Công tước Hồ Đắc
Sinh thời, khi thay mặt gia đình để viết một bài “đáp lễ” các cơ quan đã sưu tầm, tuyển chọn, và xuất bản cuốn sách về nhạc phụ của mình, ông Vũ Khoan đã hé lộ một chút về gia đình bên vợ - một gia thế “thượng lưu” đại trí thức.
“Cho tới nay tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm tưởng e dè, thậm chí có phần sợ sệt khi bước vào ngôi nhà 9 Lê Thánh Tông”, ông Vũ Khoan viết. Từ nhà mình, một gian gác thuê trong ngôi nhà ống ở phố Hàng Bạc, ông Vũ Khoan bước vào một biệt thự khang trang. Đứng trong một khuôn viên rộng rãi đã khiến ông có cảm giác khác lạ.
Ông Vũ Khoan viết tiếp: “Hơn thế nữa, từ một gia đình cán bộ rất bình thường (lúc đó ba tôi làm cán bộ công đoàn tại một xưởng thủy tinh nhỏ) lại bước vào một gia đình “thượng lưu" (mà lúc này tôi đã tìm hiểu và biết rõ hơn) với tư cách là một chàng rể tương lai thì làm sao không ngỡ ngàng?”.
Gia đình “thượng lưu" họ Hồ Đắc này vốn gốc ở làng An Truyền, huyện Phú Vang, kinh đô Huế. Ông nội Giáo sư Hồ Đắc Di là cụ hầu tước Hồ Đắc Tuấn đỗ Cử nhân Nho học, kết hôn với Công nữ Thức Huấn, con gái Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Nguyễn.
Cha của Giáo sư Hồ Đắc Di là cụ Khánh Mỹ Quận công Hồ Đắc Trung, Cử nhân Nho học, kết hôn với Công nữ Á Nam. Cụ Khánh Mỹ Quận công Hồ Đắc Trung, tước Thái tử Thiếu bảo Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Học kiêm Bộ Hộ rồi Bộ Lễ kiêm Bộ Công, Đông các Đại học sĩ, sung Cơ mật đại thần, tứ trụ đại thần triều đình thời vua Duy Tân và Khải Định. Cụ cũng là Quốc trượng (bố vợ) của vua Khải Định.
6 người con trai của cụ Hồ Đắc Trung đều là những ông nghè ta và ông nghè Tây sáng danh: Cử nhân Nho học Hồ Đắc Khải, Thượng thư Bộ Hộ triều vua Bảo Đại. Còn lại 5 ông nghè Tây là: Tiến sĩ Luật khoa Hồ Đắc Điềm, Tiến sĩ Y khoa Hồ Đắc Di, Tiến sĩ Địa chất Hồ Đắc Liên, Tiến sĩ Dược khoa Hồ Đắc Ân và Tiến sĩ Điều khiển học Hồ Đắc Thứ. Ngoài ra, bà Ân phi Hồ Thị Chỉ là vợ chính thất của vua Khải Định.
Là con trai một vị Quận công, cho nên trong gần 13 năm du học ở Bordeaux, rồi Paris, anh thanh niên Hồ Đắc Di thường được bạn bè người Pháp gọi một cách trang trọng pha chút trêu đùa là Prince Ho Dac (Công tước Hồ Đắc).
Nhà báo Hàm Châu cắt nghĩa, Công tước Hồ Đắc tựa như Công tước Andrey Bolkonsky trong bộ tiểu thuyết trường thiên bất hủ Chiến tranh và hoà bình của đại văn hào Nga Lev Tolstoy.
Triết lý không can thiệp của Giáo sư Hồ Đắc Di
Ông Vũ Khoan và bà Hồ Thể Lan - con gái đầu Giáo sư Hồ Đắc Di vốn là bạn học trong trường Thiếu sinh quân ở Việt Bắc. Họ được chuyển sang Quế Lâm rồi xuống Nam Ninh (Quảng Tây - Trung Quốc) học phổ thông.
Năm 1954 hai người cùng 98 bạn khác - “những hạt giống đỏ” được chọn đi học tiếng Nga ở Mát-xcơ-va (Liên Xô). Từ bạn đồng môn đã nảy sinh sự “đồng tình” như ông Vũ Khoan viết tự sự. Khi tìm hiểu nhau, ông cũng không biết rõ lắm về gia đình người yêu. Ông chỉ biết bà là con gái Giáo sư Hồ Đắc Di.
“Số là lúc đó, tôi còn quá trẻ, lại du học ở nước ngoài từ tuổi vị thành niên - ông Vũ Khoan viết - hơn nữa, tôi xuất thân từ một gia đình “bình thường" (bố tôi trước đây học Trường Kỹ nghệ thực hành thuộc loại “công nhân áo xanh, áo trắng”)”.
