Lời tòa soạn: 

Miền núi Nghệ An, Thanh Hóa được biết tới là những vùng đất xa xôi, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, đời sống còn nghèo nàn lạc hậu. So với miền xuôi, công tác xây dựng đảng nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực, sáng tạo của chính quyền địa phương và các tổ chức cơ sở đảng, đã xuất hiện nhiều cách làm hay để thu hút đảng viên. Đó là những chi bộ đầu tiên của các tộc người du canh du cư được thành lập, hay những con người từng theo phỉ trở về hoàn lương, được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng...

Loạt bài của báo VietNamNet ghi nhận những câu chuyện đặc biệt trong việc phát triển đảng viên ở vùng biên viễn.

 

Bản Ón là một trong số những bản xa xôi nhất của huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Trước đây, bản chỉ có vài chục hộ dân, chủ yếu là những người Mông sống du canh, du cư ở các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang. Chính vì vậy, cuộc sống của họ cũng chỉ mang tính tạm bợ.

Không điện, không đường, tất cả đều “không”. Mỗi lần có việc, người dân trong bản phải men theo đường rừng xuống trung tâm xã mất nửa ngày. Cuộc sống gần như biệt lập, nên người dân bản Ón quanh năm nghèo khó.

Năm 1990, Giàng A Chống theo bố mẹ từ tỉnh Sơn La sang bản Ón sinh sống. Anh nhớ lại, trước đây bản Ón khó khăn vất vả lắm. Nhưng nay đã khác rồi. Khác từ sự thay đổi nhận thức của người dân, không còn du canh du cư nữa, thay vào đó là an cư và biết phát triển kinh tế tại nơi mình sinh sống.

Nhà Giàng A Chống lúc bấy giờ khai hoang được hơn một sào ruộng, cũng có đồi và chăn nuôi. Khi cái bụng đã no, anh Chống được gia đình cho học cái chữ. Ngày ấy đi học khá vất vả, bố mẹ Chống phải gửi anh xuống tận trung tâm xã để theo học. Và anh trở thành người đầu tiên của bản Ón học hết cấp 3 lúc bấy giờ.

Tốt nghiệp PTTH, anh Chống được bố mẹ cho theo học lớp y tế thôn bản tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát. Đến năm 2008, anh lên đường nhập ngũ, đóng quân tại đảo Mê (Thị xã Nghi Sơn bây giờ).

“Thời gian trong quân đội tôi được rèn luyện để trưởng thành, được cử đi học lớp cảm tình Đảng. Sau khi rời quân ngũ về địa phương, tôi đã tham gia đảng viên dự bị tại bản và nộp hồ sơ lên địa phương để theo dõi, kết nạp vào Đảng năm 2010”, anh Chống nhớ lại.

Theo anh Chống, việc vào Đảng ngày đó, người dân còn khá mơ hồ, cứ tưởng vào Đảng là làm cán bộ, nên ra ngoài ai gặp cũng 'chào cán bộ Chống'. 

"Nhiều người còn tò mò hỏi tôi Đảng là như thế nào? Lúc đó tôi cũng chỉ biết mang kiến thức mình đã được học ra để giải thích cho bà con" - anh Chống nói.

Chi bộ bản Ón ngày đó chỉ có 4 đảng viên, gồm cán bộ biên phòng, cán bộ xã Tam Chung phụ trách tăng cường cho bản. Mặc dù chỉ có 4 người, nhưng chi bộ vẫn sinh hoạt đều đặn theo định kỳ. 

Anh Chống bảo, qua mỗi lần sinh hoạt Đảng, anh đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích và rút ra được những kinh nghiệm để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân.

Sau khi vào Đảng, trọng trách lớn nhất lúc bấy giờ đối với Giàng A Chống là làm sao vận động được bà con, người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phát triển kinh tế. Với suy nghĩ đó, anh đã phải mất nhiều đêm trằn trọc.

“Tôi thầm nghĩ, những già làng, trưởng bản nói chưa chắc người dân đã nghe, huống gì bản thân mình lại là một thanh niên mới lớn. Chưa nói đến việc những người già ở bản lại chính là những người còn nặng với các phong tục, hủ tục lạc hậu này”, anh Chống nhớ lại.

Áp dụng những kiến thức đã học trong quân ngũ, anh Chống nghĩ ngay đến “chiêu” đánh du kích. Vậy là, cứ sau bữa cơm tối, anh lại đến từng nhà dân ngồi uống nước, nói chuyện để họ thấm nhuần tư tưởng để từ đó dần thay đổi trong suy nghĩ, cuộc sống.

