Lời tòa soạn:

Miền núi Nghệ An, Thanh Hóa được biết tới là những vùng đất xa xôi, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, đời sống còn nghèo nàn lạc hậu. So với miền xuôi, công tác xây dựng đảng nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực, sáng tạo của chính quyền địa phương và các tổ chức cơ sở đảng, đã xuất hiện nhiều cách làm hay để thu hút đảng viên. Đó là những chi bộ đầu tiên của các tộc người du canh du cư được thành lập, hay những con người từng theo phỉ trở về hoàn lương, được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng...

Loạt bài của báo VietNamNet ghi nhận những câu chuyện đặc biệt trong việc phát triển đảng viên ở vùng biên viễn.

Mong muốn cảm nhận được sự đổi thay trong công tác phát triển đảng viên, chúng tôi quyết định làm chuyến ngược rừng vào với bản Phá Lõm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An), nơi sinh sống của 100% đồng bào người Mông.

Khác với những năm trước, khi chúng tôi lần đầu đặt chân đến vùng đất này, các bản làng Tam Hợp giờ đây đã có thêm nhiều ngôi nhà kiên cố, nương rẫy tốt tươi hơn.

Có hẹn từ trước, ông Xồng Bá Nỏ – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tam Hợp đợi sẵn từ sáng sớm. Là người địa phương, ông Nỏ hiểu rất rõ sự thay da đổi thịt trên chính vùng đất này.

Dọc đường từ trung tâm xã đến bản Phá Lõm, chúng tôi được chứng kiến cảnh bà con hăng say lao động sản xuất, tiếng nói cười vui vẻ. Ông Nỏ cho biết, cùng với chăn nuôi, người dân trên địa bàn còn có thu nhập đáng kể từ trồng nghệ đỏ, cây dược liệu bo bo, sâm 7 lá.

Cây sâm 7 lá đang trở thành điểm đột phá của bà con dân bản Phá Lõm. Đây là cây sâm bà con thu lượm trên rừng, nhân giống về gieo trồng ở vườn và cho thu nhập tốt, góp phần “xoá đói, giảm nghèo”.

Nhưng theo lời ông Nỏ, ở Phá Lõm có một câu chuyện vô cùng đặc biệt. 

Đó là một người Mông từng theo phỉ, trở về, thành công an viên và đứng trong hàng ngũ của Đảng, là điểm sáng trong công tác phát triển và xây dựng Đảng ở nơi đây”, ông Nỏ nói trên hành trình di chuyển vào bản.

Mất gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đặt chân đến được bản Phá Lõm và tới nhà công an viên Lầu Nhia Chù (SN 1976). Anh Chù trẻ hơn so với tuổi của mình, niềm nở và hoà đồng.
 
Chù là con thứ 3 trong gia đình có 9 anh em. Trước đây, gia đình sống ở xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn), cách vị trí hiện tại hơn 100km. Nhà Chù đông con, bố anh nghiện thuốc phiện, ngôi nhà khang trang bằng gỗ đã bị ông tháo mang đi bán để thỏa mãn những cơn thèm thuốc.
 
Năm 1983, gia đình chuyển đến nơi ở hiện tại. Khổ lắm thôi, cuộc sống chủ yếu dựa vào săn bắt hái lượm. Anh em trong nhà đến đôi dép cũng không có mà đi, quần áo không có mặc. Điện, đường, trường, trạm vắng bóng. Mỗi lần xuống thị trấn mua nhu yếu phẩm mất 4 ngày băng rừng, lội suối mới về tới nhà”, anh Chù tâm sự về thời điểm khó khăn.
 
Khi đó, đối với người dân ở đây, họ không quen với khái niệm "kilomet". Quãng đường đi lại đối với họ được tính bằng "mấy ngày băng rừng, vượt suối".
 
Theo lời kể của anh Chù, vào đầu những năm 2000, vì quá đói khổ dẫn đến nạn thổ phỉ nổi lên giữa khu vực giáp ranh biên giới Việt – Lào. Chúng dùng tiền, gạo, nhu yếu phẩm để mua chuộc, lôi kéo bà con. Thậm chí, có gia đình gần như cả nhà đi theo phỉ.
 
