Có rất nhiều cách để làm ngoại giao văn hóa, không phải chỉ thông qua âm nhạc, phim ảnh hay ẩm thực vốn là những mô hình phổ biến nhất. Tháng 6/2023, hình ảnh phu nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cùng thưởng trà, xem biểu diễn áo dài và nghe nhạc đã truyền đi thông điệp tuyệt vời về mối quan hệ giữa hai nước thông qua văn hóa.
Điều đáng nói, trong tiệc trà, phu nhân của hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hàn Quốc cùng mặc áo dài truyền thống. Áo dài bà Kim Keon-hee mặc chính là món quà do phu nhân Chủ tịch nước thân tặng.
Khi hình ảnh về buổi tiệc trà được công bố trên truyền thông, không ít người đã phải thừa nhận Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc mặc áo dài không khác gì phụ nữ Việt xinh đẹp. Phu nhân Tổng thống Kim Keon-hee chia sẻ việc mặc tà áo dài như một biểu tượng của tình hữu nghị bền chặt giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
Trong không gian của buổi tiệc trà, hai phu nhân cùng thưởng thức những bản hoà tấu nhạc dân tộc mang đậm dấu ấn của mỗi nước như Arirang, Bèo dạt mây trôi, Tôi yêu Seoul, Người ơi người ở đừng về... Ở đó có cả âm nhạc, thời trang và ẩm thực Việt hiện diện cùng lúc và không có cách nào thể hiện thông điệp ngoại giao bằng văn hóa tuyệt vời như vậy.
Hồi cuối tháng 7/2023, dư luận dành sự quan tâm cho đoàn nghệ sĩ đi cùng chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước và phu nhân tới Cộng hòa Áo và Cộng hòa Italia. Kết hợp với một hoạt động ngoại giao chính thức, văn hoá và âm nhạc Việt đã được các nghệ sĩ Việt Nam trình diễn ấn tượng ở trung tâm của nhạc cổ điển châu Â, trong những khán phòng lộng lẫy nhất.
NSƯT Bùi Công Duy và các nghệ sĩ Việt Nam đã có buổi biểu diễn trong Đại tiệc âm nhạc mang đậm dấu ấn lịch sử nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Italia tại Roma tối 26/7. Tổng thống Sergio Mattarella thích thú tìm hiểu về 2 nhạc cụ dân tộc là đàn bầu và đàn T’rưng của Việt Nam.
Bên cạnh các tác phẩm nhạc cổ điển nổi tiếng, các nghệ sĩ Việt đã mang tới những tiết mục biểu diễn nhạc dân tộc, quảng bá văn hoá truyền thống tới những nhà lãnh đạo và khán giả cao cấp nhất của nước bạn. Không có cách nào đánh dấu mối quan hệ ngoại giao nửa thế kỷ tuyệt vời hơn là một sự kiện âm nhạc hàn lâm như vậy.
Nói về làn sóng ngoại giao văn hóa mạnh mẽ gần đây, NSƯT Bùi Công Duy - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho rằng: "Bên cạnh sự thành công trong các chuyến đi của nguyên thủ quốc gia tại Áo, Italy và Vatican, chương trình giao lưu văn hóa trong năm 2023 để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế.
Chương trình đã được xây dựng rất đúng trọng tâm. Ví dụ đến Áo và Italy là trung tâm văn hóa hàn lâm, chúng ta trình diễn nhạc truyền thống được lồng ghép qua ngôn ngữ âm nhạc hàn lâm, chọn đúng thời điểm, khoe được điểm mạnh và để lại ấn tượng sâu sắc".
Công chúng Hà Nội mới đây sửng sốt khi được thưởng thức vở opera Công nữ Anio đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào những ngày cuối tháng 9/2023. Sau đó từ 26/10 đến 5/11, vở diễn tiếp tục được giới thiệu tại Nhật Bản. Dự án kéo dài 2 năm với sự góp mặt của các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản, kể về chuyện tình đẹp và thủy chung giữa Công nữ Ngọc Hoa và Sotaro - một doanh nhân người Nhật ở Đàng Trong thế kỷ 17.
Ngọc Hoa lên thuyền theo chồng về Nagasaki với lời hẹn ước với cha mẹ sau khi sinh con sẽ trở về thăm quê hương. Tại đây, Ngọc Hoa được người dân quê chồng yêu mến và gọi là "Anio san". Tuy nhiên những biến đổi của thời cuộc đã không thể biến lời hứa của Ngọc Hoa thành hiện thực. Cô sống quãng đời còn lại tại Nhật Bản nhưng vẫn đau đáu hướng về quê hương.
Không chỉ là một sự kiện văn hóa đơn thuần, hay chương trình giao lưu giữa nghệ sĩ hai nước trong một vở opera, bản thân câu chuyện mà Công nữ Anio muốn chuyển tải đã mang đi thông điệp tuyệt vời về mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Nghệ sĩ opera Đào Tố Loan chia sẻ với VietNamNet khi được nhận vai công nữ Anio: "Ý tưởng và thông điệp của vở opera đã quá rõ ràng. Chúng tôi vinh dự được trao sứ mệnh kết nối văn hoá và thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 nước.
Bản thân cũng xác định đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của người nghệ sĩ nên tôi rất hạnh phúc, tự hào khi góp công sức vào việc truyền bá, gìn giữ và lan tỏa ý nghĩa lớn lao nhân dịp kỷ niệm 50 năm tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, thắt chặt và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong tương lai".
