Lời tòa soạn:
Trường Sa, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ví như "những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông", mãi là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, giữa mênh mông trùng khơi ấy, mỗi người con đất Việt đều mang trong mình một sứ mệnh cao cả: Gìn giữ từng tấc đất, từng con sóng của quê hương.
Có chàng trai đôi mươi, tuổi đời còn xanh, rời xa phố thị phồn hoa để ra đảo Đá Đông A, hiến dâng tuổi trẻ cho biển đảo quê hương. Có những người chỉ huy tận tâm, ngày đêm ấp ủ khát vọng biến Trường Sa thành một ốc đảo xanh tươi giữa đại dương bao la. Có những bác sĩ quân y tài năng, tận tụy chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo. Và có cả những người thuyền trưởng gan dạ, kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo, sẵn sàng xả thân cứu giúp ngư dân trong cơn hoạn nạn.
Chính họ, những con người bình dị mà phi thường ấy, đã góp phần thắp lên ngọn lửa yêu thương, sưởi ấm những mảnh đất xa xôi, gắn kết Trường Sa với đất mẹ, để ngư dân yên tâm bám biển, để Tổ quốc mãi mãi vững vàng nơi đầu sóng.
VietNamNet trân trọng giới thiệu loạt bài "Trường Sa - Vững vàng nơi biển cả", như một lời tri ân sâu sắc đến những con người bình dị mà cao cả, đã sống và cống hiến hết mình vì Tổ quốc.
Lặng lẽ ngồi nhìn về phía biển xanh thăm thẳm, vị chuẩn đô đốc mang gương mặt sương gió, dụi dụi điếu thuốc cháy dở. “Vợ mình góp ý nhiều, anh em đồng đội cũng lo cho sức khỏe của mình mà nhiều lần nhắc chuyện bỏ thuốc. Biết là thói quen xấu nhưng khó bỏ. Công việc gắn liền với biển cả, cũng có lúc cần những điếu thuốc làm bạn”, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân chia sẻ.
“Có ai nói rằng, thoạt nhìn anh lúc này, tựa như một nhạc sĩ sinh ra và chỉ chăm chăm viết khúc ca về biển cả chưa?”.
“Không, tôi là một người lính như mọi người lính. Luôn luôn là như vậy”.
Và quả đúng như thế, thật khó gợi hỏi được câu chuyện nào về cá nhân, về khó khăn, vất vả trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Nhưng nếu hướng câu hỏi về đồng đội, về nhân dân, về Tổ quốc, vị tướng hải quân (theo Luật Sĩ quan, chuẩn đô đốc tương đương thiếu tướng) lại cởi mở hơn rất nhiều.
Trong hành trình đến với Trường Sa và nhà giàn DK1/7 Huyền Trân, tôi may mắn được đồng hành cùng Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh. Đây là lần đầu tiên ông tới Trường Sa với tư cách của một trưởng đoàn, một đại biểu tới thăm và làm việc với người dân, chiến sĩ trên đảo. Cả cuộc đời mình, ông làm nhiều vai trò khác nhau, khi là thuyền trưởng, khi là tư lệnh vùng... đều ở vị trí của người “đứng mũi tàu” bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Trường Sa với ông như một phần máu thịt, gắn bó tự hào. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc và quần đảo Trường Sa trong tình hình mới, Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân) được thành lập vào tháng 1/2002. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh là một trong những thuyền trưởng đầu tiên đưa tàu tên lửa hiện đại nhất về với Lữ đoàn.
Vùng 4 Hải quân có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền khu vực biển rộng lớn từ đảo Cù Lao Xanh (Bình Định) đến mũi Ba Kiệm (Bình Thuận) và quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Đây là khu vực trọng yếu, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh của đất nước. Với đội hình tàu mặt nước chiến đấu hiện đại bậc nhất, Lữ đoàn 162 được mệnh danh là “quả đấm thép” của Quân chủng Hải quân.
Bước chân vào đời quân ngũ từ năm 17 tuổi, tới nay ông đã gắn bó với lực lượng hải quân 40 năm. Suốt 40 năm ấy, thời gian ông bên gia đình ít hơn thời gian làm nhiệm vụ trên biển...
Ông Khánh nói, với người lính hải quân, 3 điều nằm lòng khi bước chân lên tàu là: “Tổ quốc, con tàu và người thuyền trưởng”. Niềm tự hào của người thuyền trưởng luôn song hành với khả năng chịu đựng được gian khổ, trách nhiệm chỉ huy con tàu, và đưa ra những quyết định mà nếu không bình tĩnh, sáng suốt có thể mắc mưu khiêu khích, gây xung đột.
