Đặc sản của người Mông ở Suối Giàng

Gia đình anh Giàng A Vảng (ở thôn Giàng A, xã Suối Giàng) nhiều đời nay gắn bó với vườn chè cổ thụ mà các cụ để lại. Cũng giống như nhiều hộ dân tộc Mông khác, những gốc chè hàng trăm năm tuổi chính là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình.

{keywords}
Cây chè ở Suối Giàng mọc thưa nên không thể thu nhiều sản lượng.

Điểm nhấn đặc biệt của vườn chè nhà anh Vảng so với các hộ xung quanh là có một cây chè tổ. “Từ hồi còn nhỏ mình đã thấy cây chè tổ như thế rồi. Có lần chuyên gia của Nga về xét nghiệm xong bảo cây được khoảng 400 năm tuổi. Đây là cây mọc tự nhiên, sau khi có quả, có hạt thì các cụ hái mang đi trồng thành các cây con ở xung quanh. Các cụ lấy hạt để trồng chứ không ươm cành như ở dưới xuôi”, anh Vảng kể.

Trò chuyện với chúng tôi, anh không giấu vẻ tự hào về đặc sản trời cho của quê hương mình: “Cây chè Suối Giàng lúc mọc lên thì thấy búp trắng tinh nên mới có tên gọi là chè tuyết. So với vùng khác thì chè Suối Giàng đảm bảo sạch, không phun thuốc, không sử dụng phân bón hóa học. Vị chè rất thơm. Nếu mang cây chè tuyết ở đây đi Hà Nội hay Yên Bái để trồng thì cũng không được chất thơm ngon như vậy”.

Cũng theo lời của anh Vảng, để có được sản phẩm chè tuyết, đòi hỏi mất khá nhiều công sức và tâm huyết: “Từ sáng sớm, vợ chồng mình đã phải đi hái chè, khi búp chè hút được sương. Thời gian hái chỉ trong khoảng từ 6h - 7h30 sáng. Ở đây không hái 1 búp 2 - 3 lá mà chỉ hái 1 búp 1 lá, về chế biến luôn, cần sao thì sao, nếu khách không cần sao thì cứ thế sấy bằng khô. Không để chè qua ngày, đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm”.

Tốn công như thế, nhưng tổng thu nhập từ chè tuyết của nhà anh Vảng chưa được nhiều. Mỗi năm từ ngày 15/3 đến ngày 15/4 là hết vụ chính, sau đó từ tháng 5 đến tháng 10 hái liên tục, cho đến tháng 11 thì hết chè. Trên tổng diện tích vườn khoảng 2ha, hơn 3.000 cây chè đem lại cho gia đình khoảng 2 tạ chè khô mỗi vụ. Với giá bán 1,5 triệu đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, tiền điện, tiền củi, tiền công hái…, gia đình anh Vảng thu về 20 triệu đồng/vụ chính. Ước tính mỗi năm chỉ thu được khoảng 60 triệu đồng vì cây chè ở Suối Giàng mọc thưa, sản lượng thấp.

“Sau khi hái chè về chế biến thành sản phẩm, gia đình chỉ đóng gói rồi mang bán ở quán của mình chứ chưa biết cách lên mạng để bán”, anh nông dân người Mông thật thà bày tỏ.

{keywords}
Cây chè tổ ở vườn nhà anh Giàng A Vảng được xác định khoảng 400 năm tuổi.

Giúp nông dân tăng thu nhập khi “lên sàn”

Cùng là nguyên liệu từ những gốc chè cổ thụ ở Suối Giàng, nhưng nhiều sản phẩm đang được bán trên mạng với giá cao hơn rất nhiều so với mức giá anh Vảng bán. Chẳng nói ở đâu xa mà ví dụ ngay trước mắt là những sản phẩm trà được bán bởi Không gian Văn hóa trà Suối Giàng.

Chị Trần Thị Thanh Lịch, nhân viên của Không gian Văn hóa trà Suối Giàng cho biết: “Từ 1 cây trà san tuyết cổ thụ, sau quá trình thu hái và sản xuất thì có tới 4 vị trà gồm: Diệp trà, hồng trà, hoàng trà và bạch trà. Bình thường du khách đến đây lần đầu đều được thưởng trà, sau đó ưng vị nào thì hỏi mua. Gần đây, chúng tôi đã mở thêm kênh bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Giá bán của bạch trà là 12 triệu đồng/kg, diệp trà 4,8 triệu đồng/kg, hồng trà 6,5 triệu đồng/kg, và hoàng trà là 4 triệu đồng/kg. Những ngày này dù dịch dã, ít khách du lịch nhưng chúng tôi vẫn bán được hàng qua mạng”.