Dù các nghệ sĩ Việt hát bằng tiếng Việt, nghệ sĩ Nhật hát tiếng Nhật và thi thoảng hát tiếng Việt chưa sõi nhưng khán giả hai nước được thưởng thức vở opera trên sân khấu với màn hình phụ đề, cảm nhận sâu sắc về mối quan hệ lâu đời giữa hai nước.
Không dừng ở đó, tháng 10/2023, Dàn nhạc Giao hưởng Lễ hội Việt - Nhật với các nghệ sĩ được tuyển chọn từ các dàn nhạc tiêu biểu của cả hai nước, trong chuỗi hòa nhạc tại 6 sân khấu ở 6 thành phố lớn của Nhật trở thành điểm sáng của ngoại giao bằng văn hóa đánh dấu nửa thế kỷ bang giao giữa hai nước.
Điều mang lại sự khác biệt cho sự kiện này là các nghệ sĩ diễn các tác phẩm kinh điển của Việt Nam, Nhật Bản và thế giới do dàn nhạc tre nứa Dân tộc Sức Sống Mới trình diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Lễ hội Việt - Nhật. Các bản phối đều do nhạc trưởng Đồng Quang Vinh phối khí lại.
Đây là điểm nhấn vì nó là sự kết hợp Cổ và Kim, Đông và Tây, Nhật và Việt, dân tộc và giao hưởng, cổ điển và đương đại. Cả dàn nhạc và nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cuối buổi diễn phải quay lại sân khấu tới 5-6 lần để chào đáp lễ những tràng pháo tay vang dội và kiên trì của khán giả.
"Chúng tôi được trình diễn ở Suntory Hall, phòng hòa nhạc nổi tiếng thế giới cho nhạc cổ điển. Ai được biểu diễn ở đây hẳn là một giấc mơ. Đặc biệt dàn nhạc còn biểu diễn tại không gian chùa Todaiji ở Nara. Đây là buổi hoà nhạc đặc biệt nhất vì lần đầu cả nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản được thể hiện tài năng trong không gian linh thiêng này. Đây là một trải nghiệm không dễ có trong cuộc đời nghệ sĩ", nhạc trưởng Đồng Quang Vinh nói.
Đánh giá về thành công của các chương trình ngoại giao bằng văn hóa gần đây, NSƯT Bùi Công Duy nói: "Tôi biết nhiều chương trình tháp tùng nguyên thủ cũng diễn ra thành công.
Đây là trọng trách của Học viện Âm nhạc Quốc gia và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch trong việc xây dựng chương trình đặc sắc tôn vinh văn hóa Việt Nam và thể hiện được tài năng của các nghệ sĩ. Hy vọng thời gian tới có nhiều chương trình mang tầm quốc gia được mang đi giao lưu để thông qua văn hóa truyền tải thông điệp về những con người Việt Nam yêu nghệ thuật, có văn hóa".
Tuy nhiên, NSƯT Bùi Công Duy cho rằng nếu đưa văn hóa Việt ra nước ngoài cần đầu tư bài bản, có hệ thống và logic hơn, xây dựng chương trình súc tích và mang tính trọng tâm.
Các chương trình ngoại giao văn hóa cần chuyển ngữ nội dung với những bản nhạc có lời ca hay để khán giả nước ngoài hiểu. Tác phẩm Việt Nam biểu diễn làm ngoại giao văn hóa nên có lời dẫn vì âm nhạc ngoài việc nghe thì có thể đọc và hiểu được làn điệu này là đặc trưng của vùng nào ở Việt Nam".
NSƯT Bùi Công Duy đề xuất khí nhạc cần đầu tư lâu dài để có nhạc sĩ phối khí, có thể lồng ghép đưa tác phẩm dân gian Việt Nam phối theo hướng hàn lâm cho chương trình biểu diễn ở nước ngoài.
Làm sao nhạc truyền thống có thể chơi được bằng khí nhạc của phương Tây, mà muốn làm được điều này phải có nhạc sĩ đủ tầm phối lại các bản nhạc chuyển thể cho dàn nhạc dân tộc hay các tác phẩm Việt Nam chuyển soạn theo hướng hàn lâm.
"Các nhà hát trước đây làm nhiều chương trình rất hay nhưng về một số tác phẩm trọng tâm chưa có dẫn giải nhiều về nội dung. Về lâu dài cần đưa thêm lời dẫn, lời bình, lời giới thiệu hoặc dịch lời những bài hát sang tiếng nước ngoài để các bạn quốc tế có thể hiểu được thêm về nội dung", NSƯT Bùi Công Duy nói.
Hiệu quả của các chương trình ngoại giao văn hóa đã thấy rõ khi khán giả nhiều quốc gia nơi có các nghệ sĩ Việt sang biểu diễn đều ấn tượng với văn hóa, âm nhạc Việt. Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chia sẻ, sau các buổi diễn ở Nhật Bản, nhiều khán giả đã tìm cách liên hệ với anh, bày tỏ mong muốn sang Việt Nam du lịch, tới thăm nơi làm việc của anh, xem các chương trình của nghệ sĩ Việt cũng như sang Việt Nam biểu diễn.
Cùng với đó, hình ảnh phu nhân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol mặc áo dài hay các thành viên nhóm nhạc BlackPink đội nón lá đã khiến khán giả xứ Kim Chi quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm văn hóa rất Việt Nam này, giúp lan tỏa hình ảnh đất nước hình chữ S ra khỏi biên giới.
Thiết kế: Luyện Phạm