Từng học Học viện Công nghệ Massachusetts - MIT tại Hoa Kỳ, nhiều lựa chọn phát triển sự nghiệp ở nước ngoài, nhưng ông Đỗ Huy Bình (Kurt Bình) đã quyết định đưa “tân binh” Smartlog gia nhập thị trường logistics Việt Nam năm 2015, thời điểm dịch vụ logistics vẫn còn là một nghề mới.
“Hồi còn là sinh viên Đại học Ngoại thương, tôi đã khát khao trở thành một kinh tế gia, khát khao xây dựng các mô hình kinh tế cho Việt Nam. Tôi bị ảnh hưởng lớn bởi Paul Krugman, một kinh tế gia vĩ đại đã từng đạt giải Nobel, một trong những người đầu tiên tiên đoán cuộc khủng tài chính tiền tệ ở Đông Á và Đông Nam Á vào những năm 1996 -1998. Tuy nhiên, môi trường nghiên cứu kinh tế quá học thuật, nên tôi quyết định tìm một “miền đất mới lạ”. Tôi đã thấy cơ hội và thử thách lớn ở ngành logistics, dù những năm 2000, ngành này còn quá mới mẻ”, Kurt Bình – Nhà sáng lập kiêm CEO Smartlog hồi tưởng bước ngoặt lớn trên hành trình sự nghiệp của mình.
Trước khi sang MIT để theo học ngành Supply chain (chuỗi cung ứng) và Logistics vào năm 2012, ông Bình đã có hơn 15 kinh nghiệm trong ngành logistics, từng tham gia nhiều dự án lớn tại Việt Nam của Masan, Ajinomoto, Vinmart, Big C, Ericsson…, và cũng đã tham khảo nhiều khóa học Học liệu mở của MIT. Ông luôn tâm niệm rằng, thị trường Việt Nam đủ lớn và đủ thách thức để mình làm một điều gì đó mới mẻ, đầy khát khao.
Quá trình học tập tại MIT tiếp tục khơi dậy đam mê của ông về sự kết nối và ứng dụng công nghệ trong thế giới thực. Quay về Việt Nam, nhận thấy nhu cầu lớn trong việc cải thiện hoạt động logistics, tin rằng lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh mẽ, sự kết hợp giữa sự đam mê cá nhân và tiềm năng thị trường đã khiến ông quyết định thành lập Smartlog.
“Tên gọi Smartlog được đề xuất bởi một nhóm sáng tạo nội bộ của chúng tôi. "Smartlog" kết hợp giữa "smart" (thông minh) và "logistics" (logistics), truyền tải thông điệp về cam kết của chúng tôi đối với việc cung cấp các giải pháp logistics thông minh, hiệu quả và tiên tiến”, Kurt Bình cho biết.
Quyết định theo đuổi lĩnh vực logistics và phần mềm hỗ trợ của Kurt Bình vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ những người xung quanh.
“Rất nhiều người nói tôi là “khùng”, vì lúc ấy tôi đang có thành công và vị trí rất tốt tại công ty cũ. Con đường sự nghiệp đang rất thăng tiến. Có người cho rằng lĩnh vực này quá cạnh tranh và khó để tạo doanh thu lớn, đặc biệt là ở thời điểm ban đầu. Tuy nhiên, tôi luôn tin vào trực giác mách bảo mình và tin vào cái tôi gọi là “tiếng gọi của những khát khao lớn lao””, CEO Smartlog kể.
Giống như rất nhiều doanh nghiệp Việt khác, ở giai đoạn mới bắt đầu hoạt động, Smartlog vấp phải rất nhiều trở ngại.
Kurt Bình nhớ lại chặng đường đầu đầy gian nan bằng chuỗi câu cảm thán: “Vô cùng khó khăn. Vô cùng khủng khiếp. Thậm chí có thể nói là cơn ác mộng không dừng”.
