Ở độ tuổi 70, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) vẫn hàng ngày tới xưởng bánh, quan sát công nhân làm việc và hướng dẫn về nghề. Người được mệnh danh là “Vua bánh mỳ”, đã chia sẻ với VietNamNet về thăng trầm trong cuộc đời và cách quản trị doanh nghiệp của ông.
Cuộc phỏng vấn này được đặt hẹn trước gần 1 tháng, lịch trình làm việc của ông bận rộn thế nào?
Ông Kao Siêu Lực: Tôi thích đi tìm nguyên liệu mới, bận nhưng khá thú vị (cười). Tôi mới bay về từ Đức đêm qua, cũng là đi tìm nguyên liệu cho sản phẩm.
Một ngày làm việc của ông thường sẽ như thế nào ?
Ông Kao Siêu Lực: Tôi có thói quen dậy khá sớm, tập thể dục trong 2 tiếng, từ 5-7h. Nhiều người hỏi, sao tôi tập thể dục lâu vậy, tôi trả lời, lãnh đạo một doanh nghiệp cần năng lực và nghị lực, muốn đạt hai yếu tố trên thì sức khỏe phải có trước. Tôi đã 67 tuổi rồi.
Tennis là bộ môn thể thao ưa thích của tôi, nhiều người rủ tôi đi chơi golf để thiết lập các mối quan hệ nhưng tôi từ chối, bởi môn thể thao đó tốn nhiều thời gian, không hợp với mình.
Tôi thường bắt đầu công việc lúc 8h và kết thúc vào khoảng 18h chiều, tính ra, tôi vẫn làm việc khoảng 10 tiếng/ngày. ABC Bakery chuyên về bánh mỳ và các loại bánh, do vậy, tôi giữ thói quen ngày nào cũng vào xưởng bánh, xem công nhân làm việc, cần thì hướng dẫn họ. Khi vào tận xưởng, tôi sẽ hiểu công nhân cần gì để có thể làm công việc của họ tốt nhất. Từ đó, họ giúp cho sự nghiệp kinh doanh của tôi.
Doanh nghiệp hiện có khoảng 800 nhân viên tại 28 chi nhánh cửa hàng trên cả nước, chúng tôi đã xuất khẩu sản phẩm sang 5 quốc gia. Với khối lượng công việc như vậy, ở độ tuổi của mình, tôi không đảm bảo quán xuyến được hết. Chính vì vậy, tôi đã nhường khoảng 70% khối lượng công việc cho các con điều hành, 30% công việc còn lại tôi nắm, tôi vẫn thích được làm việc ở độ tuổi này.
Thế hệ trẻ thay thế đồng nghĩa với những chuyển đổi trong hoạt động sản xuất, điều hành doanh nghiệp. Có xung đột nào ở đây không ?
Ông Kao Siêu Lực: Tôi là người bảo thủ, dàn lãnh đạo cũ của doanh nghiệp cũng vậy, chúng tôi khó thay đổi và nhiều khi không chấp nhận sự thay đổi. Dẫu vậy, thay đổi là điều bắt buộc, nó quyết định sự tồn vong của một doanh nghiệp. Nếu công ty muốn chuyển mình, hãy để thế hệ trẻ F2 tiếp quản, họ làm tốt thì mình phải theo. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn giám sát, bởi, F2 không thể có kinh nghiệm bằng F1.
Dẫu vậy, quá trình chuyển đổi, làm quen cái mới thường mất thời gian, đặc biệt, những người coi mình là công thần của doanh nghiệp thì càng khó thay đổi. Có những thợ bánh đã 40-50 tuổi, họ theo tôi từ khi còn 18 tuổi, trải qua hàng chục năm. Họ là những người có công, nhưng giờ là thời đại 4.0, mọi thứ phải thay đổi để thích nghi, họ cũng vậy, không thay đổi sẽ bị đào thải, đó là chuyện bình thường.
