“Sông này khi đó bèo tây chật cứng như đồng hoang. Vợ chồng tôi ngày đêm dầm mình dưới sông vớt bèo. Năm nào cũng vậy. Chúng tôi đánh lưới, quăng chài bắt tôm cá… Cuối cùng, vườn vải thiều cả nghìn gốc cũng hình thành”.
Chị Phạm Thị Liêm ở tiểu khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn, xã Thanh Khê nhớ lại quá trình cùng chồng mất hàng chục năm trời để tạo ra vườn vải thiều đẹp nhất xứ Thanh Hà (Hải Dương). Với vợ chồng chị, trồng vải thiều không phải để làm giàu mà hy vọng một tương lai tươi sáng, nuôi các con du học thành tài.
Vườn vải thiều đẹp nhất xứ Đông, điểm check-in mỗi khi du khách tới vùng đất Thanh Hà, Hải Dương.
Cuối tháng 5, những cánh đồng bạt ngàn ở Thanh Hà bắt đầu rực rỡ màu vải chín. Nhiều du khách í ới hỏi nhau đường về khu vườn ở Đồng Mẩn để trải nhiệm hái những quả vải chín đỏ.
Giữa khu vườn được bao bọc bởi dòng sông thơ mộng, vải sai trĩu cành, chị Liêm mời 2 du khách người Cần Thơ thưởng thức quả chín đầu mùa. Chị hào hứng giới thiệu về vườn cây của gia đình mình, về những quả vải ngọt thơm chứa đựng tâm hồn của người nông dân nơi đây.
Từ năm 1997, vợ chồng chị mạnh dạn ra vùng Đồng Mẩn làm kinh tế. Trải qua quá trình dồn điền đổi thửa, vườn vải của gia đình chị Liêm rộng gần 3 mẫu. Song, nơi đây như cánh đồng hoang với dòng sông và mạng lưới kênh rạch dày đặc.
Vợ chồng chị tiên phong khai hoang, đổ mồ hôi công sức, cả máu và nước mắt vào khu vườn này. Mùa hè, cứ 3 rưỡi sáng, anh chị ra vườn làm việc. Trời sáng, cả hai về nhà, cùng ăn vội bát cơm. Sau đó, chị ở nhà bán tạp hóa, anh Thắng chồng chị lại tiếp tục cải tạo vườn vải.
“Con sông này khi đó bèo tây chật cứng như đồng hoang. Vợ chồng tôi ngày đêm dầm mình dưới sông vớt bèo, lao động cật lực không ngừng nghỉ. Bèo mọc lên cây nào vớt cây đó, năm nào cũng vậy. Thuận vợ thuận chồng, chúng tôi vớt hết sạch sông bèo. Chúng tôi còn đánh lưới, quăng chài đánh tôm cá… mưu sinh nuôi con ăn học”, chị Liêm nhớ lại.
Chỉ vào con đường bê tông dẫn lối vào vườn, chị cho biết ngày trước nơi đó toàn bùn đất sình lầy. Vợ chồng chị lại dồn hết vốn liếng làm đường, "coi như mất mùa vải 1 năm. Còn khơi thông được đường đi thì giá trị là mãi mãi".
Thế là không kể ngày đêm, vợ chồng chị Liêm chở từng xe đất đá đổ kè làm đường dẫn vào vườn. Dần dần, vườn vải cũng thành hình hài. Nhưng, giống như bao người nông dân nơi đây, khi đó vợ chồng chị dồn hết tâm sức trồng vải bán quả.
Rồi một ngày chị Liêm chợt nhận ra, cây vải được mùa thì mất giá, chỉ được giá khi mất mùa. Nếu chăm chăm trồng cây vải chờ ngày hái quả thôi chưa đủ, chị cần làm điều gì đó mang lại giá trị bền vững hơn.
Nhận thấy mảnh đất quê hương không chỉ có cây vải ngon nổi tiếng mà còn có cảnh quan thiên nhiên đẹp, chị nhen nhóm ý định làm du lịch nông nghiệp. Trong miền Tây, chỉ có các con lạch nhỏ quanh vườn mà họ tạo được cảnh quan du lịch hấp dẫn.
"Quê tôi có hẳn dòng sông Hương uốn lượn quanh vườn vải, tại sao lại không làm được”, chị Liêm tự đặt câu hỏi cho bản thân.
Năm 2015, bất chấp những lời đàm tiếu của người xung quanh, vợ chồng chị một lần nữa bắt tay quy hoạch, tạo cảnh quan khu vườn. Vải được trồng thành hàng thẳng tắp, giữa mỗi hàng cây là con kênh nước nhỏ có hoa sen, hoa súng... Lối vào vườn được bê tông hoá thuận tiện cho khách tham quan.
“Là người đi tiên phong, vợ chồng tôi gặp khó khăn rất nhiều. Mỗi khi mệt mỏi, chúng tôi nhìn vào các con để động viên nhau, cùng nhau vượt qua các trở ngại, bước từng bước ngắn nhưng chắc chắn. Vì tôi biết, có làm du lịch thì mọi người mới biết tới đặc sản quê hương tôi nhiều hơn. Có du lịch mới nâng tầm văn hóa, mang lại giá trị bền vững hơn so với việc chỉ bán quả vải”, chị nói.
Từ khi chuyển hướng làm du lịch, công việc của vợ chồng chị nhiều hơn gấp bội. Nếu trồng vải bán quả, chỉ mất khoảng 10 ngày thu hái là xong. Còn người nông dân làm du lịch không chỉ đơn thuần chăm sóc để cây sai quả, mã đẹp mà còn phải giữ gìn cảnh quan, vệ sinh vườn... Hay như đảm bảo an toàn, chu đáo khi tiếp đón du khách cũng là một phần việc không dễ đối với người nông dân tay ngang làm du lịch như chị Liêm.