Một trong những bước quan trọng để phát triển là tìm kiếm nguồn vốn đầu tư. Smartlog đã tham gia chương trình Shark Tank để có cơ hội gặp gỡ và thuyết phục các nhà đầu tư về tiềm năng của mình. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng.
Vấp ngã tại Shark Tank nhưng đội ngũ Smartlog không từ bỏ. Thay vào đó là sự tập trung cải thiện các giải pháp công nghệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp khác.
“Thấu hiểu rằng thành công không đến từ một ngày một đêm, chúng tôi đã dành thời gian để học hỏi và cải tiến dựa trên những góp ý từ Shark Tank và thị trường. Nhờ đó, chúng tôi trưởng thành lên rất nhiều”, Kurt Bình chia sẻ.
Trên hành trình nỗ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư, Smartlog không chỉ “nếm vị” thất bại duy nhất một lần, mà từng gặp đến gần 30 quỹ và ra về tay trắng. Thiếu vốn trở thành rào cản vô cùng lớn cho một doanh nghiệp công nghệ, buộc phải co kéo và hạn chế tối đa đầu tư.
“Bài học xương máu” được rút ra là dù sản phẩm có tốt thế nào đi chăng nữa mà không biết kể một câu chuyện hấp dẫn thì vẫn sẽ chỉ là người đến sau. Gọi vốn không chỉ là bán cái mình có, mà phải bán cái thực sự hấp dẫn nhà đầu tư.
Mỗi lúc khó khăn, thất bại, cuốn sách của cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Intel Andrew Groves với tựa đề “Chỉ kẻ hoang tưởng mới sống sót” đã truyền cảm hứng, tạo động lực cho “thuyền trưởng” Smartlog hiểu rằng khó khăn đến từ rất nhiều phía, đôi khi phải quên đi thực tế phũ phàng để bước tới.
Đội ngũ của Smartlog đã trải qua những thời điểm mất định hướng khi kết quả kinh doanh không như ý muốn. Tuy nhiên, tầm nhìn và sứ mạng đã giúp họ lấy lại sự cân bằng cảm xúc và tập trung vào những bước phát triển tiếp theo, tiếp tục đối diện với thử thách một cách kiên định.
“Tầm nhìn của chúng tôi là xây dựng Smartlog trở thành đơn vị dẫn đầu về giải pháp logistics thông minh và hiệu quả. Chúng tôi hướng tới việc tạo ra những thay đổi tích cực trong cách thức hoạt động của ngành logistics, tạo ra giá trị không chỉ cho khách hàng mà còn cho toàn cộng đồng. Sứ mạng của chúng tôi là nghiên cứu và phát triển những giải pháp ứng dụng công nghệ cao giúp các doanh nghiệp quản lý và tối ưu hóa hoạt động vận tải, quản lý kho hàng một cách thông minh, hiệu quả”, ông Bình nói.
Hiện tại, Smartlog đang sở hữu hệ sinh thái số với những giải pháp và nền tảng quản lý kho và vận tải được xây dựng dựa trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), giúp doanh nghiệp vận hành, quản lý đơn hàng cùng toàn bộ hoạt động vận tải và kho bãi một cách dễ dàng, nhanh chóng, chính xác.
Các doanh nghiệp có thể lập kế hoạch, điều phối và theo dõi các đơn hàng theo thời gian thực (real-time); quản lý chặt chẽ hàng hóa thông qua công nghệ mã vạch, giúp các quy trình quản lý xuất, nhập và tồn kho trở nên thống nhất, minh bạch.
Rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam và doanh nghiệp toàn cầu hoạt động tại thị trường Việt Nam đã gắn kết lâu dài với nền tảng giải pháp của Smartlog. Danh sách khách hàng của doanh nghiệp công nghệ logistics này đã có hơn 100 tên tuổi lớn trong các ngành bán lẻ, tiêu dùng nhanh, thực phẩm đồ uống, nguyên vật liệu..., gồm nhiều cái tên mà “ai cũng biết đấy là ai” như: Panasonic, Casper, TH True Milk, Thaco, Sabeco, Suntory Pepsi, Mondelez, Tân Hiệp Phát, Central Retail, Big C, Saint Gobain, hay DHL Supply Chain, FM Logistic..
