Nhà báo Phạm Huyền: Hiện Nghị định số 10 đang được sửa đổi, theo các vị khách mời, những điểm quan trọng nhất cần được thay đổi ngay là gì, theo hướng nào để việc quản lý hoạt động vận tải hành khách đi vào nền nếp?
Ông Nguyễn Hoàng Anh: Dự thảo sửa đổi Nghị định 10, sẽ được sửa đổi theo hướng xử lý vi phạm xe hợp đồng thông qua thiết bị giám sát hành trình và tăng nặng hình thức xử lý đối với phương tiện bị vi phạm lần thứ 2 trở lên.
Cụ thể, quy định xe kinh doanh vận tải hợp đồng sẽ không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc là 10 ngày trở lên trong một tháng tại trụ sở chính, văn phòng đại diện hoặc tại một điểm cố định khác. Đây mới là dự thảo nghị định này, còn phải lấy ý kiến của rất nhiều các tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển khách phải cung cấp lại hợp đồng vận chuyển thông qua hòm thư điện tử của Sở Giao thông vận tải.
Thứ ba, chúng tôi sẽ quy định lại thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với các phương tiện vi phạm, đặc biệt là đối với những phương tiện vi phạm lần thứ hai, thứ ba trở lên.
Đặc biệt, trong thời gian tới chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ.
Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã phê duyệt đề án “Ứng dụng thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ”, trong đó có xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trong lĩnh vực quản lý vận tải sau đó sẽ chia sẻ cho các cơ quan chức năng như công an, thuế, hải quan và các Sở GTVT phục vụ cho công tác quản lý.
Ngoài ra, Cục cũng sẽ xây dựng hệ thống phần mềm tự động xử lý, phát hiện những phương tiện vi phạm trên đường, từ đó có thể là chia sẻ thẳng đến cho các cơ quan chức năng làm căn cứ xử lý.
Ông Trần Doãn Toàn: Theo tôi cần phải quy định thêm trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với cấp cơ sở phường, xã để chấn chỉnh hoạt động xe khách, xe hợp đồng trá hình.
Ông Nguyễn Văn Quyền: Ngoài các ý kiến trên tôi đề xuất một số các giải pháp sau:
Thứ nhất, hiện nay lực lượng công chức được biên chế ở phòng vận tải rất ít. Họ không có đủ quỹ thời gian để kiểm soát các hoạt động vận tải theo quy định của pháp luật.
Do đó, tôi đề xuất cơ quan soạn thảo thực hiện sửa đổi Nghị định 10 phải bổ sung chức năng và phương thức hoạt động của lực lượng thanh tra giao thông.
Chúng ta nên chuyển phương thức hoạt động chính của thanh tra giao thông trên đường sang phương thức hoạt động trên hệ thống quản lý bằng các phần mềm, bằng cơ sở dữ liệu.
Chúng ta nên bố trí một cơ cấu lực lượng thanh tra giao thông thường xuyên rà soát phương tiện hoạt động trên hệ thống, bằng cơ sở dữ liệu.
Thứ hai, chúng ta phải liên thông dữ liệu giữa ngành giao thông với ngành thuế để kiểm soát.
Chúng ta phải nghiên cứu một cơ chế khuyến khích những doanh nghiệp làm tốt và hạn chế dần những doanh nghiệp vi phạm.
Thứ ba, trong nghị định sửa đổi lần này đối với quy định cấp phù hiệu nên phân theo nhóm. Doanh nghiệp chấp hành tốt thời gian cấp phù hiệu 5-7 năm; còn những đơn vị chấp hành ở mức độ trung bình giảm thời gian cấp phù hiệu còn 2-3 năm; những đơn vị vi phạm nhiều thì chỉ cấp phù hiệu trong 6 tháng.
Thứ tư, cần tính đến biện pháp tính phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo chỉ số an toàn của doanh nghiệp. Đây là biện pháp đã được một số nước áp dụng. Cụ thể, những đơn vị có chỉ số an toàn cao thì mức phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe giảm xuống. Những đơn vị nào vi phạm nhiều, tai nạn lắm thì mức phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tăng lên.
Một giải pháp khác nữa các cơ quan quản lý nên cân nhắc đó là định kỳ 6 tháng, 1 năm công bố top 100 doanh nghiệp phục vụ tốt, an toàn giao thông cao; 100 doanh nghiệp có chỉ số an toàn giao thông, chất lượng phục vụ kém… Cứ định kỳ công bố như thế và chính cơ chế thị trường sẽ loại trừ những đơn vị làm bừa, làm ẩu.