Phiếu đại cử tri và phiếu phổ thông là gì?
Số đại cử tri của mỗi bang bằng tổng số nghị sĩ trong Quốc hội (Thượng viện và Hạ viện) của bang đó theo quy định của Hiến pháp. Riêng thủ đô Washington, dù không có nghị sĩ trong Quốc hội nhưng vẫn được trao 3 phiếu đại cử tri theo Tu chính án số 23. Tổng số đại cử tri hiện là 538 người.
Hiến pháp Mỹ không quy định cách thức lựa chọn đại cử tri mà để các bang tự thực hiện việc này. Theo thời gian, hệ thống này đã được thay đổi rất nhiều so với quan điểm ban đầu của các nhà lập quốc, đặc biệt có sự tham gia của người dân thông qua các lá phiếu phổ thông. Vì vậy, hệ thống bầu cử tổng thống Mỹ hiện nay gồm 2 loại phiếu bầu:
Phiếu bầu phổ thông: Là lá phiếu do tất cả các cử tri Mỹ tham gia bầu cử bỏ. Tuy nhiên, việc kiểm phiếu và công bố kết quả bỏ phiếu được tiến hành dựa theo từng bang. Ứng cử viên giành đa số phiếu bầu phổ thông trên toàn quốc chưa chắc đã là người chiến thắng cuộc bầu cử. Minh chứng rõ ràng nhất cho trường hợp "tréo ngoe" này là cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 khi ứng viên Cộng hòa Donald Trump đắc cử dù ông thua đối thủ Dân chủ Hillary Clinton tới 2 triệu lá phiếu phổ thông.
Phiếu đại cử tri: Sau khi việc kiểm phiếu phổ thông hoàn tất, các đại cử tri mới được lựa chọn dựa trên kết quả bầu phổ thông của mỗi bang. Ở hầu hết các bang, ứng cử viên giành số phiếu phổ thông cao nhất trong bang sẽ giành được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Tuy nhiên, tính đến năm 2020, chỉ có 33 bang có luật lệ đòi hỏi đại cử tri phải bỏ phiếu tuân thủ theo kết quả của phiếu phổ thông. Do đó, đã có một số trường hợp đại cử tri bỏ phiếu bầu khác với kết quả phiếu bầu phổ thông của bang họ đại diện, dù những trường hợp như vậy hiếm khi xảy ra.
Về cơ bản, ứng cử viên nào giành quá bán phiếu đại cử tri trên toàn quốc (270 phiếu) là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Ai có thể đi bầu cử tổng thống Mỹ?
Theo Hiến pháp Mỹ, mọi công dân nước này từ đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, một số người không được phép bỏ phiếu khi bị tuyên phạm trọng tội hoặc đang thi hành án phạt tù hay mắc bệnh tâm thần, tùy theo quy định từng bang. Ví dụ, tại quận Columbia, bang Maine và bang Vermont, tội phạm không bao giờ mất quyền bỏ phiếu, ngay cả khi đang bị giam giữ.
Tại 23 bang, gồm cả California, New York và Washington, các tội phạm chỉ mất quyền bỏ phiếu trong lúc bị giam giữ và được tự động khôi phục quyền này khi được phóng thích. Tại 15 bang như Bắc Carolina, Wisconsin..., tội phạm mất quyền bỏ phiếu khi bị giam giữ và trong một khoảng thời gian sau đó, thường trong thời gian ân xá và/hoặc quản chế. Quyền bỏ phiếu được tự động khôi phục sau khoảng thời gian này. Những người từng bị kết án cũng có thể phải trả đủ mọi khoản tiền phạt, phí hoặc tiền bồi thường còn nợ trước khi quyền bỏ phiếu của họ được khôi phục.
Tại 10 bang như Florida, Iowa, Virginia..., tội phạm mất quyền bỏ phiếu vô thời hạn đối với một số tội danh hoặc cần được thống đốc ân xá để khôi phục quyền bỏ phiếu, phải trải qua thời gian chờ đợi thêm sau khi hoàn thành bản án hoặc cần hành động bổ sung trước khi có thể khôi phục quyền bỏ phiếu.
Ở Mỹ, bỏ phiếu là quyền không mang tính bắt buộc. Cơ quan chuyên trách bầu cử thống kê, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 là 66,8%, cao nhất kể từ đầu thế kỷ 21.
Các hình thức bỏ phiếu
Chính quyền các địa phương, thay vì chính quyền trung ương, chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống. Vì vậy, các địa phương khác nhau, thậm chí trong cùng một bang, có thể sử dụng các công nghệ bỏ phiếu khác nhau. Ngoài phiếu bầu bằng giấy, nhà chức trách nhiều nơi còn sử dụng các máy bỏ phiếu đã được kiểm duyệt và xác nhận đạt chuẩn.
Các cử tri có thể trực tiếp đến các điểm bầu cử để bỏ phiếu vào ngày tổng tuyển cử hoặc chọn cách bỏ phiếu vắng mặt qua thư hoặc qua hệ thống trực tuyến nếu đăng ký trước với ủy ban bầu cử địa phương.
Mặc dù hầu hết các bang đều có chế độ bỏ phiếu vắng mặt, nhưng thời hạn và quy định về những cử tri có thể tham gia lại khác nhau. Một số bang yêu cầu cử tri phải có lí do chính đáng, ví dụ đang là quân nhân đồn trú hay người đi công tác ở nước ngoài hoặc dự kiến vắng mặt ở nhà và đơn vị bầu cử vào ngày tổng tuyển cử, mới được phép bỏ phiếu vắng mặt. Trong khi đó, một số bang khác không yêu cầu khắt khe đến như vậy và cho phép công dân đăng ký là “cử tri vắng mặt hoàn toàn”.
Trong những năm gần đây, nhiều bang đã áp dụng các thủ tục cấp phiếu bầu cho các cử tri trước ngày bầu cử và cho phép họ bỏ phiếu sớm tới 3 tuần trước thời điểm tổng tuyển cử, sử dụng hệ thống máy bỏ phiếu lắp đặt ở các trung tâm mua sắm và những nơi công cộng khác. Một số bang cho phép cử tri vắng mặt có thể gửi lại phiếu bầu giấy của họ qua đường bưu điện hoặc phiếu bầu điện tử qua mạng trực tuyến.