Lời tòa soạn: Tuy cùng cơ chế, chính sách nhưng rõ ràng địa phương nào dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới hoặc có tập thể, cá nhân lãnh đạo dám vì cái chung mà hành động thì luôn có kết quả tốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Những địa phương trong loạt bài này đều đã đạt được những thành quả lớn ở nhiều hay từng lĩnh vực cụ thể.
Bắc Giang đang nổi lên là địa phương vươn mình mạnh mẽ trong thu hút FDI. Nhưng trong cuộc trò chuyện với PV.VietNamNet, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã nêu quan điểm của tỉnh Bắc Giang là một mặt thu hút FDI có chọn lọc, mặt khác cũng đang có những kế hoạch để thu hút đầu tư từ các DN trong nước vào sân golf, các khu du lịch tâm linh, các khu đô thị…
Định hướng này được Bắc Giang quán triệt khi tỉnh này nhận ra rằng để phát triển bền vững thì cần đi bằng nhiều chân, không nên quá phụ thuộc vào một thành phần kinh tế nào.
Thực tế, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã giúp nhiều địa phương đổi vận, giàu lên. Chẳng hạn với tỉnh Bắc Ninh, nguồn thu từ khu vực FDI còn cao hơn tất cả các khu vực kinh tế khác cộng lại.
Báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh cho thấy, tổng thu ngân sách 9 tháng của tỉnh này đạt 21.214 tỷ đồng (dự toán cả năm là 30.567 tỷ đồng). Trong đó, thu từ khu vực DN FDI chiếm tới 6.018 tỷ đồng (thu từ thuế TNDN là 4.579 tỷ đồng); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh là 2.579 tỷ đồng, thu từ khu vực DNNN chỉ hơn 600 tỷ đồng… Nhìn chung, kinh tế của Bắc Ninh gắn chặt với sức khỏe của hàng loạt DN FDI lớn có nhà máy đặt trên địa bàn.
Còn trên bình diện cả nước, xuất khẩu của khu vực FDI nhiều năm gần đây chiếm tới trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, còn doanh nghiệp ‘nội’ chỉ chiếm phần nhỏ còn lại. Riêng xuất khẩu của 1 DN FDI như Samsung đã chiếm tới 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2021.
Bộ Công Thương khi xây dựng Luật Phát triển công nghiệp cũng dẫn chứng đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như điện – điện tử, dệt may, da giày, số lượng doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 20% trên tổng số doanh nghiệp nhưng lại chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn để tận dụng các ưu đãi về thuế và các chi phí đầu vào như nhân công giá rẻ và các yêu cầu về môi trường, lao động chưa quá cao của Việt Nam.
Đó là điều khiến PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế trong các bài trình bày của mình trước Ban Kinh tế Trung ương đã phải cảnh báo về một nền kinh tế 2 khu vực “nhị nguyên”. Đó là lệ thuộc tăng trưởng ngày càng nhiều vào khu vực FDI, trong khi sản xuất của khối nội địa gặp khó khăn, bị trói buộc nhiều và hầu như không gắn với chuỗi của FDI.
Dù thường xuyên công bố những con số to lớn về thu hút FDI nhưng nhiều địa phương nguồn thu từ sản xuất kinh doanh còn hạn chế, chủ yếu vẫn dựa nhiều vào thu tiền sử dụng đất.
Ngay cả Bắc Giang, do chỉ mới vươn mình trong sản xuất công nghiệp vài năm gần đây, nên nguồn thu vẫn dựa vào đất. 6 tháng năm 2022, thu ngân sách của Bắc Giang đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng có tới hơn 5.300 tỷ là thu từ tiền sử dụng đất. Còn năm 2021 thu ngân sách của Bắc Giang đạt 21,9 nghìn tỷ đồng thì có tới hơn 13 nghìn tỷ là thu từ tiền sử dụng đất. Thu từ khu vực DN đầu tư nước ngoài chỉ là 1.548 tỷ đồng. Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chỉ là 1.484 tỷ đồng…
Hưng Yên, địa phương có nguồn thu điều tiết về Trung ương, 6 tháng năm 2022 tỉnh này thu được 26.279 tỷ đồng, tăng tới 34,6% dự toán HĐND giao. Nhưng có tới 18.408 tỷ thu từ tiền sử dụng đất, đạt tới 250% so với cùng kỳ (chủ yếu từ dự án lớn của Vingroup).
Còn cả vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận), Bộ Tài chính đánh giá cơ cấu thu ngân sách còn chưa thực sự bền vững, phụ thuộc vào một số khoản thu có tính chất một lần (thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một lần), chịu ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài (như giá dầu thô liên quan đến thu NSNN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Thanh Hóa).
Đáng chú ý, nguồn thu của nhiều tỉnh còn phụ thuộc rất nhiều vào 1 doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Chẳng hạn Quảng Nam nguồn thu chủ yếu từ công ty sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai Trường Hải, số thu từ Công ty chiếm trên 50% thu nội địa của Tỉnh. Còn tỉnh Khánh Hòa nguồn thu chủ yếu từ Tổng công ty Khánh Việt chiếm khoảng 20% thu nội địa của Tỉnh...
