Chia sẻ về cha mình, bà Hoàng Thị Kim Liên - con gái cụ Hoàng Đạo Thúy, năm nay 90 tuổi - kể: “Bố tôi sống quá đỗi tình cảm và tràn đầy tình yêu thương. Ông không đánh mắng con bao giờ. Quá lắm, ông giơ cái chổi phất trần lên dọa bà chị tôi vì bà hay trốn học”.
Bà nhớ có lần không làm bài tập bố giao. Đi làm về, cụ nói: “Con tự ngồi nghĩ đi. Tại sao con không làm bài?”. “Hôm đó, tôi sốt cao nên mệt. Đến khi tôi gục đầu xuống bàn, ông sờ thấy đầu tôi nóng thì hiểu rằng con bị ốm nên mới không làm bài. Ông thương lắm, gọi ngay bác sĩ là ông bạn Trần Duy Hưng đến thăm bệnh cho tôi”.
Bà Liên kể, “bố tôi bận lắm”. Suốt hơn 20 năm, ban ngày cụ đi dạy, đến tối lại làm thêm công việc kế toán để có tiền nuôi một bầy 10 đứa con. Vì thế, cụ cũng không có nhiều thời gian để kèm cặp, thúc giục từng đứa.
“Dạy các con, trước tiên, ông luôn đề cao việc học để làm người. Đã làm người là phải trung hậu - tức là trung với nước, với công việc và hậu với mọi người. Thứ hai là phải yêu nước. Thứ ba là phải tự học, tự rèn luyện mình”.
Vâng lời cha, bà Liên luôn phấn đấu để thực hiện điều đó trong suốt cuộc đời. Chưa từng được đi học trường lớp chính thống, đến tận năm 1975, bà mới được đến trường học bổ túc văn hoá. Nhưng trước đó, suốt những năm tháng tuổi thơ, với sự hướng dẫn của cha, bà đã tự học chữ Nho, chữ Quốc ngữ. Vì thế, khi học bổ túc văn hoá, bà đỗ thẳng vào lớp 7, học hết lớp 10 rồi thi đại học với 3 điểm 10 tuyệt đối ở 3 môn Toán, Lý, Hoá. “Tôi ham học nhưng tiếc là năm ấy tôi đã ngoài 40 tuổi, đã quá tuổi quy định được học đại học nên đành bỏ lỡ ước mơ” - bà kể.
“Khi dạy tôi tự học ở nhà, ông dạy rất kỹ về lịch sử, về đất nước mình để từ đó khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Ngoài dạy chữ, ông còn dạy tôi về Nữ tắc - một bộ quy tắc ứng xử dành cho phụ nữ bằng thơ. Nữ tắc dạy cho các cô các phép tắc, lễ nghĩa theo quan niệm xưa: con gái ở nhà phải vâng lời cha mẹ, đi lấy chồng thì phải thờ phụng nhà chồng, phải ăn ở, đi lại ra sao”.
Thế nhưng, cũng chính cụ đã dạy bà Liên rằng, là phận gái nhưng vẫn phải tự lập, tự học, phải mạnh mẽ mà đứng lên chứ đừng ỉ lại vào chồng con. Đó cũng chính là tinh thần của phong trào Hướng đạo mà sinh thời, cụ là một trong số những người sáng lập, thủ lĩnh.
Chia sẻ về cha, GS.TS Hoàng Đạo Kính từng nói: “Đời cha tôi lắm bi kịch”. Ông nói vậy bởi, sinh được 10 người con thì cụ Hoàng Đạo Thuý phải chịu nỗi đau 4 người con chết trẻ - người vì bạo bệnh, người vì tai nạn. Trong đó có người con gái cả, sau khi mất, để lại 4 đứa con mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chồng bà đã mất trước đó không lâu.
“Trước khi qua đời, chị dặn rằng nếu để các cháu về bên nội thì nhà nghèo quá, sợ chúng thất học nên chị muốn nhờ bố tôi nuôi. Bố tôi nhận lời”.
Năm ấy, bà Liên mới 9 tuổi. Nhà đông anh em nên việc cha nhận nuôi thêm 4 người cháu ngoại là hết sức khó khăn. “Ông về nói với tôi rằng: Cậu đã hứa với chị sẽ cho các cháu đi học. Con bằng lòng là đừng đi học nữa, ở nhà cậu dạy vì cậu biết con học được. Tôi đồng ý với lời đề nghị của bố để nhường cho các cháu được đi học”.
Nhận nuôi 4 cháu ngoại, cụ Thuý thấu hiểu và xót xa trước sự thiệt thòi của những đứa trẻ mồ côi nên luôn cố gắng dành những điều kiện tốt nhất cho các cháu.
“Năm 1951, ông có một suất cho con đi học ở Trung Quốc. Lẽ ra, Hoàng Đạo Kính được đi nhưng ông đã dành suất ấy cho con trai của chị cả. Sau này, người cháu ấy trở thành giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội”.
Giữ đúng lời hứa với con gái cả, cụ Thuý đã nuôi dạy cả 4 cháu ngoại ăn học đến nơi đến chốn và sau này đều là những người thành đạt.
