5 năm trước, giá trị tiềm ẩn của đỉnh núi Suối Giàng (tỉnh Yên Bái) - một trong sáu vùng thủy tổ trà thế giới với hàng nghìn cây trà cổ thụ - chưa được “đánh thức”.
Kế thừa nguồn tài sản quý giá mà nhiều người giàu muốn cũng chẳng có, song hàng nghìn hộ gia đình người dân tộc Mông mãi không ra khỏi được danh sách hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn.
“Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu trà với sản lượng hơn 200.000 tấn/năm nhưng rất nhiều người làm trà, chăm chè, giữ gìn cây chè lại đang nghèo nhất thế giới. Chúng ta xuất khẩu thô nên không có thương hiệu. Nhiều sản phẩm trà Việt Nam mang sang nước ngoài được bán với giá cao gấp hơn 300 lần. Đây là một nỗi đau lớn”, dòng suy nghĩ khiến chàng trai thuộc thế hệ 8x Đào Đức Hiếu nhói lòng trong buổi đầu dừng chân ở Suối Giàng năm 2016.
Tình yêu trà Suối Giàng từ ông nội (cụ Đào Thanh, nhân chứng sống của Đường mòn Hồ Chí Minh) sau nhiều năm âm ỉ trong huyết mạch và tâm trí của Hiếu, bỗng bùng lên mạnh mẽ.
Tích lũy kha khá kinh nghiệm sau những chuyến trải nghiệm tới hơn 30 quốc gia trên thế giới để tìm hiểu về trà, chàng kiến trúc sư sinh ra và lớn lên ở Hà Nội quyết định giúp bà con dân tộc Mông ở Suối Giàng thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ những cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi được “trời dưỡng” trên đỉnh núi cao.
Hiếu xây nhà ở Suối Giàng, cùng làm, cùng ăn, cùng chia sẻ kinh nghiệm làm trà với bà con. Công trình Không gian văn hóa trà ở Suối Giàng do Hiếu và một người bạn thực hiện đạt giải kiến trúc toàn quốc.
Năm đầu tiên, cứ cuối tuần, anh lại rong ruổi xe máy vượt 300 km từ Hà Nội đi Yên Bái, tối Chủ nhật phóng xe về, bất chấp rủi ro tiềm ẩn trên những khúc đường đèo hiểm trở. Động lực của chàng trai gốc Hà thành không phải là tiền mà là khát vọng “đỉnh núi này phải đổi thay”.
Nghe Hiếu kể về dự định “lên núi” làm trà giúp người Mông thoát nghèo bền vững, không ít người nói anh “không bình thường”, thậm chí còn có người nói anh bị “bỏ bùa”. Ngay cả lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng có người từng khuyên Hiếu nên chọn vùng khác dễ làm hơn.
Người Mông vốn thích sống tự do, không quen gò bó kỷ luật. Vận hành 1 hợp tác xã toàn người Mông không phải chuyện đơn giản.
Vậy nhưng Hiếu đã làm được điều bất ngờ: Tại Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng (kết hợp sản xuất trà với làm du lịch) do Hiếu làm Giám đốc, tổ viên tuân thủ nghiêm túc quy định mặc đồng phục lao động màu xanh, tổ trưởng mặc áo màu cam; mọi người đi làm đúng giờ; muốn nghỉ thì xin phép trước; không uống rượu trong giờ làm việc…
“Chúng tôi cũng từng định áp dụng điểm danh bằng vân tay, nhưng bà con ở đây lao động nhiều, vân tay mòn hết, không nhận diện được. Sau cứ đến giờ làm việc thì các tổ chụp ảnh checkin, tổ viên đến muộn từ 3 phút trở lên bị phạt 50.000 đồng, đồng thời tổ trưởng cũng bị phạt 100.000 đồng. Thế nên từ 30 phút trước khi điểm danh, mọi người đã gọi điện bảo nhau đi làm đúng giờ. Hợp tác xã của chúng tôi đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho tỉnh Yên Bái về việc thay đổi tư duy và thói quen của bà con người Mông”, Giám đốc 8x cười vui chia sẻ.
Nghe theo hướng dẫn của Giám đốc Đào Đức Hiếu, cách làm trà của bà con người Mông đã khác trước.