Để chinh phục Sabeco, một trong những thương hiệu bia lớn nhất Việt Nam, Smartlog đã cung cấp hệ sinh thái giải pháp toàn diện trong logistics, từ quản lý toàn bộ hệ thống kho hàng không giấy tờ đến quản lý theo thời gian thực hệ thống vận tải xuyên suốt cả nước với hàng ngàn tuyến đường thông qua hệ thống phân tích dữ liệu logistics chuyên sâu. Nhờ quy trình vận hành logistics được tự động hoá dữ liệu tối đa, Sabeco tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng, giảm hàng ngàn giờ trao đổi điện thoại, hàng tấn giấy tờ.
Một “bí kíp” khác giúp Smartlog chinh phục khách hàng đó là tinh thần đối tác. Với CEO Kurt Bình, mỗi khách hàng là một đối tác: “Trong khi nhiều doanh nghiệp phần mềm khác thiên hướng xây dựng giải pháp theo hướng đóng gói hơn là giải quyết trọn vẹn vấn đề của khách hàng, thì chúng tôi coi việc xử lý kịp thời và linh hoạt các vấn đề của khách hàng mới là điểm mấu chốt cho sự hợp tác lâu dài. Có những khách hàng, khi họ gặp vấn đề, cả team phải thức cả đêm để tìm ra giải pháp. Chúng tôi đã từng phải thức đêm hàng tuần liền chỉ để giải quyết vấn đề chưa tối ưu trong quy trình vận hành cho khách hàng”.
“Giai đoạn xảy ra Covid-19, một thương hiệu thực phẩm quốc tế rất nổi tiếng quyết định chuyển từ giải pháp của nhà cung cấp nước ngoài sang giải pháp của Việt Nam. Ngay trong 1 đêm, chúng tôi đã thu xếp đội ngũ của mình đến ăn cùng, ngủ cùng khách hàng trong bối cảnh hàng loạt lệnh cấm di chuyển, cách li được ban hành, rồi xuất hiện hết F0 này đến F0 khác ở kho. Trong vòng 2 tháng, hệ thống vận hành của họ đã chạy trơn tru trên nền tảng quản lý kho SWM của Smartlog. Và điều quan trọng hơn cả, chúng tôi đã giúp khách hàng giải quyết bài toán sớm đưa hàng hoá ra thị trường ở giai đoạn đặc biệt khó khăn, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy bởi đại dịch”, ông Bình kể lại một trường hợp hỗ trợ khách hàng để lại ấn tượng sâu sắc đối với mình.
Cho đến nay, hệ sinh thái giải pháp ứng dụng công nghệ cao của Smartlog đã trở thành một phần không thể thiếu, góp phần cải thiện hiệu suất kinh doanh cho hàng nghìn doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành logistics Việt Nam.
“Mỗi ngày, hàng chục ngàn chuyến hàng, hàng chục ngàn người dùng thao tác trên nền tảng của chúng tôi. Nếu tính theo năm thì doanh số hàng hoá chạy qua nền tảng chúng tôi có lẽ phải lên đến hơn 2 tỷ USD rồi. Điều vui hơn là rất nhiều tài xế thông qua nền tảng chúng tôi đã dần làm quen với công nghệ cho vận tải hàng hoá. Cũng phải cả chục ngàn tài xế sử dụng app STM rồi, mặc dù về độ trải nghiệm khách hàng thì chúng tôi còn thua xa Grab”, CEO Kurt Binh chia sẻ thêm.
