Ghi nhận của VietNamNet cho thấy, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ than phiền về những điểm bất cập khi tiếp cận chính sách ưu đãi của ngành.

Điều 11 Nghị định 111/2015/NĐ-CP quy định Đối tượng và thủ tục xác nhận ưu đãi, trong đó, dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển: Bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.

ảnh: Lê Anh Dũng

 

Tuy nhiên, trong thực tế,  doanh nghiệp có nhiều dự án hoặc một dự án nhưng đầu tư mở rộng nhiều lần vào các thời điểm khác nhau. Nghị định chưa quy định cụ thể, rõ ràng dự án hoạt động từ thời điểm nào thì doanh nghiệp được hưởng ưu đãi nên cũng gây khó khăn cho việc thực hiện thủ tục cấp giấy xác nhận ưu đãi, cũng như việc hưởng ưu đãi sau khi được cấp giấy xác nhận.

Ngoài ra, Nghị định 111/2015/NĐ-CP cũng chưa quy định cụ thể về tiêu chí xác định dự án tăng năng lực sản xuất ít nhất 20%. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xác định dự án thuộc đối tượng được áp dụng ưu đãi theo diện tăng năng lực sản xuất 20% như quy định của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP.

Cùng đó, định nghĩa “Dự án mới” trong đối tượng hưởng ưu đãi cũng là điểm bất cập của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP. Các doanh nghiệp trong nước với nguồn lực hạn chế, rất khó để đầu tư dự án mới, mà chủ yếu là mở rộng, nâng cao công suất. Điều này cũng được phản ánh thông qua thực tế là số doanh nghiệp Việt Nam được cấp xác nhận ưu đãi chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số doanh nghiệp FDI.

Bất cập này đã hạn chế tác động lan tỏa của chính sách ưu đãi đối với CNHT đến các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Về vấn đề này, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết đang sửa đổi Nghị định 111 và sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp.

Hoàng Hiệp