- Vào vai Công nữ Anio trong vở opera đồ sộ có độ dài gần 2 tiếng rưỡi chị đã chuẩn bị ra sao? Áp lực Đào Tố Loan phải đối mặt là gì?
Được vào một vai diễn lớn trong một dự án lớn có quy mô đồ sộ như vở opera Công nữ Anio là vinh dự lớn trong cuộc đời người nghệ sĩ nhưng tất nhiên sẽ có những thách thức và áp lực.
Tiếng Việt không phải là ngôn ngữ thuận lợi cho hát opera vì Tiếng Việt có các dấu thanh, sắc, ngã, hỏi và nặng, đòi hỏi phải tập luyện thật cẩn thận và nghiêm túc từ những bước đầu tiên để đạt được hiệu quả tốt về âm thanh cũng như đảm bảo tròn vành rõ chữ nhưng vẫn phải theo quy chuẩn của opera.
Tôi may mắn khi nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng luôn bên cạnh trong suốt quá trình tập luyện, góp ý và hướng dẫn để có kết quả tốt nhất. Tôi phải tìm hiểu về nhân vật, nội dung tính cách sao cho thể hiện đúng nội tâm nhân vật, cũng như vai trò người nghệ sĩ mang sứ mệnh kết nối văn hoá và thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 nước.
- Vừa phải diễn xuất, vừa phải nhớ lời thoại dài mà phải thể hiện cho ra cảm xúc của nhân vật, chị đã vượt qua khó khăn như thế nào?
Vừa biểu diễn vừa hát anh chị em Nhà hát Nhạc Vũ Kịch đều đã quen. Nhưng việc nhớ lời, nhớ bản nhạc để đúng nhịp phách không dễ dàng. Chúng tôi cùng nhau tập luyện suốt mấy tháng để làm quen tác phẩm, thuộc bài và sau đó là diễn xuất. Mọi việc rất ổn nếu đi từng bước cẩn thận. Trong các giờ tập luôn có nhạc trưởng Honna Tetsuji nghe và điều chỉnh cho mọi người chắc chắn về nhịp phách trước khi ghép với dàn nhạc.
- Phân đoạn nào khó nhất với chị? Có khi nào chị nhen nhóm ý nghĩ đầu hàng không?
Đối với tôi mọi chuyện không quá khó khăn nếu nghiêm túc tìm hiểu và đơn giản hoá mọi vấn đề. Ví dụ tôi không còn ít tuổi nhưng lại vào vai một Công nữ ở độ tuổi trăng tròn. Tôi phải tìm hiểu và tập luyện để làm sao có thể diễn ra nét ngây thơ, trong sáng của tuổi mới lớn.
Giai đoạn Công nữ lấy chồng và có con, lúc này tính cách sẽ thay đổi, nỗi nhớ quê nhà ra sao, tôi cũng phải tìm hiểu để diễn xuất cho đúng nội tâm nhân vật. Rồi lúc chồng mất, Công nữ còn lại một mình ở xứ người với con gái, nỗi cô đơn nhớ nhà, nhớ người chồng đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn... Diễn tả tất cả những điều đó không phải dễ dàng và tôi dành rất nhiều tâm sức cho việc tìm hiểu về nhân vật mà mình đảm nhận.
- Tham gia một vở opera mà ngoại trừ Đào Mác và Khánh Ngọc, chị phải diễn cùng các nghệ sĩ Nhật Bản, thách thức lớn nhất với chị là gì bên cạnh khác biệt văn hoá, ngôn ngữ?
Tôi đã tìm hiểu về tính cách của con người Nhật Bản qua đạo diễn Daiske Ohyama. Ông nói người Nhật thường thể hiện tình cảm kiểu nội tâm chứ không phô bày rõ ràng ra ngoài. Chính vì vậy, tôi muốn xây dựng hình tượng nhân vật Công nữ Anio hướng nội.
Tôi may mắn khi được kết hợp với người bạn diễn Nhật Bản rất ăn ý, đó là anh Kobori Yusuke. Bằng giác quan của nghệ sĩ lâu năm, ngay lần đầu gặp và hát với nhau chúng tôi đã hoà quyện. Điều này phải cảm ơn đạo diễn và ban tổ chức dự án có những lựa chọn phù hợp.
- Một vở opera bình thường đã khó huống hồ đây là vở opera lịch sử mang ý nghĩa ngoại giao, chị có áp lực vì trách nhiệm quá nặng nề khi Đào Tố Loan không chỉ nhận vai chính mà gánh trọng trách là cầu nối văn hoá trên sân khấu giữa hai quốc gia?
Ý tưởng và thông điệp của vở opera đã quá rõ ràng. Chúng tôi vinh dự được trao sứ mệnh cao cả đó. Bản thân cũng xác định đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của người nghệ sĩ nên tôi rất hạnh phúc, vinh dự, tự hào khi góp công sức vào việc truyền bá, gìn giữ và lan tỏa ý nghĩa lớn lao nhân dịp kỷ niệm 50 năm tình hữu nghị Việt Nam và Nhật Bản, thắt chặt và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong tương lai.
- Chị cảm thấy sao khi vai diễn đã ra mắt khán giả Hà Nội cùng tiếng hò reo tán thưởng và tràng pháo tay kéo dài? Có khi nào một vở opera mà được khán giả đón nhận đến vậy?
Tôi đã khóc rất nhiều, ngay cả khi đang hát. Có lẽ tôi đã quá nhập tâm vào nhân vật mà quên đi chính mình… Suốt mấy năm trời theo dự án, thấy được sự tận tâm, lao động của toàn thể ê-kíp và tiếng reo hò, vỗ tay của khán giả làm tất cả chúng tôi hạnh phúc đến vỡ oà.
- Tôi tò mò muốn biết khi vở diễn ra mắt khán giả Nhật tháng tới chị có phải hát bằng tiếng Nhật hay vẫn hát tiếng Việt như ở Hà Nội?
Sắp tới công diễn ở Nhật Bản tôi vẫn được hát Tiếng Việt. Tôi thật sự rất háo hức, sẽ cố gắng luyện tập chăm chỉ và cẩn thận hơn nữa để cống hiến cho buổi diễn tại Nhật Bản vào tháng 10.
Ảnh: Phạm Chiến Thắng