Trong số 63 tỉnh thành trên cả nước, mới chỉ có 16 tỉnh thành có điều tiết ngân sách về trung ương, còn lại là các tỉnh vẫn cần Trung ương hỗ trợ về ngân sách để chi cho các hoạt động.
Trong hội nghị phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nhắc đến một số địa phương như Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng với thành tích thu hút dự án FDI như LG và Samsung. Nhưng theo ông Trần Sỹ Thanh, các dự án này mới chỉ sản xuất phần “xác” của sản phẩm, còn phần hồn là phần chip, microchip, và công nghệ phụ trợ cho chuỗi sản xuất của các nhà máy đóng trên các địa bàn này còn yếu.
“Khi tôi tiếp một số tập đoàn rất lớn của Hàn Quốc, họ nói rằng trong vòng 20 năm, Hàn Quốc từ một nước chưa sản xuất được chip bán dẫn thì giờ đây đã trở thành 1 trong 4 nền kinh tế đứng đầu thế giới về chip bán dẫn gồm Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và người ta chủ động được chip bán dẫn. Giờ họ muốn chuyển dịch công nghệ sản xuất này sang Việt Nam”, ông Trần Sỹ Thanh kể.
Nhà nước có hỗ trợ gì để thu hút các tập đoàn lớn, mang công nghệ cao vào Việt Nam chính là câu hỏi được các tập đoàn này gửi đến lãnh đạo Hà Nội. Đó là câu hỏi ông Thanh cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần lưu tâm để khi DN đầu tư vào Việt Nam 5 tỷ USD, 10 tỷ USD cho dây chuyền sản xuất chip thì Nhà nước cam kết gì với nhà đầu tư.
Tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với các sản phẩm mang giá trị gia tăng cao hơn, hàm lượng công nghệ cao hơn thay vì chỉ gia công, lắp ráp như lâu nay là con đường Việt Nam phải đi. Dòng vốn của Samsung, LG, Intel, các nhà cung cấp của Apple… sẽ có giá hơn nếu mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
“Nếu chúng ta làm được chuỗi công nghệ cao này thì chúng ta có vị thế trong bản đồ về thương mại, công nghiệp công nghệ cao. Khi đó tiếng nói của chúng ta sẽ khác trên thị trường quốc tế”, ông Trần Sỹ Thanh bày tỏ.
Những dự án lớn, nhà đầu tư tên tuổi thường được các địa phương nhấn mạnh trong các báo cáo như một thành tích. Có một sự thật là, sau 35 năm phát triển kinh tế thị trường, dù khu vực tư nhân sản xuất hơn 40% GDP thì khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ đóng góp chưa đến 10%. Điều đó cho thấy sự nhỏ bé của khu vực DN trong nước.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi tỷ lệ vốn FDI trong công nghiệp ở mức cao nếu so với nhiều nước khác. Sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và FDI lỏng lẻo khiến sự lan tỏa về công nghệ, kiến thức, kỹ năng sản xuất từ khu vực FDI rất hạn chế, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, dẫn đến tình trạng mà Bộ Công Thương mô tả là “một quốc gia, hai nền kinh tế”.
Một chiếc xe ô tô có tới 30 nghìn linh kiện, nhưng DN trong nước chưa thể tham gia được nhiều vào chuỗi giá trị này, hầu hết linh kiện, phụ tùng vẫn phải nhập khẩu. Một tập đoàn lớn như Samsung xuất khẩu hơn 60 tỷ USD mỗi năm nhưng số DN Việt đủ sức thành nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung chỉ là 51 (thời điểm năm 2014 chỉ có 4 nhà cung cấp) với những sản phẩm ít giá trị cao.
Mỗi năm, Việt Nam vẫn phải nhập tới 100 tỷ USD tư liệu sản xuất, trang thiết bị máy móc từ Trung Quốc, chưa kể nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan… Đó là hệ quả của một nền công nghiệp hỗ trợ yếu kém - nơi các DN nhỏ và vừa đóng vai trò trọng yếu.
Vì thế, các địa phương cũng cần dành sự quan tâm cho những “chú chim sẻ” này, để Việt Nam có được nền móng sản xuất tốt, đáp ứng nhu cầu cung ứng linh phụ kiện, nguyên vật liệu của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, thay vì phải nhập khẩu từ cái kim sợi chỉ như hiện nay.
Đó cũng là cách để Việt Nam chủ động được sản xuất, xuất khẩu thay vì thiếu tự chủ, dễ tổn thương bởi các biến động trên thế giới và trong khu vực như trong như thời đại dịch Covid-19 hoành hành 2 năm vừa qua. Đó cũng là con đường để các địa phương không phụ thuộc quá lớn vào một nguồn thu từ sử dụng đất, hay từ 1-2 nhà máy tỷ đô đóng trên địa bàn.
Lương Bằng