Ngày 7/6 vừa qua, 12,91 triệu sĩ tử Trung Quốc đã trải qua kỳ thi đại học (Gaokao) được xếp vào hàng khắc nghiệt nhất thế giới. Đề thi Văn vào đại học của Trung Quốc thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới.

Đọc một số đề thi Văn vào đại học năm 2023 của nước này, chúng ta có thể cảm nhận sự sáng tạo, độc đáo, tầm nhìn chiến lược của người ra đề:

Đề thi Văn của khu vực Bắc Kinh:

1.  Chọn một trong ba đề sau và trả lời theo yêu cầu đề bài. Bài viết không quá 150 chữ. Thí sinh lưu ý không được để lộ nơi ở, trường học và thông tin cá nhân.

(1) Những năm gần đây, Wechat trở thành phương tiện truyền thông truyền tải tin tức quan trọng. Lớp anh/chị định lập một tài khoản Wechat cho lớp, nhưng ý kiến của các bạn trong lớp về vấn đề cần lập hay không, lại chưa thống nhất.

Hãy nêu quan điểm của anh/chị và lý do. Yêu cầu: Lý do đầy đủ, hợp lý, rõ ràng.

(2) Tạp chí Văn học Trung Quốc dự định mở chuyên mục mới “Hoa nở trên giấy”.

Anh/chị hãy chọn một phân cảnh có liên quan đến hoa cỏ trong một tác phẩm văn học kinh điển. Viết một đoạn Văn đánh giá ngắn dựa trên cảm nhận của bản thân. Yêu cầu: Nêu được tên tác phẩm, phù hợp với nội dung tác phẩm; hợp lý, rõ ràng, ngôn ngữ ngắn gọn, dễ hiểu.

(3) Hãy viết một bài thơ ngắn hoặc một đoạn văn biểu cảm với mở đầu: “Tim đập nhanh như vậy”.

Tiêu đề tự đặt. Yêu cầu: tình cảm chân thật, ngôn ngữ sinh động, có sức lay động.

Đề thi toàn quốc A:

Đọc ngữ liệu sau và làm theo yêu cầu (60 điểm)

"Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, con người kiểm soát thời gian cũng tốt hơn. Nhưng một số người đã trở thành 'nô lệ' của thời gian'.

Câu này đã gợi cho anh/chị liên tưởng và suy nghĩ gì? Hãy viết một bài Văn dựa trên ngữ liệu trên. Yêu cầu: Thí sinh lựa chọn góc độ phù hợp, chọn dàn ý, thể văn rõ ràng, tự đặt tiêu đề; không được sao chép, không để lộ thông cá nhân, bài viết không dưới 800 từ.

Đề thi toàn quốc B:

Đọc ngữ liệu sau và làm theo yêu cầu (60 điểm):

"Thổi tắt đèn của người khác không làm bạn sáng hơn, cản đường người khác không làm bạn tiến xa hơn".

"Một bông hoa nở không phải là mùa xuân, trăm bông hoa cùng nở mới là vườn xuân. Nếu trên đời này, chỉ có một loài hoa nở, dù đẹp đến đâu cũng là đơn điệu".

Hai tư liệu trên lấy từ bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Hãy viết một bài Văn dựa trên ngữ liệu trên.

Yêu cầu: Thí sinh lựa chọn góc độ phù hợp, chọn dàn ý, thể văn rõ ràng, tự đặt tiêu đề; không được sao chép, không để lộ thông cá nhân, bài viết không dưới 800 từ.

Nhìn chung, các đề thi Văn của Trung Quốc đều không thể học tủ, học sinh thỏa sức phát triển tư duy sáng tạo. Nhìn một trong các đề thi của Đại học Bắc Kinh:

“Tạp chí Văn học Trung Quốc dự định mở chuyên mục mới “Hoa nở trên giấy”.

Anh/chị hãy chọn một phân cảnh có liên quan đến hoa cỏ trong một tác phẩm Văn học kinh điển. Viết một đoạn Văn đánh giá ngắn dựa trên cảm nhận của bản thân. Yêu cầu: Nêu được tên tác phẩm, phù hợp với nội dung tác phẩm; hợp lý, rõ ràng, ngôn ngữ ngắn gọn, dễ hiểu”, chúng ta cảm nhận rõ sự sâu sắc và yếu tố thẩm mỹ trong đề bài.

Người viết không chỉ thể hiện khả năng cảm thụ Văn học mà còn có cơ hội trình bày, lý giải những kiến thức sâu rộng, sự hiểu biết về cuộc sống, những suy tư tinh thần sâu lắng qua một đề Văn độc đáo. Học sinh yếu không thể dựa vào sự tràng giang đại hải để lấy được điểm cao.

Muốn đạt được điểm cao ở đề Văn này, người viết phải thực sự có tư duy, vốn hiểu biết và lòng yêu cái Đẹp. Đó mới thực sự là kết quả lý tưởng của việc dạy Văn và học Văn, bởi lẽ Văn học vốn là nhân học.