“Có lẽ trong tất cả các ngành thì logistics là ngành số hoá chậm nhất. Ngoại trừ lĩnh vực giao hàng thương mại điện tử rất sôi động, phần còn lại của chuỗi cung ứng như logsitics phân phối, logistics cho xuất nhập khẩu vẫn khá bảo thủ và ít chuyển đổi. Dù vậy, chúng tôi vẫn kiên định theo hành trình lựa chọn của mình, vì chuyển đổi số là xu hướng không thể cưỡng lại” , ông Bình chia sẻ góc nhìn của người trong cuộc.
Ngành logistics thực sự rất phức tạp, nhưng chính sự phức tạp đó lại mang đến nhiều cơ hội cho sự đổi mới và cải tiến. Kurt Bình quyết định chọn con đường này vì tin rằng việc cung cấp các giải pháp thông minh và tiên tiến có thể tạo ra giá trị thực sự cho khách hàng.
“Mặc dù đã làm trong ngành logistics rất lâu, tuy nhiên, xây dựng một công ty công nghệ trong ngành logistics lại là chuyện khác hoàn toàn. Nhiều kinh nghiệm cũ phải vứt bỏ để hiểu rằng: Mình đã chọn sai đối tượng khách hàng và hậu quả là tiêu tốn hơn 2 năm mà không có nhiều tiến triển, trong khi tiền thì cạn kiệt; Mình đã chọn sai người đồng hành, dẫn tới mất mát còn kinh khủng hơn tiền, đó chính là năng lượng và ý chí bị bào mòn; Mình đã chọn sai công nghệ, vì thế tiêu tốn khá nhiều tiền và nhận không ít bài học đắt giá; Mình đã quá tham nên tiêu tốn không chỉ tiền, người, năng lượng mà còn hoài phí cả tuổi thanh xuân. Có thể nói, tôi đã học được rất nhiều điều từ những khó khăn, thất bại và sự cay đắng”, CEO Smartlog trải lòng.
Với sự kiên trì, bền bỉ, thậm chí có thể gọi là lì lợm, CEO Smartlog cùng các cộng sự đã vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác, ngày càng được nhiều khách hàng lựa chọn và tin tưởng.
“Bí quyết” chinh phục những khó khăn, thách thức tưởng chừng không thể vượt qua chính là 3 yếu tố: Chất lượng sản phẩm; Tạo quan hệ đáng tin cậy với khách hàng và đối tác; và Đổi mới không ngừng.
Smartlog đã dành thời gian nghiên cứu và phát triển sản phẩm, lắng nghe nhu cầu của khách hàng để cùng họ vượt qua thách thức, dần xây dựng lòng tin trên thị trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Các sản phẩm, dịch vụ của Smartlog đều hướng tới giải quyết tận gốc vấn đề, giúp người sử dụng bớt đau đầu, gia tăng giá trị cũng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Smartlog liên tục đổi mới, tích hợp các công nghệ mới và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường để duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Bản thân tôi là người nghiện các vấn đề rắc rối. Tôi tự coi mình là một “problem lover” (người yêu thích vấn đề rắc rối - PV). Tôi nhớ như in câu nói của Đại tướng Collin Powell: “Một ngày nào đó, người lính không đem các vấn đề rắc rối tới gặp bạn thì có nghĩa bạn không còn lãnh đạo họ nữa”. Với tôi, các vấn đề rắc rối của khách hàng chính là cơ hội để chúng tôi trưởng thành và phát triển sản phẩm tốt hơn”, Kurt Bình tự nhận.
Một câu nói khác cũng luôn văng vẳng trong tâm trí CEO Smartlog mỗi khi lâm hoàn cảnh khó khăn, đó là “Những gì không giết được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn” của triết gia người Đức Friedrich Nietzsche. Câu nói này đã giúp ông tái tạo năng lượng, sức sống và sức chiến đấu sau mỗi lần ngã quỵ.