“Mỗi người con ra đi là một lần cha tôi phải vượt qua nỗi đau xé lòng. Đau lắm! Nhưng ông rất kiên cường. Ông luôn tự tìm cách tĩnh tâm, kìm nén cảm xúc của mình lại để tiếp tục sống, đi làm nuôi các con, các cháu. Đến năm cô em tôi mất vì tai nạn - người con thứ tư của ông, ông buồn lắm. Nhưng chỉ sau một ít ngày, ông tự nói với chính mình: Lại phải viết thôi! Thế rồi ông lại lấy sách ra đọc và viết”.
Sống một đời thanh bạch, liêm chính, “cha tôi chưa bao giờ viết giấy xin cho con cái gì hết, cũng không bao giờ dùng chỗ quen biết để chạy vạy” - ông Hoàng Đạo Kính kể.
Bà Hương Liên cũng khẳng định, bà và các anh chị em ai cũng xác định tinh thần tự học, “không ai dựa vào tiếng bố”.
“Ngày xưa, khi tôi được đề bạt lên vị trí Phó Giám đốc Đài Điện báo Trung ương, trên Tổng cục xem hồ sơ của tôi mới biết tôi là con cụ Thuý. Tham gia hội nhóm nào mà các chị em giới thiệu tôi là con gái cụ Thuý, tôi thấy ngại lắm. Tôi luôn bảo, đừng nói thế, tôi cảm thấy chưa xứng với tên của cụ”.
Từ khi còn là một ông giáo cho đến khi có chút chức tước, cụ Hoàng Đạo Thuý luôn giữ mình với lối sống giản dị, tằn tiện hết sức. Những năm về hưu, cụ trả hết nhà được Nhà nước phân cho để về sống trong căn nhà cấp 4 lợp lá ở Đại Yên - tài sản lớn nhất mà cụ mua được nhờ vay tiền bạn khi còn là một anh giáo nghèo.
Những năm tháng ấy, cụ được nhiều đồng đội, học trò và cả các lãnh đạo đương thời thường xuyên đến thăm, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một lần, sau khi nhìn quanh nhà, Đại tướng hỏi: “Tủ lạnh của anh để đâu?”. Cụ hài hước chỉ vào bụng mình, nói: “Tôi chỉ có tủ nóng thôi”.
Trong căn nhà mái lá 3 gian đơn sơ chỉ có chiếc chạn 4 chân giống như bao gia đình nông thôn khác. Từ khi về hưu, cụ tự trồng rau để ăn, trồng hoa để ngắm, ngày ngày tự nấu nướng, tự chăm mình và chăm người vợ nằm liệt giường suốt 18 năm trời cho đến ngày bà qua đời.
Hơn chục năm cuối đời - khi cụ bà đã mất, cụ Thuý đi về lủi thủi trong căn nhà ấy. Có nhiều hôm, cụ tới chơi nhà con cháu, đến khi trời sẩm tối vẫn chưa thấy cụ có ý định về, con nhắc thì cụ bảo: “Cậu về làm gì vội, có ai đợi đâu mà về”.
Nhưng khi con cháu ngỏ lời sống cùng để chăm sóc thì cụ nhất quyết từ chối. Cụ nói với tôi: Cậu vẫn còn tự lực được”.
Mãi đến cuối năm 1989, cụ mới ngỏ lời “con vào với cậu nhưng phải mang cả anh ấy vào ở cùng”. Bà Liên giải thích: "Ngày ấy, chồng tôi bị tai biến đã mấy năm, tôi phải chăm sóc ông ấy hằng ngày. Bố tôi chỉ đồng ý cho tôi vào chăm sóc ông khi tôi mang theo cả ông xã vào cùng để chăm sóc được cả hai người. Ba người già cứ thế sống cùng nhau gần 5 năm”.
Những ngày cuối đời, cụ dặn dò các con cháu, sau khi cụ mất đi, không làm đám tang rình rang, không nhận tiền viếng, vòng hoa, đừng rước huân chương đi đường, tro cốt đặt cạnh mộ bà trong một cái lỗ nhỏ, không làm phần mộ, không dựng mộ chí… Tất cả những điều ấy, vì một số lý do, có việc gia đình đã làm được, có việc không. Nhưng đúng như di nguyện, trên bia mộ cụ ở nghĩa trang Mai Dịch bây giờ, chỉ có vỏn vẹn 2 dòng chữ: Cụ Hoàng Đạo Thuý 1900-1994. Không chức tước, quân hàm hay một dòng công lao, thành tích. Như cụ từng bảo: “Chết rồi lên sân khấu mà làm gì”.
Trước khi qua đời không lâu, Hoàng Đạo Thuý viết bài thơ “Ngủ quên” như một lời vĩnh biệt, dặn dò con cháu. Phía dưới, cụ đề rõ năm sinh, năm mất của mình.
Bài: Nguyễn Thảo
Ảnh: Nguyễn Thảo, Tư liệu gia đình
Thiết kế: Phạm Luyện