Do nhu cầu bức bách của tình hình sau ngày miền Bắc được giải phóng, đang học mới hơn một năm, học viên phải ra trường. Ông Vũ Khoan được lấy ra Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, còn bà Hồ Thể Lan về nước làm việc ở trường Đại học Y Hà Nội. Nhớ lại lần đầu tiên được gặp ông nhạc tương lai của mình vào năm 1956, khi Giáo sư Hồ Đắc Di đi Pháp đã quá giang tại Mát-xcơ-va, ông Vũ Khoan viết:
“Là “nhân viên đưa đón" của Đại sứ quán tôi đã đón và chăm lo mọi chuyện cho cụ trong thời gian ở Mát-xcơ-va. Nói là gặp nhưng tôi không dám chuyện trò gì, cũng không thấy cụ nói năng gì và càng không biết cụ suy nghĩ gì về chàng rể tương lai. Mãi sau này tôi mới hay, khi về, cụ bà hỏi, cụ mới nói lên cảm tưởng của mình rằng “nó còn trẻ lắm". Còn cảm tưởng của tôi về cụ từ buổi đầu gặp mặt cho tới khi cụ qua đời là ông cụ rất hiền”.
Thời gian sau, chàng rể tương lai ra mắt nhà vợ tại biệt thự số 9 phố Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bên nhà vợ toàn những người danh tiếng khiến cho chàng rể càng hoảng và chỉ biết im thin thít như ông Vũ Khoan tự sự.
“Tôi còn nhớ lúc đó cả nhà “vô tình” ở trên gác để "xem mặt” tôi. Cả nhà nói ở đây bao gồm chú, mẹ nhà tôi (theo thói quen của dân Huế, cha gọi là "chú"), vợ chồng Giáo sư Tôn Thất Tùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên...”.
Khi đó, ông Vũ Khoan cũng lo không biết gia đình sẽ “tiếp nhận" mình ra sao vì rõ ràng hai gia đình chẳng “môn đăng hộ đối" chút nào.
“Nhưng kể từ giờ phút ấy - ông Vũ Khoan kể - và trong suốt những năm dài sống chung sau đó, chú mẹ tôi không mảy may tính toán gì về sự “chênh lệch" giữa hai gia đình và bản thân tôi là một anh tốt đen, bằng phổ thông trung học cũng chưa có, chứ đừng nói gì về bằng đại học. Hơn thế nữa chú, mẹ tôi luôn luôn yêu thương, chăm sóc tôi quá con đẻ”.
Làm rể một gia đình thượng lưu đại trí thức, song ông Vũ Khoan nhận thấy đối với con cái, các cụ để “hoàn toàn tự do” trong sự chọn lựa về công việc cũng như việc riêng, không bao giờ can thiệp. Là Hiệu trưởng trường Đại học Y, bà Hồ Thể Lan không khó gì nhập học để có bằng đại học nhưng cụ Di đã không can thiệp. Cụ cũng không can thiệp khi người con trai duy nhất được gọi nhập ngũ vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ leo thang ác liệt nhất dù vị trí xã hội của cụ Di lúc đó là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Vũ Khoan cắt nghĩa:
“Cái tính “không can thiệp” này bắt nguồn từ triết lý tự trọng của ông cụ, đồng thời nó cũng bắt nguồn từ lòng mong muốn con cái cũng tự trọng, không dựa dẫm trên đường đời. Cái tính "không can thiệp" này đã truyền lại cho cả thế hệ con cháu về sau, giúp chúng tôi trải qua không ít sóng gió, trưởng thành không chỉ về cương vị xã hội, mà cái chính là nên người”.
“Là người lúc đầu còn là “ngoại lai” tôi cứ băn khoăn không biết cái gì là chất keo dính cái đại gia đình tứ đại đồng đường này như vậy? Đã đành là huyết thống máu mủ. Nhưng có phải chỉ gia đình này mới có mối quan hệ đó đâu? Mãi rồi tôi cũng hiểu ra. Đó là cái văn hoá của những người trí thức thực sự trọng lẽ sống trong sự ứng xử với nhau, không bao giờ quan tâm và suy bì vật chất (nếu là những người đam mê vật chất, họ đã chẳng đi theo cách mạng). Đó là vai trò trụ cột vô hình của cụ Di và ông Tùng trong gia đình. Đó là sự hiền hậu vô cùng và sự chu đáo hết mực của mẹ tôi và chị Hồ - hai cô cháu cùng nhau chia sẻ cái gánh nặng ghê gớm của một gia đình lớn trong thời bao cấp” (cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan). |