Tôi từng mua máy sản xuất 4.0 có giá 500.000 USD về nhà máy, 1 tuần sau, những người thợ lấy vải phủ lên máy, không sử dụng. Bởi, họ quen thiết bị cũ và máy cũ vẫn chạy tốt.
Vậy, tôi giải quyết vấn đề này thế nào ? Tôi lập tức tìm kiếm nhân sự trẻ 18-20-25 tuổi để phỏng vấn. Tại buổi phỏng vấn, nếu ai có kinh nghiệm làm bánh rồi, tôi không tuyển dụng; nếu ai chưa từng làm bánh, tôi tuyển họ và cho sử dụng thiết bị mới. Chỉ 2 tuần sau, những người này chạy máy ngon lành, trong khi, các lao động nhiều năm kinh nghiệm lại không làm được.
Anh biết tại sao họ điều khiển được máy nhanh vậy không ? Vì họ chơi game trên điện thoại nhiều. Thế đấy, công nghệ 4.0 phải cần con người 4.0. Thú thực, tôi không thể bằng họ, nhưng tôi biết phát hiện con người và đầu tư công nghệ. Hiện, máy sản xuất của chúng tôi đã làm ra được 12.000 chiếc bánh/giờ.
Ngoài công nghệ, đâu là yếu tố quan trọng tiếp theo của doanh nghiệp ông ?
Ông Kao Siêu Lực: Nguyên liệu tốt, tay nghề, máy móc hiện đại. Đó là ba nền tảng để chúng tôi xây dựng thương hiệu. Nhưng, điều quan trọng nhất trong ngành của chúng tôi là công tác Nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D). Tôi là chủ doanh nghiệp và cũng là người đứng đầu bộ phận R&D.
Nhiều công ty nói R&D chỉ phá tiền. Người làm R&D muốn chủ mua nguyên liệu tốt, họ sẽ làm ra bánh ngon, trong khi, người chủ lại cho rằng, nếu bộ phận R&D giỏi thì làm bánh với nguyên liệu gì cũng ngon. Đó là sự xung đột từ hai phía.
Tôi lại khác, tôi thích tự tìm nguyên liệu để làm sản phẩm. Dẫn chứng cho sự quan trọng của R&D, ở cửa hàng Go Gelato của công ty, tôi chấp nhận chi 4 tỷ đồng chỉ để mua máy làm kem và tủ chứa kem của Ý, còn nguyên liệu là kem sữa được tôi mua từ Đức.
Hãy nhớ rằng, Ý và Đức không sẵn có hoa quả nhiệt đới như xoài, dừa ở Việt Nam. Khi làm kem, họ chỉ có thể dùng tinh chất siro, hương liệu tạo mùi để sản xuất. Đây chính là lợi thế lớn, tôi sử dụng xoài cát Hòa Lộc, dừa Bến Tre, bơ, khoai môn… đưa những nguyên liệu thật trộn vào kem ăn. Quá trình R&D này kéo dài hàng tháng trời nhưng cho thành quả. Các doanh nghiệp thực phẩm và ngành nông nghiệp nên kết hợp theo hướng như vậy.
Ông vừa đề cập đến mối liên kết và tiêu thụ nông sản nội địa, sự kết hợp như vậy dường như ít thấy ở thị trường Việt Nam ?
Ông Kao Siêu Lực: Năm 2020, tôi có giúp người nông dân tiêu thụ thanh long bằng việc sản xuất bánh mỳ thanh long. Khi về vùng nguyên liệu, đứng trước vườn thanh long thừa, có những người ôm tôi mà khóc. Tôi nghĩ, người nông dân thực sự tội nghiệp, đối với họ, được mùa và được giá là câu chuyện khó. Do các mối liên kết trong nông nghiệp chưa bền vững.
Mỹ có Hiệp hội Lúa mạch, Hiệp hội Sữa, Hiệp hội Trái cây, Hiệp hội Thịt bò… các hiệp hội này rất mạnh. Họ khống chế giá, điều tiết thị trường và quyết định hàng hóa tham gia thị trường ở đâu. Người nông dân nghe lời hiệp hội, đầu ra nông sản ổn định. Trong khi đó, vai trò này của các Hiệp hội ở Việt Nam hầu như không tồn tại.
