Theo CNN, kể từ nhiệm kỳ đầu tiên cho tới chiến dịch tranh cử năm nay, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump luôn thể hiện rõ quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư trái phép.

"Trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, tôi sẽ khởi động chương trình trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Tôi sẽ giải thoát mọi thành phố và thị trấn khỏi tội phạm bất hợp pháp, và đuổi chúng ra khỏi đất nước nhanh nhất có thể", ông Trump nói trước ngày bầu cử 5/11.

Ngay sau khi thắng cử, ông Trump đã bổ nhiệm những nhân vật có cùng quan điểm vào các vị trí chủ chốt trong nội các. Cựu giám đốc Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) Tom Homan làm người phụ trách kiểm soát biên giới Mỹ, Thống đốc Nam Dakota Kristi Noem làm Bộ trưởng An ninh Nội địa.

Dù chưa có những thông tin chi tiết, nhưng ông Trump mới đây đã xác nhận việc sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc và huy động cả quân đội để trục xuất người nhập cư trái phép.

Theo thông tin của Bộ An ninh nội địa, có khoảng 11 triệu người nhập cư trái phép tại Mỹ tính tới năm 2022. Trong khi đó, đội ngũ của ông Trump ước tính rằng con số này dao động từ 10-20 triệu người.

Giới quan sát cho biết, một chiến dịch trục xuất như vậy sẽ tiêu tốn một khoản ngân sách khổng lồ, có thể lên tới 300 tỷ USD. Tuy vậy, ông Trump đã nói trong một cuộc phỏng vấn với NBC rằng ông "không quan tâm tới số tiền này".

318fd7eda8 superJumbo.jpg
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: NYT

Ngoài vấn đề chi phí, việc trục xuất một lượng lớn người nhập cư có thể gây ra những tác động không mong muốn tới nền kinh tế và thị trường lao động Mỹ.

Theo Northeastern Global News (NGN), cuộc trục xuất quy mô lớn gần nhất của Mỹ diễn ra từ năm 2008-2013, khi có khoảng khoảng 400.000 người nhập cư không có giấy tờ bị trục xuất. Vào thời điểm đó, các nhà kinh tế học có thể dự báo tác động của việc này, nhưng chiến dịch kể trên có quy mô quá nhỏ so với những gì ông Trump muốn làm.

"Việc trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép có thể mở ra cơ hội việc làm với những người lao động có trình độ thấp. Tuy vậy, tình trạng thiếu hụt nhân sự vẫn có thể xảy ra, do người nhập cư chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng hay chăm sóc người già, những công việc mà người Mỹ ít khi tìm kiếm", chuyên gia kinh tế Shantanu Khanna nói với NGN.

Trong khi đó, Giáo sư Kinh tế Peter Simon cảnh báo rằng việc trục xuất hàng loạt người nhập cư sẽ làm lộ rõ điểm yếu của một số ngành công nghiệp, đồng thời ảnh hưởng tới nền kinh tế địa phương.

"Sự biến mất đột ngột của những người lao động được trả lương thấp nhưng quan trọng sẽ làm lộ ra những sự thật mà nước Mỹ không muốn thừa nhận. Bạn sẽ không thể tìm được người làm vườn, người sửa mái nhà hay người trông trẻ. Hay ở một công trường lao động, một giám sát viên người Mỹ cũng sẽ mất việc khi toàn bộ công nhân nhập cư rời đi", ông Simon cho biết.

Ngoài việc thiếu hụt lao động ở một số ngành, việc hàng triệu người nhập cư biến mất cũng tạo ra tác động xấu tới ngành công nghiệp ăn uống và dịch vụ ở địa phương. "Sẽ có ít người ăn tại nhà hàng, trả tiền mua sắm hàng ngày. Mọi thứ sẽ lan tỏa rất nhanh", ông Simon nói thêm.

Giáo sư Simon nhận định, quá trình trục xuất sẽ làm giảm giảm tăng trưởng GDP của Mỹ, và mọi người sẽ cảm nhận rõ ảnh hưởng này trong tương lai.