LTS: Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X. VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet. Trân trọng cảm ơn! |
Đầu tháng 7/1964, tôi thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó được thông báo trúng tuyển vào khoá 9, khoa Mỏ - Địa chất. Em trai tôi trúng tuyển vào khoa Cơ khí cùng trường.
Ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ tấn công một số nơi ở miền Bắc, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại. Đúng hôm đó tôi đang ở Vinh, ngay bên cầu Cửa Tiền. Nghỉ lại Vinh một ngày, tôi xuống Bến Thủy, tới tận nơi bị ném bom.
Ra đến Hà Nội, cuộc sống vẫn bình thường như trước đây. Tôi làm thủ tục nhập học vào khoa Mỏ - Địa chất rồi được phân về lớp Kỹ sư kinh tế mỏ. Cùng thời gian, những người bạn không vào được đại học hay các trường trung cấp chuyên nghiệp lần lượt đi tìm việc ở các nhà máy, công trường.
Có người lên làm việc tại trường Thanh niên Lao động Xã hội chủ nghĩa ở Hoà Bình, chờ năm sau thi tiếp đại học. Một số người có giấy gọi nhập ngũ. Chúng tôi đi tiễn những người bạn lên đường nhập ngũ, đóng quân trên Xuân Mai. Ít lâu sau biết tin họ đang trên đường vào Nam. Có những người bạn không trở về!
Năm học đáng nhớ nhất đời sinh viên
Năm học đầu, chúng tôi học các môn cơ bản. Lớp tôi ít người, ghép học chung với lớp Cơ điện. Học một số môn khác như môn Triết học, Chính trị kinh tế học… thì toàn khoá 9 khoa Mỏ - Địa chất học chung trên giảng đường lớn.
Hồi đó, Đại học Bách khoa chỉ có 4 toà nhà do người Pháp xây dựng cùng nhà ở của cán bộ nhân viên và khu nhà của sinh viên nước ngoài là nhà 4 tầng kiên cố. Còn lại là nhà xây tạm, tường gạch lợp ngói, kể cả giảng đường lớn cũng chỉ là toà nhà 1 tầng rộng rãi hơn.
Khu trường mới do Liên Xô viện trợ, xây chưa xong. Các lớp học của chúng tôi đa phần là trong các nhà xây tạm. Sinh viên nhà ở Hà Nội vẫn đi về như thời học phổ thông. Hồi đó gọi là sinh viên ngoại trú.
Nhà tôi gần trường, đi qua cổng Đại Cồ Việt lại càng gần nên thường đi bộ. Vì là sinh viên nên không được đi guốc gỗ, phải đi dép có quai hậu - một điểm khác với thời là học sinh.
Sang tháng 3/1965, tình hình căng thẳng hơn khi Mỹ bắt đầu chiến dịch Sấm rền, ném bom miền Bắc. Trường chúng tôi phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. Trước mắt là vừa học vừa sẵn sàng chiến đấu.
Các đợt luyện tập quân sự được tiến hành, rồi tập hành quân đường dài. Chúng tôi đi tập quân sự trên núi Mỏ Thổ, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc hơn một tháng. Các bài hát thời kỳ kháng chiến chống Pháp được phát liên tục trên đài phát thanh, trên hệ thống loa của nhà trường.
Hè năm 1965, một mùa hè sôi sục không khí sẵn sàng chiến đấu, nhà trường thông báo sinh viên không được nghỉ hè. Sau đợt tập quân sự, toàn bộ sinh viên khoá 8 và 9 sẽ lên địa điểm sơ tán trên Lạng Sơn.
Tháng 7/1965, chúng tôi bắt đầu di chuyển lên Lạng Sơn. Nhiều người vẫn gọi đó là cuộc hành quân lịch sử của trường Đại học Bách khoa. Cả trường được bố trí ở dọc bờ sông Kỳ Cùng thuộc hai huyện Văn Lãng và Tràng Định, dọc theo biên giới Việt - Trung.
Điểm xa nhất nằm cách Đồng Đăng 50km. Có nhiều người nói, sơ tán xa quá, không tiện liên lạc với Hà Nội, không tiện cho việc dạy và học. Cũng có người nói, Ban giám hiệu nhà trường chọn phương án an toàn nhất, vì dọc biên giới là khu vực không được ném bom trong kế hoạch của không quân Mỹ.