Khi được hỏi “Nhân vật nào là động lực, nguồn cảm hứng tích cực để ông vững tâm chèo lái “con thuyền” Smartlog vượt qua những “cơn sóng dữ””, Kurt Bình tiết lộ: “Có rất nhiều nhân vật truyền cảm hứng cho tôi, từ Steve Job đến Elon Musk, từ Alexander Đại đế đến Napoleon, và rất nhiều nhân vật lịch sử rất đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, đến giờ, người tạo động lực mạnh mẽ nhất cho tôi là Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Ông Trần Trí Dũng, Trưởng Ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam: Các chủ hàng, nhà cung cấp dịch vụ trong ngành logistics tại Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn tới câu chuyện chuyển đổi số. Vì thế, nhiều nhà cung cấp giải pháp công nghệ trong ngành logistics đã xuất hiện, hoạt động rất sôi động. Trên mặt bằng chung, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ Việt Nam có năng lực khá tốt. Tuy nhiên, để nói doanh nghiệp công nghệ Việt có cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại hay không thì cũng là câu chuyện khó so sánh. Doanh nghiệp ngoại cũng có những nhà cung cấp giải pháp tốt, nhưng cũng có những người không phải là lựa chọn phù hợp. Ứng dụng công nghệ trong ngành logistics thời gian tới chắc chắn sẽ bùng nổ với đa dạng mô hình và quy mô, đáp ứng nhu cầu ứng dụng rộng rãi từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ. Tôi kỳ vọng sẽ có thêm những giải pháp công nghệ “Make in Vietnam” đi được ra thị trường khu vực. |
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam: Logistics là một trong những lĩnh vực rất quan trọng của thương mại điện tử. Các công nghệ mới ứng dụng trong logisitcs đang ngày càng được mở rộng, tối ưu hơn. Người ta bắt đầu sử dụng nhiều thuật toán hơn, nhiều công nghệ mới hơn để tính toán việc giao hàng sao cho tiết kiệm nhất. Tuy nhiên, hiện tại, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ Việt Nam mới tập trung chủ yếu vào việc hoàn thiện đơn hàng, thu nhận hàng, giao hàng chặng cuối, chưa đầu tư nhiều vào các công nghệ để tối ưu hóa, quản trị, xử lý theo lô hay ứng dụng kho hàng thông minh… Giải pháp công nghệ phục vụ ngành logistics vẫn đang là “mảnh đất màu mỡ” còn nhiều dư địa phát triển đối với các doanh nghiệp công nghệ, nhất là khi lượng hàng thương mại điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ tiêu dùng của xã hội Về sản phẩm của Smartlog, theo tôi, sản phẩm “Make in Vietnam” này đã góp phần tối ưu quá trình vận chuyển, cũng như quản trị kho. Sự xuất hiện của các công ty như Smartlog làm đa dạng hóa hơn sự lựa chọn giải pháp công nghệ, giúp cải thiện đáng kể năng lực của các doanh nghiệp thương mại điện tử để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Về giải pháp công nghệ phục vụ hoạt động logistics, các doanh nghiệp Việt như Smartlog có thể cạnh tranh để trước tiên bao phủ thị trường trong nước và tiếp đó tiến ra thị trường quốc tế. Việt Nam đang là thị trường thương mại điện tử hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Nếu mô hình của các doanh nghiệp Việt hoạt động tốt ở Việt Nam thì không quá khó nếu muốn triển khai sang các nước khác trong khu vực cũng như các nước kém phát triển hơn. Để giúp cho hoạt động giao nhận cũng như công tác hậu cần cho thương mại điện tử ngày càng tối ưu hơn, tôi rất mong các doanh nghiệp như Smartlog đầu tư nghiên cứu và triển khai ứng dụng thêm nhiều công nghệ mới hơn nữa, chẳng hạn như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain)… |
(Kỳ 2: Smartlog và niềm kiêu hãnh mang giá trị "Make in Vietnam" ra thế giới)
Bài: Bình Minh
Thiết kế: Vũ Minh Hòa