các hiệp hội, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp phải có một cơ sở dữ liệu cập nhật về năng lực doanh nghiệp trong nước để giúp các nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu, phát triển chuỗi cung ứng trong nước. Thông tin về các doanh nghiệp giờ đây không chỉ đơn thuần về lĩnh vực hoạt động, địa chỉ liên hệ, mà phải bao gồm các thông tin cụ thể về các thông số kỹ thuật, trình độ công nghệ, máy móc thiết bị, khả năng giao hàng, và gần đây còn có thêm yêu cầu thông tin về tuân thủ luật pháp, quy định về lao động, môi trường…
PV: Năm 2023, bà kỳ vọng cần có đột phá nào cho các mục tiêu phát triển CNHT?
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy: Ba năm vừa qua là một giai đoạn thử lửa thử vàng đối với doanh nghiệp trong nước, giúp thanh lọc những doanh nghiệp hoạt động yếu kém, không hiệu quả. Để có thể vượt qua được những khó khăn, thử thách trong ba năm vừa qua, các doanh nghiệp đã phải nỗ lực, tự thân vận động rất nhiều.
Nếu như năm 2023 có thể có những chính sách đột phá thì sẽ là nguồn lực tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển CNHT trong thời gian tới. Những đột phá đó chính là những giải pháp tháo gỡ nút thắt về vốn và đất đai cho doanh nghiệp, đã được đưa ra trong Nghị quyết 115 nhưng chưa được triển khai hiệu quả.
Vốn vay ưu đãi, chương trình hỗ trợ lãi suất, hay khu công nghiệp dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đột phá chính sách mà các doanh nghiệp CNHT đang kỳ vọng sẽ được triển khai trong năm tới.
Khánh Duy (thực hiện)