Khoa Mỏ - Địa chất ở xa nhất, trong mấy bản bên bờ sông Kỳ Cùng, ở sâu trong rừng, cách thị trấn Thất Khê của huyện Tràng Định gần 8km, cách quốc lộ 4 khoảng 4km. Trong nội bộ trường, mọi người gọi đó là khu C. Giao dịch bên ngoài thì lấy tên là trường Văn hoá Hà Huy Tập. Năm khoa thì gọi là 5 H, khoa chúng tôi là H5.
Chúng tôi đi chuyến tàu sáng lên ga Đồng Đăng. Từ đó theo quốc lộ 4 đi bộ gần 23km, đến bản Nà Liệt dưới chân đèo Bó Củng thì nghỉ lại, ăn tối và ngủ qua đêm ở đó. Sáng hôm sau, chúng tôi đi tiếp theo quốc lộ 4 về bản Nằm gần cầu Bản Trại, rồi lại đi xuyên rừng về bản Nà Kéo.
Chiều hôm đó, chúng tôi đến bản Nà Kéo, nơi ở mới của các lớp khối Mỏ, cách Đồng Đăng khoảng 50km. Các lớp khối Địa chất thì ở ngay bản bên cạnh, bản Phièng. Ban lãnh đạo khoa ở dưới bản Bon, cách nơi chúng tôi ở chừng 3km.
Khi mới lên, chúng tôi ở trong nhà dân, nhà của người dân tộc Nùng. Cả lớp tôi ở trong một ngôi nhà sàn nhỏ, dưới sàn là chuồng nuôi trâu bò gà lợn. Gần sáng, trâu cọ lưng vào cột nhà, rung cả sàn là tỉnh giấc. Sau một trận mưa rào của mùa hè thì ngạt thở vì mùi phân và nước tiểu của trâu bò gà lợn từ dưới sàn bốc lên!
Ngay sau ngày mới đến, nhà trường dành thời gian để sinh viên tự xây dựng lớp học và nhà ở bằng gỗ, tranh, tre nứa lấy ở trong rừng. Vật liệu lấy trong rừng được kéo ngược theo sông Kỳ Cùng về nơi xây dựng. Công việc rất vất vả nhưng mà thú vị! Chúng tôi làm việc cật lực để sớm được ra nơi ở mới.
Lớp chúng tôi 9 người, làm riêng một căn nhà 3 gian để ở. Chín anh em chúng tôi gắn bó như một gia đình. Lớp trưởng là anh Tô Đình Lưu, một cán bộ đi học, sống rất chân tình. Nhà của chúng tôi nhìn ra sông Kỳ Cùng.
Vào thu, cảnh sông nước núi rừng thật là đẹp. Tôi được sống hoà mình với thiên nhiên của núi rừng nơi biên giới.
Tháng 9, chúng tôi vào học năm thứ hai. Trường học nằm trên một ngọn đồi thấp, giữa một rừng hồi. Mọc xen với hồi là những cây hoa dẻ rừng, tháng 9 hoa dẻ nở, hương thơm ngát.
Tháng 12, quả hồi chín rụng, lớp học lại ngát mùi hương của hồi. Chúng tôi thường lên lớp vào buổi sáng. Buổi chiều là tự học. Sau giờ học là các trò chơi thể thao và làm vườn, trồng rau. Những đêm mùa đông, cơm nhà bếp không đủ no, chúng tôi đốt lửa sưởi trong nhà, luộc ngô, luộc sắn ăn thêm. Cuộc sống chốn núi rừng, thiếu thốn đủ bề nhưng lại rất thoải mái, thư thái! Cuộc sống gần như cách biệt với thế giới bên ngoài.
Thời đó, khi vào đại học, nhà nước cấp học bổng theo hoàn cảnh thu nhập của từng sinh viên, mức cao nhất được 22 đồng/tháng, đủ nộp tiền ăn cho nhà bếp, còn dư chút ít. Nhưng ít người được mức đó. Cuộc sống đa phần rất khó khăn.
Những người như tôi và một số người nữa thuộc loại gia đình có thu nhập khá thời đó, bố mẹ chu cấp hoàn toàn, cuộc sống khá thoải mái. Hồi đó tôi chơi thân với anh Nguyễn Trọng Tùng, một người bạn học cùng trường phổ thông, nhưng khác lớp, anh ấy ở lớp 10C, tôi 10H. Vào đại học, cả hai vào cùng khoa, anh ấy học ở lớp Khai thác mỏ. Gia cảnh cũng như nhau, ăn tiền bố mẹ chu cấp. Hàng tháng hai đứa ra bưu điện Thất Khê nhận tiền, đều được 30 đồng, nộp tiền ăn hết 18 đồng, còn 12 đồng tiêu vặt, mua giấy bút.