Năm 2001, mình cũng theo phỉ, làm chân tiếp tế để kiếm tiền nuôi gia đình. Làm được hơn 1 năm thì bị bộ đội biên phòng bắt giữ. Mình biết mình sai. Mình đã phải trả giá cho những lỗi lầm, TAND huyện Tương Dương tuyên phạt mình 1 năm cải tạo tại trại giam ở Huế”, anh Chù nhớ lại thời kỳ đen tối.

Phó Bí thư Xồng Bá Nỏ cho hay, khi nạn thổ phỉ xảy ra, chính quyền địa phương cũng đã “cơm đùm, cơm nắm” cùng các chiến sĩ bộ đội biên phòng lội bộ đến từng bản, gặp mặt các già làng, trưởng bản để vận động, tuyên truyền bà con không đi theo phỉ nữa, trở về làm ăn lương thiện.
 
Chúng tôi ghi âm băng cassette, phát tờ rơi về chính sách của đảng, nhà nước để tuyên truyền với phương châm mưa dầm thấm lâu. Cuối cùng, bà con đã hiểu ra và quay trở về. Tới năm 2006, tất cả mọi người ra đầu hàng, chấm dứt câu chuyện theo phỉ”, ông Nỏ chia sẻ.
 
Trở về sau thời gian cải tạo, anh Lầu Nhia Chù cùng vợ con quyết chí làm ăn. Năm 2007, được sự tin tưởng, nhất trí của bà con, anh Chù được bầu làm phó bản Phá Lõm kiêm công an viên. Cũng trong năm đó, anh được lựa chọn là quần chúng ưu tú đi học cảm tình Đảng.
 
Tôi là người Mông đầu tiên được kết nạp vào Đảng tại bản Phà Lõm, khi đó chi bộ chỉ mới có 5 người. Nhớ lại, khi chưa được kết nạp thì trong đầu mình chưa ổn định tư tưởng. Nhưng khi là đảng viên rồi, mình nhìn được xa hơn, gương mẫu hơn. Khi tuyên truyền cho bà con, mình phải tiên phong, làm trước...” – anh Chù bộc bạch.
 
Anh Chù còn vui mừng kể, bà con Phá Lõm hiện đã nuôi trồng được một số giống cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả. Cuộc sống nhờ thế ngày càng ổn định.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp cho hay, toàn bản Phá Lõm có 125 hộ, với khoảng 600 nhân khẩu, trong đó có 22 đảng viên. Nếu không có chi bộ, không có vai trò hạt nhân là các đảng viên như anh Chù, chắc chắc bản vùng biên này chưa có sự đổi thay như ngày hôm nay.

Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp Lê Hồng Thái trăn trở, chi bộ ở các bản vùng biên thường gặp khó khăn trong việc phát triển đảng viên mới.

Học xong cấp 2, cấp 3, chỉ một số ít thanh niên ở lại làm nương rẫy, còn phần nhiều đi làm ăn kinh tế ở ngoài tỉnh. Mong rằng các cấp quan tâm, đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng, phát triển thêm các mô hình kinh tế hiệu quả. Từ đó, cuộc sống người dân sẽ dần thay đổi, thanh niên ở lại bám bản, giữ vùng biên và có cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng để kết nạp vào hàng ngũ của Đảng” - ông Thái mong mỏi.

Và trăn trở này không chỉ ở xã Tam Hợp... 

Bài 2: 'Chi bộ vùng lõi' giữa đại ngàn Pù Mát

Xem thêm cả tuyến bài:

Những già làng du canh, du cư thành lập nên chi bộ đảng

Những già làng du canh, du cư thành lập nên chi bộ đảng

Khi di cư từ huyện Mường Lát sang huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), trong 5 gia đình người Mông này có cả những đảng viên. Và khi đến vùng đất mới, dần dần, họ đã thành lập nên chi bộ và phát triển đảng viên trẻ ở vùng biên viễn
Đảng viên lên nương tìm quần chúng

Đảng viên lên nương tìm quần chúng

Để đi thẩm tra lý lịch cho một đối tượng Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý ở Thanh Hóa đã phải vượt đường rừng hơn 10km, đi đi lại lại nhiều lần mới có thể gặp được quần chúng.
'Chi bộ vùng lõi' giữa đại ngàn Pù Mát Vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) là nơi xa xôi, hẻo lánh, nhưng có một điều đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng. Đó là Chi bộ Đảng đầu tiên của bà con dân tộc Đan Lai đã được thành lập, phát triển.

 

Huyền Sâm và nhóm PV, BTV