Báo VietNamNet phỏng vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Bộ trưởng thấy tổ chức bộ máy từ địa phương đến Trung ương đã có những thay đổi như thế nào?
Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18 có thể khẳng định, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
So với thời điểm trước năm 2017 (trước khi có Nghị quyết 18), hiện nay tổ chức bộ máy từ địa phương đến trung ương đã tinh gọn hơn, giảm tầng nấc trung gian, giảm nhiều đầu mối. Bước đầu chúng ta đã khắc phục được tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; giảm cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cấp phó và cán bộ giữ chức vụ hàm…
Đặc biệt là qua sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Phải nói rằng, những kết quả này đã tạo tiền đề, cơ sở thực tiễn và nền tảng quan trọng để chúng ta tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18 đến năm 2030.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng còn điều gì khó khăn, vướng mắc chưa thể thực hiện?
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động trực tiếp, toàn diện đến nhiều tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Do vậy bên cạnh kết quả đạt được là nổi bật thì vẫn còn một số khó khăn vướng mắc cần khắc phục trong thời gian tới. Vẫn còn nhiều nơi chưa gắn sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế theo vị trí việc làm và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức còn giao thoa, trùng lắp, trong khi đó cơ chế phối hợp chưa thực sự hiệu quả nên làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Một số chủ trương mới về chính sách tiền lương, thu hút, trọng dụng nhân tài chậm được cụ thể hóa. Đặc biệt là thời gian gần đây có hiện tượng một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có năng lực chuyển sang khu vực tư,...
Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chấn chỉnh những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 18 chưa được thực hiện thường xuyên cũng như chưa kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức cá nhân thực hiện có hiệu quả, xử lý chưa nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định, không đạt mục tiêu của nghị quyết đề ra…
Tất cả những khó khăn, vướng mắc này đã được Bộ Chính trị thẳng thắn nhìn nhận tại Kết luận số 50 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18; trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nghị quyết này trong giai đoạn đến năm 2030.
Nghị quyết số 18 nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính”. Việc này đã được thực hiện như thế nào và kết quả ra sao, thưa Bộ trưởng?
Nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính” đã được đặt ra trong các nghị quyết, kết luận của Đảng từ khá sớm. Từ Nghị quyết số 17 ngày 1/8/2007 của Hội nghị Trung ương 5 khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã đưa ra nguyên tắc này. Và Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một lần nữa khẳng định lại nguyên tắc này.
Do đó, việc sắp xếp, điều chỉnh tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ qua các nhiệm kỳ Chính phủ và sắp xếp tổ chức những cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện thời gian qua luôn bảo đảm quán triệt các nghị quyết của Đảng về cải cách hành chính và thực hiện nhất quán nguyên tắc này.
Trong đó, Chính phủ tiếp tục tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hợp lý; nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối.
Chính phủ ban hành các nghị định quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, theo đó quy định khung cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện bảo đảm đồng bộ với phân công quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Hay nói cách khác ở Trung ương tổ chức bộ đa ngành thì ở địa phương tổ chức cơ quan chuyên môn đa ngành.
Tuy nhiên phải nhìn nhận, hiện nay vẫn còn một số nhiệm vụ có giao thoa giữa các cơ quan quản lý nhà nước, như: Quản lý an toàn thực phẩm; quản lý môi trường (rác thải y tế); bảo hiểm y tế; quản lý đa dạng sinh học...
Vì vậy, trong đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (2021-2026), Bộ Nội vụ đã báo cáo, đề xuất Chính phủ giao cơ quan chủ trì (theo quy định tại pháp luật chuyên ngành) phối hợp với cơ quan có liên quan ban hành quy chế phối hợp để xác định rõ phạm vi, đối tượng quản lý, nội dung phối hợp, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan trong việc tổ chức thực hiện.
Nghị quyết 18 cũng đưa ra nhiệm vụ, giải pháp: “Tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới. Bộ Nội vụ sẽ cụ thể hóa nhiệm vụ này như thế nào”?
Trong thời gian tới, Bội Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu, tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV” một cách bài bản, khoa học, tổng thể, toàn diện.
Trên cơ sở đó, xác định rõ phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ, ngành; đồng thời nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành.
Qua đó hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc “Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính” theo đúng tinh thần chỉ đạo tại các nghị quyết, kết luận của Trung ương.
Vậy Bộ Nội vụ đưa ra những giải pháp gì để tiếp tục thực hiện có hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 18 đề ra theo yêu cầu của Bộ Chính trị?
Để hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết 18 đề ra phải nói là còn rất nhiều việc phải làm. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc tiếp tục kiện toàn tổ chức của các tổng cục và tổ chức tương đương; đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương.
Nhiệm vụ nữa là nghiên cứu, tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (khóa XII - XV), trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI.
Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Hiện Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết mới về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Bộ Nội vụ sẽ tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm chất lượng, tiến độ đã đề ra.
Trước mắt trong năm 2023 tập trung xây dựng hàng loạt nghị định liên quan đến vị trí việc làm và biên chế công chức; vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; về chính sách tinh giản biên chế; về số lượng cấp phó…
Đặc biệt, trong năm nay, Bộ Nội vụ sẽ cố gắng xây dựng Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; quy định về cán bộ công chức, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố…
Ngoài ra, theo lộ trình kế hoạch đến năm 2025, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Luật: Cán bộ, công chức; Tổ chức chính quyền địa phương,…
Cùng với đó là tiếp tục triển khai thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; quản lý biên chế giai đoạn 2023-2026 theo quy định của Bộ Chính trị để giảm 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021…
Thu Hằng (thực hiện)
Ảnh: Hoàng Hà - Nhật Bắc
Thiết kế: Phạm Luyện