“Nhiều lúc mệt mỏi, tôi mong trời có một ngày mưa để được nghỉ ngơi. Định bỏ cuộc nhưng nghĩ tới công sức vợ chồng vất vả bao năm, nghĩ tới 2 con, chúng tôi lại cố gắng”, chị tâm sự.
Tất cả vốn liếng, tiền thu được chị Liêm đều dồn vào đầu tư cho khu vườn. Không sợ thất bại, tâm huyết của chị Liêm đang dần đơm hoa kết trái.
Anh Thắng thương vợ, thường trêu đùa: “Gia đình mình đâu có đặt gánh nặng kinh tế nên không cần làm nhiều như thế. Nhà nghèo nhưng ấm, con cái học hành thành đạt là được rồi”.
Ở Thanh Hà, nhiều gia đình làm giàu từ trái vải thiều. Sau mùa trái chín, tiền thu được người nông dân đem xây nhà lầu, gửi tiết kiệm… Còn vợ chồng chị Liêm lại đầu tư cho các con ăn học.
Hiện tại, hai con của chị đều đang du học nước ngoài. Hồng Quân (SN 1998) du học ngành thương mại quốc tế tại trường ĐH Daegu, Hàn Quốc. Vừa học vừa làm, Quân có thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ cho em gái đi học tại Phần Lan.
Chị muốn “con đi học để thu nạp, có nền tảng kiến thức vững chắc. Sau này làm kinh tế bằng chính trí tuệ của mình mới bền vững. Bố mẹ vất vả, sống ở đâu cũng được, nhà nghèo cũng được, miễn là các con ngoan, học giỏi”.
Từ nhỏ, các con đã được chị Liêm rèn tính tự lập, tạo môi trường trải nghiệm cuộc sống nông dân. Thanh Huyền (SN 2002, con gái chị) kể: “5 tuổi em theo mẹ đi mò trai, bắt cua, 7 tuổi theo bố đi kéo lưới bắt cá. 10 tuổi em đi tuốt lá, bẻ vải giữa nắng hè oi bức 38-40 độ. Em nhớ những buổi trưa bố mẹ mải làm mà quên cả bữa ăn, em chạy đi mua bánh mì với sữa cầm xuống vườn, em ngồi trên cành vải nhìn bố mẹ ăn. Tuổi thơ đó em không thể quên”.
Hai con chị Liêm thường xuyên động viên: “Bố mẹ chỉ được làm vì đam mê thôi, sức khỏe là quan trọng nhất. Sau này chúng con thành đạt sẽ lo cho bố mẹ”.
“Tôi đã đi được 2/3 chặng đường trong việc xây dựng khu vườn. Theo xu thế và thị hiếu du khách, tôi sẽ đầu tư xây dựng mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm. Tôi sẽ giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên của cây vải và cảnh quan sông nước”, chị Liêm cho hay.
Du khách tới du lịch trải nghiệm tại Thanh Hà sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp độc đáo trên bến dưới thuyền giữa vườn vải. Khách tham quan sẽ được ngồi thuyền đi trên dòng sông Hương uốn lượn, ngắm những cây vải đỏ rực trái chín. Thuyền cập bến, du khách đi len lỏi dưới tán cây xanh mát, tự tay hái những chùm vải chín và thưởng thức hương vị ngọt thơm của loại trái cây đặc sản.
Nhờ làm mô hình du lịch trải nghiệm, chị Liêm đã tạo công ăn việc làm thêm cho nhiều người dân, từ chèo thuyền, dẫn khách vào vườn, hướng dẫn khách hái vải… Những người nông dân đôn hậu trở thành “đại sứ du lịch” của địa phương. Sự nồng hậu, mến khách của người dân nơi đây góp phần tạo nên vẻ đẹp của vùng đất Thanh Hà mùa vải chín.
Theo chị Liêm, du lịch phát triển ở đâu thì ở đó kinh tế tốt, an ninh tốt, văn hóa tốt. Vùng đất Thanh Hà không chỉ có vải mà còn có ổi, rươi, cáy… đều mang bản sắc đặc trưng vùng miền.
Chị kỳ vọng phát triển khu du lịch này lớn hơn nữa, mô hình du lịch trải nghiệm này sẽ lan tỏa không chỉ ở quê hương Thanh Hà mà còn ra các vùng trồng vải khác. Bởi, làm du lịch sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho bà con. Hơn nữa, đặc sản của Thanh Hà sẽ được nhiều người trong và ngoài nước biết tới. Có như vậy người dân mới đỡ vất vả.
Năm 2022, vườn vải của chị Liêm ở khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn đã đón khoảng 6.000-7.000 lượt du khách nội địa và quốc tế. Khách không chỉ vào vườn hái vải ăn mà còn được ngồi thuyền đi dọc sông Hương quan sát toàn cảnh vùng vải thiều Thanh Hà.
Những ngày gần đây, chị Liêm liên tục nhận các cuộc điện thoại từ công ty lữ hành ngỏ ý dẫn du khách về trải nghiệm. Vườn sẽ mở cửa từ ngày mai (1/6) đón khách đoàn, căn cứ vào lượng vải chín.
“Ông trời không phụ ai bao giờ, tôi làm nghề bằng tất cả tình yêu của người con đất Thanh Hà dành cho quê hương. Vì thế, tôi chưa khi nào sợ thất bại. Tôi sẽ cố gắng mỗi ngày để hoàn thiện khu vườn của mình”, chị Liêm nói.
Bài: Lam Giang
Ảnh: Thạch Thảo, nhân vật cung cấp
Thiết kế: Thu Hằng