Những ngày nghỉ, Chủ nhật, chúng tôi thường ra chơi ở chợ Thất Khê, xuống Bình Độ, hoặc đi vào các bản xa, tìm hiểu nếp sống của người dân tộc Tày, Nùng. Có hôm chúng tôi đi vào trong bản Khuổi Khìn, cách nơi ở khoảng 8km, gặp đám giỗ, dân bản thấy là học sinh sơ tán từ Nà Kéo lên, giữ lại uống rượu. Khi về chếnh choáng hơi men, đường lại dốc khó đi, quá nửa đêm chúng tôi mới mò về đến nơi ở.
Số sinh viên còn lại có cuộc sống khá vất vả, ngày Chủ nhật, ngày nghỉ thường vào rừng lấy củi, lấy măng về bán cho nhà bếp, thêm tiền ăn học. Đó là một năm học đáng nhớ nhất trong cuộc đời sinh viên của tôi.
Một mình đi bộ trong đêm
Học kỳ 1 năm thứ 2 của chúng tôi kết thúc gần với dịp nghỉ tết Bính Ngọ 1966. Nhà trường có thông báo, thi học kỳ xong, sinh viên nào muốn về nhà ăn Tết, được phép về. Cuối giờ sáng ngày 14/1/1966, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, tôi thi vấn đáp môn Trắc địa. Lớp 9 người, không có ai về ăn Tết. Các lớp khác cũng không có ai về. Tôi quyết định đi một mình.
Thi xong, ăn vội cơm trưa, tôi lên đường về Hà Nội ngay. Lúc đó tôi cũng không tính sẽ đi bằng gì để xuống ga Đồng Đăng rồi lên tàu về Hà Nội. Cứ thế, tôi khoác ba lô, cùng mấy cái bánh nếp của bà mế người Nùng - mế Ngay - làm cho.
Tay cầm cây gậy trúc, tôi theo đường rừng, ra bản Nằm, nơi chúng tôi vẫn ra lấy gạo ăn hàng tháng cho bếp ăn của khoa. Bản Nằm ở ngay quốc lộ 4. Đến bản khoảng 15h, ra đến đường nhựa như thấy Hà Nội gần lắm rồi, cứ thế tôi đi xuôi, không tính 45km còn lại đi bằng gì, mấy giờ tới nơi!
Đi được một lúc thì trời tối, lại lất phất mưa phùn, tôi chỉ mong gặp được chiếc xe tải đi xuôi để xin đi nhờ, hoặc có người đi xuôi để có bạn đường. Nhưng ngược xuôi đều không một bóng người, không có làng bản nào ở cạnh.
Quốc lộ 4 hồi đó rất vắng vẻ, không như bây giờ. Với cây gậy trúc trên tay, cứ thế tôi đi, với sự háo hức về Hà Nội, về nhà ăn Tết, về gặp những người thân thương!
Sợ nhất là lúc qua đèo Bó Củng, gần đến Na Sầm, vừa khát vừa mệt, đường lại dốc. Từ Na Sầm đi xuôi thì nhà cửa nhiều hơn. Gần 3h, tôi về đến Đồng Đăng, chờ một lúc lên tàu sáng về Hà Nội.
Lượt đi sau Tết thì không như lần về, buồn vì lại phải đi xa, lên miền rừng núi. Nghĩ đến chặng đường sẽ phải đi qua tôi ái ngại! Xuống ga Đồng Đăng, tôi chờ xe đi Thất Khê. Chờ nửa ngày không có xe, tôi ngủ lại quán trọ một đêm. Sáng hôm sau có chiếc xe tải đi Cao Bằng, tôi hỏi đi nhờ, ngồi ở thùng xe tải, đến Bản Nằm xuống xe. Người thời đó rất tốt, cho đi nhờ là không lấy tiền! Một lần đi không thể nào quên.
Hồi tôi là bộ trưởng, lên làm việc với Lạng Sơn và Cao Bằng, theo quốc lộ 4 đi lên. Từ Na Sầm trở lên đường xấu, đi ô tô bị xóc, mấy người cán bộ trẻ đi cùng đã thấy ngại. Tôi bảo, hồi Tết 1966 tôi đi bộ trong đêm từ Thất Khê về Đồng Đăng, chỉ mong gặp một chiếc xe tải để đi nhờ mà không có, phải đi bộ 50km, nhiều người không tin nổi.