Cách dạy học và ra đề mới mẻ này đã góp phần tạo ra những cây bút toàn cầu đến từ Trung Quốc. Tinh thần dân tộc (vốn là đặc trưng trong văn hóa tư tưởng của Trung Hoa) gắn bó hài hòa cùng tính quốc tế thể hiện rõ nét trong các đề Văn đại học. Tầm nhìn chiến lược của các tác giả đề thi đã nâng cao chất lượng giáo dục của Trung Quốc.

Ngày càng nhiều trường đại học ở các nước phương Tây chấp nhận Gaokao để tuyển học sinh đến từ Trung Quốc, thay vì đòi hỏi họ phải trải qua các kỳ thi được quốc tế thừa nhận như SAT. Gaokao rất có thể sẽ trở thành kỳ thi đại học của tương lai. 

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM. Ảnh Huế Nguyễn

Nhìn lại đề thi Văn tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Việt Nam:

“I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm): 

Đọc đoạn trích:

Khúc nhạc đầu tiên của mùa hè

Tiếng sấm gõ trên bầu trời thật thấp

Gió từ đất thổi lên rát mặt

Cát bay, lá bay, đá bay

Mưa ròng ròng như triệu ngón tay

Lùa vào trong cổ

Ngỡ như hành quân trở về tuổi nhỏ

 
Những giọt mưa nhảy múa trước hiên nhà

[…]

Không phải của riêng ai

Cái êm ả lọc từ dữ dội

Mưa ơi mưa cho mặt người trẻ lại

Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình

Những lạch nước hiên nhà bỗng sống lại mông mênh.

(Trích Đi qua cơn giông, Anh Ngọc, 30 năm Thơ – Tuyển tập tác phẩm văn học in trên Nhân dân cuối tuần 1989 – 2019, NXB Văn học, 2019, tr.74-75)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích.

Câu 2. Chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè trong những dòng thơ sau:

Tiếng sấm gõ trên bầu trời thật thấp

Gió từ đất thổi lên rát mặt

Cát bay, lá bay, đá bay

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong những dòng thơ sau:

Mưa ròng ròng như triệu ngón tay

Lùa vào trong cổ

Ngỡ như hành quân trở về tuổi nhỏ

Những giọt mưa nhảy múa trước hiên nhà

Câu 4. Từ suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình, anh/chị hãy rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 ( 2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng hai trăm chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân viết: 

Ngoài đình bỗng dội lên một hồi trống, dồn dập, vội vã. Đàn quạ trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ hốt hoảng bay vù lên, lượn thành từng đám bay vần trên nền trời như những đám mây đen.

Người con dâu khẽ thở dài, thị nói lí nhí trong miệng:

- Trống gì đấy, u nhỉ?

- Trống thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt gồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ… – Bà lão ngoảnh vội ra ngoài. Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc.

Người con dâu có vẻ lạ lắm, thị lầm bầm:

- Ở đây vẫn phải đóng thuế cơ à?

Im lặng một lúc thị lại tiếp:

- Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy.

Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi. Cái mặt to lớn bặm lại, khó đăm đăm. Miếng cám ngậm trong miệng hắn đã bã ra chát xít… Hắn đang nghĩ đến những người phá kho thóc Nhật.

Tràng hỏi vội trong miếng ăn:

- Việt Minh phải không?

- Ừ, sao nhà biết?

Tràng không trả lời. Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm.

Hôm ấy hắn láng máng nghe người ta nói họ là Việt Minh đấy. Họ đi cướp thóc đấy. Tràng không hiểu gì sợ quá, kéo vội xe thóc của Liên đoàn tắt cánh động đi lối khác. 

À ra họ đi phá kho thóc chia cho người đói. Tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu.

Ngoài đình tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập. Mẹ và vợ Tràng đã buông đũa đứng dậy.

Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…

(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.32)

Anh/Chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó, nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích”.

Đề Văn đã có sự đổi mới so với cách ra đề trước năm 2015, trong đó 50% ngữ liệu lấy từ văn bản bên ngoài, không còn tình trạng lấy 100% từ sách giáo khoa như giai đoạn trước. Tuy nhiên cách ra đề kiểu này vẫn còn quá nhiều hạn chế.

Đầu tiên, phần Đọc hiểu quá dễ, không phù hợp với đối tượng là học sinh đã học xong lớp 12. Ba câu đầu chỉ phù hợp với học sinh cuối cấp 1, đầu cấp 2. 

Câu hỏi nhỏ thứ 4 ở phần Đọc hiểu và ngay cả câu Làm văn 5 điểm đều đứng từ “suy ngẫm của tác giả” và “cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân”, chứ không phải đứng từ góc độ cảm nhận của học sinh. 