Ví dụ, đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của ngành mía đường Việt Nam là Thái Lan. Nước bạn cũng có Hiệp hội Mía đường, khi mía trúng mùa, họ chấp nhận hạ giá bán ra, lượng đường sản xuất với giá thành rẻ tăng mạnh. Lúc này, đường Thái nhập lậu tràn về Việt Nam. Khi đường nhập lậu giá rẻ vào nội địa, cung vượt cầu, dẫn đến nguyên liệu mía dư thừa, ế mía, người nông dân thua lỗ và chặt bỏ cây, không trồng nữa.
1 năm sau, Việt Nam không có mía sản xuất đường, giá đường thành phẩm lại lên cao. Trong khi, người Thái vẫn sản xuất bình thường, năm ngoái họ chấp nhận bán giá thấp chút nhưng năm nay bán giá cao, kiếm lời bù lại. Hiệp hội nước bạn khống chế giá rất tốt. Để làm được điều đó, các thành viên của hiệp hội khi nhập sản phẩm về tiêu thụ chung thì cần nộp phí, khoản phí đó được dùng làm ngân sách, quỹ hỗ trợ người nông dân khi hiệp hội hạ giá bán.
Hay, Hiệp hội Lúa mỳ của Mỹ thường đưa nông dân sang tham quan nhà máy của tôi, để nông dân mở mang tầm mắt. Người nông dân được xem sản phẩm họ làm ra đến tay người tiêu dùng như thế nào, đó cũng là cách khuyến khích nông dân làm nông nghiệp.
Đến giờ, khi nhìn lại đế chế bánh được tạo dựng, ông có thấy mình là một người may mắn và thành công ?
Ông Kao Siêu Lực: (Cười) May mắn ư ? Tôi chắc chắn không phải là người may mắn. Tôi là người gốc Hoa nhưng sinh ra và lớn lên ở Phnôm Pênh, Campuchia. Gia đình tôi sống trong đúng giai đoạn diễn ra nạn diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo, ba và anh tôi đã qua đời thời điểm đó.
Ý thức hệ đóng vai trò quan trọng trong cuộc diệt chủng này. Khmer Đỏ muốn đưa đất nước Campuchia trở lại với "quá khứ huyền thoại", trở thành một xã hội nông nghiệp. Tôi nhớ những ngày gập người cấy lúa hàng tiếng đồng hồ, nếu làm không được hoặc than mệt thì lập tức tôi sẽ bị hành quyết. Làm khỏe hơn bò, ăn dở hơn heo, ngủ tệ hơn chó, đó chính xác là những gì diễn ra.
Tôi bị họ cho vào danh sách xử tử, tôi phải tự tay đào hố chôn người tập thể. “Gia đình ông sẽ chết ở đây”, họ nói và chỉ cho tôi nhìn xuống cái hố. Đó là lúc tôi thấy cuộc đời này thật bất công với mình và tôi đã chấp nhận cái chết trong nay mai.
Trong thời gian lính Khmer Đỏ đó đi xin ý kiến chỉ huy chấp thuận sát hại gia đình tôi thì quân tình nguyện Việt Nam tiến vào, giúp giải phóng người dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Tôi theo đoàn người đi bộ trong 30 ngày, vượt biên tới Việt Nam. Biên giới cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh là nơi đầu tiên tôi đặt chân trên đất Việt Nam, đêm ngủ đầu tiên ở TP.HCM là quận 6.
Tôi nhớ rõ những ngày tháng đó. Tôi được sống và có ngày hôm nay là nhờ Việt Nam.
Do vậy, tôi đang làm việc, không chỉ vì sự nghiệp kinh doanh gia đình mà còn để trả ơn đất nước này. Tôi trả ơn bằng cách tạo công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ tiêu thụ nông sản…
Nhìn về quá khứ và hành trình kinh doanh của mình, ông có lời khuyên nào cho các doanh nhân thế hệ sau ?