Dũng mãnh, mưu trí, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, nhưng cũng mềm mỏng, quyết đoán khi độc lập tác chiến trên trận địa là tâm thế được rèn giũa từ thực địa của những người lính hải quân khi canh giữ vùng biển, vùng trời thiêng liêng. Với người lính, được góp sức bảo vệ quê hương là trách nhiệm với Tổ quốc, cũng là niềm tự hào khi được sống một cuộc đời hiên ngang, ý nghĩa. Có lẽ vì thế, khi được hỏi về mình, vị tướng hải quân chỉ cười hiền hậu mà xua tay "mình cũng như bất kỳ người lính hải quân nào, không có gì đặc biệt".
“Thưa anh, nếu ai đó hỏi anh, Tổ quốc trong anh là gì?”.
“Với tôi, Tổ quốc là Đất Mẹ bao dung, bao bọc chở che nuôi nấng lớp lớp thế hệ chiến sĩ. Tổ quốc trong tôi là những ánh mắt, khuôn mặt, dáng hình của những ngư dân được cứu sống giữa trùng khơi sóng dữ. Tổ quốc trong tôi, đó là những ánh mắt của cán bộ chiến sĩ khi nhìn tôi đầy lo lắng, nhưng kiên gan, dũng mãnh lao vào sóng dữ để cứu đồng bào.
Bạn biết đó, với những ngư dân ta trong cơn sóng cả giữa hiểm nguy biển khơi, lực lượng quân đội chính là bóng hình của Tổ quốc, là điểm tựa ở nơi cách đất liền hàng vạn hải lý. Mãi mãi là như vậy”, vị Chuẩn Đô đốc giãi bày.
Nhớ lại kỷ niệm cùng đồng đội tham gia công tác cứu hộ ngư dân trên biển, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh nhắc tới cơn bão số 5 năm 1997 - bão Linda, cơn bão khốc liệt nhất đổ bộ vào miền Nam trong lịch sử 100 năm khiến hơn 3.000 người chết và mất tích.
Với ông, đó là những tháng ngày không thể nào quên.
Đêm 2/11/1997, tâm bão đi vào Bạc Liêu - Cà Mau, ảnh hưởng hầu hết miền Tây Nam Bộ. Hoành hành trên đất liền suốt đêm, sáng hôm sau bão hướng về vịnh Thái Lan. Bão có cường độ mạnh, diễn biến bất ngờ lại đi vào vùng biển hầu như không bao giờ có bão, bà con vừa chủ quan, vừa chưa có kinh nghiệm chống bão nên thiệt hại khôn lường.
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh khi đó là thuyền trưởng trên tàu tuần tra ở vùng biển vịnh Thái Lan. “Đêm đó, tôi và các đồng đội thức trắng để làm sao đảm bảo an toàn cho con tàu. Sáng sớm hôm sau, tôi nhận được điện báo, rất nhiều ngư dân gặp nạn trên biển. Khi đó, lực lượng trên biển phân ra từng tuyến. Tàu biên phòng sẽ tiếp cận những ngư dân ở gần bờ, tàu của chúng tôi lao ra biển để ứng cứu ngư dân gặp nạn”, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh nhớ lại.
Với những người đi biển, có hai loại sóng đáng sợ là sóng thần và sóng lừng. Sóng thần là hệ quả của hoạt động kiến tạo vỏ trái đất. Còn sóng lừng vẫn là điều khó lý giải. Từ giữa mặt biển phẳng lặng, bất ngờ dựng lên một bức tường nước cao khổng lồ, đổ sụp xuống và tan biến...
Thời điểm đó, bão Linda chưa tan, sóng lừng dồn về liên hồi. Vị thuyền trưởng đứng trên đài chỉ huy nhìn thấy từng cơn sóng chồm lên, nước tràn qua ướt sũng.
Ông còn nhớ như in khoảng khắc ấy: “Nhìn từng cơn sóng cao 5-7m liên tục dập xuống tàu, tôi thoáng nghĩ trong đầu: Nếu lỡ có làm sao thì mình và các anh em… có thể có hy sinh. Lỡ như vậy, không ai có thể ra đây cứu được. Tôi nghĩ tới gia đình, tới vợ và đứa con còn nhỏ dại... ”.
Sóng lớn đánh dồn dập, con tàu nhỏ bé giữa đại dương mênh mông bị vặn tới vặn lui, nhiều ván ép bung ra. 35 anh em chiến sĩ trên tàu lo lắng. Tuy nhiên, giây phút ấy chỉ thoáng qua. “Tôi tập hợp anh em, phổ biến mục tiêu nhiệm vụ. Mọi người tập trung cao độ, nhổ neo, hướng thẳng về phía biển cả. Trong lòng, tất cả chỉ muốn mau chóng tới nơi, đưa được bà con ta về nơi an toàn”, ông Khánh nhớ lại.