Một trong những bí kíp giúp cho chè tuyết Suối Giàng hút khách là những câu chuyện “bắt tai” gắn liền với từng vị trà. Theo lời kể của chị Lịch, bạch trà đắt nhất do hiếm nhất, được hái từ 1 búp trắng đầu tiên của cây trà, phải hái từ khi có sương sớm, khi sương hết thì không được hái. Hồng trà có sức hấp dẫn vì đây là loại trà đã được lên men 90%, khử gần như hết chất chát, rất tốt cho sức khỏe. Diệp trà là trà phổ thông, mọi người thường hay uống, rất hợp với phái nam vì khi uống thì có vị chát nhưng sau đó lại có vị ngọt trong cổ họng. Còn hoàng trà là loại trà được lên men 30%.

Nếu anh Vảng cũng biết cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và áp dụng bí kíp kể chuyện như chị Lịch thì thu nhập của gia đình anh có thể tăng hơn nhiều so với hiện nay. Câu chuyện về cây chè tổ sẽ là điểm nhấn để nâng cao giá trị sản phẩm chè tuyết của gia đình anh, giá bán đến tay người mua có thể tăng lên mức 2,5 triệu đồng chứ không chỉ là 1,5 triệu đồng. Mặt khác, khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử, chè tuyết của nhà anh Vảng sẽ tới tay khách hàng trên khắp toàn quốc chứ không chỉ riêng tại Suối Giàng.

{keywords}
Đến tận cuối tháng 11/2021 này, anh Giàng A Vảng mới được nghe nhắc đến khái niệm sàn thương mại điện tử trong một buổi tiếp Đoàn Công tác của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tới thăm vườn chè.

Tuy nhiên, thực tế, đến tận tháng 11/2021, anh Vảng cùng rất nhiều bà con nông dân người Mông khác vẫn chưa từng được nghe đến khái niệm sàn thương mại điện tử, chỉ biết giao dịch với khách mua chè qua chiếc điện thoại “cục gạch” hoặc giao dịch trực tiếp, thậm chí có người còn chưa biết chữ.

Để giúp các hộ nông dân như nhà anh Vảng tăng thu nhập từ chè tuyết Suối Giàng, Bưu điện tỉnh Yên Bái cùng Bưu điện huyện Văn Chấn đã từng bước triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ.

“Nhân viên Bưu điện sẽ rà soát danh sách của các hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm tốt tại địa phương và các sản phẩm OCOP. Sau đó phối hợp với UBND các cấp để tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp, giúp họ nắm bắt được cách thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, từ cách tạo gian hàng, đưa thông tin sản phẩm lên đến cách vận hành gian hàng… Cùng với đó, Bưu điện sẽ hướng dẫn cách làm thương hiệu, gói bọc theo đúng tiêu chuẩn về chế độ bảo quản, an toàn thực phẩm. Mặt khác, Bưu điện còn hỗ trợ các kênh truyền thông, marketing giúp sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp tại địa bàn Yên Bái có thể vươn xa hơn về thị trường tiêu thụ”, ông Phạm Tuấn Dũng, Phó Trưởng Phòng Kinh doanh của Bưu điện tỉnh Yên Bái chia sẻ.

Thời gian qua, Bưu điện tỉnh Yên Bái đã đưa được 174 sản phẩm đặc sản, nông sản của Yên Bái lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Riêng với chè đã đưa được 3 – 5 hộ sản xuất với 15 – 20 sản phẩm ên sàn.

“Sau khi rà soát, Bưu điện sẽ cố gắng đưa tối đa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Đây là hình thức kinh doanh mới, còn nhiều khó khăn khi triển khai, đặc biệt là khi khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của bà con còn hạn chế. Tuy nhiên, Bưu điện sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ. Hy vọng sản lượng và doanh thu của các hộ sản xuất nông nghiệp sẽ được đẩy lên cao hơn trong thời gian tới”, ông Dũng nói.

Nông sản Lục Yên "bén duyên" với sàn Postmart

Nông sản Lục Yên "bén duyên" với sàn Postmart

Nhiều nông sản, sản phẩm OCOP của huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) bắt đầu được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Kênh tiêu thụ mới này hứa hẹn mang lại lợi ích bất ngờ với rất nhiều hộ nông dân miền sơn cước.

Bài và ảnh: Bình Minh