“Tôi đến nói chuyện với họ không phải theo kiểu giảng dạy. Bởi nếu giảng như sách vở người dân sẽ không nghe. Tôi kể mộc mạc từ những câu chuyện về mô hình kinh tế, cách làm giàu mà tôi đã được học, cả những câu chuyện trong thời kỳ quân ngũ, được trải nghiệm, được học làm kinh tế, và những câu chuyện về đảng viên làm giàu… khi tôi kể, ai nấy cũng đều chăm chú lắng nghe”, anh Chống nhớ lại.

Và cứ thế, để thấm nhuần dần tư tưởng cho người dân, anh Chống phải mất nhiều tháng trời đi đến từng nhà, gặp từng người. Do đường sá xa xôi, cộng với việc người dân chậm hiểu nên anh phải ngồi lân la kể chuyện mất cả buổi tối mới được một nhà.

Theo anh Chống, với người dân địa phương thì việc trăm nghe không bằng một thấy. Mà để người dân thấy được cái hiệu quả như lời mình nói, thì bản thân anh phải là điển hình. Từ đó, anh Chống bắt đầu xây dựng các mô hình phát triển kinh tế riêng cho mình. Thời điểm đó anh nuôi gần chục con bò, mấy chục con lợn, gà và vịt cũng lên đến cả trăm con, mang lại cho gia đình anh cuộc sống no đủ.

Không những vận động bà con, sau một thời gian, anh Chống còn vận động vợ là chị Lâu Thị Cho phấn đấu vào Đảng. Hai người trở thành đôi vợ chồng đảng viên đầu tiên ở vùng đất xa xôi này.

Sau khi hai vợ chồng cùng đứng trong hàng ngũ của Đảng, anh chị lại tiếp tục đi vận động bà con nhân dân, những thanh niên ưu tú vào Đảng.

Ngoài ra, vợ chồng anh còn hướng dẫn cho người dân phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay, cuộc sống người dân bản Ón đã bớt khó khổ phần nào.

Hiện, anh Chống đang là Bí thư chi bộ bản Ón. Đến thời điểm hiện tại, Chi bộ đã có 15 thành thành viên, trong đó đảng viên trẻ tuổi nhất 20 tuổi, cao tuổi nhất 60 tuổi và duy nhất vợ anh Chống là đảng viên nữ.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Lò Thị Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung cho biết, bản Ón là bản xa nhất của xã, 100% là đồng bào Mông sinh sống. Bản Ón có hơn 100 hộ dân, đa phần là hộ nghèo, có 3 hộ cận nghèo.

"Anh Chống là đảng viên trẻ có tư tưởng và lối sống tốt, đóng góp nhiều trong quá trình xây dựng, phát triển bản Ón. Về công tác xây dựng, phát triển đảng viên, anh Chống luôn luôn đi đầu trong việc vận động dân bản vào đảng cũng như phát triển kinh tế. Các mô hình như trồng quế, chăn nuôi là một tấm gương sáng cho nhiều người noi theo", bà Thiết nói.

Bài 4: Những già làng du canh, du cư thành lập nên chi bộ đảng

XEM THÊM:

'Chi bộ vùng lõi' giữa đại ngàn Pù Mát

'Chi bộ vùng lõi' giữa đại ngàn Pù Mát

Vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) là nơi xa xôi, hẻo lánh, nhưng có một điều đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng. Đó là Chi bộ Đảng đầu tiên của bà con dân tộc Đan Lai đã được thành lập, phát triển.
Những già làng du canh, du cư thành lập nên chi bộ đảng

Những già làng du canh, du cư thành lập nên chi bộ đảng

Khi di cư từ huyện Mường Lát sang huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), trong 5 gia đình người Mông này có cả những đảng viên. Và khi đến vùng đất mới, dần dần, họ đã thành lập nên chi bộ và phát triển đảng viên trẻ ở vùng biên viễn
Đảng viên lên nương tìm quần chúng

Đảng viên lên nương tìm quần chúng

Để đi thẩm tra lý lịch cho một đối tượng Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý ở Thanh Hóa đã phải vượt đường rừng hơn 10km, đi đi lại lại nhiều lần mới có thể gặp được quần chúng.
ánh Tuyết và nhóm PV, BTV