Bà con chọn lựa kỹ hơn khi thu hái lá chè: 1 tôm 2 lá non thì làm trà xanh; 1 tôm 2 lá trong đó có 1 lá trưởng thành thì làm hoàng trà; 2 lá trưởng thành hẳn thì làm hồng trà; còn bạch trà thì chỉ hái 1 tôm. Sau khi hái chè về sẽ xếp từng lá một vào nong để sơ chế.
Kế tiếp là chuyện chế biến: Trà xanh là chè sao suốt, tức là hái về sao ngay; hoàng trà để héo rồi mới sao; hồng trà không sao, chỉ vò ủ lên men rồi phơi; còn bạch trà sẽ ủ từng búp một mà không vò, để lên men tự nhiên 100%.
Tiếp nữa là khâu dưỡng trà để trà ngon dần lên theo thời gian: Cần để ý nhiệt độ, độ ẩm bảo quản trà phù hợp, quan tâm kỹ lưỡng giống như “chăm trẻ sơ sinh”.
Bao đời chủ yếu làm trà xanh, giờ đây, từ 1 cây trà cổ thụ, bà con người Mông ở Suối Giàng có thể làm ra nhiều dòng trà theo chuẩn quốc tế. 1kg trà trước kia chỉ bán được với giá vài trăm ngàn đồng, giờ có thể bán tới tiền triệu. Nhiều hộ dân từ chỗ hàng tháng trông chờ mấy trăm nghìn đồng trợ cấp của Nhà nước, giờ đã mua được cả ô tô.
Đào Đức Hiếu dần được bà con người Mông yêu quý như người nhà, gọi tên “Giàng A Hiếu”.
Năm 2000, một lần tới Metropole – khách sạn lâu đời nhất Hà Nội (xây dựng từ năm 1901), không thấy trà Việt trong menu, anh Hiếu dò hỏi thì biết lý do: Trà Việt Nam không đủ tiêu chuẩn. Trước cũng có trà sen Hồ Tây nhưng lại ghi “Make in Indian”.
Mang theo bằng chứng chứng minh trà Shan tuyết Suối Giàng đạt tiêu chuẩn của Pháp, anh Hiếu thuyết phục lãnh đạo Metropole: “Tôi muốn giúp khách hàng của Metropole được trải nghiệm Tinh hoa trà Việt, một phẩm trà có thể giúp chăm sóc sức khỏe của con người, một niềm tự hào quốc gia của chúng tôi”.
Không những thế, anh còn đưa ra 3 điều kiện: “Trà của tôi phải ở trang đầu tiên của menu trà, giữ nguyên tên Suối Giàng; Giá cao nhất trong bảng trà vì đó là trà cổ thụ, dòng Shan tuyết, phẩm trà cao nhất theo đánh giá trên thế giới; Trong menu phải kể câu chuyện về vùng trà của tôi”.
7 tháng sau, phía Metropole đồng ý. Và 4 năm nay, trà Shan tuyết Suối Giàng chiếm vị trí đầu trang menu trà của Metropole.
Metropole thuộc Tập đoàn Accor rất nổi tiếng trên toàn thế giới, nên sản phẩm trà của người Mông ở Suối Giàng cũng đã được hiện diện ở một số khách sạn 5 sao khác thuộc hệ thống Accor như Legacy Yên Tử, Movenpick…
Chưa hài lòng với những gì đã có, Giám đốc Đào Đức Hiếu vẫn tiếp tục đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tăng thêm giá trị cho trà Việt.
“Trà Đại hồng bào của núi Vũ Di Sơn (Trung Quốc) đang bán với giá 10,4 triệu nhân dân tệ/kg, tương đương 37 tỷ đồng/kg. Mục tiêu 1 tỷ đồng/kg trà Việt mà tôi đang hướng tới cũng không phải là điều quá viển vông”, Nghệ nhân trà thuộc thế hệ 8x tâm sự.
Với cách làm hay - Không bán nguyên liệu trà mà bán sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn cao; bán trà bằng gram chứ không bán trà bằng tấn - Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng của Giám đốc Đào Đức Hiếu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu”.
Tại một hội nghị mới đây, thay vì mang theo báo cáo như thường lệ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cầm trên tay một hộp trà, kể về Trà Shan tuyết Suối Giàng của “Giàng A Hiếu” như một câu chuyện truyền cảm hứng trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững, đa giá trị.
400 năm trước Việt Nam đã từng xuất khẩu trà Việt ra thế giới qua thương cảng Hội An. Những hóa đơn xuất khẩu trà lưu giữ tại Bảo tàng Hội An là bằng chứng rõ ràng.
