Miền núi Nghệ An, Thanh Hóa được biết tới là những vùng đất xa xôi, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, đời sống còn nghèo nàn lạc hậu. So với miền xuôi, công tác xây dựng đảng nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực, sáng tạo của chính quyền địa phương và các tổ chức cơ sở đảng, đã xuất hiện nhiều cách làm hay để thu hút đảng viên. Đó là những chi bộ đầu tiên của các tộc người du canh du cư được thành lập, hay những con người từng theo phỉ trở về hoàn lương, được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng...
Loạt bài của báo VietNamNet ghi nhận những câu chuyện đặc biệt trong việc phát triển đảng viên ở vùng biên viễn.
Quan Sơn và Mường Lát là 2 huyện biên giới xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa. Trước đây, khi nói đến 2 huyện này, ai cũng ngán ngẩm bởi cung đường đèo dốc quanh co, hiểm trở. Nhiều nơi trong xã còn không đường, không điện. Để lên được đây, cán bộ dưới tỉnh đi công tác phải ngồi ôtô mất cả ngày đường.
Ông Sung Văn Cấu (SN 1969), Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (huyện Quan Sơn) cho biết, trước đây bản Mùa Xuân được xem là bản "5 không". Đó là, không điện, không đường, không trường, không trạm, không sóng điện thoại.
Mỗi khi có việc xuống trung tâm xã, dân bản phải đi bộ men theo sườn núi, mất cả ngày trời. Hôm nào gặp trời mưa, phải đi xuyên đêm mới về được tới nhà.
Còn bây giờ, bản Mùa Xuân đã có đường xe máy lên, thời gian di chuyển cũng nhanh hơn, chỉ mất khoảng 3 giờ đồng hồ.
Theo ông Cấu, xưa kia bản Mùa Xuân chỉ có ít hộ dân sinh sống. Vào những năm 1990, ông cùng 4 gia đình người Mông ở xã Pù Nhi (huyện Mường Lát) đã di cư sang bản Mùa Xuân khai hoang.
Điều đặc biệt, trong số những người di cư sang lúc bấy giờ, có 4 người là cụ Hơ Nọng Súa, Hơ Văn Tho, Sung Văn Di, Thao Văn Dia là đảng viên.
Sau khi di cư sang bản Mùa Xuân, những đảng viên này đã thành lập chi bộ Đảng, do cụ Hơ Nọng Súa làm Bí thư.
"Thời bấy giờ, bản Mùa Xuân chỉ có lác đác vài chục hộ dân, 100% là hộ nghèo, miếng ăn còn không đủ nên cũng chẳng ai quan tâm tới việc vào đảng. Nhiều lần, chi bộ họp để phát triển đảng viên trẻ nhưng đều thất bại. Suốt một thời gian dài chi bộ không phát triển được đảng viên nào", ông Cấu thành thật kể lại.
Ông Cấu là con trai của cụ Sung Nhia Súa (SN 1933). Cụ Súa là người biết chữ, dù không phải đảng viên nhưng thường xuyên tham gia công việc của bản, của chi bộ.
Thậm chí, cụ Súa còn được tín nhiệm cao để cùng tham gia với chi bộ vào việc vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu và vận động phát triển đảng viên.
Lấy chính con trai của mình làm 'tiền đề', chi bộ đảng Mùa Xuân lần lượt chia nhau đến từng nhà có thanh niên để vận động vào đảng. Bản thân ông Cấu lúc đó cũng được coi là nhân tố điển hình để làm gương cho những thanh niên khác. Và từ đó, ông đã trở thành đảng viên.
Trong một thời gian ngắn, chi bộ Mùa Xuân đã giới thiệu và kết nạp được thêm 8 đảng viên trẻ. Đến năm 2000, tách ra chi bộ Ché Lầu, năm 2005 tách tiếp chi bộ Xía Nọi. Đến nay, ở 3 bản Mùa Xuân, Xía Nọi, Ché Lầu đã có 3 chi bộ với hàng chục đảng viên.
Là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Mùa xuân, năm nào ông Cấu cũng đau đáu một nỗi lo làm sao để phát triển được đảng viên trẻ ở chi bộ mình.
Bản Mùa Xuân có 115 hộ, 556 nhân khẩu, tất cả đều là người dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo là 100%. Đến nay, chi bộ Mùa Xuân đang có 19 đảng viên. Mặc dù vậy, ông Cấu vẫn cứ đau đáu, nhất là thực trạng nhiều thanh niên đi làm ăn xa, thiếu nguồn để đào tạo, phát triển đảng viên mới.