Cuộc đời lính hải quân, có xa lạ gì những cơn sóng dữ, nhưng với mức độ và tính phức tạp của biển cả trong đêm bão Linda đổ bộ đó, có lẽ nhiều cán bộ, chiến sĩ trên tàu cũng chưa từng trải qua. Nhưng tuyệt nhiên không có ai mất bình tĩnh. Sóng biển dữ tợn chồm lên như muốn nuốt chửng con tàu, càng làm ý chí của lính hải quân thêm mạnh mẽ. Phải vượt lên tất cả để cứu ngư dân, đó là mệnh lệnh của quân đội, của Tổ quốc.
“Chúng tôi lựa theo từng con sóng, tìm hướng tiếp cận để cứu được ngư dân càng sớm càng tốt.
Khi tới khu vực ngư dân gặp nạn, từng đống can và chai lọ cùng những mảnh ván thuyền vỡ trôi dạt khắp một khu vực rộng lớn... nhìn vô cùng xót xa. Tin báo có người còn sống như liều thuốc trợ lực mạnh mẽ, cán bộ chiến sĩ càng thêm tập trung, quyết tâm mạnh mẽ. Hôm đó, dường như tinh thần tập trung cao độ, thao tác của chúng tôi rất chuẩn. Khi cứu ngư dân, chúng tôi chớp thời cơ sóng lên để đón người ở đầu con sóng. Chỉ cần 2 cơn sóng dập vào là chúng tôi đón được người, mà không cần phải dùng thuyền nhỏ, phao... xuống vớt”, ông Khánh chia sẻ với niềm tự hào trào dâng.
Ôm can nhựa, mảnh vỡ của tàu giữa cơn bão khủng khiếp, những ngư dân gần như không còn quần áo trên người, da tái nhợt vì sóng dập vùi trên biển nhiều giờ liền. Vị thuyền trưởng dặn anh em tráng nước ngọt vào quần áo rồi ủ lên người, cho ngư dân ăn cháo loãng.
Sau khi cứu được 4 người, quyết tâm của anh em trên tàu càng dâng cao. Trời đã về khuya, cán bộ chiến sỹ hải quân vẫn tiếp tục dùng đèn pha lùng sục và cứu thêm được 3 người nữa.
Nhiều năm bôn ba trên biển cả, ông Khánh vẫn dành sự nể phục về kinh nghiệm và kỹ năng sinh tồn trên biển của người ngư dân lớn tuổi năm ấy.
Con tàu của những ngư dân đó bị phá nước từ 3h sáng. Mọi người vội tát nước ra ngoài để cứu tàu. Người ngư dân lớn tuổi nhất trên tàu nói rằng, với tình hình sóng lớn như thế này thì không thể cứu được tàu nữa, đành chấp nhận để tàu chìm. Mọi người phải lập tức mặc áo phao và giữ sức. Khi tàu chìm, thấy con cá sống hay bất cứ thứ gì có thể ăn là phải cầm lấy, để khi cần thì ăn, có sức chờ người tới cứu.
Dường như tất cả kinh nghiệm một đời trên biển, ông truyền đạt lại hết trong những lời cuối cùng. Nhờ đó, một số người có cơ hội sống sót.
Người ngư dân được cứu sống thật thà kể lại, bình thường gặp khó khăn thì cầu trời nhưng lúc đó ở biển “em cầu cho em gặp được tàu hải quân. Khi gặp được các anh, em sung sướng quá, vì lời khẩn cầu của mình được linh nghiệm”.
“Trong những người được cứu sống hôm đó, tôi thấy một người đàn ông ngồi bó gối, đôi mắt anh ấy trĩu nặng, từng giọt nước mắt lăn dài. Anh ấy nói rằng: “Nếu được gặp các anh sớm hơn mấy phút thì em ruột em còn sống”. Chỉ ít phút trước khi tàu hải quân tới, người ngư dân ấy vừa buông tay em ruột kiệt sức chìm xuống biển...”, ông Khánh nhớ từng lời người ngư dân chia sẻ.
27 năm qua, câu chuyện của anh em người ngư dân ấy vẫn như mũi gai nhọn dũi sâu vào trái tim vị tướng hải quân mỗi khi ký ức ùa về. “Bạn biết đó, trong hiểm nguy thật khó nói trước được điều gì, chúng ta chỉ biết nỗ lực hết sức để làm được điều mà quân đội và Tổ quốc giao phó. Nhưng giá như chúng tôi nhanh hơn một chút nữa, may mắn hơn một chút nữa… Có thể, người anh đó đã không mất em, một đứa bé đã không mất cha”, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh bùi ngùi. Có lẽ đó là lý do thôi thúc vị tướng hải quân đưa ra những quyết định mang tính sống còn.
Kỳ tới: Quyết định phút sinh tử cứu ngư dân gặp nạn ở Trường Sa
Thiết kế: Hồng Anh