Tạo tâm thế mới đưa trà Việt ra thế giới đang trở thành khát vọng mới của Nghệ nhân 8x Đào Đức Hiếu.
Với sự nhạy bén của một Thạc sĩ Thương hiệu và truyền thông marketing, Giám đốc Đào Đức Hiếu nhanh chóng đưa các sản phẩm trà Suối Giàng về 4 dòng trà chuẩn quốc tế: Green Tea (Diệp trà - trà xanh) – Yellow Tea (Hoàng trà – trà vàng) – Black Tea (Hồng trà – trà hồng) – White Tea (Bạch trà – trà trắng).
Tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm được in bằng 4 thứ tiếng: Việt Nam – Anh - Nhật Bản – Trung Quốc, để phục vụ những thị trường và khách hàng chính, trong đó nêu rõ thông tin cụ thể về 4 dòng trà.
Đặc biệt, trên mỗi hộp trà Suối Giàng đều có hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng với dòng chữ nhỏ “Tea Brand in Vietnam”, truyền tải thông điệp về thương hiệu trà Việt.
Nhiệm vụ kế tiếp: Chinh phục các tiêu chuẩn quốc tế để có “giấy thông hành” sang các thị trường ngoại.
Trà Suối Giàng có nhiều điểm nổi trội, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng ngoại quốc. Chẳng hạn, so với một loại trà trung du của Đài Loan thì trà cổ thụ Suối Giàng có hàm lượng EGCG (chống lão hóa) cao hơn khoảng 100 lần. Trà cổ thụ sống trong mây, quang hợp rất ít nên lượng tanin và cafein cũng ít, không gây mất ngủ cho người uống trà.
“Chúng tôi muốn chinh phục Nhật Bản trước vì đây là thị trường khó tính nhất thế giới. Nhật Bản chỉ có trà trung du, không có trà cổ thụ như ở Suối Giàng. Sau khi chúng tôi gửi mẫu đất, nước, trà của mình để họ xét nghiệm, họ nhận định “trà của các bạn tốt hơn của chúng tôi”. Trà của Nhật đáp ứng tiêu chuẩn Organic (hữu cơ). Còn trà Shan tuyết Suối Giàng là trà rừng, được trời dưỡng, đáp ứng yêu chuẩn Hoang dã – tiêu chuẩn cao hơn hữu cơ”, Nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu khoe khéo.
Trong lúc chờ Nhật Bản cấp chứng chỉ tiêu chuẩn Organic, Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng của Giám đốc Đào Đức Hiếu đang nỗ lực để có Chứng nhận Ecocert và Tiêu chuẩn Organic của châu Âu; đồng thời dự kiến trước năm 2025 sẽ đạt Chứng nhận Halal để chinh phục thị trường các nước Hồi giáo.
Giám đốc Hiếu cũng đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng tổ chức Asia Tea Festival tại Việt Nam ngay trong năm 2024 nhằm “kéo cả thế giới về Việt Nam”, cho thế giới biết Việt Nam có những vùng trà cổ thụ tự tin đối đầu với bất cứ đối thủ cạnh tranh nào, và Việt Nam sẵn sàng gia nhập “cuộc chơi 20 tỷ đô” của thị trường trà cổ thụ toàn cầu.
Trăn trở lớn nhất của Nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu trên hành trình đưa trà Việt ra thế giới đó là sự thiếu đoàn kết của những người làm trà trong nước.
“Tà Xùa có cái hay của Tà Xùa, Sùng Đô có cái đặc biệt của Sùng Đô, Suối Giàng có truyền thống của Suối Giàng, Tây Côn Lĩnh có sự thăng hoa của Tây Côn Lĩnh, Hà Giang là anh cả của vùng trà cổ thụ. Thế nhưng vẫn đang có tình trạng nhà này chê trà của nhà kia, ai cũng cho rằng trà nhà mình mới là ngon nhất. Không có sự đoàn kết dẫn đến việc chúng ta khó bắt tay nhau để đi xa được, mới chỉ quanh quẩn trong một “cái ao” rất nhỏ. Để ra “biển lớn”, ghi danh Việt Nam trên bản đồ trà thế giới, chúng ta cần đoàn kết”, Nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu phân tích, đồng thời báo tin vui, đầu năm 2024 vừa ra mắt thương hiệu Thập trà Long đỉnh, quy tụ sản phẩm trà từ 10 đỉnh núi – vùng trà danh tiếng, cùng bắt tay nhau ra thế giới.