Theo ông Cấu, chi bộ Mùa Xuân sinh hoạt đúng quy định, đều đặn mỗi tháng một lần. Lần nào ông cũng đề cập đến việc rà soát thanh niên ưu tú trong bản để giới thiệu đi học lớp cảm tình đảng. Mỗi năm tìm được một người, năm nào không có thì hai năm mới kết nạp được một đảng viên.
Theo lý giải rất thành thật của ông Cấu, hầu hết thanh niên hiện nay chưa mặn mà với việc vào Đảng, nguyên nhân là do cuộc sống còn nhiều khó khăn. Các thanh niên lớn lên không ai bám trụ ở quê hương với nương rẫy, mà 'đi làm công ty', đi làm xa nhà. Chính vì vậy, thời gian qua ở bản Mùa Xuân có 2 người sau khi đi học lớp cảm tình đảng về rồi bỏ ngang, 4 người học xong nhưng không kết nạp vào đảng.
"Từ bản đi xuống tận trung tâm huyện cách khoảng 60km, để học lớp cảm tình đảng phải mất một tuần. Sau đó lại học lớp đảng viên mới mất một tháng, toàn bộ chi phí ăn ở phải tự túc, nên nhiều thanh niên không mặn mà, thay vào đó là đi làm kiếm tiền. Hơn nữa, nhiều người cho rằng 'vào đảng rồi cũng về làm nương, đi làm công ty' nên đắn đo trong việc quyết định tham gia", ông Cấu chia sẻ.
Cũng theo ông Cấu, trước đây, khi chọn thanh niên ưu tú để giới thiệu đi học lớp cảm tình đảng, chi bộ cũng chọn những người có trình độ văn hóa 12/12. Sau này hiếm dần, giảm tiêu chí xuống lớp 9/12, rồi dần dần xuống lớp 6, lớp 7...
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phạm Bá Thái, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy thừa nhận, việc phát triển đảng ở chi bộ đang là vấn đề nan giải. Nguyên nhân chính vẫn do thanh niên lớn lên 'đi làm công ty', đi làm ăn xa, không ai ở quê để giới thiệu. Hơn nữa, việc vào đảng họ phải tự bỏ tiền túi ra đi học, trong khi đó cuộc sống người dân còn rất khó khăn.
Bí thư Phạm Bá Thái dẫn chứng, năm nay Đảng bộ Sơn Thủy được giao chỉ tiêu kết nạp 10 đảng viên, đến thời điểm này mới kết nạp được 3, đang làm hồ sơ cho 4 người khác. Phấn đấu cuối năm sẽ hoàn thành chỉ tiêu. Tuy nhiên, trong số 10 chỉ tiêu này cũng chỉ có 4 đảng viên ở dưới chi bộ, còn lại là cán bộ, viên chức.
Theo ông Thái, để giữ chân được thanh niên ở quê để có nguồn đào tạo đảng viên kế cận, việc đầu tiên các cấp chính quyền phải quan tâm tới là phát triển kinh tế địa phương. Và sát hơn nữa, có chính sách hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở cho các đối tượng học cảm tình đảng, để họ có điều kiện theo học.
Theo phỉ, rồi trở về sau thời gian cải tạo, anh Lầu Nhia Chù cùng vợ con quyết chí làm ăn. Năm 2007, được sự tin tưởng, nhất trí của bà con, anh Chù được bầu làm phó bản Phá Lõm kiêm công an viên.
Vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) là nơi xa xôi, hẻo lánh, nhưng có một điều đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng. Đó là Chi bộ Đảng đầu tiên của bà con dân tộc Đan Lai đã được thành lập, phát triển.
Cặp vợ chồng đảng viên đầu tiên ở bản nghèo Mường Lát Từng là người sống du canh, du cư theo bố mẹ, anh Giàng A Chống ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa đã vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, cùng với vợ trở thành đôi vợ chồng đảng viên đầu tiên ở bản Ón.
Đảng viên lên nương tìm quần chúng Để đi thẩm tra lý lịch cho một đối tượng Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý ở Thanh Hóa đã phải vượt đường rừng hơn 10km, đi đi lại lại nhiều lần mới có thể gặp được quần chúng.