Ông Kao Siêu Lực: Khi về Việt Nam năm 1979, tôi là người 3 không: không bạn bè, không tiền bạc, không biết nói tiếng Việt. Năm đó 24 tuổi, tôi có công việc đầu tiên là đi vác gạo, họ ra dấu hiệu tay thì tôi làm theo, bởi tôi không biết tiếng. Kết thúc công việc, tôi rất vui. Nào ngờ, bà chủ nghĩ, mướn người không hiểu tiếng sẽ thêm mệt, nên họ đuổi việc tôi sau ngày đầu tiên.
Tiếp đó, tôi đi làm kéo xe. Khi nhận những đồng tiền không xứng đáng sức lao động, tôi ngửa tay xin thêm thì bị xua đuổi, nhìn đồng bạc trên tay mà tôi rơi nước mắt nghĩ về cuộc đời mình.
10 năm sau, tôi mới mở được tiệm bánh nhỏ đầu tiên năm 1989. Tất nhiên, cuộc đời kinh doanh xảy ra nhiều chuyện, nhưng, từ sự khởi đầu của mình, tôi chỉ khuyên những người trẻ lập nghiệp những điều sau.
Thứ nhất, hãy kiên trì. Đừng nghĩ, làm sẽ thành công, hãy làm để đủ sống qua ngày trước đã. Có thể tôi thuộc thế hệ cũ, tôi không khuyến khích sự mạo hiểm. Doanh nghiệp đừng mở hoành tráng ngay từ đầu, đi từng bước, từ nhỏ tới lớn, đầu tư máy móc và dần hiện đại hóa.
Thứ hai, khi làm được rồi thì phải giữ chữ tín, có chữ tín là có tất cả, không có chữ tín là tự bán rẻ mình.
Thứ ba, tôi khuyên doanh nhân trẻ hãy đọc sách. Tôi thường đọc sách lúc rảnh, chủ yếu là những sách về nguyên liệu mới và công nghệ thực phẩm, phục vụ công việc kinh doanh. Ngành bánh có gì mới ? Nguyên liệu nào lạ ? Nguyên liệu nào tốt cho sức khỏe ? Khẩu vị ra sao ? Kiến thức từ sách sẽ rút ngắn thời gian thử nghiệm sản phẩm, giúp tôi đi trước một bước, đó là cách tôi tìm hiểu thông tin, góp phần thành công khi R&D sản phẩm.
Cuối cùng, hãy luôn tự kiểm điểm bản thân. Ở góc tường bàn làm việc và khu bàn ăn ở nhà, tôi đóng khung treo bảng “10 điều giàu, 10 điều nghèo”, đây là lời răn dạy của ba cho tôi từ rất lâu rồi. Hàng chục năm qua, tôi vẫn đọc và suy ngẫm để kiểm điểm lại bản thân.
Một số ý đại loại như thế này, nghèo vì: tối ngày ăn chơi, không lo kinh doanh, có tiền rồi cũng nghèo; hoang phí sẽ nghèo; làm biếng sẽ nghèo; quen biết người giàu có, mơ ước viển vông sẽ nghèo; thích ăn thua đủ, làm anh hùng rồi cũng nghèo; vay mượn, chạy theo phù phiếm, làm mình cao sang, tự bị nghèo; tối ngày ăn nhậu, cờ bạc thì ắt nghèo…
Giàu vì: biết tiết kiệm; mua bán sòng phẳng, trung hậu, có chữ tín rồi sẽ giàu; nghe gà gáy phải dậy đi làm mới giàu; tự biết phòng hỏa hoạn, chống ăn trộm, thất thoát tài sản giúp giữ cái giàu; không làm ăn phi pháp, bất chính rồi sẽ giàu lâu dài…
Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Thực hiện: Trần Chung
Thiết kế: Minh Hòa, ảnh: Nhân vật cung cấp