Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn tới năm 2065 dự kiến được trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 7 khai mạc ngày 20/5.

Quy hoạch này có nhiều nội dung quan trọng với kỳ vọng thay đổi diện mạo TP Hà Nội, giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải bệnh viện, trường học…

XÂY DỰNG 4 THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC

Theo quy hoạch, trong tương lai Hà Nội sẽ có 4 thành phố trực thuộc nằm ở phía Bắc, phía Tây, phía Nam và thành phố Sơn Tây - Ba Vì. Các thành phố này được kỳ vọng là động lực mới để phát triển Thủ đô trong tương lai.

Cụ thể, Hà Nội sẽ dành nguồn lực xây dựng thành phố phía Bắc, nằm trên địa bàn các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn; thành phố phía Tây thuộc khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) và thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ).

thanh pho moi 1.jpeg
Khu vực Hòa Lạc được định hướng trở thành thành phố phía Tây Thủ đô. Ảnh: Thạch Thảo

Trong đồ án, TP Hà Nội cũng dự kiến xây dựng thành phố phía Nam (huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa). Ngoài ra, Hà Nội còn nghiên cứu hình thành thêm thành phố du lịch ở khu vực Sơn Tây - Ba Vì.

Việc hình thành đô thị phía Nam nhằm xây dựng trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng) và đường cao tốc (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 5B - Tây Bắc).

TP phía Bắc sẽ lấy sân bay Nội Bài là hạt nhân định hướng phát triển các ngành nghề, dịch vụ; đồng thời là trung tâm dịch vụ về tài chính, công nghiệp công nghệ cao.

Theo quy hoạch, thành phố phía Bắc có tổng diện tích khoảng 633km2, quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người. Đất đô thị của thành phố này khoảng 385km2, dân số khoảng 2,92 triệu người; khu vực khác rộng khoảng 248km2 với dân số khoảng 330 nghìn người. Thành phố phía Bắc có khoảng 45 phường và 24 xã.

Thành phố phía Tây có trung tâm là khu công nghệ cao Hòa Lạc và thị trấn Xuân Mai. Hà Nội định hướng thành phố này sẽ là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm bán dẫn, phần mềm, trí tuệ nhân tạo.

Thành phố phía Tây có diện tích khoảng 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 135km2, dân số 1,08 triệu người; khu vực ngoại thị khoảng 116km2 với dân số 120 nghìn người. Định hướng thành phố phía Tây có 16 phường và 8 xã.

Các thành phố trên của Hà Nội được coi là vùng phát triển đặc thù, nên cần cơ chế riêng biệt, bao gồm mô hình chính quyền đô thị với thể chế đặc thù.

HOÀN THIỆN 14 TUYẾN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Về giao thông, Hà Nội định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị. Trong đó, thành phố ưu tiên hoàn thành hệ thống đường sắt vành đai và các ga đầu mối, các tuyến kết nối với thành phố phía Bắc, phía Tây.

Hà Nội cũng định hướng xây dựng mạng lưới đường sắt tại khu vực đô thị trung tâm đảm bảo mật độ các ga tàu có khoảng cách phù hợp dành cho người đi bộ, có thể di chuyển đến mọi vị trí trong thành phố, đủ năng lực thay thế giao thông cá nhân.

metro Nhon ga Ha Noi.jpeg
Hà Nội định hướng có 14 tuyến đường sắt đô thị. Ảnh: Chí Hiếu

Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt của Hà Nội sẽ kết nối với các trung tâm đô thị trong vùng và các huyện ngoại thành, đi ngầm đối với các đoạn tuyến nằm trong Vành đai 3,5.

Hà Nội cũng dành nguồn lực xây dựng đường sắt 1 ray trên cao (monorail) chạy ven hai bờ sông Hồng. Tuyến đường sắt này sẽ kết nối với những điểm du lịch, cảnh quan và cả khu vực phố cổ.

Ngoài ra, TP Hà Nội còn chuẩn bị các điều kiện để phối hợp với Trung ương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đóng vai trò là trục ‘xương sống’, tạo động lực quan trọng cho phát triển KT-XH đất nước.

Việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề về ùn tắc giao thông, mà còn thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân.

SÂN BAY THỨ 2 VÙNG THỦ ĐÔ

Theo quy hoạch, sân bay thứ 2 - Vùng thủ đô Hà Nội được đề xuất ở phía Nam. Việc xây dựng sân bay này để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, Vùng thủ đô và quốc gia.

Về vị trí sân bay sẽ được cơ quan tư vấn chuyên ngành nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050.

W-san-bay-noi-bai.jpg
Sân bay phía Nam Thủ đô được xây dựng sẽ giảm tải cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hoàng Hà

Hiện nay, TP Hà Nội đề xuất xây sân bay thứ 2 nằm ở phía Bắc của trục cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, thuộc các xã Tân Dân, Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) và Đồng Tân, Minh Đức, Trung Tú (huyện Ứng Hòa). Khu vực dự kiến xây dựng sân bay này rộng khoảng 1.700ha.

Vị trí xây dựng sân bay nằm trên trục không gian phía Nam, giúp kết nối đô thị trung tâm; liên kết Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, nếu xây ở địa điểm trên cần nâng đường trục kinh tế phía Nam lên cao tốc để phục vụ kết nối sân bay thứ 2 và bổ sung tuyến đường sắt đô thị kết nối từ ga Hà Đông đến sân bay (khoảng 32km).