Trong khi đó, nắm bắt suy ngẫm, tư tưởng của tác giả là điều rất khó bởi vì điều tác giả nghĩ chưa chắc đã là điều độc giả nghĩ. Ví như hai câu thơ của Hoàng Cao Khải: “Cột đồng Đông Hán nào đâu thấy/Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương”, thực rất khó để biết tác giả nghĩ gì: có thể là ca ngợi cảnh đẹp Tây Hồ, cũng có thể là còn gợi ra cái ý: lịch sử chỉ là hư vô, chỉ có trăng gió nhàn du mới là vĩnh cửu.

Tác phẩm khi đến tay người đọc, người đọc đã trở thành người đồng sáng tạo, trong nhiều trường hợp sẽ gán cho tác phẩm những điều mà tác giả có khi không nghĩ đến. Vì vậy thay vì ra đề kiểu: Từ suy ngẫm của tác giả… nên đổi lại thành: Từ cảm nhận của anh/chị…

Câu Làm văn 5 điểm vẫn đi theo lối mòn giống kiểu ra đề thời chiến, vốn chỉ tập trung vào các chủ đề “yêu” “căm” “chiến” “lạc”. Cụ thể trong đoạn trích chính là chủ đề  “chiến”, “lạc”. Vì bị áp bức bóc lột đến cùng đường mà người nông dân phải vùng lên chống lại ách thống trị, phá kho thóc Nhật, đi theo cách mạng là con đường tất yếu của những con người “nhỏ bé” (chiến).

Trong hoàn cảnh tăm tối đói khát, niềm tin về hạnh phúc, tương lai cứ âm thầm vươn lên lên từ đói khát, tối tăm, ánh sáng của niềm tin vào ngày mai tươi đẹp đến từ màu sắc của lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới (lạc)… Tất nhiên không ai có quyền lãng quên lịch sử, nhưng “ôn cố” để “tri tân”, lấy lịch sử làm bệ phóng để mang đất nước đi xa. 

Với cách ra đề này, học sinh sẽ ít có cơ hội để thể hiện sự sáng tạo, không thể làm rõ ràng yếu tố bản sắc cá nhân. 

Không thể phủ nhận sự cố gắng đổi mới của nền giáo dục Việt Nam trong suốt mấy thập kỷ qua, trong đó có cả sự cố gắng cải cách việc ra đề thi Văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Nhưng nhìn thẳng vào thực tế, vẫn cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo để học Văn đúng hướng, tạo động lực thúc đẩy quốc gia vươn tầm thế giới.

Mấy năm nay, đề Nghị luận xã hội ra hoài về hy sinh, trách nhiệm, cống hiến, nhân ái… Tôi sợ ra nhiều quá như vậy sẽ đào sâu cái rãnh nhàm chán trong học trò.  Thầy Trần Hinh (Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) 

Việc cấu trúc đề thi Ngữ văn được giữ ổn định trong 6 năm qua là một chủ trương hợp lý, tránh gây xáo trộn, tạo thêm áp lực cho học sinh.

Những đánh giá “quen thuộc đến mức nhàm chán, thiếu đột phá và sáng tạo” vốn không phải là tiêu chí dành cho một đề thi tốt. Với đề thi ở phạm vi quốc gia, cần cân nhắc đến mục đích, đối tượng, sau đó cần chú ý đến tính an toàn và sự phân hóa của nội dung đề thi.

  Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Các năm gần đây, đề Văn ở phần Đọc hiểu đã được phép sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Đây là một điểm mới. Tổ ra đề luôn hướng đến những nội dung liên quan thiết thực tới các vấn đề xã hội, thời sự, có tính giáo dục và tính mở cao.

Với phần Nghị luận văn học, nội dung còn đang bị ràng buộc bởi chương trình giáo dục phổ thông 2006, do đó chỉ có thể làm tốt nhất trong điều kiện hiện tại.

Đến năm 2025, khi không còn bị ràng buộc như vậy, đề thi sẽ mang tính sáng tạo hơn, không còn quy định về các tác phẩm cụ thể.

Dẫu vậy, việc đổi mới đề Ngữ văn vẫn sẽ cần thời gian để thay đổi dần khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

  GS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng Ban đề thi tốt nghiệp THPT 2023

Thạc sĩ Vương Thị Liên (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc Gia)

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả, bạn nghĩ gì về vấn đề này? Xin gửi ý kiến phản hồi ở phần bình luận bài viết hoặc gửi về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin trân trọng cảm ơn!
Đề thi Văn cũ kỹ, an toàn sẽ đào sâu sự nhàm chán của trò

Đề thi Văn cũ kỹ, an toàn sẽ đào sâu sự nhàm chán của trò

Nhiều giáo viên thất vọng vì đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT những năm qua nhàm chán, vấn đề đặt ra cũ kỹ, chưa phát huy sức nghĩ của học sinh. Song với những ràng buộc bởi chương trình hiện tại, Bộ GD-ĐT nói đã cố làm tốt nhất trong điều kiện có thể.