Cũng trong năm 2024, anh Hiếu cùng các cộng sự sẽ ra mắt thương hiệu trà Shan Sen: Kết hợp trà Shan tuyết với hoa sen tạo thành thương hiệu trà có thể khiến người Việt Nam tự hào khi nói chuyện với bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, dự án “Việt Nam ơi – Tinh hoa làng nghề” sẽ tiếp tục được thực hiện, để trà không đơn độc “xuống núi” mà có cả gốm, lụa, gỗ, sơn mài, khảm trai… đi cùng, tạo nên không gian trà đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu hơn.
Sau 21 năm miệt mài theo đuổi ước mơ tạo giá trị đỉnh cao cho trà Việt, Nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu vẫn đau đáu nỗi niềm: Đến bao giờ có Chiến lược trà quốc gia?
“Hơn 40 tỉnh/thành ở Việt Nam có trà. Tính cả trà trung du và trà cổ thụ thì cả nước có gần 80 vùng trà. Có thể gọi Việt Nam là quốc gia trà. Vì thế, nên sớm có Chiến lược trà quốc gia”, anh Hiếu khuyến nghị.
Khi có Chiến lược trà quốc gia, con đường phát triển trà Việt sẽ có thêm sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Giả dụ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả xuất khẩu trà Việt. “Truy xuất nguồn gốc là điều kiện bắt buộc đối với sản phẩm xuất khẩu. Những cây trà cổ thụ ở Suối Giàng đều đã gắn mã QR cung cấp thông tin về cây trà, vườn trà, vùng trà; dữ liệu do con người nhập lên hệ thống công nghệ. Nhưng điều đó vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Từng cây trà ở Suối Giàng nói riêng và các vùng trà Việt Nam nói chung cần phải gắn chip NTF để tự động thu thập dữ liệu đo được về lượng nắng, mưa, gió…, qua đó cho thấy cả chất lượng của trà”, anh Hiếu lưu ý.
Bộ Khoa học Công nghệ sẽ hỗ trợ tìm chứng cứ khoa học để chứng minh Suối Giàng là thủy tổ của trà cổ thụ trên thế giới, được tổ chức uy tín trên thế giới như UNESCO công nhận (trước đây từng có một viện sĩ người Nga đã đi khoảng 120 nước trên thế giới nói rằng Suối Giàng là vùng thủy tổ trà cổ thụ thế giới), tạo thêm câu chuyện hấp dẫn để quảng bá trà Việt trên thị trường.
Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ xây dựng hồ sơ để UNESCO công nhận văn hóa trà Việt là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Bộ Y tế sẽ hỗ trợ triển khai chiến lược cân bằng Đông y và Tây y trong bệnh viện, trà trở thành vị thuốc Đông y, trong phác đồ điều trị sẽ có trà. Để rồi trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có thể trở thành điểm đến cho thế giới về du lịch y tế.
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ hỗ trợ triển khai hoạt động Tea Tour – du lịch trà. Các chuyến du lịch tới vùng trà sẽ trở thành “từ khóa” của du lịch Việt Nam, tăng thu nhập cho người dân và nền kinh tế. Bên cạnh đó là xây dựng cẩm nang văn hóa Trà Việt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ tập huấn cho bà con trồng trà công nghệ cao, công nghệ sinh học, hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn thế giới, tăng lợi thế xuất khẩu cho trà. Bên cạnh việc khai thác thì cũng phải nghĩ đến việc trồng mới để bảo tồn trà cho vài trăm năm sau.
Với sự “vào cuộc” của các bộ, ngành, hành trình phát triển của trà Việt nói chung, của những doanh nghiệp Việt làm trà như Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng nói riêng sẽ bớt khó khăn, tăng thuận lợi.
Một mong muốn lớn khác của Nghệ nhân trà thế hệ 8x: Ngày Mồng Một Tết hàng năm sẽ trở thành Ngày Trà Việt Nam. Trong ngày này, người dân cả nước sẽ uống trà Việt thay vì uống trà nhập ngoại từ Trung Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Nga, Anh…
“Uống trà đã trở thành một nét văn hóa đẹp của người Việt. Nếu mọi người Việt đều hưởng ứng Ngày Trà Việt Nam, văn hóa trà Việt Nam sẽ có sự khởi sắc”, Nghệ nhân trà nghĩ tới tương lai.