Tôi bảo: "Thời đó, so với những người bạn của tôi hành quân vào Nam, thấm gì! Mỗi thời, cuộc sống một khác!".
Mùa hè năm 1966, chúng tôi vẫn được nghỉ hè bình thường. Sau kỳ nghỉ hè, vào đầu tháng 9, chúng tôi được thông báo: Khoa Mỏ - Địa chất và khoa Xây dựng tách khỏi Đại học Bách khoa, thành lập trường Đại học Mỏ Địa chất và Đại học Xây dựng. Cũng thời gian đó, lớp Cơ khí của em trai tôi chuyển sang Bộ Quốc phòng, em trai tôi trở thành học viên sỹ quan kỹ thuật quân sự. Cuộc đời sinh viên thời chiến thay đổi bất thường!
Chúng tôi không phải lên Lạng Sơn nữa. Trường chuyển về địa điểm sơ tán mới ở Thuận Thành, Hà Bắc. Trường Đại học Xây dựng cũng chuyển về Hà Bắc. Nhà trường xây dựng nhà tranh tre để làm lớp học và bếp ăn chung. Bên cạnh các lớp học và nhà ăn bao giờ cũng phải xây dựng các hầm tránh bom đạn. Thường là hầm nửa nổi nửa chìm, để tránh ngập nước vào mùa mưa, mái được ken bằng gốc tre đặc, bên ngoài đắp đất dày, gọi là hầm chữ A.
Nhưng chưa bao giờ chúng tôi phải xuống tránh bom ở đó. Mỗi lần có tiếng máy bay, chúng tôi thường ra chỗ thoáng, nhìn về phía Hà Nội, những nơi có cột khói đen bốc lên, đoán xem vùng nào bị ném bom. Sinh viên và giáo viên đều ở trong nhà dân, gGiống như các cơ quan nhà nước và các trường học ở Hà Nội đi sơ tán thời đó.
Ban đầu chúng tôi ở xã Đình Tổ. Lớp chúng tôi lại ở ngay cạnh chùa Bút Tháp - ngôi chùa cổ vào loại đẹp nhất vùng Kinh Bắc. Hàng ngày, vào giờ tự học, chúng tôi vẫn ra đó học bài và đọc sách. Năm sau chúng tôi lại chuyển về xã Nguyệt Đức, ở gần đó, cho đến ngày tốt nghiệp.
Thời gian này, mọi người cũng quen dần với bom đạn. Nơi sơ tán chỉ cách Hà Nội dưới 30km, như những người dân đi sơ tán khác, ngày nghỉ, thứ 7, Chủ nhật, những sinh viên Hà Nội vẫn đi xe đạp hoặc nhảy lên xe khách về nhà, sáng thứ Hai lại lên nơi sơ tán.
Mùa hè 1967, Hà Nội bị đánh phá rất ác liệt, chúng tôi vẫn đi về, cầu Long Biên bị đánh sập, chúng tôi về Hà Nội bằng cầu phao ở Khuyến Lương, cầu phao Bác Cổ. Về Hà Nội thường xuyên, chúng tôi có điều kiện đến thư viện, hiệu sách, tìm đọc các sách báo theo sở thích.
Sang năm 1968, phần lớn thời gian của chúng tôi là đi thực tập ở các mỏ Cẩm Phả, Mạo Khê, Vàng Danh. Với một chiếc xe đạp Phượng Hoàng, tôi rong ruổi khắp vùng mỏ, đi lại giữa Hà Nội với Mạo Khê, Vàng Danh, Cẩm Phả.
Đã có những cuộc ngao du thú vị. Nửa năm cuối là thời gian làm luận án tốt nghiệp. Lễ tốt nghiệp và phát bằng được làm gọn nhẹ tại hội trường nơi sơ tán vào tháng 12/1968. Ngay sau đó, chúng tôi nhận quyết định phân công công tác. Tôi được phân công về làm việc tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Kết thúc những năm tháng sống cuộc đời của người sinh viên thời chiến.
Võ Hồng Phúc (nguyên Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư)
5 cây thị cổ thụ gần 700 năm tuổi, nơi trú ẩn của bộ đội thời chiến
5 cây thị gần 700 năm tuổi trong vườn nhà ông Lê Minh Thưởng (Nghệ An) tương truyền là nơi vua Quang Trung buộc voi chiến. Cứ vào mùa, thị lại cho quả chín mọng, thơm ngào ngạt.